
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải sinh hoạt
10/10/2023TN&MTTheo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đến nay, Cục đã nhận được 50 văn bản phản hồi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đa số các tỉnh đều có ý kiến đồng thuận và mong muốn sớm ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 15/48 tỉnh thống nhất hoàn toàn với dự thảo.
Bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất thải rắn sinh - Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới và khảo sát tại một số tỉnh của Việt Nam.
Sau khi hoàn thiện việc xây dựng dự thảo, Bộ TN&MT đã tổ chức các hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo; gửi Công văn lấy ý kiến góp ý tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo hướng dẫn kỹ thuật qua các cuộc họp xây dựng văn bản hằng tuần và tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các chuyên gia và thành viên tổ soạn thảo cùng đại diện của một số đơn vị trong Bộ.
Theo báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT) đến nay, Cục đã nhận được 50 văn bản phản hồi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đa số các tỉnh đều có ý kiến đồng thuận và mong muốn sớm ban hành Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 15/48 tỉnh thống nhất hoàn toàn với dự thảo.
Trên cơ sở góp ý của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo đảm bảo đúng quy định và tính khả thi khi thực hiện. Theo đó, dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt gồm 2 phần chính.
Phần 1: Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt: đưa ra nhân diện và phân loại thành 3 nhóm chính theo đúng quy định của Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường cho chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.
Phần 2: Tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt đưa ra các nội dung hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi xem xét, ban hành quy định chi tiết về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp với điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện có; có hoạt động tuyên truyền, phổ biến và triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.
Về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chỉ đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường khẩn trương hoàn thành việc tiếp thu ý kiến các đại biểu để gấp rút hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiến độ chất lượng. Trong đó, lưu ý tập trung vào nguyên tắc phân loại và kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt kèm theo phụ lục hướng dẫn để cho UBND các tỉnh căn cứ vào những nội dung để cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Diệp Anh