
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là khâu đột phá của ngành
14/03/2025TN&MTChiều 14/3/2025 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị Nghe báo cáo công tác: Đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, quy chuẩn - tiêu chuẩn. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì Hội nghị
Khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là lĩnh vực rất quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết ngay từ đầu năm 2025 chúng ta đã có Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về ban hành chương trình hành động Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong kỷ nguyên mới.
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hai Bộ trước đây (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có chương trình hành động để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ. Khi hợp nhất hai Bộ, Ban lãnh đạo Bộ cũng ý thức được rằng đây là lĩnh vực hết sức quan trọng và là khâu đột phá của đất nước nói chung và ngành Nông nghiệp và Môi trường nói riêng. Vì vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu cần sớm tích hợp kế hoạch của hai Bộ trước đây thành kế hoạch của Bộ mới để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ.
“Đây là dịp để chúng ta nhìn chung về bức tranh quản lý khoa học, công nghệ, chuyển đổi số của hai bộ trước đây và nay là Bộ mới để thấy hiện nay chúng ta đang thực hiện như thế nào. Ví dụ, công tác quản lý đề tài các dự án sự nghiệp, dự án khoa học, công nghệ, xây dựng ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn,… Đồng thời, với bức tranh chung như vậy và để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, năm nay Bộ Nông nghiệp và Môi trường có những nhiệm vụ nào là trọng tâm trong lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Chúng ta cần có giải pháp gì, nguồn lực gì để phát triển,…”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết thêm.
Trình bày báo cáo về công tác quản lý khoa học và công nghệ, ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Hiện nay Bộ có tổng cộng 27 tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN), bao gồm: 16 viện chuyên ngành; 05 viện quy hoạch; 6 trường Đại học. Ngoài ra còn có 28 trường Cao đẳng. Hiện nay, 27 tổ chức KHCN đang quản lý, sử dụng trên 16.393 ha đất.
Trong đó, số lượng người trực tiếp tham gia làm nghiên cứu KHCN ở các tổ chức KHCN thuộc Bộ có tổng cộng 11.427 người. Trong đó làm KHCN, ở các lĩnh vực: Nông nghiệp có 9.781 người; lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường có 1.709 người.
Từ năm 2021 đến 2025, Bộ có 1.277 nhiệm vụ KHCN đã và đang triển khai: Các lĩnh vực Nông nghiệp có 831 nhiệm vụ; lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường có 446 nhiệm vụ. Cấp quốc gia có 164 nhiệm vụ; cấp Bộ có 856 nhiệm vụ; 257 nhiệm vụ tiềm năng/cấp cơ sở. Hiện nay Bộ đã hoàn thành 809 nhiệm vụ; 468 nhiệm vụ đang triển khai.
Ông Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo tại Hội nghị
Từ năm 2021 đến 2024, kinh phí cho KHCN của Bộ là 4.684,220 tỷ đồng: Lĩnh vực Nông nghiệp 3.594,495 tỷ đồng (chiếm 76,7%); Lĩnh vực tài nguyên và môi trường là 1.089,725 tỷ đồng (chiếm 23,3%). Năm 2025, tổng chi cho KHCN là 953,440 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,95% tổng chi thường xuyên của Bộ).
Hiện nay, Bộ đang quản lý 1.882 tiêu chuẩn, 200 quy chuẩn. Trong đó, lĩnh vực Nông nghiệp có 1.452 tiêu chuẩn và 106 quy chuẩn; lĩnh vực Môi trường có 430 tiêu chuẩn và 94 quy chuẩn. Dự kiến năm 2025, Bộ xây dựng 173 tiêu chuẩn và 24 quy chuẩn: lĩnh vực Nông nghiệp có 132 tiêu chuẩn và 16 quy chuẩn; lĩnh vực Môi trường: 41 tiêu chuẩn và 3 quy chuẩn.
Theo ông Long, đến nay, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, còn một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đơn cử, chất lượng xây dựng, tiến độ công bố, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm, cần được chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng; Một số lĩnh vực tài nguyên và môi trường có số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rất hạn chế cần được rà soát chung toàn bộ hệ thống để đáp ứng yêu cầu thực tế; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chưa sát thực tế, nhất là tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành trong nhiều năm, cần sửa đổi, bổ sung cho sát thực tế, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp,…
Về công tác chuyển đổi số, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hai Bộ trước đây đã ban hành đầy đủ kế hoạch triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, ...
Cụ thể đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quốc gia phần đất liền tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000, 1:50.000, 1:100.000, 1:250.000, 1:500.000, 1:1.000.000 phủ trùm cả nước; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu vực công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm; đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia cho một số khu vực trên vùng biển Việt Nam tỷ lệ 1:10.000, 1:50.000;
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo tại Hội nghị
Đã tổ chức triển khai xây dựng, tiếp tục hoàn thiện các bản đồ số địa chất khoáng sản các tỉ lệ 1:1.000.000, 1:500.000, 1:200.000; CSDL dữ liệu thống kê, kiểm kê tài nguyên, trữ lượng khoáng sản giai đoạn 2006-2020; CSDL thống kê, kiểm kê khoáng sản rắn; CSDL địa chất, khoáng sản vùng Tây Bắc; CSDL môi trường khoáng sản độc hại; CSDL môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000,...
Hiện Bộ đang quản lý, khai thác các hệ thống thông tin và CSDL về Bảo hộ giống cây trồng; Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống cây trồng; Giống cây trồng được cấp lưu hành; Giống cây trồng tự công bố lưu hành; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Chuyển đổi đất trồng lúa; Phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận lĩnh vực trồng trọt; Dữ liệu giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch ngành trồng trọt.
Đã đưa vào vận hành CSDL thức ăn chăn nuôi với 269 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên cả nước và CSDL cơ sở chăn nuôi nằm trong hệ thống CSDL nền tảng ngành nông nghiệp, nông thôn. Đã xây dựng cơ sở dữ liệu “Hệ thống thông tin tài nguyên rừng” trên trang http://maps.vnforest.gov.vn/vn gồm thông tin của 1,12 triệu chủ rừng, trong đó 1,118 triệu chủ rừng là cá nhân và 2.000 chủ rừng là tổ chức. Ngoài ra, còn một số CSDL về cơ sở nuôi động vật hoang dã, chi trả dịch vụ môi trường rừng, bản đồ mùa vụ trồng rừng... phục vụ truy cập, khai thác dữ liệu thông tin cho người dân và công tác chỉ đạo điều hành. Đã xây dựng và đưa vào vận hành một số CSDL: CSDL đê điều; CSDL sạt lở bờ sông, bờ biển; CSDL thiệt hại, khắc phục hậu quả thiên tai, hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam,…
Tuy nhiên, còn tồn tại, khó khăn, đơn cử như việc xây dựng các văn bản về quy định kỹ thuật thống nhất, đồng bộ đặc biệt là về CSDL còn chậm, dẫn đến triển khai khó khăn cả ở Bộ và các bộ, ngành, địa phương; Quy trình kỹ thuật chuyên môn lạc hậu; chậm đổi mới theo công nghệ số, chưa lấy dữ liệu làm trung tâm.
Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính của Bộ phức tạp, công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa cao. Đơn vị triển khai dịch vụ công trực tuyến còn thiếu tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện trên môi trường trực tuyến; số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn chưa được quan tâm, tỷ lệ xử lý trực tuyến, thanh toán trực tuyến của một số lĩnh vực còn rất thấp.
Chưa coi CSDL là trung tâm; công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu, dữ liệu chưa sử dụng thường xuyên trong công tác hàng ngày, chưa đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”,…
Cần rà soát lại các nhiệm vụ khoa học, công nghệ, quy chuẩn, tiêu chuẩn
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, chúng ta cần rà soát lại những kết quả của khoa học, công nghệ đã được thương mại hóa hay áp dụng vào thực tế như thế nào đối với yêu cầu phát triển của ngành. Cần xem lại việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị khoa học từ nghiệm thu đến chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ,… đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ khoa học đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Từ đó xác định những nhiệm vụ nào nghiên cứu cơ bản, nhiệm vụ nào cần nghiên cứu ứng dụng,… và chúng ta phải chấp nhận sự rủi ro với khoa học công nghệ. Cùng với đó, cần quan tâm việc hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ. Ở góc độ khác, Giáo sư Nguyễn Tùng Phong cũng cho rằng, các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của chúng ta rất nhiều do đó cần rà soát lại,…
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện tại chúng ta chưa sản xuất được hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, nhưng chúng ta có thế mạnh về những chế phẩm sinh học. Đây cũng là nội dung, chúng ta cần đánh giá về khoa học công nghệ để phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cần hệ thống hóa lại toàn bộ các đề tài khoa học ở từng lĩnh vực, để tránh trường hợp trùng lặp. Đối với CSDL, chúng ta cần minh bạch hóa và cụ thể hóa từng lĩnh vực. Từ đó, chúng ta sẽ thống kê đánh giá, triển khai một cách đồng bộ.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại Hội nghị
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong giai 2021-2025, chúng ta hoàn thành 29 quy chuẩn, hiện nay đã hoàn thành 18 quy chuẩn. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với Cục chăn nuôi và Thú y để rà soát lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Hiện tại chúng tôi sử dụng các trạm quan trắc về không khí để đưa ra cảnh báo về không khí,…mong Bộ ban hành quy chuẩn nhóm hàng hóa nguy hiểm nhóm II.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm hoàn thiện quy chế quản lý các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch - Tài chính, Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập trung góp ý cho Bộ trưởng về khoa học công nghệ góp ý sửa đổi nghị định 60 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập trong đó có các đơn bị khoa học, công nghệ.
Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ, tham mưu cho Bộ trưởng thời gian tới, phải làm gì, có các đề án, dự án gì trình Chính phủ khi ngân sách cho các nhiệm vụ khoa học, công nghệ tăng. Thứ trưởng kiến nghị Bộ trưởng thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ về chuyển đổi số, cải cách hành chính, và phát triển khoa học công nghệ.
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chỉ rõ những hạn chế của khoa học công nghệ, như tư duy bao cấp, đề tài chưa sát thực tiễn,… các đơn vị phải rà soát lại các nhiệm vụ, các đề tài khoa học của mình.
Do vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết việc xác định đề xuất các nhiệm vụ khoa học rất quan trọng. Vì từ đây mới xác định các đề tài, nghiên cứu có thực tiễn có đi vào cuộc sống hay không. Các đề tài khoa học phải sát thực tiễn, phải thúc đẩy sản xuất và đón trước sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chỉ rõ những hạn chế của khoa học công nghệ
Về tiêu chuẩn, quy chuẩn là công cụ để quản lý nên Thứ trưởng kiến nghị Bộ trưởng giao cho thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ thực hiện ban hành theo quy định, phải làm dứt điểm.
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc bộ cần rà soát, hệ thống hóa, đánh giá mức độ, hiệu quả các quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hội nhập,…
Khoa học, công nghệ phải có hơi thở cuộc sống
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đánh giá cao những kết quả về khoa học, công nghệ trong ngành Nông nghiệp và Môi trường, nhiều kết quả mang lại hiệu quả cao, như các loại giống lúa,… công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả nổi bật, giúp cho công tác quản lý nhà nước đạt hiệu quả cao, đơn cử việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Một thửa đất có đến 250 trường dữ liệu kết nối liên thống với các ngành liên quan,…
Tuy nhiên, lĩnh vực khoa học công nghệ và chuyển đổi số còn nhiều hạn chế, đơn cử các kết quả khoa học công nghệ thực sự chưa đáp ứng đẩy đủ yêu cầu thực tiễn. Giống chúng ta có nhiều thành quả, nhưng phần lớn vẫn là nhập giống từ nước ngoài, chất lượng đề tài, hiệu quả ứng dựng, sử dụng chưa cao.
Nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn lạc hậu không trong xu thế hội nhập, chậm được sửa đổi bổ sung, nên khó khăn cho xuất khẩu. Nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Quản lý hoạt động khoa học công nghệ còn nhiều tồn tại.
Lĩnh vực chuyển đổi số, hệ thống CSDL chuyên ngành của chúng ta còn phân tán, manh mún thiếu thống nhất, chưa được tích hợp, chưa được chia sẻ. Thể chế cho hoạt động chuyển đối số của ngành còn hạn chế,…
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng phụ trách và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ cố gắng trước 25/3 ban hành kế hoạch tích hợp thực hiện các Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia,…
Cùng với đó kế hoạch chuyển đổi số của Bộ cố gắng đến 25/3 hoàn thiện. Đồng thời hoàn thiện thể chế, quy định về hoạt động khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp và Môi trường trong tháng 3. Hoàn thiện thể chế phục vụ cho đấu thầu, đặt hàng thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Quang cảnh Hội nghị
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị mở rộng không gian của khoa học công nghệ và chuyển đổi số không chỉ trong phạm vi của Bộ, mà còn phải liên kết với các viện, trường và các cơ quan nghiên cứu trong ngành nông nghiệp và môi trường. Bộ trưởng cho rằng khoa học công nghệ không chỉ nghiên cứu trong phạm vi Bộ mà phải hợp tác, nhân rộng ra để nhìn nhận đó là sức mạnh của toàn ngành. Việc nghiên cứu giống tốt, công nghệ mới phải là trách nhiệm chung của nhiều đơn vị, không chỉ riêng Bộ.
Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ cải cách các thủ tục hành chính trong khoa học công nghệ; đồng thời, xây dựng chương trình chiến lược khoa học công nghệ năm 2030. “Các chương trình khoa học phải phục vụ quản lý nhà nước, phục vụ phát triển ngành, phải gắn với hơi thở cuộc sống,…”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Về hợp tác quốc tế, Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chúng ta tiếp cận công trình khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới.
Cùng với đó, sắp xếp tinh gọn các bộ máy đối với hệ thống các đơn vị khoa học công nghệ của Bộ đúng tinh thần hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chuyển sang hướng tự chủ theo cơ chế đặt hàng. Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2025 phải phê duyệt kế hoạch đề án tự chủ của tất cả các viện trực thuộc Bộ.
Về chuyển đổi số xây dựng định mức kỹ thuật, kinh tế kỹ thuật để bảo đảm xây dựng CSDL đồng bộ, thống nhất, kết nối, chia sẻ. Sớm hoàn thiện quy chế của Bộ về công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin trước 30/6. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất các dự án về hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số,… phục vụ cho chuyên môn, xã hội.
Hoàn thiện xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia, chuyên ngành Nông nghiệp và Môi trường bảo đảm kết nối liên thông đồng bộ với CSDL quốc gia.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ về khoa học công nghệ và chuyển đổi số cho giai đoạn từ nay đến năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, cần có chiến lược rõ ràng và kế hoạch tài chính cụ thể. Phát triển năng lực khoa học công nghệ, cần phát triển nhiều hơn nữa các chuyên gia, chuyên ngành, chuyên sâu hẹp của ngành.
Thêm vào đó, đề xuất tổ chức hội nghị chuyên đề về khoa học công nghệ và chuyển đổi số, với sự tham gia của các viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có cơ sở nghiên cứu lớn. Hội nghị này sẽ giúp chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế cho các hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn 5 năm tới.
Nhất Nam