
Mô hình “Trường học giảm nhựa” và dấu ấn xanh ở Cù Lao Chàm
26/02/2025TN&MTMục đích của mô hình nhằm nâng cao nhận thức cho các em học sinh về thực trạng của rác thải tại địa phương, nguồn gốc của các loại rác thải, tác hại của rác thải nhựa và sự liên kết giữa các vùng biển. Từ đó, hoạt động giúp khích lệ các em học sinh cùng lan tỏa các hành động đẹp trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương và chính sức khỏe của con người.
Những thông điệp trách nhiệm
Những năm gần đây, ở nước ta và tại nhiều địa phương ven biển đã hình thành phong trào/mô hình "trường học giảm nhựa”. Mục đích của mô hình này nhằm hướng dẫn/hình thành được thói quen phân loại chất thải rắn cho các học sinh tại trường học trong những ngày đến trường và mỗi khi trở về nhà,...không chỉ có vậy, mô hình còn đưa đến những thông điệp: "Tái chế rác thải nhựa để giảm thiểu rác thải nhựa bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí".
Ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có một mô hình “Trường học giảm nhựa” đã thực hiện rất hiệu quả. Thông qua công tác truyền thông, tuyên truyền phân loại chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa mô hình đã giúp học sinh hình thành một ý thức trách nhiệm cao và có nhiều hành động cụ thể, nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của túi nilon và hình thành thói quen giảm nhựa, đồng thời giáo dục phẩm chất nhân ái qua việc sử dụng nguồn thu từ rác tái chế để tặng học bổng cho các bạn hoàn cảnh khó khăn.
Tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Trung, cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phối hợp với giáo viên và học sinh triển khai hoạt động kiểm toán rác thải phát sinh rác thải trong trường học, cung cấp cơ sở để trường xây dựng kế hoạch giảm rác nhựa trong mỗi năm học. Kế hoạch giảm nhựa tại trường học trong mỗi năm học được duy trì với các mục tiêu được đề ra như: Có 30% - 40 % học sinh mỗi lớp trở thành tuyên truyền viên tích cực về giảm thiểu rác thải nhựa; Đạt 100% học sinh tốt nghiệp ra trường hiểu và có kiến thức về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; Mỗi năm ít nhất 01 - 02 sáng kiến xanh được công nhận và triển khai trong nhà trường. 100% học sinh và giáo viên nhà trường thực hành phân loại đúng các loại rác thải; Tất cả giáo viên, cán bộ nhà trường thực hành tốt việc không sử dụng nhựa dùng một lần và tích cực tham gia hoạt động giảm nhựa của trường, của địa phương phát động.
Ngoài ra, tại ngôi trường này còn có Câu lạc bộ "Em yêu đảo xanh quê em". Câu lạc bộ “Em yêu đảo xanh quê em” được thành lập nhằm mục đích tạo sân chơi cho các em học sinh trường Tiểu học - Trung học cơ sở Quang Trung tìm hiểu về đa dạng sinh học, rác thải nhựa và thực hành các hành động bảo vệ môi trường tại nhà trường và địa phương. Sau buổi học, vào giờ ngoại khoá, học sinh tham gia gấp giấy cũ làm túi giấy tặng cho các cô tiểu thương đang hàng ở chợ.
Tiểu thương ở các chợ tại Cù Lao Chàm sử dụng túi giấy do các em học sinh gấp tặng thay cho việc sử dụng túi nilong
Các hoạt động của Câu lạc bộ “Em yêu đảo xanh quê em” của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Quang Trung tham gia dọn vệ sinh khu vực Bãi Xếp; khuôn viên trường học; tìm hiểu nghề truyền thống đan võng ngô đồng và trải nghiệm làm sản phẩm lưu niệm bằng ngô đồng.
Bên cạnh đó, Câu lạc bộ “Em yêu đảo xanh quê em”, học sinh nơi đây còn tham gia hoạt động “Thực hành làm nước tẩy rửa tại MRF Bãi Ông”; “Dọn vệ sinh và làm sạch biển” tại Khu vực Bãi Tra, Bãi Nần. Qua đó, hoạt động đã giúp học sinh có thêm những kiến thức, trải nghiệm về rác thải, phân loại rác, tái chế rác phục vụ sinh hoạt hằng ngày,…
Hoạt động “Trại hè san hô” hay Hội thi Rung chuông vàng “Bí ẩn dưới đại dương”,…giúp học sinh cùng nhau tìm hiểu các kiến thức về tầm quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô đối với các loài sinh vật biển và sự sống của con người. Hoạt động được trải nghiệm, thực hành giám sát làm mô hình vườn ươm san hô, cấy ghép san hô trên nền đá tự nhiên, lắng nghe các câu chuyện về rạn san hô, các tác nhân gây ảnh hưởng đến rạn san hô như: san hô bị tẩy trắng do biến đổi khí hậu, thiên tai bão, lũ; do con người như khai thác không đúng quy định, giẫm đạp, bẻ gãy san hô…Những hoạt động đã hình thành cho học sinh tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với môi trường và có những hành động thiết thực để bảo vệ rạn san hô “Ngôi nhà chung” của các loài sinh vật biển.
Mục đích là nâng cao nhận thức cho các em học sinh về thực trạng của rác thải tại địa phương, nguồn gốc của các loại rác thải, tác hại của rác thải nhựa và sự liên kết giữa các vùng biển. Từ đó, hoạt động giúp khích lệ các em học sinh cùng lan tỏa các hành động đẹp trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương và chính sức khỏe của con người.
Ông Văn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc WWF-Việt Nam cho biết, mô hình "Trường học giảm nhựa" đã lan tỏa đến 51 trường tiểu học và trung học cơ sở trong cả nước, thu hút sự tham gia của hơn 155.000 giáo viên và học sinh. Đồng thời, Tổ chức WWF cũng triển khai thành công việc áp dụng công nghệ và giải pháp thông minh trong quản lý chất thải rắn. Bên cạnh đó, thông qua các chiến dịch truyền thông, các hoạt động đã tiếp cận được 1,1 triệu lượt người tham gia và ghi nhận sự đồng hành của 127 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thay đổi hành vi sử dụng nhựa và phân loại rác tại nguồn...hy vọng đây cũng là những thông điệp lan toả về tình yêu môi trường đầy trách nhiệm.
Trịnh Nhật Linh