
Bão số 3 áp sát: Ninh Bình, Thanh Hóa căng mình chống bão
21/07/2025TN&MTNgày 21/7, bão số 3 (tên quốc tế Wipha) đang di chuyển nhanh về phía đất liền với sức gió giật cấp 11, dự báo có thể đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ Hưng Yên đến Thanh Hóa. Trước diễn biến phức tạp, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống theo phương châm “4 tại chỗ”, bao gồm tạm dừng các hoạt động không thiết yếu, cấm tàu thuyền ra khơi, di dời dân cư vùng nguy hiểm, ngưng đón khách du lịch đường thủy, đồng thời huy động tối đa lực lượng kiểm tra, gia cố đê điều, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Hồi 06 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 233 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/h), giật cấp 11. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ khoảng 15-20km/h. Khả năng bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực tỉnh Hưng Yên – Ninh Bình – Thanh Hóa.
Ninh Bình: Tạm dừng các cuộc họp không cần thiết
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu: Tạm dừng các cuộc họp không thật cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 3. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến và đường đi của bão; rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "4 tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiêt bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Lực lượng Công an Thanh Hóa hỗ trợ người dân đưa thuyền vè nơi an toàn
Phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng tập trung kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền tại khu neo đậu; kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, lồng bè, chòi canh, khi bão đổ bộ vào; xử lý nghiêm chủ phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 3, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cũng có Công văn số:108 /SDL-QLLH V/v dừng đón khách du lịch bằng phương tiện đường thủy nội địa gửi Ban quản lý khu, điểm du lịch của tỉnh; Hiệp hội du lịch.
Theo đó, Sở Du lịch yêu cầu: Tạm dừng toàn bộ hoạt động đón khách du lịch bằng phương tiện đường thuỷ nội địa tại tất cả các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh kể từ 13h00 ngày 21/7/2025 cho đến khi có thông báo mới. Ban Quản lý các khu, điểm du lịch chủ động thông báo tới du khách, đơn vị lữ hành, hướng dẫn phương án di chuyển an toàn, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tại bến, bãi.
Các đơn vị vận hành phương tiện thuỷ tổ chức neo đậu tàu, thuyền tại vị trí an toàn; kiểm tra trang thiết bị cứu sinh, sẵn sàng phối hợp cứu hộ khi có yêu cầu. Sở Du lịch đề nghị các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách.
Trước đó ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Phạm Quang Ngọc đã đi kiểm tra các tuyến đê, kè, cống qua địa bàn các xã Nghĩa Sơn, Hải Thịnh, Giao Ninh, Giao Minh.
Lực lượng chức năng tỉnh Ninh Bình kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc và Đoàn đã đi kiểm tra tuyến đê hữu Ninh Cơ nằm trên địa bàn xã Nghĩa Sơn - 1 trọng điểm chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, thủy triều lên; kiểm tra tại khu vực đê kè Hải Thịnh 3, xã Hải Thịnh - tuyến đê biển đã cơ bản được kiên cố nâng cấp có khả năng chống được bão cấp 9, cấp 10; kiểm tra kè Quất Lâm nằm trên địa bàn xã Giao Ninh, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều, bão lũ trên sông; kiểm tra tại khu vực Vườn Quốc gia Xuân Thủy, có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống thiên tai, đặc biệt là bảo vệ khu vực ven biển trước tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác chỉ đạo phòng chống bão. Các địa phương, đơn vị phải theo dõi sát diễn biến bão, cập nhật thông tin đầy đủ để kịp thời điều chỉnh phương án ứng phó phù hợp. Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về công tác ứng phó tại địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Từ 7 giờ ngày 21/7, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; đến 12 giờ cùng ngày phải hoàn tất việc neo đậu, trú tránh an toàn. Từ 17 giờ ngày 21/7, tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc trên toàn tỉnh. Các địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không để người và phương tiện qua lại khi không đảm bảo an toàn.
Thanh Hóa: Rút ngắn kỳ họp HĐND tỉnh, tập trung ứng phó bão Wipha
Trước diễn biến bất thường của thời tiết và để ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống bão, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định rút ngắn thời gian Kỳ họp thứ 31, khóa XVIII vào chỉ 01 ngày 21/7/2025.
Trước đó, ngày 20/7 đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã trực tiếp đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó tại hai xã ven biển Hoa Lộc và Nga Sơn. Bí thư Nguyễn Doãn Anh yêu cầu các địa phương, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang cần theo dõi sát diễn biến của cơn bão số 3 và Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 19-CĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để triển khai ngay các phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ". Kiện toàn, thành lập ngay Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn cấp xã.
Lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền về nơi trú bão an toàn
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phát Công điện số 05/CĐ-PCTT,TKCN và PTDS cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 8 giờ sáng ngày 21/7 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão. Đây là biện pháp cấp thiết nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi gió mạnh, sóng lớn và mưa to có khả năng xảy ra trên diện rộng trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề nghị UBND các xã, phường thực hiện nghiêm các Công điện của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; đồng thời tập trung chỉ đạo sản xuất vụ thu mùa. Các địa phương chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng, huy động lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh tiêu, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.
Tỉnh Thanh Hóa đang tập trung tối đa để ứng phó với bão số 3
Sáng 21/7, Đoàn công tác của tỉnh do lãnh đạo sở Nông nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3 tại các xã Hoằng Thanh và Hoằng Tiến. Hiện 326 tàu, thuyền, bè mảng của xã Hoằng Thanh đã được ngư dân và các lực lượng hỗ trợ tập kết đến điểm tránh trú an toàn. Tại xã Hoằng Tiến có 602 phương tiện nghề cá đang neo đậu an toàn tại bến cá Hoằng Trường và khu vực sông Lạch Trường giáp bến cá.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an các xã, phường nhất là địa bàn ven biển, miền núi, chủ động tham mưu, phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, triển khai các phương án phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” để khi bão đổ bộ, gây mưa lớn sẽ có các phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chỉ huy tại chỗ, kịp thời ứng phó, xử lý ngay tại chỗ, không để thiệt hại về người và tài sản.
Tại phường Sầm Sơn, theo báo cáo của Công an phường, tính đến 7h ngày 21/7, trên địa bàn phường có tổng số 992 tàu thuyền với 3.174 lao động đã về đến bờ và neo đậu tại âu thuyền tránh bão Quảng Tiến an toàn, còn 72 phương tiện với 621 lao động đã vào tránh trú bão tại các bến ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An. Công an phường Sầm Sơn đã lên phương án di dời 182 hộ dân ở ngoài đê Quảng Châu là những điểm dễ bị ngập lụt khi bão lũ xảy ra đến nơi an toàn.
Đến nay đã nhiều tàu thuyền về nơi neo đậu an toàn
Tại phường Tĩnh Gia và Hải Bình, trước đó, ngày 20/7, tại khu neo đậu tàu thuyền thuộc địa phận giáp ranh 2 phường, gần 700 tàu thuyền đã vào vị trí neo đậu an toàn. Công an phường Tĩnh Gia đã chủ động tiến hành kiểm tra các bến đò, bến phà chở khách qua sông, cảnh báo những khu vực nguy hiểm không cho người dân và phương tiện tham gia giao thông đường thủy qua lại.
Tính đến 7 giờ sáng nay (21/7), toàn tỉnh có 6.566 phương tiện với 21.868 lao động đã neo đậu, tránh trú bão an toàn tại bến; còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động trên vùng biển Quảng Trị - Huế; Nam Biển Đông (Cà Mau). Đến thời điểm này, 100% phương tiện đang hoạt động trên biển đã nắm được thông tin về bão số 3 và thường xuyên liên lạc với gia đình cũng như cơ quan chức năng...
Hoàng Anh