
Kiểm lâm Bắc Ninh: Dấu ấn 6 tháng đầu năm
25/07/2025TN&MTTrong 6 tháng đầu năm 2025, Chi cục Kiêm lâm tỉnh Bắc Ninh (được sáp nhập từ Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang và Bắc Ninh) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ giữ vững nhịp độ thực hiện nhiệm vụ, đơn vị còn thể hiện rõ tinh thần chủ động, kỷ cương và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh (Chi cục) đã hoàn thành đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm như trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh, chuyển hóa rừng gỗ lớn, tăng cường phòng cháy chữa cháy rừng và thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng bền vững. Đây là cơ sở quan trọng để ngành lâm nghiệp địa phương bước vào giai đoạn phát triển mới với nền tảng ổn định và tầm nhìn dài hạn.
Đồng bộ giải pháp, vượt khó hoàn thành nhiều chỉ tiêu
Theo báo cáo của Chi cục, tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã trồng được 8.403 ha rừng sản xuất tập trung, đạt 84% kế hoạch. Một số địa phương có diện tích trồng rừng lớn ở các huyện trước đây, gồm: huyện Sơn Động (3.608 ha), Lục Nam (1.531 ha), Lục Ngạn (767 ha), Yên Thế (1.497 ha). Cùng với đó, tỉnh đã trồng trên 3,8 triệu cây phân tán, đạt 60% kế hoạch; chăm sóc rừng trên 18.850 ha, đạt 78% kế hoạch; chuyển hóa 905,8 ha rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, góp phần cải thiện chất lượng rừng và giá trị kinh tế lâm sản.
Về công tác khai thác, toàn tỉnh đã khai thác 7.268 ha rừng trồng, đạt sản lượng 866.986 m³ gỗ, trong đó gỗ lớn chiếm khoảng 45%. Hiệu suất khai thác bình quân đạt 119,3 m³/ha sau chu kỳ 5 năm, phản ánh hiệu quả trong chăm sóc và chuyển hóa rừng. Năm nay, giá cây giống tăng trung bình 30% do nhu cầu phục hồi rừng sau bão và khô hạn tăng cao. Các giống cây chủ lực như keo, bạch đàn nuôi cấy mô hiện chiếm tới 76% cơ cấu giống toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Ông Từ Quốc Huy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu ban hành gần 600 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra nhằm tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các địa phương, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ trọng tâm. Một số mô hình lâm nghiệp công nghệ cao đã bước đầu phát huy hiệu quả tại các huyện miền núi trước đây như Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam...”.
Ông Từ Quốc Huy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh
Cháy rừng – Thách thức lớn trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với không ít thách thức. Đặc biệt, tình trạng cháy rừng gia tăng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài và hậu quả để lại từ cơn bão số 3 (Yagi) cuối năm 2024.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 45 vụ cháy rừng, thiệt hại tổng cộng 281,2 ha rừng, trong đó có 76 ha rừng tự nhiên. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 43 vụ, diện tích thiệt hại tăng gần 43 ha. Dù không có thiệt hại về người, song đây là cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ mất rừng nếu không có biện pháp kiểm soát quyết liệt.
Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng
Công tác khoán và hỗ trợ bảo vệ rừng cũng gặp khó khăn do vướng mắc về thủ tục và tiến độ phân bổ vốn. Tính đến giữa năm, chỉ có 02 xã ban hành quyết định giao dự toán, với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng. Các xã còn lại chưa thể triển khai do chưa được giao vốn. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hỗ trợ người dân tham gia bảo vệ rừng, nhất là tại các vùng sâu vùng xa.
Tăng cường công nghệ, phát triển lâm nghiệp bền vững
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai và tình trạng cháy rừng có xu hướng gia tăng, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ công tác bảo vệ và giám sát tài nguyên rừng. Trung tâm giám sát và điều hành quản lý rừng cấp tỉnh đã được thiết lập tại Chi cục, với hệ thống thiết bị hiện đại, góp phần hỗ trợ lực lượng chức năng theo dõi tình hình rừng một cách liên tục và chính xác.
Tính đến tháng 6/2025, toàn tỉnh đã hoàn thành lắp đặt 19 hệ thống camera quan sát tại các điểm cửa rừng và 06 hệ thống cảnh báo cháy rừng tự động tại các huyện (huyện trước đây) có nguy cơ cao như Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Thế và thành phố Bắc Giang. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp nâng cao năng lực giám sát từ xa mà còn tăng khả năng phát hiện sớm, phản ứng nhanh trong các tình huống có nguy cơ cháy rừng hoặc xâm hại tài nguyên rừng.
Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ rừng
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh – Ông Từ Quốc Huy cho biết thêm, bên cạnh việc thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn, công tác cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, huyện Lục Nam (trước đây) đã có thêm 4.528 ha rừng được cấp chứng chỉ, nâng tổng diện tích toàn tỉnh đạt 21.524 ha, tương đương 126% so với kế hoạch của giai đoạn 2020–2030.
Việc mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đang trở thành hướng đi quan trọng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Thông qua việc chuẩn hóa quy trình quản lý, nâng cao chất lượng rừng và hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, hoạt động này góp phần nâng cao năng lực quản trị tài nguyên, thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp theo hướng có trách nhiệm và phù hợp với xu thế phát triển bền vững hiện nay.
Rà soát chuyển loại rừng, hoàn thiện dữ liệu lâm nghiệp
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh đang tập trung triển khai công tác rà soát, đánh giá lại diện tích rừng sản xuất để đề xuất chuyển đổi sang rừng phòng hộ tại những khu vực có vai trò bảo vệ đầu nguồn, chống xói mòn và điều tiết nước. Đây là bước đi nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống phân loại rừng theo hướng phù hợp với thực tiễn địa bàn và yêu cầu quản lý bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét.
Đến thời điểm hiện tại, đã có hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế và Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc đề xuất chuyển đổi tổng cộng hơn 1.072 ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ. Trong đó, Công ty Yên Thế đề nghị chuyển 355 ha và Công ty Trường Lộc là 717,42 ha.
Cán bộ Kiểm lâm đi tuần tra bảo vệ rừng
Cùng với đó, công tác điều tra, xác định hiện trạng rừng và định khung giá rừng trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai đồng bộ. Tính đến tháng 6/2025, khối lượng công việc đã hoàn thành khoảng 85%, trong đó dữ liệu sơ bộ đã được bàn giao cho 08 huyện trước đây, bao gồm: Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, thị xã Việt Yên và thành phố Bắc Giang.
Tuy nhiên, quá trình trình phê duyệt kết quả điều tra hiện trạng rừng và định khung giá rừng đang tạm dừng để chờ hướng dẫn thống nhất từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Nguyên nhân xuất phát từ việc Bắc Giang trong quá trình chuẩn bị sáp nhập với tỉnh Bắc Ninh theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị.
Chủ động, kiên quyết, hiệu quả trong 6 tháng cuối năm
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thành toàn diện kế hoạch năm. Trước hết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Cùng với đó, công tác khoán và hỗ trợ bảo vệ rừng sẽ được ưu tiên tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm phân bổ đầy đủ nguồn vốn cho các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 809 và 1719.
Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), ngành sẽ tăng cường các biện pháp giám sát, duy trì chế độ trực cháy 24/24 giờ trong thời điểm cao điểm nắng nóng; đồng thời hoàn thiện các công trình PCCCR đã được phê duyệt và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng cơ sở. Ngành cũng sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch theo dõi diễn biến rừng và PCCCR giai đoạn 2026–2030, phù hợp với điều chỉnh hành chính sau khi sáp nhập tỉnh. Các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến cây bản địa, cây gỗ lớn tiếp tục được triển khai, góp phần đa dạng hóa sinh học và nâng cao giá trị rừng trồng.
Ngoài ra, Chi cục sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, đặc biệt là các vụ phá rừng, cháy rừng có dấu hiệu hình sự. Diện tích rừng tự nhiên bị cháy sẽ được khoanh nuôi phục hồi theo hướng xúc tiến tái sinh tự nhiên, tuyệt đối không để tái diễn tình trạng trồng keo, bạch đàn trên đất rừng đặc dụng hoặc rừng tự nhiên đã bị thiệt hại.
Giữ rừng – Giữ sinh kế và phát triển bền vững
Trong lộ trình sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Bắc Ninh được xác định là nhiệm vụ nền tảng, gắn chặt với định hướng phát triển bền vững. Không chỉ là lá phổi xanh của tỉnh, rừng còn là sinh kế quan trọng của người dân vùng cao, góp phần ổn định dân cư, giảm nghèo và giữ gìn hệ sinh thái. Theo ông Từ Quốc Huy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh, nhiều địa phương đã hình thành mô hình kinh tế lâm nghiệp hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ rừng và phát triển sinh kế.
Tình hình rừng trên địa bàn thời gian qua cơ bản ổn định, các chương trình trồng rừng, chăm sóc và chuyển hóa rừng tiếp tục được triển khai theo hướng bền vững. Chi cục đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật, kiểm soát giống cây trồng lâm nghiệp và nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý rừng.
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh kiểm tra cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp
Giữa thời điểm chuyển mình về tổ chức hành chính, những kết quả mà Chi cục Kiểm lâm Bắc Ninh đạt được trong 6 tháng đầu năm 2025 là minh chứng cho sự bền bỉ, quyết liệt và chuyên nghiệp của lực lượng kiểm lâm, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền và người dân trong việc giữ gìn màu xanh cho đất. Bảo vệ rừng hôm nay là giữ đất cho mai sau, giữ sinh kế cho cộng đồng và giữ thế cân bằng cho môi trường sống. Đó cũng chính là nền tảng vững chắc để ngành lâm nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế chủ động, ổn định và bền vững hơn bao giờ hết.
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Giữ rừng mùa nắng và bài học quản lý rừng bền vững từ Kiểm lâm Chũ - Lục Ngạn;
- Kiểm lâm Sơn Động: Chủ động ứng phó, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;