
Huyện Gia Bình (Bắc Ninh): Xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới
16/12/2022TN&MTSau Đại hội lần thứ XXII, BCH Đảng bộ huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU về việc triển khai phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn huyện. Việc thực hiện này đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn trong việc phân loại chất thải rắn và xử lý rác thải hữu cơ từ đầu nguồn.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, ngoài việc phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu cần có hướng dẫn cụ thể phân loại rác, bao gồm rác vô cơ, rác hữu cơ tại hộ gia đình. Triển khai các thùng rác phân loại tại nguồn ở khu vực dân cư để người dân có ý thức hơn trong việc thu, gom, phân loại và tái chế rác. Duy trì tốt mô hình “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Làng 3 sạch, “Làng nông thôn mới kiểu mẫu”, phong trào “Ngày chủ nhật xanh”,… Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo Phòng TN&MT, Hội LHPN phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn việc phân loại về xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng vi sinh bản địa IMO, cách làm và nhân giống vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ, xử lý chất thải và mùi hôi, thối trong chăn nuôi, cống rãnh với khoảng trên 18.000 đại biểu tham dự; cấp phát trên 18.000 bộ tài liệu hướng dẫn, đồng thời, Trung tâm Văn hóa thể thao và thông tin huyện thực hiện tuyên truyền, phát trên 450 tin bài về việc triển khai phân loại xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình. UBND huyện hỗ trợ, cấp phát hơn 5.000 thùng rác nhựa hữu cơ cho các địa phương và hỗ trợ hơn 1.5 tỷ đồng cho việc triển khai thực hiện.
Kết quả bước đầu đã mang lại hiệu quả như: Giảm lượng rác thải phải thu gom hàng ngày; giảm thể tích rác sau xử lý, giảm mùi hôi thối, giảm ruồi, muỗi tại các điểm tập kết, trung chuyển; bước đầu giúp người dân nhận biết và phân loại xử lý rác thải tại nguồn.
Theo kết quả báo cáo các xã, thị trấn đã lựa chọn 20 thôn, xóm, khu dân cư thực hiện mô hình điểm với khoảng 4.080 hộ đăng ký; số hộ đang thực hiện 3.818 hộ (đạt 93,6% số hộ đăng ký), trong đó các xã đạt mục tiêu gồm: Quỳnh Phú, Đại Lai, Xuân Lai; các xã chưa đạt mục tiêu gồm: Bình Dương, Nhân Thắng, Song Giang, Đông Cứu, Thái Bảo, Lãng Ngâm, Vạn Ninh, Cao Đức, Đại Bái và thị trấn Gia Bình. Đặc biệt xã Giang Sơn là đơn vị duy nhất vượt mục tiêu Nghị quyết.
Trên địa bàn huyện có khoảng 19.316 hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ (đạt 60,2 % tổng số hộ); trong đó, có 13/14 đơn vị xã đạt mục tiêu, thị trấn Gia Bình là đơn vị duy nhất chưa đạt mục tiêu theo Nghị quyết (17,7%); xã Giang Sơn là đơn vị đạt tỷ lệ thực hiện cao nhất (83,0%). Nhờ đó mà lượng rác thải phải thu gom hàng ngày, cũng như thể tích rác sau xử lý, mùi hôi thối, ruồi, muỗi tại tại các điểm tập kết, trung chuyển giảm đáng kể. Còn với 58 điểm tập kết, chôn lấp rác thải sinh hoạt của các thôn, địa phương tiếp tục thực hiện xử lý bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa IMO, thể tích rác được xử lý đạt hơn 10.550 m3.
Đánh giá việc triển khai Nghị quyết, đại diện lãnh đạo huyện Gia Bình cho biết “Huyện ủy, UBND huyện liên tục chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, thống kê các thôn, khu phố chưa triển khai. Lấy những thôn làm trước tuyên truyền cho thôn làm sau; khó khăn ở đâu tháo gỡ ngay ở đó.
Ngoài mức ngân sách hỗ trợ, nhiều xã dành kinh phí hỗ trợ thêm các thôn khó khăn. Với khí thế ấy, thành quả thu được trong 2 năm qua là rất khả quan, tuy thời gian thực hiện chịu ảnh hưởng khá lớn từ đại dịch Covid-19. Giờ đây, những tuyến đường quê trải rộng không còn rác thải tạo nên bức tranh quê trù phú, ấm no”.
Thành quả thu được từ phong trào phân loại, xử lý rác thải tại nguồn đã vượt xa dự kiến. Song cái được lớn nhất từ một chủ trương hợp lòng dân đó là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành, quản lý của chính quyền các cấp là tiền đề để tương lai không xa, toàn bộ các thôn, khu phố của huyện sẽ triển khai hiệu quả mô hình, xây dựng làng quê xanh, sạch, đẹp, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Việc thay đổi thói quen của người dân là việc làm không phải thực hiện được một sớm, một chiều nhưng với các hoạt động đồng bộ tích cực sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn huyện Gia Bình trong việc phân loại chất thải rắn và xử lý rác thải hữu cơ ngay từ đầu nguồn.
Huy Thế