Bản đồ mới - Dấu ấn mở không gian phát triển Việt Nam

14/07/2025

TN&MTVẽ lại bản đồ hành chính không chỉ là điều chỉnh những đường ranh trên giấy mà là bước đi chiến lược để mở rộng không gian phát triển, sắp xếp lại nguồn lực, quản lý đất đai minh bạch và tạo dư địa cho những vùng đất mới vươn lên mạnh mẽ hơn. Trong thời đại số hóa và hội nhập, mỗi tấm bản đồ chuẩn xác, công khai là cam kết phát triển đồng bộ, phát huy tối đa tiềm năng đất đai, nguồn lực quan trọng bậc nhất của quốc gia.

Ảnh minh hoạ

Vẽ lại ranh giới để mở ra không gian phát triển

Việc sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh không chỉ đơn thuần là chuyện đổi tên địa phương hay điều chỉnh vài nét trên tấm bản đồ. Đằng sau những đường ranh giới được vẽ lại là quá trình tính toán kỹ lưỡng, cân đối giữa thực tế dân cư, địa hình, lịch sử quản lý và khát vọng phát triển vùng.

Hàng đêm, trong những căn phòng sáng đèn của Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, đội ngũ kỹ sư đo đạc, chuyên gia GIS miệt mài rà soát từng đường viền, từng toạ độ. Bởi chỉ một sai số nhỏ có thể kéo theo nhiều hệ luỵ: ranh giới hành chính chồng lấn, giấy tờ đất đai không khớp thực địa, tranh chấp kéo dài giữa người dân và chính quyền.

Những nét kẻ trên bản đồ hành chính mới đã xoá đi những mảng chia cắt manh mún tồn tại hàng chục năm, hình thành các vùng đất rộng lớn hơn, liền mạch hơn, đủ điều kiện để phát triển những khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, hạ tầng giao thông liên vùng. Thay vì “mạnh ai nấy quy hoạch”, giờ đây các địa phương buộc phải nhìn chung vào một khung phát triển thống nhất.

Ông Trần Duy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) cho biết, trong thời gian rất ngắn Cục đã hoàn thành một khối lượng lớn về tất cả các phương án để trình phê duyệt. Cục đã xây dựng hơn 750 bản đồ phương án khác nhau. Cán bộ, nhân viên của Cục đã sử dụng những công nghệ hệ thống thông tin địa lý - GIS hiện đại nhất để xây dựng nên bản đồ mới.

Ông Hạnh cho biết, Cục là nơi quản lý, lưu trữ và cung cấp cơ sở liệu nền địa lý quốc gia thống nhất trên phạm vi cả nước. Cục đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu địa lý quốc gia tỉ lệ 1:25.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000. Trên bộ cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đó, cán bộ kỹ thuật đã sử dụng các công nghệ GIS hiện đại, phân tích không gian, phân tích về địa hình, giao thông, thủy hệ và dân cư để xây dựng các bản đồ phương án theo chỉ đạo và trình các cấp phê duyệt, lựa chọn phương án tối ưu nhất.

"Trong giai đoạn qua, Cục đã tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất, làm việc ngày đêm, những lúc gấp, ngày nào cũng 11h - 12h đêm mới về. Dự kiến ban đầu, Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 1.9.2025, sau đó rút ngắn đến 15.8.2025, 1.7.2025 và vừa rồi Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 202/2025/QH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và có hiệu lực thi hành ngay từ 12/6/2025. Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục đã tập trung, nỗ lực cống hiến để có thể triển khai thành công, kịp thời cung cấp các bộ bản đồ hành chính Việt Nam của 34 tỉnh, thành phố cho các tổ chức, cá nhân có thể truy cập, khai thác sử dụng” - Ông Hạnh cho biết!.

Vẽ lại bản đồ hành chính chính là đặt lại nền tảng quản lý đất đai, quy hoạch vùng, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và đồng thời là cơ sở để tính toán các chính sách dân cư, an sinh xã hội phù hợp. Những con đường mới, cầu mới, khu công nghiệp mới sẽ được kết nối đồng bộ, tránh tình trạng “xôi đỗ”, cắt khúc mà Việt Nam từng gặp phải khi địa giới hành chính còn manh mún.

Hơn hết, bản đồ mới còn mở ra cơ hội khai thác, tích hợp dữ liệu không gian với các lĩnh vực khác - từ quy hoạch giao thông, cấp sổ đỏ, quản lý tài nguyên đến phòng tránh thiên tai. Mỗi lớp bản đồ địa hình, dân cư, hạ tầng giờ đây được chồng xếp, số hoá và liên thông giữa các bộ ngành, giúp quản trị đất đai ngày càng minh bạch và linh hoạt.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới, trong đó dữ liệu không gian địa lý là một “bệ đỡ” quan trọng. Một tấm bản đồ hành chính rõ ràng, chính xác, cập nhật kịp thời sẽ là “chìa khoá” để các địa phương mở rộng không gian phát triển, kêu gọi dòng vốn, công nghệ và ý tưởng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh nhưng bền vững.

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam sẽ cung cấp được bản đồ hành chính Việt Nam tỉ lệ 1:9.000.000 miễn phí cho các tổ chức cá nhân có thể tải và sử dụng. Ảnh: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam.

Từ dữ liệu giấy đến bản đồ số - Chuyển đổi để phát triển

Đã qua rồi thời bản đồ giấy xếp trong tủ hồ sơ, chỉ vài người có quyền tra cứu. Giờ đây, bản đồ hành chính Việt Nam được số hóa, cập nhật liên tục, trở thành “trục dữ liệu” quan trọng để kết nối các hệ thống quản lý hiện đại, từ quy hoạch xây dựng, phát triển hạ tầng đến cấp sổ đỏ, quản lý dân cư, kêu gọi đầu tư.

Tại Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, những tấm bản đồ gốc đã được số hóa với độ chính xác cao, gắn mã, tọa độ chuẩn GPS, liên kết trực tiếp với ảnh vệ tinh và hệ thống GIS. Hàng trăm lớp dữ liệu chồng xếp, từ địa hình, dân cư, thủy hệ, hạ tầng - cho phép các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người dân tiếp cận thông tin đồng bộ, tránh sai lệch và mâu thuẫn.

Việc chuyển đổi từ bản đồ giấy sang bản đồ số cũng mở đường cho các tỉnh, thành phố xây dựng cổng thông tin địa lý dùng chung. Các cơ quan quản lý có thể phối hợp, chia sẻ dữ liệu trực tuyến thay vì “đóng kín” ở mỗi ngành, mỗi cấp. Nhà đầu tư dễ dàng tra cứu quy hoạch, ranh giới, thông tin pháp lý của từng mảnh đất, tránh tình trạng mua đất “dính” tranh chấp hay quy hoạch treo.

Không chỉ hỗ trợ quản lý hành chính, bản đồ số còn là công cụ quan trọng để cảnh báo thiên tai, quản lý biến động sông suối, rừng núi, tính toán rủi ro môi trường và quy hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt ngày càng rõ rệt.

Chuyển đổi từ bản đồ giấy sang bản đồ số không đơn thuần là thao tác kỹ thuật, mà là bước đi tất yếu để Việt Nam xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian đồng bộ, làm nền tảng cho mọi quyết sách phát triển bền vững.

Đường ranh không chỉ là vạch kẻ

Trên bản đồ, một đường ranh có thể chỉ là một nét kẻ mảnh, nhưng ngoài thực địa, đó là ranh giới quản lý, là không gian sống, là sinh kế của hàng triệu con người. Mỗi đường ranh chính xác nghĩa là mỗi mảnh đất, thửa ruộng, ngôi nhà được “cắm” đúng chỗ, tránh được xung đột và tranh chấp không đáng có.

Anh Nguyễn Văn Lộc, kỹ sư đã từng tham gia rà soát địa giới, chia sẻ: “Chỉ cần sai vài mét, một xóm có thể lệch sang xã khác, dân mất đất, chính quyền khó quản. Một nét kẻ trên màn hình nhưng phải đối chiếu thực địa, hồ sơ giấy tờ, ảnh vệ tinh hàng chục năm để đảm bảo khớp tuyệt đối”.

Những đường ranh mới đã xóa bỏ những “mảnh ghép” nhỏ lẻ, manh mún, vốn là điểm nghẽn trong quản lý và phát triển. Nhiều địa phương trước đây có diện tích quá nhỏ, dân cư phân tán, ngân sách hạn chế, giờ được hợp nhất thành các đơn vị đủ lớn để quy hoạch vùng đồng bộ, thu hút dự án lớn, phát triển hạ tầng liên kết.

Mỗi đường ranh trên bản đồ giờ đây mang sứ mệnh tạo ra ‘hành lang phát triển’. Không còn cảnh mỗi huyện, mỗi xã mạnh ai nấy làm quy hoạch. Các vùng sáp nhập sẽ tạo dư địa đủ lớn để hình thành cụm công nghiệp, chuỗi đô thị vệ tinh, hành lang kinh tế kết nối liên tỉnh.

Khi những nét kẻ cũ bị xoá đi, những nét ranh mới được vẽ lại, đó cũng là lúc các mối liên kết vùng hình thành. Một con đường liên xã giờ có thể trở thành trục động lực nối liền cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu với thị trường tiêu thụ. Một dòng sông điều chỉnh ranh giới có thể quyết định quyền quản lý đất đai, thủy lợi của cả một cộng đồng dân cư.

Hơn thế, mỗi đường ranh giờ đã gắn với dữ liệu số. Tọa độ, mốc giới, thông tin dân cư, quy hoạch sử dụng đất đều được quản lý tập trung, công khai. Các cấp chính quyền nhìn chung một bản đồ, doanh nghiệp nhìn chung một quy hoạch, người dân biết rõ đất của mình ở đâu, quyền lợi ra sao. Đó chính là “cơ sở pháp lý sống” để quản lý minh bạch, hạn chế khiếu kiện và thúc đẩy niềm tin của người dân vào chính sách đất đai.

Những đường ranh ấy, nhờ bàn tay, trí lực của những kỹ sư đo đạc, chuyên gia bản đồ, đã trở thành “xương sống” để Việt Nam tái thiết không gian phát triển, từ đô thị, công nghiệp đến hạ tầng giao thông, nông thôn mới. Một đường ranh chuẩn xác hôm nay, chính là bảo chứng cho vùng đất phát triển ổn định, bền vững ngày mai.

Ông Trần Duy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý (Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) cùng các nhân sự của Cục nỗ lực xây dựng bản đồ mới của Việt Nam sau khi sáp nhập còn 34 tỉnh, thành.                                                                                                                                Ảnh: Văn Thắng.

Dấu ấn không khép lại

Khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính, những tràng vỗ tay vang lên khắp hành lang Trung tâm Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý. Nhưng ngay cả trong giây phút nhẹ nhõm ấy, không ai cho rằng hành trình “vẽ lại đất nước” đã khép lại. Bởi phía sau tấm bản đồ hành chính cấp tỉnh là hàng nghìn đơn vị cấp xã, thôn, xóm,… vẫn đang tiếp tục được rà soát, đo đạc, chỉnh lý để khớp sát thực địa, tránh sai lệch dù chỉ một mét vuông đất.

Kỹ sư Trần Minh Hảo, người đã gắn bó hơn 15 năm với công tác đo đạc, kinh qua nhiều đợt điều chỉnh địa giới, chia sẻ: “Một con suối thay dòng, một bờ ruộng sạt lở, cả xóm có thể lệch sang xã khác. Nếu không đo lại, đối chiếu lại, thì giấy tờ không ăn khớp thực tế, dân thiệt thòi, chính quyền lúng túng”.

Với các kỹ sư, mỗi tấm bản đồ là một cam kết với cộng đồng. Sai số trên giấy có thể xóa bằng vài cú click, nhưng ngoài thực địa, đó là đất, là nhà, là sinh kế, là mảnh ruộng nuôi sống cả gia đình. Chính vì vậy, công tác đo đạc, kiểm tra địa giới, thu thập ý kiến người dân sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ở cơ sở, nơi biên giới, rừng sâu, vùng núi xa xôi. Hàng nghìn mốc giới, hàng trăm tuyến sông suối, bờ ruộng sẽ được định vị, số hóa, cập nhật theo thời gian thực.

Theo ông Trần Duy Hạnh, hiện nay, Cục đã sẵn sàng cung cấp bản đồ hành chính Việt Nam tỉ lệ 1:9.000.000 cho các tổ chức, cá nhân có thể tải và sử dụng. Cùng với đó, Cục cung cấp bản đồ hành chính Việt Nam tỉ lệ 1:1.000.000 trực tuyến trên môi trường mạng.

Đây là một điểm đột phá mới, cho phép các hệ thống thông tin, các hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu có thể tích hợp các dịch vụ bản đồ nền hành chính chính quy, chuẩn xác, đảm bảo thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia và luôn được cập nhật thường xuyên. Người dân, tổ chức và doanh nghiệp có thể truy nhập Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam tại địa chỉ https://vnsdi.mae.gov.vn để đăng ký và khai thác sử dụng.

Dấu ấn “vẽ lại” hôm nay vì thế không khép lại. Nó mở ra một lời cam kết mới: Việt Nam sẽ có một hệ thống bản đồ số hóa, cập nhật liên tục, làm bệ đỡ cho các ngành khác phát triển từ giao thông, công nghiệp, đô thị hóa đến quản lý đất đai, môi trường, phòng chống thiên tai. Người dân sẽ không còn lo “sổ đỏ nằm một nơi, đất thực tế một nẻo”. Nhà đầu tư sẽ không còn sợ rủi ro vì quy hoạch chồng chéo hay tranh chấp kéo dài.

Trên hành trình ấy, sẽ còn nhiều đêm trắng. Tiếng bàn phím sẽ còn gõ đều trong những căn phòng máy chủ. Ánh đèn khảo sát vẫn bám theo những nhóm đo đạc dưới sương đêm nơi biên giới, rẻo cao. Tất cả để hình hài đất nước không ngừng được “vẽ lại” - chính xác hơn, minh bạch hơn, sẵn sàng cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn.

Một dấu ấn không khép lại, mà đang mở ra một hành trình mới, hành trình quản lý thông minh, phát triển đồng bộ, bền vững, để từng mét vuông đất quê hương đều là cơ hội làm ăn, dựng xây và gìn giữ cho thế hệ mai sau.

Không gian mở, cơ hội mới

Với tấm bản đồ hành chính mới, nhiều địa phương không còn bị bó buộc bởi những đường ranh giới chồng chéo, những đơn vị hành chính manh mún kéo dài suốt nhiều thập kỷ. Không gian quản lý rộng ra, quỹ đất được sắp xếp lại, quy mô dân số thay đổi - tất cả mở ra một “khung phát triển” thống nhất, liên thông hơn.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, các dự án hạ tầng lớn vốn từng “kẹt” ở nút giao giữa ba bốn huyện nhỏ, mỗi nơi một quy hoạch, mỗi nơi một thủ tục - nay chỉ còn một đơn vị hành chính làm đầu mối. Thời gian xin giấy phép, cấp sổ, xử lý hồ sơ đầu tư được rút ngắn. Nhà đầu tư yên tâm hơn, người dân bớt vướng rào cản hành chính.

Bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ phường Tây Hoa Lư (Ninh Bình), chia sẻ: “Ngày trước một con đường liên huyện mất 2-3 năm để làm đủ giấy tờ, bây giờ sáp nhập rồi thì chỉ cần một bản đồ hành chính mới, một cơ quan đầu mối xử lý. Mọi thứ nhanh hơn, minh bạch hơn.”

Không gian phát triển mới cũng đồng nghĩa với dư địa lớn hơn để hình thành các cụm công nghiệp liên tỉnh, khu kinh tế hành lang, các vùng nguyên liệu lớn, vùng nông nghiệp tập trung. Những mảnh đất vốn nhỏ lẻ, manh mún giờ được “nối dài”, tạo cơ hội thu hút dòng vốn lớn, công nghệ hiện đại, mô hình phát triển bền vững thay vì đầu tư manh mún, rời rạc.

Điểm mới là cùng với bản đồ hành chính chuẩn, hệ thống dữ liệu số cũng được công khai. Chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân đều có thể truy cập, khai thác mọi thông tin liên quan: ranh giới, quy hoạch, dân cư, hạ tầng, mốc giới. Thay vì cất bản đồ trong ngăn tủ, giờ ai cũng có thể “nhìn chung một bức tranh”, giảm thiểu nguy cơ quy hoạch chồng lấn, hạn chế tiêu cực và tranh chấp đất đai.

Một “không gian mở” không chỉ rộng ra trên tấm bản đồ, mà còn mở ra cơ hội kết nối: kết nối cụm công nghiệp với vùng nguyên liệu, kết nối hạ tầng giao thông liên tỉnh, kết nối đô thị vệ tinh với nông thôn hiện đại. Từ đó, người dân được hưởng lợi từ các tuyến đường mới, cụm dân cư mới, dịch vụ công tốt hơn, cơ hội việc làm nhiều hơn.

Đây cũng là cơ hội để các địa phương chủ động quy hoạch bài bản hơn, đón đầu xu hướng đô thị hóa, chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu. Một tấm bản đồ rõ ràng, minh bạch và luôn được cập nhật sẽ là “chìa khóa” giúp các vùng đất xa xôi không còn “lạc hậu” trên bản đồ phát triển chung của cả nước.

Những đường ranh đã được vẽ lại và không gian phát triển mới cũng đã mở ra. Cơ hội đổi thay đang hiện diện, bắt đầu từ những tấm bản đồ số - cam kết về một quản trị minh bạch, một nền kinh tế năng động và một Việt Nam sẵn sàng vươn xa.

Hồng Minh

 

 

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Nam Sudan, Nepal tìm hiểu kinh nghiệm phát triển nông thôn bền vững của Việt Nam

Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Congo hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp

Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP: Khơi dậy nội lực, kết nối Nam - Nam, định hình chuỗi giá trị toàn cầu

Việt Nam đề xuất xây dựng mạng lưới sản phẩm OCOP toàn cầu

Nông nghiệp

Các sản phẩm nông sản Quảng Trị cần làm gì để chinh phục thị trường quốc tế

Cơ hội tái cấu trúc ngành hàng cá tra

Nghề làm miến gạo mở đường thoát nghèo tại Thanh Hóa

Việt Nam - châu Phi: Hợp tác Nam - Nam sang trang mới

Tài nguyên

Quảng Ninh: Chủ động quản lý khoáng sản, hướng tới phát triển bền vững

Điều kiện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Khát vọng quốc gia biển

Quản lý tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn, chính sách

Môi trường

TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực giảm ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng sống cho người dân

Giữ rừng mùa nắng và bài học quản lý rừng bền vững từ Kiểm lâm Chũ - Lục Ngạn

Giảm phát thải POP và thủy ngân: Việt Nam triển khai dự án quản lý vòng đời sản phẩm và tiêu dùng xanh

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông: Tận tâm chữa bệnh, trách nhiệm với môi trường

Video

Giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học trên Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khoa học

Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đạt điểm cao trong Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm của Hội đồng Giáo sư nhà nước

Hội thảo Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều: Hun đúc bản lĩnh chính trị - Thắp lửa nghiên cứu - Kiến tạo thế hệ trí thức mới cùng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW

Tạo nguyên liệu, nhiên liệu từ rác thải tại chợ Dĩnh Kế, phường Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh

Chính sách

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẵn sàng cho mùa tuyển sinh 2025 với nhiều điểm mới

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp

Kiện toàn chức năng thanh tra ngành nông nghiệp và môi trường

Tiêu chí xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Phát triển

Bản đồ Nghề cá trên biển: Giá trị, cấp bách và con đường hiện thực hóa

Bản đồ mới - Dấu ấn mở không gian phát triển Việt Nam

Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tuyển Phóng viên điện tử

Tinh hoa trà Việt: Kết nối doanh nhân, lan tỏa văn hóa

Diễn đàn

Xây dựng khung pháp lý để phát triển thị trường carbon rừng

Thời tiết ngày 15/7: Bắc Bộ nắng nóng cục bộ, Trung Bộ có nơi nắng nóng gay gắt

Thời tiết ngày 14/7: Vùng núi Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa giảm, trời mát

Thời tiết ngày 13/7: Nhiều khu vực trên cả nước mưa nắng đan xen, mưa tập trung vào chiều tối và đêm