
Hội thảo Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam
10/07/2025TN&MTNgày 10/7/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Phát triển, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế Nông nghiệp (Viện AMI), Học viện Nông nghiệp Việt Nam, với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp Quốc (FAO), đã tổ chức thành công hội thảo với chủ đề “Tăng cường huy động khu vực tư nhân trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam”.
Ông Ngô Sỹ Đạt - Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (AMI) phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm ở Việt Nam”, do Quỹ chung vì các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (UN Joint SDG Fund) tài trợ, nhằm thúc đẩy các sáng kiến mới mẻ và hiệu quả cho quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Hội thảo đã quy tụ đông đảo đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia, và đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.
Sự kiện được tổ chức nhằm hưởng ứng Quyết định số 300/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) minh bạch, trách nhiệm và bền vững đến năm 2030, đồng thời thúc đẩy việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 68-NQ/TW coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
TS. Đặng Kim Sơn, chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống Lương thực thực phẩm
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu đã trình bày bối cảnh chính sách mới và những kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút đầu tư tư nhân. TS. Đặng Kim Sơn, Chuyên gia cao cấp và Trưởng nhóm chuyên gia xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia, đã cập nhật bối cảnh và những tác động của các chính sách mới tới quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP. Tiếp đó, ông Đỗ Huy Thiệp, Phó giám đốc Viện AMI đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ quốc tế về các mô hình hợp tác công - tư (PPP) và cơ chế tài chính hỗn hợp (blended finance) thành công, từ đó gợi mở những vai trò tiềm năng cho khu vực tư nhân Việt Nam.
Tâm điểm của hội thảo là phiên thảo luận bàn tròn sôi nổi với sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã và đại diện người tiêu dùng. Phiên thảo luận đã nhận diện 5 “nút thắt” chính đang cản trở sự tham gia của khối tư nhân, bao gồm: (1) chính sách chưa ổn định; (2) tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; (3) rủi ro cao trong nông nghiệp bền vững; lao động nông thôn già hóa và (5) khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế.
Từ góc độ doanh nghiệp chế biến, bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc CTCP Thực phẩm Vinh Hà, chỉ ra những khó khăn thực tế như thiếu thông tin thị trường xuất khẩu, nguồn nguyên liệu không ổn định, và chi phí tuân thủ tiêu chuẩn cao nhưng thiếu hỗ trợ tương xứng. Trong khi đó, đại diện Hội Bảo vệ Người tiêu dùng nhấn mạnh rằng niềm tin của người tiêu dùng đang bị bào mòn nghiêm trọng do “lạc lối” trong một rừng các tiêu chuẩn, chứng nhận thiếu minh bạch và giám sát.
Đại diện hợp tác xã cũng chia sẻ những thách thức khi chi phí sản xuất bền vững cao hơn nhưng đầu ra lại không được đảm bảo, khiến người nông dân phải chịu rủi ro lớn nhất.
Hội thảo cùng thống nhất rằng, để tháo gỡ các rào cản này, cần có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc xây dựng một chiến lược quốc gia dài hạn (10-20 năm), thiết lập cơ chế quản trị đa bên hiệu quả, và phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo như quỹ xanh, tín dụng ưu đãi, và các mô hình PPP linh hoạt hơn để thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân.
Toàn cảnh Hội thảo
Sự kiện đã kết thúc thành công tốt đẹp, mở ra những cuộc đối thoại thực chất và đóng góp nhiều kiến nghị giá trị cho quá trình hoàn thiện chính sách, hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm tại Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững hơn.
Chi Kiều