
Kinh tế tuần hoàn trong kỷ nguyên mới - Góc nhìn từ PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ
23/07/2025TN&MTTrong khuôn khổ Hội thảo “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường” do Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức vào sáng ngày 22/7/2025, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường - đã đề cập toàn diện đến vai trò, cơ hội và thách thức của kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên, biến đổi khí hậu và áp lực thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, KTTH được nhìn nhận không chỉ là một mô hình kinh tế mới, mà còn là lựa chọn chiến lược nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế và tạo dựng một tương lai xanh, bao trùm và thích ứng với các xu hướng toàn cầu.
Kinh tế tuần hoàn – Nền tảng cho tăng trưởng bền vững trong kỷ nguyên mới
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài nguyên, biến đổi khí hậu và yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng. Khác với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống vốn dựa trên “khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ”, KTTH tái cấu trúc toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng tái tạo và tối ưu hóa nguồn lực.
KTTH không chỉ giới hạn trong việc giảm chất thải hay sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, mà còn là một chiến lược kinh tế toàn diện. Theo đó, sản phẩm được thiết kế để tái sử dụng, sửa chữa, tái chế và kéo dài vòng đời. Tài nguyên sau khi sử dụng không bị thải bỏ mà được giữ lại trong nền kinh tế thông qua các dòng lưu chuyển liên tục.
Trên thế giới, nhiều mô hình KTTH đã được triển khai thành công. Từ mô hình chia sẻ như Grab, Airbnb; mô hình vòng đời khép kín của các tập đoàn như Bosch, Philips; đến mô hình công nghiệp sinh thái như Kalundborg (Đan Mạch) – tất cả đều cho thấy KTTH không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tăng khả năng chống chịu trước khủng hoảng và mở rộng cơ hội đổi mới sáng tạo.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích môi trường, mà còn mở ra cơ hội đổi mới sáng tạo và tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh rằng, KTTH không chỉ là một sự lựa chọn mang tính môi trường, mà là một phương thức tăng trưởng mới, giúp tách biệt giữa tăng trưởng kinh tế và khai thác tài nguyên. Khi áp dụng mô hình này, doanh nghiệp có thể chuyển từ mục tiêu tăng sản lượng sang tối ưu hiệu quả sử dụng, từ đó tạo ra lợi nhuận bền vững hơn.
Cơ hội cho Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển KTTH. Theo PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, xây dựng, năng lượng, giao thông và đặc biệt là quản lý rác thải đều có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi sang mô hình tuần hoàn.
KTTH tạo ra cơ hội để hình thành các ngành nghề mới như tái chế rác thải điện tử, sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, hoặc khai thác khí sinh học từ chất thải hữu cơ. Không chỉ doanh nghiệp lớn, mà các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tham gia vào các mắt xích của chuỗi giá trị này.
Hội thảo “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường” do Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức vào sáng ngày 22/7/2025
Thêm vào đó, KTTH tạo điều kiện phát triển các đô thị sinh thái, xây dựng chuỗi cung ứng ngắn, giảm áp lực hạ tầng xử lý rác, và cải thiện môi trường sống. Nhờ vậy, người dân được hưởng lợi trực tiếp từ chất lượng không khí, nước, đất tốt hơn và cơ hội việc làm ổn định.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới yêu cầu minh bạch về môi trường, trách nhiệm sản xuất, và truy xuất nguồn gốc – KTTH trở thành đòn bẩy để Việt Nam gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu có tính bền vững cao. Đây không chỉ là cơ hội thương mại mà còn nâng cao thương hiệu quốc gia, giúp Việt Nam khẳng định vai trò là một nền kinh tế có trách nhiệm.
PGS.TS. Thọ cũng cho rằng, quá trình chuyển đổi sang KTTH sẽ tạo ra động lực cho cải cách chính sách công, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc sản xuất và hướng đến tăng trưởng bao trùm – nơi lợi ích kinh tế lan tỏa tới nhiều tầng lớp trong xã hội.
Thách thức trong hành trình áp dụng kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Dù cơ hội rõ ràng, nhưng Việt Nam vẫn đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình chuyển đổi. Theo ông Thọ, những thách thức này đến từ cả hạ tầng kỹ thuật, chính sách, tài chính, công nghệ, và đặc biệt là yếu tố văn hóa – xã hội.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cho rằng: Để kinh tế tuần hoàn thành công, cần đồng bộ cải cách chính sách, đổi mới công nghệ, xây dựng hạ tầng và thúc đẩy hợp tác công – tư
Thứ nhất là thói quen tiêu dùng và văn hóa quản lý chất thải. Người dân vẫn còn tâm lý sính ngoại, thích đồ mới, tiêu dùng nhanh, ít quan tâm đến vòng đời sản phẩm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì mô hình ngắn hạn, ưu tiên lợi nhuận trước mắt thay vì đổi mới dài hạn.
Thứ hai, năng lực công nghệ trong nước chưa đủ mạnh để xử lý chất thải phức tạp. Phần lớn cơ sở tái chế hiện nay còn thủ công, nhỏ lẻ, không đạt tiêu chuẩn môi trường. Việc đầu tư công nghệ hiện đại gặp rào cản về chi phí, bản quyền và năng lực vận hành.
Thứ ba là sự thiếu đồng bộ về chính sách. Dù nhiều văn bản như Luật Bảo vệ môi trường 2020, các quyết định về tài chính xanh đã được ban hành, nhưng việc triển khai vẫn thiếu tính cụ thể. Doanh nghiệp chưa có hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, quy định về hàm lượng tái chế trong sản phẩm, hay chính sách ưu đãi đủ mạnh.
Thứ tư, Việt Nam đang thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp. Việc phân loại rác tại nguồn chưa phổ biến, hệ thống logistics ngược chưa phát triển và thiếu các khu công nghiệp sinh thái tích hợp hạ tầng tái chế.
Ngoài ra, các rào cản về vốn và nhân lực cũng là yếu tố then chốt. Các mô hình tuần hoàn cần đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, nhưng lại thiếu hỗ trợ tài chính rõ ràng. Nguồn vốn quốc tế yêu cầu chuẩn minh bạch cao, vượt quá khả năng của phần lớn doanh nghiệp nhỏ. Cùng với đó, hệ thống đào tạo chưa tích hợp các kỹ năng liên quan đến tái chế, thiết kế tuần hoàn hay phân tích dữ liệu vật liệu.
Cuối cùng, sự thiếu liên kết giữa các bên – từ doanh nghiệp, chính quyền đến người dân – khiến cho quá trình triển khai KTTH vẫn còn manh mún, rời rạc và thiếu sức lan tỏa.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Để KTTH thực sự phát huy vai trò là nền tảng phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ đề xuất một hệ thống giải pháp đồng bộ, có thể chia thành tám nhóm chính:
Cải tổ chính sách và hoàn thiện pháp luật: Xóa bỏ mâu thuẫn giữa các quy định, xác lập chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm và vật liệu, áp dụng cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), bảo đảm thống nhất giữa trung ương và địa phương.
Đổi mới công nghệ và dữ liệu: Ưu tiên đầu tư cho công nghệ tái chế hiện đại, thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về vật liệu và chất thải, tạo điều kiện xây dựng mạng lưới cộng sinh công nghiệp.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ cũng nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn là một mô hình phát triển mới, giúp tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh hóa và bao trùm
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Phát triển khu công nghiệp sinh thái, đầu tư hệ thống logistics ngược, tổ chức lại hệ thống phân loại rác tại nguồn, quy hoạch hạ tầng theo hướng mở rộng và linh hoạt.
Hợp tác công tư và cải cách hành chính: Khuyến khích đầu tư tư nhân vào tái chế và công nghệ sạch, thiết lập các quỹ tài chính xanh, đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thay đổi hành vi và xây dựng văn hóa tuần hoàn: Truyền thông cộng đồng, lồng ghép giáo dục môi trường trong nhà trường, khuyến khích cộng đồng tự vận hành các mô hình tái chế, chợ tái sử dụng.
Phát triển thị trường tài chính xanh: Thiết lập hệ thống tín chỉ carbon minh bạch, phát triển trái phiếu xanh, tín dụng ưu đãi và các công cụ tài chính đặc thù phù hợp từng ngành.
Tăng cường hợp tác quốc tế: Tham gia vào các mạng lưới KTTH toàn cầu, học hỏi mô hình tiên tiến, tiếp cận công nghệ và tài chính từ các tổ chức quốc tế.
Thiết lập hệ thống giám sát và điều phối: Xây dựng bộ chỉ số KTTH theo từng ngành và địa phương, thành lập cơ quan điều phối tập trung có quyền hạn rõ ràng, đảm bảo đồng bộ hóa triển khai trên toàn quốc.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ khẳng định rằng, kinh tế tuần hoàn không chỉ là xu hướng mà còn là lựa chọn chiến lược bắt buộc nếu Việt Nam muốn theo đuổi một mô hình tăng trưởng xanh, bao trùm và bền vững. Đây là lúc để thay đổi từ nền tảng – từ cách tư duy phát triển, đến mô hình sản xuất, tiêu dùng và điều hành chính sách. Việt Nam có cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức. Chìa khóa để thành công chính là sự phối hợp đa ngành – đa cấp – đa bên trong toàn bộ hệ sinh thái kinh tế – xã hội.
Hoàng Anh