
Khởi động nhóm công tác “Từ nghiên cứu tới chính sách” trong khuôn khổ Một Sức Khỏe
28/07/2025TN&MTSáng 28/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức CIRAD và các đối tác quốc tế chính thức khởi động Nhóm công tác kỹ thuật “Từ nghiên cứu tới chính sách” (Research to Policy - R2P). Sáng kiến nằm trong Khung Đối tác Một Sức Khỏe Việt Nam, nhằm thúc đẩy ứng dụng bằng chứng khoa học vào xây dựng chính sách liên ngành về sức khỏe con người, động vật và môi trường. Trong bối cảnh tái cơ cấu bộ máy và suy giảm nguồn lực quốc tế, việc ra mắt Nhóm R2P được đánh giá là bước đi chiến lược, giúp tăng cường khả năng thích ứng và tính hiệu quả trong hoạch định chính sách tại Việt Nam.
Kết nối giữa nghiên cứu và chính sách: Nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh mới
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Trưởng Ban Thư ký Đối tác Một Sức Khỏe, nhấn mạnh rằng việc thành lập Nhóm công tác R2P không chỉ là một dấu mốc kỹ thuật, mà còn mang ý nghĩa chính trị và chiến lược trong giai đoạn tái cấu trúc các cơ quan quản lý. Khi các bộ ngành đang tinh gọn mô hình tổ chức, R2P nổi lên như một nền tảng mới để kết nối giữa nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách, giữa khoa học và thực tiễn địa phương.
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Trưởng Ban Thư ký Đối tác Một Sức Khỏe, khẳng định việc thành lập Nhóm công tác R2P là bước đi chiến lược nhằm kết nối nghiên cứu khoa học với xây dựng và thực thi chính sách, trong bối cảnh tái cơ cấu bộ ngành và suy giảm nguồn lực quốc tế
Theo ông Vũ Thanh Liêm, nghiên cứu không chỉ là công cụ hỗ trợ, mà còn phải đóng vai trò khởi phát và xuyên suốt trong toàn bộ chu trình chính sách. Ngược lại, chính sách phải tạo hành lang pháp lý và tài chính để thúc đẩy các nghiên cứu chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và bắt nhịp với chuẩn mực quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Mối quan hệ hai chiều giữa nghiên cứu và chính sách là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống quản lý Một Sức Khỏe hiệu quả, thích ứng và đổi mới.”
Tại hội thảo, ông François Roger, Giám đốc CIRAD khu vực Đông Nam Á, khẳng định CIRAD sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhóm công tác R2P trong 5 năm tới, cả về kỹ thuật lẫn tài chính. Thông qua các sáng kiến như ASEACA và PREZODE, CIRAD sẽ hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, góp phần tăng cường năng lực thể chế, thiết lập hệ thống giám sát và đào tạo chuyên gia Việt Nam về giao diện khoa học – chính sách (SPI).
Ngoài ra, đại diện FAO cũng trình bày bộ công cụ SPI với sáu chức năng lõi gồm: điều phối, tổng hợp bằng chứng, đối thoại chính sách, huy động bên liên quan, nâng cao năng lực, và đánh giá. Mô hình SPI bốn bước (xác định ưu tiên – thiết kế – triển khai – điều chỉnh) giúp nhóm R2P có thể vận hành theo lộ trình rõ ràng và minh bạch. Các nguyên tắc như tính minh bạch, công bằng, học hỏi liên tục và tính liên quan được coi là xương sống trong quá trình vận hành SPI tại Việt Nam.
Định hình lộ trình 5 năm và mở rộng hợp tác quốc tế
Một trong những kết quả nổi bật của hội thảo là sự đồng thuận cao về lộ trình hoạt động 5 năm tới của Nhóm R2P. Theo đó, nhóm sẽ xây dựng kế hoạch hành động dài hạn, gắn với sáu chức năng SPI và tập trung vào đồng phát triển chính sách với các bên liên quan. Đặc biệt, việc xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu liên ngành và phát triển danh mục nghiên cứu ưu tiên là hai trụ cột cốt lõi được xác định.
Giám đốc CIRAD khu vực Đông Nam Á François Roger cam kết hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong 5 năm tới thông qua các sáng kiến như ASEACA và PREZODE
Kinh nghiệm từ chương trình ASEACA (Việt Nam – Philippines) cho thấy rằng giao diện giữa khoa học và chính sách có thể phát huy hiệu quả cao khi được triển khai ở cấp địa phương, với sự tham gia đồng bộ của các tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý và xã hội dân sự. Các mô hình đồng thiết kế chính sách, giám sát cộng đồng và truyền thông khoa học được đánh giá là hiệu quả trong việc thúc đẩy hành động cụ thể từ bằng chứng.
Bên cạnh các cam kết kỹ thuật, ông Vũ Thanh Liêm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở rộng hợp tác quốc tế: “Không chỉ dừng lại ở việc nhận hỗ trợ tài chính, Việt Nam cần các đối tác trở thành trung gian thúc đẩy đối thoại, kết nối các bộ, ngành và các nhóm lợi ích khác nhau.” Các diễn đàn, hội thảo liên ngành và chương trình đào tạo chuyên sâu sẽ là cầu nối để gắn kết chính sách quốc gia với xu hướng toàn cầu.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Cuối phiên họp, các đại biểu cũng tham gia khảo sát trực tiếp qua công cụ Mentimeter. Kết quả cho thấy đa số các đại biểu tin rằng bằng chứng khoa học sẽ trở nên hữu ích hơn nếu được đồng phát triển giữa các nhà khoa học và nhà hoạch định. “Tính liên quan” và “dễ hiểu” là hai yếu tố quan trọng nhất giúp chuyển đổi bằng chứng thành chính sách hành động. Đây là cơ sở để nhóm công tác R2P thiết kế các sản phẩm khoa học gần gũi hơn với người ra quyết định.
Về Nhóm công tác R2P
Nhóm công tác “Từ Nghiên cứu tới Chính sách” là sáng kiến liên ngành nhằm thúc đẩy ứng dụng bằng chứng khoa học trong xây dựng chính sách về sức khỏe con người – động vật – môi trường theo cách tiếp cận Một Sức Khỏe, góp phần ứng phó hiệu quả với các nguy cơ dịch bệnh, suy thoái hệ sinh thái và kháng kháng sinh.
Ngọc Huyền