Nghiên cứu xác định khu vực thuận lợi cho trồng di thực cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Ninh dựa trên đánh giá tài nguyên khí hậu và đất

26/06/2025

TN&MTKết quả nghiên cứu cho thấy, một số khu vực miền núi như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà có điều kiện tương đối phù hợp về độ cao, độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ và thành phần đất. Nghiên cứu đóng góp cơ sở khoa học cho việc di thực và phát triển bền vững loài dược liệu quý này tại miền Bắc Việt Nam.

Tóm tắt. Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) là loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam, thường phân bố tự nhiên ở vùng núi cao Kon Tum - Quảng Nam. Trước nhu cầu bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu có giá trị, việc mở rộng vùng trồng ra ngoài khu vực phân bố tự nhiên là cần thiết. Nghiên cứu này nhằm xác định các khu vực tiềm năng tại tỉnh Quảng Ninh để trồng di thực Sâm Ngọc Linh, thông qua đánh giá mức độ phù hợp của điều kiện khí hậu và đất đai. Phương pháp nghiên cứu sử dụng hệ thống chỉ tiêu sinh thái - nông học của cây Sâm Ngọc Linh kết hợp với phân tích tài nguyên khí hậu và thổ nhưỡng chi tiết của tỉnh Quảng Ninh. Kết quả cho thấy, một số khu vực miền núi như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà có điều kiện tương đối phù hợp về độ cao, độ ẩm, lượng mưa, nhiệt độ và thành phần đất. Nghiên cứu đóng góp cơ sở khoa học cho việc di thực và phát triển bền vững loài dược liệu quý này tại miền Bắc Việt Nam.

Từ khoá: Sâm Ngọc Linh, Quảng Ninh, điều kiện khí hậu, đất, thích nghi sinh thái, phân vùng sinh thái.

Giới thiệu:  Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv.) là loài sâm quý hiếm, có giá trị dược liệu cao, được xem là “quốc bảo” của Việt Nam (Trần Công Khánh, 2006). Trong điều kiện sinh trưởng tự nhiên, Sâm Ngọc Linh chỉ xuất hiện tại vùng núi Ngọc Linh (Quảng Nam và Kon Tum) ở độ cao từ 1.500-2.000 m, nơi có khí hậu mát ẩm, lượng mưa cao và đất giàu mùn (Nguyễn Văn Khang & cs., 2014). Tuy nhiên, nguồn sâm tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức.

Trước nhu cầu bảo tồn và phát triển loài sâm quý này, nhiều tỉnh/thành đang nghiên cứu khả năng di thực cây Sâm Ngọc Linh sang các vùng có điều kiện sinh thái tương tự. Tỉnh Quảng Ninh - với đặc trưng khí hậu cận nhiệt đới ẩm, địa hình đồi núi, độ che phủ rừng lớn - được đánh giá có tiềm năng phát triển một số loại cây dược liệu quý dưới tán rừng (Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật, 2021).

Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có điều kiện sinh thái đa dạng, đặc biệt là khu vực trung du và miền núi phía Bắc với hệ sinh thái rừng, địa hình đồi núi, khí hậu cận nhiệt đới ẩm. Để đánh giá khả năng trồng di thực cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Ninh, cần phân tích tổng hợp hai nhóm nhân tố sinh thái chính gồm: các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, ánh sáng) và các yếu tố đất đai (loại đất, độ dốc, tầng đất, độ pH và hàm lượng hữu cơ).

Số liệu và phương pháp

Số liệu

Số liệu nghiên cứu: Bảng 1 và Bảng 2 lần lượt trình bày danh sách các trạm khí tượng và nội dung dữ liệu đất sử dụng trong nghiên cứu. Để đánh giá mức độ phù hợp sinh thái của cây Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nghiên cứu sử dụng ba nhóm dữ liệu chính:

Dữ liệu khí tượng: Bao gồm các yếu tố khí hậu trung bình nhiều năm như nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm không khí trong giai đoạn 1981-2021. Dữ liệu được nội suy từ 13 trạm khí tượng trong và lân cận tỉnh Quảng Ninh, do Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn cung cấp.

Dữ liệu đất đai: Gồm bản đồ loại đất, độ pH, độ dày tầng canh tác, hàm lượng mùn và trạng thái thực bì. Nguồn dữ liệu tổng hợp từ Trung tâm GIS vùng Quảng Ninh, kết hợp với điều tra thực địa và các tài liệu chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dữ liệu địa hình: Bao gồm độ cao và độ dốc địa hình, được trích xuất từ mô hình số độ cao SRTM với độ phân giải 30m, đảm bảo đủ chi tiết để mô phỏng điều kiện sinh thái.

Bảng 1. Danh sách trạm khí tượng được sử dụng trong nghiên cứu

STT

Tên trạm

Kinh độ (°E)

Vĩ độ (°N)

Thời kỳ

1

Đình Lập

107,10

21,53

1981 – 2021

2

Lạng Sơn

106,77

21,83

1981 – 2021

3

Lục Ngạn

106,55

21,38

1981 – 2021

4

Sơn Động

106,85

21,33

1981 – 2021

5

Uông Bí

106,75

21,03

1981 – 2021

6

Cô Tô

107,77

20,98

1981 – 2021

7

Cửa Ông

107,35

21,02

1981 – 2021

8

Móng Cái

107,97

21,52

1981 – 2021

9

Phù Liễn

106,63

20,80

1981 – 2021

10

Hòn Dấu

106,80

20,67

1981 – 2021

11

Chí Linh

106,38

21,08

1981 – 2021

12

Hải Dương

106,30

20,93

1981 – 2021

13

Tiên Yên

107,40

21,33

1981 – 2021

Bảng 2: Thông tin dữ liệu đất được thu thập

STT

Dữ liệu cần thu thập

Mô tả dữ liệu

1

Đặc điểm phân bố của các loại đất

Diện tích phân  bố (ha), tỷ lệ phân bố (%)

2

Nhóm đất (5 Nhóm chính)

Đất cát, đất đỏ vàng, đất dốc tụ, đất mặn, đất phù sa

3

Tính chất đất

Thành phần cơ giới, độ chua, hàm lượng chất hữu cơ, Hàm lượng Nitơ, Kali, Photpho, Lưu huỳnh, dung tích hấp thu, hàm lượng muối tan…

4

Khả năng sử dụng đất

Khả năng sử dụng đất đối với hoạt động canh tác và sản xuất nông nghiệp

 

 Cơ sở khoa học về đặc điểm sinh thái và phân vùng thuận lợi phát triển Sâm Ngọc Linh

Chỉ tiêu sinh thái cây sâm Ngọc Linh: Sâm Ngọc Linh là loài cây thân thảo lâu năm, sinh trưởng chậm, thích nghi với điều kiện khí hậu mát, ẩm, dưới tán rừng già có độ che phủ >80%. Nhiệt độ thích hợp 14-18°C, độ ẩm không khí 85-90%, lượng mưa 2.800-3.400 mm/năm, ánh sáng tán xạ với tổng số giờ nắng khoảng 1.200-1.400 giờ/năm (Phan Văn Đệ & cộng sự, 1987). Loài cây này thích hợp với đất mùn tơi xốp trên đá granit, tầng dày >50 cm, pH đất 5.5-6.5 (Nguyễn Thị Bình, 2017). Thông tin chi tiết về chỉ tiêu sinh thái cây sâm Ngọc Linh được trình bày trong Bảng 3.

Bảng 3. Bộ chỉ tiêu sinh thái của cây Sâm Ngọc Linh

Chỉ tiêu

Rất thích hợp (S1)

Thích hợp

(S2)

Ít thích hợp (S3)

Không thích hợp (N)

Nhiệt độ TB (°C)

14–18

10–14 hoặc 18–24

8–10 hoặc 24–26

≤8 hoặc ≥30

Độ ẩm (%)

85–90

80–85 hoặc 90–95

75–80 hoặc >95

<75

Lượng mưa (mm)

2800–3400

2600–2800 hoặc 3400–3600

2400–2600 hoặc >3600

<2400

Loại đất

Đất mùn, tơi xốp trên đá granit

Đất feralit trên đá granit

Đất feralit khác

Đất úng/mặn

Tầng đất (cm)

>50

30–50

<30

<20

Độ dốc (°)

<10

10–15

15–25

>25

Độ cao (m)

1500–2000

1300–1500 hoặc 2000–2200

1100–1300 hoặc >2200

<1100

Độ pH

5.5–6.5

5.0–5.5 hoặc 6.5–7.0

4.5–5.0 hoặc 7.0–7.5

<4.5 hoặc >7.5

 

Phương pháp phân vùng: Nghiên cứu được triển khai theo ba bước chính, kết hợp phương pháp định lượng, công cụ GIS và mô hình LUSET:

Bước 1: Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phù hợp (bổ sung trích dẫn)

Trên cơ sở tổng hợp tài liệu chuyên ngành và thực tiễn địa phương, nhóm nghiên cứu lựa chọn các chỉ tiêu sinh thái cơ bản quyết định đến sự sinh trưởng và phát triển của cây Ngọc Linh, bao gồm: yếu tố khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa), yếu tố đất (loại đất, độ dày tầng canh tác, độ chua, hàm lượng mùn, trạng thái thảm thực vật phủ), và yếu tố địa hình (độ dốc, độ cao tuyệt đối). Các chỉ tiêu được phân cấp thành bốn mức độ phù hợp: rất thích hợp (S1), thích hợp (S2), ít thích hợp (S3), và không thích hợp (N).

Việc xác định ngưỡng giá trị của các mức độ phù hợp dựa trên các nguồn tài liệu uy tín: Viện Dược liệu - Bộ Y tế (2006) [3], Trung tâm Dược liệu Quốc gia (2012) [4], FAO (2007) [1], cùng với kết quả điều tra thực địa tại Quảng Ninh (Sở NN&PTNT Quảng Ninh, 2020). Cụ thể, các thông tin về chỉ tiêu sinh thái cây sâm Ngọc Linh được sử dụng như trong Bảng 3.

Bước 2: Ứng dụng mô hình LUSET kết hợp GIS

Mô hình LUSET (Land Use Suitability Evaluation Tool) được sử dụng để tính toán chỉ số phù hợp tổng hợp theo từng ô lưới không gian, dựa trên nguyên lý chồng lớp dữ liệu (overlay) và trọng số các yếu tố sinh thái. Các chỉ số này sau đó được phân loại theo thang điểm tương ứng với mức S1–S2–S3–N. Cấu trúc mô hình LUSET được minh hoạ như trong Hình 1.

Hình 1. Cấu trúc mô hình LUCET [1]

 

Bước 3: Xây dựng bản đồ phân vùng thích hợp

Từ kết quả mô hình hóa, nhóm nghiên cứu xây dựng bản đồ phân vùng sinh thái thể hiện mức độ phù hợp tổng hợp cho cây Ngọc Linh. Bản đồ giúp xác định các khu vực có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu dược liệu theo hướng thích ứng khí hậu và bền vững.

Phương pháp kết hợp LUSET - GIS được chứng minh là hiệu quả trong nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước (FAO, 2007[1]; Singh & Aggarwal, 2018[2]; Nguyễn Hữu Quyền, 2019[5]), đặc biệt tại các khu vực có địa hình khí hậu phân hóa như Quảng Ninh.

Kết quả và thảo luận

Điều kiện sinh thái tỉnh Quảng Ninh

Điều kiện khí hậu: Cây Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu đặc hữu, phân bố tự nhiên ở độ cao từ 1.200 đến 2.100 m tại các tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, nơi có khí hậu mát mẻ, ẩm ướt quanh năm, lượng mưa lớn và ánh sáng tán xạ yếu. Để xác định tính tương thích của khí hậu Quảng Ninh với cây Sâm Ngọc Linh, số liệu khí tượng 40 năm (1981- 2021) tại 5 trạm đại diện (Uông Bí, Cô Tô, Cửa Ông, Tiên Yên, Móng Cái) được phân tích theo các chỉ tiêu sau:

Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 22.8°C (Tiên Yên) đến 23.8°C (Uông Bí), cao hơn so với ngưỡng sinh thái lý tưởng của cây sâm (14-18°C). Tuy nhiên, theo quy luật giảm nhiệt theo độ cao (0.6°C/100 m), tại các khu vực có độ cao >1.000 m như Ba Chẽ, Bình Liêu, Thanh Sơn, nền nhiệt có thể dao động từ 17-20°C, tiệm cận điều kiện sinh trưởng lý tưởng (Hình 1a).

Lượng mưa trung bình năm đạt từ 1.674 mm (Uông Bí) đến 2.649 mm (Móng Cái), trong đó các trạm Tiên Yên, Cửa Ông, Móng Cái đều có lượng mưa >2.400 mm/năm, đáp ứng ngưỡng nhu cầu cao về độ ẩm của cây sâm (Hình 1b).

Độ ẩm trung bình năm giao động trong khoảng 85% (Uông Bí) đến 89% (Móng Cái), đảm bảo duy trì độ ẩm không khí cao quanh năm, đây là điều kiện rất thích hợp với loài cây ưa ẩm như Sâm Ngọc Linh (Hình 1a).

Số giờ nắng trung bình dao động từ 1.377 giờ (Tiên Yên) đến 1.747 giờ (Cô Tô). Các khu vực có số giờ nắng thấp, đồng thời có tán che tự nhiên từ rừng đầu nguồn (như Ba Chẽ, Tiên Yên) được đánh giá là thích hợp do ánh sáng khuế tán (Hình 1b).

Hình 1. Đặc trưng khí hậu tại Quảng Ninh theo số liệu quan trắc

Nhìn chung, khi xét đến độ cao và tán rừng, nhiều khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh có khả năng đạt ngưỡng khí hậu tiệm cận với sinh thái tự nhiên của cây Sâm Ngọc Linh. Bảng 1 dưới đây trình bày tổng hợp các yếu tố khí hậu chính và mức độ phù hợp so với yêu cầu sinh thái của cây sâm.

Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của các yếu tố khí hậu với cây Sâm Ngọc Linh

Yếu tố

Ngưỡng tối ưu của Sâm Ngọc Linh

Giá trị tại Quảng Ninh

Mức độ phù hợp

Nhiệt độ (°C)

14–18

22.8–23.8 (thấp hơn ở >1000m)

Tương đối phù hợp

Lượng mưa (mm)

>2.400

1.674–2.649

Phù hợp – Rất phù hợp

Độ ẩm không khí (%)

>85

85–89

Rất phù hợp

Giờ nắng (giờ/năm)

1.200–1.600

1.377–1.747

Phù hợp một phần

Các nhân tố đất đai

Cây Sâm Ngọc Linh có yêu cầu sinh thái rất đặc thù đối với đất đai, chủ yếu là đất feralit phát triển trên đá axit, tầng đất sâu, thoát nước tốt, giàu mùn, độ pH từ hơi chua đến trung tính (5.5-6.5), và có độ che phủ cao. Phân tích dữ liệu thổ nhưỡng, địa hình và các tài liệu quy hoạch sử dụng đất tại tỉnh Quảng Ninh cho thấy:

Độ dốc và địa hình: Phần lớn khu vực miền núi Quảng Ninh có địa hình đồi núi xen lẫn thung lũng, độ cao trung bình 500-1.200 m, độ dốc phổ biến 15-35%. Địa hình dốc tạo điều kiện thoát nước nhanh, tránh ngập úng, nhưng cần có các biện pháp phòng chống xói mòn đất khi canh tác (Hình 2).

Hình 2. Bản đồ phân cấp độ dốc tỉnh Quảng Ninh

Loại đất: Các khu vực có đất feralit phát triển trên đá granit, phiến sét hoặc đá biến chất tập trung tại các huyện miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên. Đây là nhóm đất phù hợp nhất với đặc tính của cây sâm do giàu mùn, thoát nước tốt, không bị úng và ít bị xói mòn.

Độ pH: Đa phần dao động trong khoảng 5.0–6.2, phù hợp với yêu cầu cây sâm (5.5–6.5). Tuy một số nơi hơi chua hơn ngưỡng tối ưu, song có thể cải tạo thông qua biện pháp nông hóa học.

Tầng đất và kết cấu đất: Các khu vực như Ba Chẽ, Bình Liêu có tầng đất dày >50 cm, kết cấu tơi xốp, hàm lượng hữu cơ >2%. Điều này giúp duy trì độ ẩm, đồng thời cung cấp dinh dưỡng ổn định cho cây sinh trưởng.

Thảm thực vật và vi khí hậu: Các khu rừng tự nhiên có độ che phủ cao góp phần duy trì vi khí hậu mát ẩm, ánh sáng khuế tán điều kiện lý tưởng cho sinh trưởng của cây Sâm dưới tán.

Nhìn chung, ới đặc điểm địa hình - thổ nhưỡng như trên, nhiều khu vực thuộc Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà… được đánh giá có tiềm năng cao trong trồng di thực Sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, các khu vực rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện có tại đây hoàn toàn có thể được quy hoạch để thử nghiệm mô hình trồng dưới tán rừng. Bảng 2 dưới đây tổng hợp các đặc điểm đất đai chính tại các khu vực trọng điểm này.

Bảng 2. Một số đặc điểm đất đai tại các khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh

Khu vực

Loại đất chủ yếu

Độ pH

Độ dày tầng đất (cm)

Độ dốc (%)

Hữu cơ (%)

Ghi chú phù hợp với sâm

Ba Chẽ

Đất feralit trên đá granit

5.0–5.8

>50

20–35

>2.0

Rất phù hợp

Bình Liêu

Đất feralit trên đá phiến sét, đá biến chất

5.2–6.0

40–60

15–30

>1.8

Rất phù hợp

Tiên Yên

Đất đỏ vàng phát triển trên đá sét

4.9–5.6

30–50

10–25

1.5–2.0

Phù hợp

Hải Hà

Đất feralit trên đá biến chất

5.1–5.9

>45

12–20

1.6–2.2

Phù hợp

Đầm Hà

Đất nâu vàng nhạt trên đá mẹ bazan

5.5–6.2

30–40

8–15

1.4–1.8

Tương đối phù hợp

Ghi chú: Nguồn số liệu tổng hợp từ báo cáo thổ nhưỡng tỉnh Quảng Ninh (Sở TN&MT, 2022) và điều tra đất của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (2021).

Phân vùng mức độ phù hợp về tài nguyên khí hậu và đất đối với sâm Ngọc Linh tại Quảng Ninh

Kết quả phân tích chồng lớp các lớp thông tin không gian gồm dữ liệu khí hậu, đất đai, độ cao địa hình và thảm phủ thực vật đã cho phép phân chia lãnh thổ tỉnh Quảng Ninh thành bốn mức độ phù hợp sinh thái cho cây Sâm Ngọc Linh (Hình 3).

Vùng rất thích hợp (S1): Phân bố tập trung ở các xã vùng núi cao thuộc huyện Ba Chẽ và phía Bắc huyện Tiên Yên - nơi có độ cao vượt ngưỡng 1.200m, khí hậu mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình năm khoảng 19°C, độ ẩm không khí cao, cường độ ánh sáng khuếch tán do rừng tự nhiên, đất mùn phát triển trên đá granit. Những điều kiện này phù hợp chặt chẽ với sinh thái nguyên thủy của cây Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum - Quảng Nam (Bộ Y tế, 2012).

Vùng thích hợp (S2): Phân bố chủ yếu ở khu vực có cao độ từ 1.000-1.200m, tập trung tại các xã của các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, phía tây Đông Triều. Những khu vực này đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu sinh thái nhưng có thể cần bổ sung kỹ thuật trồng dưới tán che và cải tạo đất để tăng tính ổn định sinh trưởng.

Vùng ít thích hợp (S3): Là các vùng trung du có độ cao dưới 900m, với điều kiện nhiệt độ cao hơn, ánh sáng trực xạ mạnh và đất có tầng canh tác mỏng, ít mùn. Đây là khu vực có thể thử nghiệm trồng khảo nghiệm có kiểm soát, nhưng chưa đủ điều kiện mở rộng quy mô.

Vùng không thích hợp (N): Bao gồm vùng đồng bằng ven biển như Hạ Long, Móng Cái, khu vực đất mặn, đất cát ven biển hoặc úng nước. Các khu vực này không đáp ứng tiêu chuẩn khí hậu và thổ nhưỡng cho trồng cây dược liệu rừng quý như Sâm Ngọc Linh.

Phân tích Bảng 3 cho thấy, tổng diện tích thuộc vùng thích hợp (S2) là lớn nhất, phân bố chủ yếu tại các huyện miền núi như Hoành Bồ, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ. Đây là các khu vực có điều kiện khí hậu – thổ nhưỡng tương đối phù hợp và có thể triển khai vùng nguyên liệu Sâm Ngọc Linh theo định hướng phát triển dược liệu quốc gia. Trong khi đó, vùng rất thích hợp (S1) chỉ xuất hiện rải rác và chiếm diện tích nhỏ (chủ yếu là khu vực núi cao vượt ngưỡng 1.200m tại Ba Chẽ và Tiên Yên). Các khu vực thuộc ít thích hợp (S3) và không thích hợp (N) chủ yếu là vùng trung du thấp và ven biển, không phù hợp để quy hoạch vùng trồng quy mô lớn.

Bảng 3. Diện tích khu vực thuận lợi cho phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Ninh

Huyện/Thành phố

Diện tích (ha)

Rất thích hợp

Thích hợp trung bình

Ít thích hợp

Không thích hợp

TP. Hạ Long

0

1,129

3,405

2,218

TP. Cẩm Phả

0

11,072

6,855

2,102

TP. Uông Bí

0

6,700

6,053

1,264

TP. Móng Cái

0

3,319

16,170

851

Bình Liêu

0

26,235

10,917

1,388

Hải Hà

0

12,335

17,882

1,250

Đầm Hà

0

6,217

11,004

792

Tiên Yên

0

35,141

6,983

964

Ba Chẽ

0

22,091

29,314

2,859

Vân Đồn

0

4,597

21,198

2,870

Hoành Bồ

0

38,932

27,660

2,841

Đông Triều

0

12,952

3,738

957

Yên Hưng

0

730

1,152

762

Hình 3. Phân vùng khu vực thuận lợi cho phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Ninh

Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu đã ứng dụng hiệu quả công nghệ GIS trong phân tích chồng lớp các yếu tố sinh thái như khí hậu, đất đai, địa hình và thảm phủ để phân vùng mức độ phù hợp sinh thái cho cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả cho thấy:

Các khu vực rất thích hợp (S1) cho trồng Sâm Ngọc Linh chủ yếu nằm tại vùng núi cao của huyện Ba Chẽ và phía Bắc Tiên Yên, có điều kiện tương đồng với sinh cảnh tự nhiên của loài tại Kon Tum – Quảng Nam (nhiệt độ trung bình năm ~19°C, đất mùn, độ cao >1.200m).

Các vùng thích hợp (S2) phân bố rộng, chiếm tỷ lệ lớn, bao gồm các xã miền núi của Hoành Bồ, Bình Liêu, Đầm Hà, Đông Triều,... có tiềm năng phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn nếu có biện pháp cải tạo vi khí hậu và bảo vệ thổ nhưỡng.

Các vùng ít thích hợp (S3) và không thích hợp (N) chủ yếu là trung du thấp, đồng bằng ven biển, có điều kiện vượt ngưỡng sinh thái thích nghi của loài, cần loại trừ khỏi quy hoạch vùng trồng.

Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Đăng Mậu, Trần Thị Tâm

Lời cảm ơn: Bài báo là sản phẩm khoa học thuộc đề tài KHCN cấp tỉnh Quảng Ninh “Nghiên cứu phân vùng khu vực phát triển cây dược liệu và cây trồng chủ lực cho tỉnh Quảng Ninh dựa trên đặc trưng tài nguyên khí hậu và tài nguyên đất”. 

Tài liệu tham khảo

  1. FAO (2007). Land Evaluation: Towards a Revised Framework. Rome: Food and Agriculture Organization of the United Nations.
  2. Singh, R. & Aggarwal, P.K. (2018). Agro-ecological zoning using GIS for sustainable agricultural development in Western India. Agricultural Systems, 165, 163–175.
  3. Bộ Y tế (2013). Báo cáo Dự án phát triển cây dược liệu quốc gia. Hà Nội: Bộ Y tế.
  4. Trung tâm Dược liệu Quốc gia (2012). Tài liệu hướng dẫn sử dụng cây thuốc Việt Nam: Cây Ba Kích. Hà Nội: Nhà xuất bản Y học.
  5. Nguyễn Hữu Quyền (2019). Đánh giá mức độ phù hợp cây trồng tại tỉnh Hà Giang bằng mô hình LUSET. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Việt Nam, 4(2), tr. 65–72.
  6. Trần Công Khánh (2006). Nhân sâm Việt Nam - Nguồn gen quý hiếm. NXB Nông nghiệp.
  7. Nguyễn Văn Khang, Phạm Thị Thanh Ngà & cs. (2014). Đặc điểm sinh thái và tiềm năng dược liệu của cây Sâm Ngọc Linh. Tạp chí Dược liệu Việt Nam, số 2, tr.12–20.
  8. Phan Văn Đệ và nnk (1987). Panax vietnamensis - New species of Ginseng from Vietnam. Novosti Sistematiki Vysshikh Rastenii, Vol. 24.
  9. Nguyễn Thị Bình (2017). Kỹ thuật nhân giống và chăm sóc cây Sâm Ngọc Linh. NXB Khoa học Kỹ thuật.

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Việt Nam - Thụy Sĩ hợp tác xây dựng kế hoạch hành động xanh

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tri ân USAID, cam kết lan tỏa giá trị hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng - Tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Trị: Khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau sáp nhập

Tạo hành lang thông thoáng cho thương mại nông sản Italia sang Việt Nam

Nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp cùng FAO tổ chức Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình OCOP

Tăng sức cạnh tranh cho nông sản mùa vụ

Phát triển OCOP thành thương hiệu Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế trên thị trường toàn cầu

Đổi mới sáng tạo trong khuyến nông bắt nhịp mô hình chính quyền hai cấp

Tài nguyên

Quản lý tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn, chính sách

Điện Biên: Kỳ vọng đổi mới từ Luật Địa chất - Khoáng sản năm 2024

Lạng Sơn siết chặt quản lý khoáng sản: Từ thực tiễn địa phương đến kỳ vọng Luật mới

Mức thu bổ sung 5,4% tiền sử dụng đất sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Môi trường

Bài 2: Dấu ấn cấp 4 chứng chỉ quản lý rừng bền vững - Một bước tiến đột phá của Kiểm lâm Đình Lập

Kích hoạt các kịch bản ứng phó bão, lũ

Kiểm soát ô nhiễm không khí: Không thể chỉ dừng ở khuyến cáo

Hạt Kiểm lâm Đình Lập: Điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Lạng Sơn

Video

Giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học trên Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khoa học

Nghiên cứu cơ bản làm nền tảng khoa học vững chắc cho phòng chống thiên tai

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Danh sách thành viên 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2025

Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Mở cánh cửa tương lai với 20 ngành đào tạo, 6 phương thức xét tuyển linh hoạt

Chính sách

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp

Kiện toàn chức năng thanh tra ngành nông nghiệp và môi trường

Tiêu chí xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Quy định về việc lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát triển

Bắc Ninh thắp sáng hành trình mới từ cội nguồn văn hóa

Từ nền tảng nội lực đến khát vọng “kỳ lân Việt”

Thế hệ trẻ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với sứ mệnh chung tay quản trị và phát triển bền vững tiểu vùng Lan Thương - Mê Kông

Mở rộng cánh cửa đại học xanh: Chiến lược tuyển sinh 2025 và tầm nhìn phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn

Thời tiết ngày 8/7: Vùng núi Bắc Bộ, Cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cục bộ mưa to

Thời tiết ngày 7/7: Bắc Bộ Bắc Bộ nhiệt độ tăng nhẹ, có nơi nắng nóng, chiều tối mưa dông

Thời tiết ngày 6/7: Bắc Bộ có nơi nắng nóng, chiều tối mưa dông

Thời tiết ngày 5/7: Nhiều khu vực trên cả nước có mưa rào và dông