
Sáng ngày 4/2/2025, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chủ trì buổi lễ.
Cùng tham dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện UNDP Việt Nam Ramla Khalidi; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thái Bình, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên cùng đông đảo người dân địa phương.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy phát biểu phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ", xuân Ất Tỵ năm 2025
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, nhằm thiết thực kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 66 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động “Tết trồng cây”, trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân năm mới Ất Tỵ, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, xuân Ất Tỵ năm 2025 và hưởng ứng Ngày Đất ngập nước thế giới năm 2025 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận; Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu trồng cây tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh và đề cao ý nghĩa của Tết trồng cây, một phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1959 nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trước bối cảnh ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang gia tăng, việc trồng cây xanh, bảo vệ và phát triển rừng không chỉ góp phần bảo tồn thiên nhiên mà còn giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, hạn chế phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu tham gia trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - xuân Ất Tỵ năm 2025
Theo Bộ trưởng, việc tổ chức lễ phát động tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước ven biển và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, rừng ngập mặn nơi đây đóng vai trò như một "bức tường xanh" bảo vệ bờ biển khỏi xói lở, hạn chế tác động của bão và nước biển dâng.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người", mong muốn Tết trồng cây mang lại những hiệu quả thiết thực "ích nước lợi nhà", Bộ trưởng Bộ TN&MT mong muốn các các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chung tay góp sức và tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động trồng cây, trồng rừng.
"Tăng cường công tác trồng cây xanh trên cả nước, không chỉ trồng cây vào dịp Tết đến, Xuân về mà trồng cây vào cả mùa xuân, trồng cây trong cả năm khi điều kiện thời tiết thích hợp. Quán triệt sâu sắc và lan tỏa rộng rãi tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa của việc trồng cây là hoạt động “tốn kém ít mà lợi ích nhiều”, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phục hồi các hệ sinh thái", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, cần đẩy mạnh các giải pháp dựa vào thiên nhiên, dựa vào cộng đồng; tất cả các thành viên trong xã hội cần chung tay ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người dân về bảo vệ, phát triển rừng. Đặc biệt là phát triển rừng bằng việc trồng cây đa mục tiêu, kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tạo sự lan tỏa và thúc đẩy nỗ lực chung của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030 và tích hợp nội dung về bảo vệ giá trị đất ngập nước, quản lý, phục hồi và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của Bộ, ngành và địa phương, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1352/QĐ-TTg ngày 8/11/2024.
Các đại biểu và đoàn viên thanh niên tham gia trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - xuân Ất Tỵ năm 2025
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của phong trào trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng từ năm 1959, trở thành truyền thống tốt đẹp mỗi dịp xuân về. Trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, việc trồng cây xanh, bảo vệ rừng và phát triển hệ sinh thái là giải pháp quan trọng giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Đặc biệt, rừng ngập mặn tại Thái Bình không chỉ có giá trị cao về đa dạng sinh học mà còn đóng vai trò là “lá chắn xanh” bảo vệ bờ biển, hạn chế xói lở, chống nước biển dâng.
Bà Nguyễn Thị Yến, Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Vụ trưởng Vụ Đất đai, ông Trần Quang Đẩu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ TN&MT, TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường trồng cây xanh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kêu gọi toàn thể các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phong trào trồng cây, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Chủ tịch tỉnh Thái Bình nhấn mạnh rằng trách nhiệm bảo vệ rừng không chỉ thuộc về cơ quan quản lý mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Đặc biệt, thanh thiếu niên được khuyến khích trở thành lực lượng tiên phong trong việc trồng cây, bảo vệ thiên nhiên và lan tỏa thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.
Chương trình năm nay cũng hướng đến mục tiêu không chỉ trồng cây mà còn chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ để cây phát triển bền vững. Đây là hành động thiết thực nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời góp phần xây dựng một Thái Bình xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững trong tương lai.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước. Sự kiện trồng rừng ngập mặn hôm nay đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái đất ngập nước trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là một hoạt động ý nghĩa, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn, giúp bảo vệ các cộng đồng ven biển, giảm thiểu tác động của thiên tai, và góp phần chống lại biến đổi khí hậu.
UNDP đã đồng hành cùng tỉnh Thái Bình trong việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy từ năm 2019, bà Ramla Khalidi cam kết, UNDP tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trồng và phục hồi hơn 4.000 ha rừng ngập mặn từ năm 2017, với kế hoạch mở rộng thêm 1.000 ha trong những năm tới.
Ngoài ra, UNDP cũng phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái ven biển, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo vệ hiệu quả hơn trong tương lai. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách quan trọng như Quyết định 1662/QĐ-TTg về bảo vệ rừng ven biển, góp phần thúc đẩy phát triển xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự kiện này cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ di sản thiên nhiên, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và các cộng đồng địa phương.
Tại chương trình, Bộ TN&MT cùng các đơn vị đồng hành đã trao tặng 10.000 cây xanh, gồm cây trang và cây bần, cho Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy và người dân địa phương. Ngay tại lễ phát động, các đại biểu cùng người dân đã tiến hành trồng 300 cây trang và 1.000 cây bần tại xã Thụy Xuân. Số cây còn lại sẽ được trồng trong những ngày tiếp theo, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/3/2025.
Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, mà còn giúp phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Nhiều hộ dân tham gia trồng cây cũng bày tỏ hy vọng vào sự phát triển của những cánh rừng ngập mặn, giúp bảo vệ đất đai, cải thiện nguồn thủy sản và nâng cao đời sống.
Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Ất Tỵ năm 2025 là lời kêu gọi mạnh mẽ đối với toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Với những nỗ lực từ chính quyền, cộng đồng và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phong trào trồng cây sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, bền vững cho thế hệ mai sau.
Bên cạnh các hoạt động trồng cây, Bộ TN&MT cũng đang triển khai nhiều chương trình thúc đẩy kinh tế xanh, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất và xây dựng các khu đô thị sinh thái. Điều này sẽ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tú Quyên
Video: Báo TN&MT