
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao Quyết định bổ nhiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy, ngày 26/8/2024
Chủ tịch nước Lương Cường chúc mừng Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy sau khi Quốc hội chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy thách thức nhưng cũng ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng của Bộ TN&MT, đóng góp to lớn vào sự phát triển bền vững của đất nước. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, bám sát chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, Bộ TN&MT đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với BĐKH, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số trong toàn Ngành.
Trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách pháp luật, Bộ TN&MT đã thể hiện vai trò tiên phong và trách nhiệm khi hoàn thành việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua 03 đạo luật chủ chốt là Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Địa chất và Khoáng sản. Song song với đó, Bộ cũng đã soạn thảo và trình ban hành nhiều chính sách quan trọng. Nhờ đó, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước, đồng thời giải quyết nhiều khó khăn trong thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương và doanh nghiệp trong quá trình quản lý và khai thác tài nguyên.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy tham dự buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám
Ngoài ra, Bộ đã triển khai các nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn về đất đai tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Khánh Hòa, cũng như Nghị quyết thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận quyền SDĐ.
Hệ thống các quy hoạch, ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy giới thiệu Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Về lĩnh vực quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên bền vững, Bộ đã thực hiện thành công Đề án kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng SDĐ năm 2024. Các địa phương đã được hướng dẫn cụ thể trong việc xây dựng và vận hành CSDL đất đai, đảm bảo kết nối đồng bộ với CSDL dân cư quốc gia. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả quản lý đất đai, giảm thiểu các tranh chấp và vướng mắc liên quan đến SDĐ.
Trong lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ đã công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình và sông Cửu Long, qua đó đảm bảo việc điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, việc giám sát và vận hành 134 hồ chứa nước lớn trên 11 lưu vực sông đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc phòng chống lũ lụt và hạn hán, đặc biệt trong bối cảnh BĐKH ngày càng phức tạp.
Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ đã phê duyệt và triển khai Đề án điều tra tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược, đồng thời tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, đảm bảo các hoạt động khai thác tài nguyên tuân thủ đúng quy định pháp luật, hạn chế tình trạng khai thác trái phép và gây ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói”
Chuyển đổi số và cải cách hành chính là một trong những điểm sáng nổi bật trong năm 2024. Bộ đã triển khai Hệ thống thông tin đất đai tập trung và kết nối đồng bộ với các hệ thống dữ liệu quốc gia. Điều này đã giúp tối ưu hóa công tác quản lý đất đai, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác QLNN. Ngoài ra, Bộ đã cung cấp 90 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 43 dịch vụ đạt mức độ toàn trình, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH, Bộ đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ 92% khu công nghiệp trên cả nước đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. Công tác giám sát và kiểm soát ô nhiễm được triển khai quyết liệt, góp phần cải thiện đáng kể chất lượng không khí và nước ở các khu đô thị lớn. Các giải pháp quản lý chất thải rắn và phân loại rác tại nguồn đã được triển khai đồng bộ, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Năm 2024 cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong công tác dự báo và cảnh báo thiên tai. Với 65% trạm quan trắc KTTV được tự động hóa, khả năng dự báo các hiện tượng thời tiết cực đoan đã được nâng cao đáng kể. Các bản tin cảnh báo sớm được cung cấp kịp thời, giúp người dân và chính quyền địa phương chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Việt Nam - Lào Hợp tác triển khai 07 nhóm nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT
Bộ TN&MT cũng tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc ký kết 17 Biên bản ghi nhớ hợp tác, thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế về TN&MT. Các hội nghị cấp cao với Hà Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực BVMT và ứng phó với BĐKH.
Năm 2025, xác định rõ phương hướng hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “Phát triển kinh tế, xã hội, BVMT là trọng tâm”, xem môi trường như một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy khẳng định, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ:
Một là, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TN&MT; trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật: Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BVMT, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học; bổ sung thể chế, chính sách để kiến tạo phát triển theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp để hướng tới mục tiêu Net Zero. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lãng phí. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển KT-XH của đất nước.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam quyết tâm cao nhất cùng thực hiện để triển khai các cam kết về BĐKH và BVMT
Ba là, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; hoàn thiện và vận hành hệ thống CSDL và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông với các CSDL quốc gia khác.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tham quan triển lãm ảnh tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Bốn là, quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế, xã hội, BVMT là trung tâm; xác định môi trường là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững Kinh tế - Văn hóa Xã hội - Môi trường; trên cơ sở đó tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật BVMT; thu hút đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật BVMT, xử lý và tái chế chất thải theo công nghệ hiện đại. Tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại. Tạo bước đột phá về tư duy và hành động để cải thiện môi trường các khu, cụm công nghiệp lưu vực sông, làng nghề, đô thị. Triển khai nghiêm túc kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về BVMT từ khi Luật BVMT có hiệu lực thi hành đến nay.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả tại tâm lũ Cổ Phúc (Trấn Yên, Yên Bái)
Năm là, triển khai kế hoạch hành động thực hiện cam kết chính trị hỗ trợ chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); triển khai các mô hình thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do BĐKH. Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới KTTV, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và phát triển KT-XH.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tặng quà các bậc lão thành cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán
Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLNN về TN&MT. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong từng tổ chức Đảng đối với các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Qua đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, năm 2025, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT sẽ triển khai công tác hợp nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “một việc không giao cho hai người”, “chức năng, nhiệm vụ quyết định tổ chức, bộ máy”. Cơ cấu tổ chức sẽ hướng tới mô hình “Trung ương tinh, tỉnh mạnh, cơ sở chuyên nghiệp”, với đội ngũ nhân lực có đủ năng lực, trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc hợp nhất này là cơ hội để kiến tạo một mô hình phát triển mới, hiệu quả và đáng tự hào. Tổ chức mới sẽ đảm nhiệm vai trò then chốt trong việc đưa môi trường trở thành nền tảng của phát triển, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là trung tâm, 3 trụ cột của phát triển bền vững.
Đứng trước sứ mệnh đó, Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT bước vào giai đoạn phát triển mới sẽ là một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của hai Bộ, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Đặc biệt, trong thời kỳ chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, hai Bộ có cơ hội lớn, tạo ra những mô hình phát triển bền vững. Sự phối hợp chặt chẽ và làm tốt công tác quản lý sẽ tạo ra một mô hình phát triển mà không chỉ ngành mà cả đất nước có thể tự hào.
Bộ mới cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo động lực mạnh mẽ cho tiến trình chuyển đổi xanh, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế carbon thấp. Môi trường trở thành triết lý, là nền tảng xuyên suốt trong mọi hoạt động của Bộ. Cùng với đó, Bộ cần tập trung xác định các nhiệm vụ và dự án trọng điểm quốc gia cho nhiệm kỳ tới, như: Đổi mới công tác xây dựng pháp luật và thể chế, đẩy mạnh phân cấp, tăng cường năng lực quản lý ở cơ sở, đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, khí tượng thủy văn,… cho các ngành, lĩnh vực kinh tế khác.
Việc sáp nhập Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT thành Bộ Nông nghiệp và Môi trường không chỉ là một bước chuyển mình về mặt tổ chức, mà còn là cơ hội vàng để kiến tạo một mô hình quản lý hiện đại, hiệu quả và bền vững. Việc này không chỉ đơn thuần là tinh gọn bộ máy, mà còn tạo nên một cơ chế quản lý thống nhất, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Đó còn là trách nhiệm đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ được thực hiện đầy đủ, toàn diện, không chồng chéo, không bỏ sót. Hạn chế tối đa những điểm giao thoa, tăng cường phân cấp và phân quyền, đồng thời gắn với việc phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi để đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ cần phát huy tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết và sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng thời, tận dụng thời cơ để biến thách thức thành cơ hội, góp phần đưa đất nước đạt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành cường quốc về năng lượng tái tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, mang lại chất lượng cuộc sống mạnh khỏe, trong lành và hạnh phúc cho người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tin tưởng rằng, Bộ mới sau khi hợp nhất sẽ hoạt động theo mô hình “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, thực hiện tốt sứ mệnh trở thành trung tâm trong tiến trình phát triển bền vững, đồng hành cùng đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy chụp ảnh cùng các đại biểu và khách mời tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành TN&MT
Chào đón năm 2025, năm của kỷ cương, đổi mới, phát triển và thành công. Với ý chí mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết và trí tuệ tập thể, chúng ta có quyền tự hào và kỳ vọng vào những thắng lợi sắp tới. Toàn ngành TN&MT quyết tâm hành động với hiệu quả cao nhất, đưa đất nước vững vàng tiến vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ.
Tú Quyên