Giải pháp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn: Tiềm năng thị trường và rào cản triển khai
22/07/2025TN&MTTheo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn vẫn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp - vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn đi ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Thực trạng xử lý rác thải và công nghệ môi trường tại Việt Nam
Trong nhiều năm qua, vấn đề rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách, khi tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa và tiêu dùng tăng cao. Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó phần lớn vẫn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp – vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn đi ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn.
TS. Nguyễn Đình Trọng trình bày tham luận với tiêu đề: “Giải pháp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kinh tế tuần hoàn: Tiềm năng thị trường và rào cản triển khai” tại Hội thảo: “Mô hình kinh tế tuần hoàn - Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường” do Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường tổ chức
Các công nghệ xử lý hiện nay phần lớn nhập khẩu, chi phí đầu tư cao, vận hành phức tạp, chưa phù hợp với đặc thù rác thải Việt Nam: độ ẩm cao, chưa phân loại và có tính chất hỗn hợp. Hệ quả là nhiều nhà máy rác xây dựng xong không thể vận hành ổn định hoặc hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn lực và bức xúc trong dư luận.
Sự khác biệt trong công nghệ của Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam
Trước thực tiễn đó, Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam đã dày công nghiên cứu, làm chủ công nghệ xử lý rác phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tính đến nay, chúng tôi đã triển khai hơn 200 dự án lò đốt rác trên toàn quốc – từ vùng sâu vùng xa, miền núi đến đô thị lớn. Công nghệ của chúng tôi được thiết kế với tư duy thực tiễn, tận dụng tối đa năng lượng sinh ra từ quá trình đốt để tự duy trì cháy, giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm chi phí vận hành và giảm phát thải.
TS. Nguyễn Đình Trọng (phải) chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về mô hình lò đốt rác phát điện "Made in VietNam" tại Hội nghị Môi trường lần thứ V
Điểm đặc biệt quan trọng là: tất cả các công nghệ đều là “Make in Vietnam”, do đội ngũ kỹ sư người Việt phát triển và làm chủ hoàn toàn – từ thiết kế, chế tạo đến vận hành. Điều này giúp chi phí đầu tư thấp hơn, khả năng duy tu, bảo trì chủ động và linh hoạt, phù hợp điều kiện địa phương, phù hợp với rác thải của Việt Nam chúng ta.
T-TECH Việt Nam đang hướng đến xây dựng các khu liên hợp xử lý chất thải quy mô cấp vùng hoặc cấp tỉnh, theo mô hình kinh tế tuần hoàn: xử lý tổng thể rác sinh hoạt, rác công nghiệp, nước thải, bùn thải và cả rác thải nguy hại – với định hướng tái chế, tái sử dụng, tái sinh năng lượng. Đây là hướng đi bền vững, vừa giúp bảo vệ môi trường, vừa giảm áp lực tài chính cho địa phương và mở ra cơ hội phát triển bền vững cho ngành môi trường trong nước.
Tiềm năng thị trường và các rào cản triển khai
Về thị trường: Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng rác thải cao, dân số hơn 100 triệu người, đang hướng tới phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải khí nhà kính. Điều này tạo ra một thị trường rất tiềm năng cho các giải pháp xử lý chất thải theo hướng kinh tế tuần hoàn. Nhiều địa phương sẵn sàng xã hội hóa đầu tư, hợp tác công tư trong lĩnh vực môi trường.
Tuy nhiên, thực tế triển khai các dự án xử lý rác hiện nay vẫn gặp nhiều rào cản lớn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ và lan tỏa mô hình hiệu quả.
Về rào cản: Thể chế, chính sách còn thiếu linh hoạt: Các quy trình đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư còn cứng nhắc, thiếu cơ chế thử nghiệm (pilot) cho các công nghệ mới, doanh nghiệp công nghệ trong nước dễ bị loại ngay từ “vòng gửi xe” nếu chưa từng có dự án tương tự quy mô lớn.
Vấn đề “con gà – quả trứng”: Khi chưa có mô hình mẫu thì không được tham gia đấu thầu; nhưng nếu không được đầu tư thí điểm thì làm sao có mô hình để chứng minh hiệu quả?
Phối cảnh một nhà máy xử lý chất thải do Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam
Thiếu cơ chế giao nhiệm vụ – đặt hàng doanh nghiệp nội địa: Nhiều nước phát triển đã có chính sách đặt hàng công nghệ từ doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt dù có năng lực công nghệ, tài chính vẫn chưa có cơ chế phù hợp để được “trao cơ hội”.
Kiến nghị – đề xuất giải pháp hỗ trợ triển khai
Từ thực tiễn triển khai hơn 22 năm qua, chúng tôi tha thiết đề xuất các kiến nghị như sau:
- Cho phép Tập đoàn T-TECH được triển khai thí điểm các mô hình Khu liên hợp kinh tế tuần hoàn tại 3 miền Bắc – Trung – Nam, sử dụng nguồn vốn và công nghệ của chính doanh nghiệp, với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn, để chứng minh hiệu quả.
- Áp dụng cơ chế đặt hàng – giao nhiệm vụ theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Chính phủ, để thúc đẩy doanh nghiệp nội phát triển, tăng tỷ lệ nội địa hóa, và tránh phụ thuộc quá mức vào công nghệ nước ngoài.
- Miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Đầu tư, và các nghị định liên quan, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực then chốt nhưng khó khăn này.
- Hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách trong lĩnh vực xử lý chất thải và kinh tế tuần hoàn, cho phép các mô hình tiên phong được áp dụng thực tế, kiểm chứng hiệu quả trước khi nhân rộng.
Kết luận
Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam cam kết sẵn sàng đóng góp toàn bộ nguồn lực, trí tuệ và công nghệ của mình để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng chính quyền, cộng đồng và doanh nghiệp để giải quyết tận gốc vấn đề môi trường.
Kinh tế tuần hoàn không thể chỉ là khẩu hiệu. Nó cần mô hình cụ thể, công nghệ cụ thể và nhà đầu tư cụ thể. Và hơn hết, cần một cơ chế cụ thể để hành động.
Chúng tôi luôn sẵn sàng hành động – nếu được trao cơ hội, nếu được đồng thuận với các đề xuất trên.
TS. Nguyễn Đình Trọng
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam
Nguồn: Báo cáo Hội thảo "Mô hình kinh tế tuần hoàn - Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường" năm 2025
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam: Thực trạng và hướng đi;
- TS. Nguyễn Đình Trọng: Công nghệ Việt xử lý hiệu quả “Rác thải Việt”;
- TS. Nguyễn Đình Trọng: Người kiến tạo công nghệ xử lý rác thải “Made in Việt Nam”.