
Đến vùng Khe Sanh - Nghe đất và người kể chuyện
21/07/2025TN&MTLao Bảo đầy nắng gió còn được nhắc đến với mảnh đất lịch sử, văn hóa đa dạng. Khe Sanh, căn cứ làng Vây, sân bay Tà Cơn, đèo Sa Mù hay đến với con suối La La nước chảy hiền hòa, dòng sông Sê Pôn - biểu tượng của tình hữu nghị hai nước Việt - Lào. Thị trấn Khe Sanh cách cửa khẩu Lao Bảo chừng 20km, điểm đặc biệt của địa điểm du lịch Khe Sanh đó là đây là nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại và trường kỳ. Các địa danh này giờ đây trở thành điểm du lịch với nhiều loại hình dịch vụ lý tưởng và hấp dẫn.
Sân bay Tà Cơn không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là chứng nhân sống động của một thời kỳ chiến tranh ác liệt
Sân Bay Tà Cơn - Nơi lưu giữ ký ức…
Nằm lặng lẽ giữa thung lũng lòng chảo thuộc xã Tân Hợp, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, sân bay Tà Cơn không chỉ là một di tích lịch sử quan trọng mà còn là chứng nhân sống động của một thời kỳ chiến tranh ác liệt. Trong giai đoạn 1966-1968, sân bay Tà Cơn đóng vai trò đầu cầu không vận chiến lược của quân đội Mỹ. Từng là mắt xích quan trọng trong hệ thống cứ điểm Khe Sanh. Với vị trí chiến lược và địa hình hiểm trở, Tà Cơn trở thành mục tiêu tấn công ác liệt của quân và dân ta. Đồng thời là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân đội nhân dân Việt Nam. Sân bay Tà Cơn là một phần không thể tách rời của lịch sử dân tộc Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ quan trọng, nhằm gìn giữ những chứng tích lịch sử quý giá cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, cần phát triển các hoạt động du lịch gắn với di tích, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao nhận thức về lịch sử dân tộc.
Ngày nay, sân bay Tà Cơn không còn tiếng bom đạn mà thay vào đó là không khí yên bình của một điểm du lịch Quảng Trị lịch sử tiêu biểu. Đến đây, du khách có dịp tham quan các công sự, hầm hào hiện còn sót lại. Du khách tìm hiểu về những trận đánh lịch sử đã diễn ra trên mảnh đất này. Hệ thống công sự, hầm hào chằng chịt, kiên cố là minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh và ý chí kiên cường của quân và dân ta.
Ngày nay, sân bay Tà Cơn vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ
Dù đã nhuốm màu thời gian, nhưng vẫn còn lưu giữ những dấu tích của chiến tranh, gợi nhắc về những cuộc không kích ác liệt. Những hiện vật còn sót lại từ thời chiến, hình ảnh… được trưng bày tại đây giúp du khách hình dung rõ hơn về cuộc sống và chiến đấu của những người lính năm xưa.
Đặc biệt, vùng đất xung quanh Sân bay Tà Cơn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Du khách có thể trekking lên các ngọn đồi, khám phá rừng nguyên sinh và tận hưởng không khí trong lành.
Đèo Sa Mù - điểm săn mây
Đèo Sa Mù cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Khe Sanh, Quảng Trị nên đi. Dù vào mùa hè, miền Tây Quảng Trị bị ảnh hưởng từ gió Lào nóng rát, khô hanh, nhưng trên đỉnh đèo không khí vẫn còn khá lạnh. Vào mùa này, cung đường Sa Mù lại càng đẹp hơn khi đi phượt qua nhiều dốc đứng, quanh co với lớp sương mù bao phủ quanh đèo núi Con đèo còn được gắn với những năm tháng chống Mỹ oanh liệt, hào hùng bởi Sa Mù - Khe Sanh có địa thế hiểm trở, vùng đất gắn liền với nhưng trận lịch sử, ác liệt nhất. Người dân địa phương nơi đây kể lại, trước đây bộ đội vận chuyển vũ khí, lương thực vào phía trong phải đi vòng qua đất bạn Lào khoảng 30km vì con đèo quá cao, hiểm trở, nhiều dốc đứng, quanh co, rất khó để đi qua.
Đèo Sa Mù cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng ở Khe Sanh, Quảng Trị
Về sau, Sa Mù được Đoàn công binh Lũng Lô (Bộ Tư lệnh Công binh) khai thông phía nam đèo để tiện giao thông qua lại. Phải đến năm 1997, Bộ Quốc phòng mới chính thức cho triển khai xây dựng lại tuyến đường vượt đèo Sa Mù dài 12km để thuận tiện cho việc đi lại.
Đèo Sa Mù hiện nay đang hấp dẫn nhiều người đam mê du lịch – thích “săn” mây đến khám phá. Chúng tôi như đắm chìm trong tiên cảnh sương khói mờ ảo, nghe âm thanh núi rừng và ghi lại vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Được biết, bà con Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh sống phụ thuộc chủ yếu vào rừng. Nhờ thay đổi về nhận thức và cách làm, giờ đây, người dân vẫn sống nhờ rừng nhưng theo một cách khác, là chăm sóc, bảo vệ để hưởng lợi từ rừng, đồng thời làm du lịch sinh thái.
Thôn Chênh Vênh nằm dưới chân đèo Sa Mù. Chỉ riêng mỗi cái tên thôi, cũng đã cuốn hút lắm rồi. Mới nghe qua, đã thấy chống chếnh, chơi vơi như những đám mây bay qua đỉnh Sa Mù. Được biết, bà con nơi đây khám phá khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt như của báu… Chênh Vênh – ngôi làng nhỏ nép mình giữa đại ngàn, nơi người Vân Kiều sống chậm, giữ lấy bản sắc như gìn giữ hạt giống quý của rừng. Những đồi cà phê nối nhau ngút ngàn, thoảng hương dịu ngọt trong gió núi. Và giữa cánh đồng điện gió Hướng Hóa, tôi thấy mình đứng trước cả một vũ trụ rộng mở – gió thổi qua từng cánh quạt như chạm vào miền cảm xúc chưa từng gọi tên.
Những già làng cao tuổi kể rằng, rừng Chênh Vênh đã tồn tại dưới núi Sa Mù cả trăm năm. Thời chiến tranh, cánh rừng này còn là rừng nguyên sinh, gần như chưa có bước chân người đặt tới. Người Vân Kiều sống nhờ rừng, thức ăn cũng từ rừng, nước uống cũng từ rừng nên không ai dám xâm phạm.
Thác Tà Puồng đổ ào ào, trắng xóa, thức tỉnh kẻ lữ hành đang mộng du giữa mênh mông mây trời
Giờ đây, tour du lịch nông nghiệp, cộng đồng này cũng đã đưa những nóc nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều để cải tạo xây dựng thành Homestay phục vụ khách du lịch. Những món ẩm thực như xôi nếp rẫy, gà, heo nướng, các món rau rừng, măng luộc… được mang ra đãi khách. Du khách có thể lựa chọn ngủ trong nhà sàn hoặc ngủ lều trên đỉnh đồi để ngắm bình minh. Ngoài ra, tùy vào từng thời điểm trong năm, du khách còn được chứng kiến các lễ hội đặc sắc của người Bru Vân Kiều như Lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng Trời, lễ hội mừng làng mới, lễ hội cồng chiêng… Cùng với đó, là các phong tục tập quán truyền thống, các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên… và các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống.
Sự phát triển của du lịch do khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận, các khu trung tâm mua sắm. Trao đổi thương mại thông qua các khu kinh tế cửa khẩu theo đó gia tăng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch Quảng Trị.
Để có những bước phát triển về du lịch biên giới cửa khẩu, công tác phối hợp quản lý lữ hành, xúc tiến du lịch giữa Quảng Trị và tỉnh Xavanakhet được lãnh đạo hai bên quan tâm. Hai bên duy trì các sản phẩm du lịch như: Tuyến du lịch Lao Bảo - Xavanakhet; tour Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Densavanh (Lào), tour du lịch “1 ngày ăn cơm 3 nước”. Trung tâm kinh tế - thương mại Lao Bảo nhờ đó cũng thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.
Chúng tôi đi qua nơi ấy để lắng nghe rừng thở bằng tiếng lá, Thác Tà Puồng đổ ào ào, trắng xóa, thức tỉnh kẻ lữ hành đang mộng du giữa mênh mông mây trời. Đèo Sa Mù huyền ảo trong sương như dẫn lối vào miền cổ tích diệu vợi, mỗi khúc cua như một lời thì thầm bí ẩn từ muôn nơi. Có người đến sân bay Tà Cơn để ngẫm về chiến tranh, chúng tôi đến để cảm nhận hòa bình. Từng viên đá, từng nhành cây ngọn cỏ, từng đường băng phủ bụi thời gian như nói rằng: nơi đây từng đau, từng mất mát, để hôm nay vùng đất này vươn mình... Các cánh đồng điện gió cũng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, trở thành sản phẩm du lịch tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị
Tôi còn nhớ ngày (1/7/2025) ngày Quảng Bình và Quảng Trị về chung một nhà. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chia sẻ: “Sáp nhập giữa Quảng Bình và Quảng Trị, là sự hòa quyện của thiên nhiên, văn hóa và con người, để kiến tạo tương lai hạnh phúc hơn cho nhân dân. Hình thành tỉnh Quảng Trị mới với tầm vóc và vị thế vượt trội, hội tụ những lợi thế cạnh tranh chiến lược, đặc sắc hơn. Sự kết hợp Quảng Bình, Quảng Trị cũng nâng cao giá trị nguồn lực con người với bản sắc và ý chí kiên cường. Khát vọng thống nhất non sông từng cháy bỏng hơn bao giờ hết trên mảnh đất này và hôm nay, một cuộc “thống nhất” ở tầm vóc mới được thực hiện, vì một khát vọng chung: Dân tộc Việt Nam hùng cường và thịnh vượng!”
Chúng tôi đã đi qua những nơi như Cha Lo, Lao Bảo, Khe Sanh… để nghe đất kể chuyện về người, về thiên nhiên, về khát vọng vươn lên…
Đinh Loan