
Hội nghị tập huấn triển khai 4 nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số
11/07/2025TN&MTSáng 11/7, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã tổ chức Hội nghị tập huấn trực tiếp, kết hợp trực tuyến, đồng thời kết nối đến các điểm cầu tại các ban Đảng của Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan của Chính phủ, các thành ủy, thành ủy, các UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan xã, phường trên toàn quốc.
Triển khai 3 nền tảng, 4 nội dung trọng tâm trong chuyển đổi số
Hội nghị nhằm tập huấn cho các cơ quan, hệ thống tổ chức chính trị từ trung ương đến địa phương cách sử dụng hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị sáng kiến, giải pháp (PAKN, SKGP) trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tháo gỡ vướng mắc trong việc thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW của Ban chỉ đạo Trung ương và hướng dân xử lý văn bản mật trên hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của các cơ quan đảng…
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Tổ phó Thường trực Tổ Giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát biểu tại Hội nghị
Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu, Tổ phó Thường trực Tổ giúp việc Ban chỉ đạo Trung ương. Tham gia điểm cầu trực tuyến tại các điểm cầu trung ương và địa phương có các đồng chí Chánh văn phòng, lãnh đạo các Cục, Vụ, các ban đảng Trung ương; Chánh văn phòng, lãnh đạo các ban đảng các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan của Chính phủ; Chánh văn phòng tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các ban đảng của các xã, phường và các phòng, ban chuyên môn trong cả nước.
Chủ trì và phát biểu khai mạc buổi tập huấn, ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục chuyển đổi số - Cơ yếu cho biết, trước đó tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí trong Ban chỉ đạo Trung ương đã chính thức “kích hoạt” 3 nền tảng ứng dụng, đó là: Hệ thống thu thập phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức những khó khăn, giải pháp sáng kiến trong việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ; Hệ thống giảm sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương và Cổng thông tin điện tử của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Tại kết luận Hội nghị sơ kết, Tổng Bí thư thư đã yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng, cơ quan Thường trực khẩn trương tập huấn, phổ biến, tuyên truyền đến các bộ, công chức, đảng viên trong hệ thống chính trị hiểu về hệ thống phản ánh, kiến nghị và biết cách sử dụng hệ thống phản ánh, kiến nghị. Và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc xem xét xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ xứng tầm.
“Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, để mọi tiếng nói của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đều được các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, xem xét và xử lý kịp thời”, Cục trưởng Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Hội nghị có ý nghĩa thiết thực và cấp thiết, nhằm góp phần thống nhất nhận thức, nâng cao năng lực xử lý, sử dụng công nghệ, xử lý thông tin phản hồi từ dưới cơ sở, thúc đẩy thông suốt hệ thống điều hành trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Hội nghị đã tập trung vào 4 nội dung chính sau:
Một là: Giới thiệu nội dung cốt lõi của Quy chế số 03-QC/BCĐTW ngày 23/6/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương của Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hai là: Tập huấn sử dụng hệ thống thông tin phản ánh, kiến nghị trên tên miền (phaanhkiennghi.nghiquyet57.vn).
Ba là: Trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình truyển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW của Ban chỉ đạo Trung ương tại các Bộ, ngành, địa phương.
Bốn là: Hướng dẫn về việc cấp chứng thư số phục vụ việc vận hành hệ thống hành chính 3 cấp và xử lý văn bản mật trên hệ thống điều hành tác nghiệp của các cơ quan đảng.
Theo đó, Hội nghị đã cung cấp, hướng dẫn cho tất cả các đơn vị từ Trung ương, đến địa phương làm quen và nắm được cách sử dụng các phần mềm, áp ứng dụng trong việc ứng dụng chuyển đổi số; quy trình thực hiện, giải quyết các PAKN, SKGP của đơn vị tiếp nhận, cơ quan xử lý, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và các cá nhân, doanh nghiệp có PAKN, SKGP gửi đến các cơ quan chức năng cần xử lý…
Nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin
Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Viettel, đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số quốc gia đã hướng dẫn cụ thể cách sử dụng từng ứng dụng. Cụ thể, đối với việc triển khai Quy chế số 03-QC/BCĐTW, có 6 Chương, 36 Điều. Ngoài ra để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân gửi phản ánh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền, ứng dụng đã soạn ra 14 loại vấn đề để hướng dẫn các cá nhân, tổ chức lựa chọn cơ quan chức năng phản ánh nhằm sát với chủ đề phản ánh.
“Khi người dân phản ánh, kiến nghị, thông tin sẽ được phân loại gửi đến cơ quan có thẩm quyền phù hợp để xử lý. Nếu chưa xác định được đối tượng xử lý, thông tin ý kiến sẽ được chuyển về cổng thông tin ĐCSVN để nghiên cứu, xử lý tiếp. Sau khi có thông tin, trở lời ý kiến của người dân sẽ được chuyển về qua áp, tin nhắn của người dân”, vị đại diện Viettel chia sẻ.
Hay việc tiếp nhận, xử lý những PAKN, SKGP về Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ được cập nhật hàng ngày. Theo đó, Ban chỉ đạo sẽ thường xuyên liên lạc và chỉ đạo các địa phương liên quan đến những kiến nghị của người dân để sớm có những trả lời gửi đến người dân. Hàng ngày các địa phương phải gửi báo cáo trước 16 giờ để Ban chỉ đạo tổng hợp báo cáo lãnh đạo Trung ương vào 20 giờ cùng ngày. Trước đó, các thông tin PAKN, SKGP của người dân sẽ được bộ phận tiếp nhận xử lý trong 2 ngày phải phản hồi, nếu không đúng đối tượng tiếp nhận, sau 5 ngày không xử lý thì thông tin được coi là quá hạn. Đối với các cơ quan xử lý, sẽ xử lý trong 15 ngày làm việc, hoặc yêu cầu phối hợp, bổ sung thông tin, sau đó trả kết quả cho đơn vị chủ trì.
Đối với những PAKN, SKGP đủ hồ sơ, thì đơn vị tiếp nhận tiến hành xử lý, nếu không đúng, đủ hồ sơ, hoặc có thông tin sai lệch, xuyên tạc… đơn vị tiếp nhận sẽ từ chối tiếp nhận. Sau khi từ chối, đơn vị tiếp nhận sẽ nhận được e-mail phản hồi, trong đó nêu rõ lý do vì sao từ chối tiếp nhận. Nếu đơn vị tiếp nhận, không xác định được đơn vị xử lý, sẽ trả về cho Ban chỉ đạo. Hoặc nếu đơn vị tiếp nhận thấy hồ sơ PAKN, SKGP còn thiếu, thì tiến hành yêu cầu cá nhân, đơn vị gửi bổ sung thông tin, khi đó trên hệ thống sẽ báo ở chế độ chờ bổ sung hồ sơ. Trên hệ thống có thể xem được lịch sử thay đổi PAKN, SKGP, hoặc liên thông với các đơn vị trong việc phối hợp xử lý…
Tại Hội nghị, một số địa phương đã nêu ra những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ số vào công việc, như trang thiết bị của nhiều địa phương đã xuống cấp, nếu không được đầu tư tương xứng, thì việc đầu tư phần mềm cũng sẽ không hiệu quả. Hay việc triển khai chữ ký số, chứng thư số cũng đang gặp khó khăn, vì một số lĩnh vực, hệ thống còn chưa có sự liên thông, dẫn đến vẫn phải sử dụng ký tay, chứng từ giấy, gây khó khăn cho các bộ thực hiện. Một số địa phương xuất hiện các phần mềm lỗi, cần phải khắc phuc kịp thời. Cụ thể về việc vận hành Trung tâm hành chính công, một số tỉnh báo cáo màu xanh, nhưng khi hệ thống xử lý lại cho kết quả màu đỏ…
Các đại biểu tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham dự hội nghị trực tuyến
Kết luận hội nghị, ông Ngô Hải Phan – Cục trưởng Cục Chuyển đổi số - Cơ yếu cho biết đã nắm được thực trạng trên và trong thời gian tới Ban chỉ đạo sẽ hướng dẫn cụ thể, đồng thời tiến hành nâng cấp hệ thống từ Trung ương đến tỉnh, xã để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai hiệu quả thuận lợi, đạt kết quả cao.
Ông Phan cho rằng, điều quan trọng nhất của Chương trình chuyển đổi số là các địa phương, các đơn vị phải báo cáo trung thực, nếu không trung thực sẽ không có được thông tin chính xác để xử lý và người dân sẽ không được hưởng những lợi ích mà Nghị quyết 57-NQ/TW mang lại.
Ông Phan đề nghị các đơn vị Trung ương, Bộ, tỉnh sớm cung cấp danh sách những cá nhân phụ trách công tác chuyển đổi số của đơn vị mình, để Cục cấp tài khoản. Ông Phan nhấn mạnh từ nay đến 31/12/2025 còn rất ngắn, nên nếu các đơn vị không nhanh chóng, đôn đốc thực hiện sẽ không kịp kế hoạch. Đối với Ban chỉ đạo Trung ương, ông Phan đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng tiếp tục quan tâm phối hợp, kịp thời xử lý những bất cập trong quá trình triển khai, nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra theo chủ trương Chuyển đổi số quốc gia toàn diện vào 1/1/2026.
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, được ban hành ngày 22/12/2024. Nghị quyết này xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, động lực chính để phát triển đất nước trong kỷ nguyên số.
Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, và đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển hạ tầng viễn thông Internet, bao gồm cả hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo, đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng đề cập đến việc hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số, cũng như việc dành ít nhất 3% ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp tục nâng lên 2% tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 5 năm tiếp theo.
Việt Tùng