
Phân loại rác thải tại nguồn để hình thành lối sống xanh bền vững
28/04/2024TN&MTĐể chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hiệu quả trong cuộc sống từ ngày 31/12/2024, công tác chuẩn bị cần phải nghiêm túc, đồng bộ từ các khâu thu gom tới xử lý trong tất cả các cấp, ngành địa phương sở tại và cộng đồng.
Hiểu biết, hành động và sống xanh
Hiểu đúng để phân loại
Trong suốt quá trình thực tế và với vai trò là người phụ nữ, hàng ngày phải trực tiếp làm bếp và các công việc khác của gia đình và chứng kiến rất nhiều nơi công cộng (chợ, nhà hàng, khách sạn,..) thậm chí quan sát ở cả những nơi tập kết rác,… chúng tôi đều nhận thấy việc phân loại rác thải tại nguồn ở nước ta còn rất kém và chưa có một hệ thống bài bản.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để chính sách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai hiệu quả trong cuộc sống từ ngày 31/12/2024, công tác chuẩn bị cần phải nghiêm túc, đồng bộ từ các khâu thu gom tới xử lý.
Vậy phân loại như thế nào là đúng, trước tiên phải hiểu đúng thì người dân sẽ hành động đúng. Trước đây, người dân mới chỉ biết tới việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 2 loại là rác thải hữu cơ và rác thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, chất thải rắn sinh hoạt có rất nhiều loại khác nhau đòi hỏi việc phân loại đúng kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh môi trường cũng như nâng cao hiệu quả xử lý.
Việc phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Dẫu vậy, việc phân loại còn nhiều trở ngại bởi các mô hình được thực hiện chưa đồng bộ và chưa được nhân rộng.
Theo Công văn Số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt cần được phân loại thành 3 nhóm: Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; nhóm chất thải thực phẩm; nhóm chất thải sinh hoạt khác. Với tổng số 28 loại chất thải rắn khác nhau như: Giấy thải, nhựa thải, thiết bị điện tử, thức ăn thừa, chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh... Đối với mỗi loại chất thải thuộc mỗi nhóm khác nhau, cần được nhận dạng và thực hiện phân loại theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
ảnh minh họa
Ví dụ, theo hướng dẫn, nhựa thải trong quá trình sinh hoạt của người dân như: Chai, lọ, hộp... Cần được bỏ nắp, loại bỏ nước hoặc dung dịch bên trong, thu gọn. Với thủy tinh thải, cần xếp gọn vật sắc nhọn, tránh gây thương tích, rơi vãi trong quá trình vận chuyển và xử lý. Với thiết bị điện tử cần giữ nguyên hình dạng, không tháo rời.
Triển khai quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, áp dụng Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt để xây dựng kế hoạch và triển khai bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn. Tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất từ ngày 31/12/2024, các hộ gia đình, cá nhân bắt buộc phải phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Trường hợp không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom; không để rác đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền...
Khẳng định quy định trên là chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ nhằm mục đích xanh hóa môi trường, tiết kiệm tài nguyên cũng như hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, xanh bền vững. Tuy vậy, nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng nếu không làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thiếu đồng bộ, thì cho dù thời gian áp dụng kéo dài thêm 2 năm, cũng rất khó đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Phải làm tốt công tác tuyên truyền
Ô nhiễm môi trường do rác thải rắn sinh hoạt đã và đang là thách thức lớn đối với các tỉnh, thành phố trên cả nước hiện nay. Thực tế trong những năm qua cho thấy, sức ép gia dân số gia tăng cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng và lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường ngày một nhiều hơn, bao gồm cả rác thải sinh hoạt thông thường, đến rác thải nguy hại như pin, nhất là túi nylon.
Đáng chú ý, lượng chất thải rắn phát sinh có tốc độ tăng 10% mỗi năm, trong khi nhiều bãi chôn lấp, nhà máy xử lý rác tại các tỉnh, thành đang trong tình trạng quá tải, nhiều địa phương không còn quỹ đất cho việc chôn lấp.
Cần tuyên truyền sâu rộng đến học sinh, sinh viên
Vì thế, phân loại và tái chế rác thải là việc làm cấp thiết để giảm tải nguồn rác thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày. Nếu chúng ta không ứng xử tốt; không phân loại, không thu gom, xử lý thì đương nhiên rác sẽ tràn ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và ảnh hưởng tới chính sức khỏe của chúng ta và thế hệ con cháu của chính chúng ta.
Trước đây một số mô hình về phân loại rác thải tại nguồn đã được triển khai thí điểm ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, rục rịch làm nhưng sau một thời gian triển khai lại đâu vẫn vào đấy.
Được biết, TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng có những văn bản, chế tài áp dụng riêng cho việc phân loại rác thải tại nguồn, song do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhất là các quy định chưa rõ ràng nên mô hình thí điểm này cuối cùng cũng thất bại..
Còn hiện nay, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã được luật hóa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với khung pháp lý rõ ràng hơn, rất quyết liệt.
Việc phân loại rác thải tại nguồn đã trở thành quy định bắt buộc và được nhiều người dân ủng hộ. Điều này khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ - đó là xanh hóa môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm tài nguyên, phát triển xanh bền vững.
Tại nhiều địa phương đã bắt đầu có những quy định chi tiết để đưa những quy định của luật vào thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy, đây cũng mới chỉ là những hoạt động bước đầu và để triển khai hiệu quả thì chúng ta vẫn cần phải có sự chuẩn bị kỹ hơn.
Đã có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt từ nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh - người dân xã Hùng An (Kim Động- Hưng Yên) cho biết, trước đây, tôi mới chỉ biết đến việc phân loại và xử lý rác hữu cơ để làm phân bón cho cây trồng, thu gom các loại phế liệu nhựa và kim loại có thể tái chế để bán cho hộ kinh doanh phế liệu. Còn các loại rác khác gom hết vào bao để đưa ra bãi rác chứ chưa biết phân loại đúng kỹ thuật. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn chi tiết, người dân chúng tôi sẽ áp dụng và hướng dẫn các thành viên trong gia đình cùng thực hiện.
Cần có sự đầu tư đồng bộ
Chúng ta đều nhớ cách đây 15 năm, TP. Hà Nội cũng đã thực hiện dự án phân loại rác tại nguồn (3R) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án bốn triệu USD được triển khai thí điểm trên tại bốn phường của nội thành Hà Nội gồm Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công và Láng Hạ.
Từ năm 2006 đến hết năm 2009, 18.000 gia đình được huấn luyện cách phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, việc phân loại CTRSH trên địa bàn Hà Nội không được duy trì. Có thể nói, dự án phân loại rác tại nguồn 3R tại Hà Nội là thất bại.
Hiện nay, có tình trạng người thì phân loại rác tại nguồn, người lại không thực hiện, nơi có thùng rác công cộng, nơi không và thùng rác một màu, người dân không biết bỏ rác đã phân loại vào thùng nào…
Bà Hoàng Thúy Anh, người dân phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Chỗ tôi được khu phố trích quỹ trang bị cho 2 thùng rác cỡ to, khác màu sắc để phân loại. Cuối tuần có đại diện phường chụp ảnh ghi nhận. Nhưng người thu góp rác cho rằng thùng to, 1 nhân viên không vác nổi ra đầu hẻm, do xe gom rác không vào hẻm được nên cứ 3 ngày mới thu gom rác một lần, trời mưa nước đọng bên trong rất hôi thối. Được 1 tuần thì họ đẩy thùng rác đi đâu luôn. Hô hào cho lắm mà không có đồng bộ thì vô dụng, vẫn chỉ là phong trào”.
Thực tế tại chung cư Vinhomes smart city cho thấy, tại các tầng, đều đặt 2 thùng rác, một thùng hữu cơ, một thùng vô cơ. Nhưng người dân khi đổ rác vẫn đổ lộn xộn, cùng với đó là việc thu gom cũng dồn hết vào một túi.
Theo khảo sát thực tế và lắng nghe từ người dân, đặc biệt là phụ nữ đều có chung ý kiến, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn cần phải có sự đầu tư đồng bộ, bài bản từ khâu phân loại đến cơ sở hạ tầng tái chế. Nhưng với thực tế hiện nay ở nước ta, đặc biệt tại các tỉnh thành chưa đáp ứng được, trong khi việc thực hiện trách nhiệm với môi trường là rất cần kíp trong bối cảnh trái đất đang nóng lên, biến đổi khí hậu khắc nghiệt, môi trường ô nhiễm,…Đây là một bài toán đang đặt ra, cần một cách giải quyết, đầu tư đồng bộ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng,.. chứ không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, hướng dẫn.
Phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là mệnh lệnh từ cuộc sống, bởi nó mang lại rất nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, cho đất nước và làm giảm áp lực đối với việc xử lý rác thải phát sinh đổ ra môi trường, nhất là giảm quỹ đất bất đắc dĩ phải sử dụng để làm bãi chôn lấp rác thải. Cần lắm ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cộng đồng,…và của cả các cấp chính quyền địa phương sở tại.
PGS.TS Nguyễn Thị Hà, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên đã chia sẻ và có quan điểm, lợi ích từ việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã rõ, thế nhưng để triển khai hiệu quả trong thực tế cũng không phải là việc dễ dàng.
Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Thị Hà, rào cản lớn nhất là do thói quen, ý thức của nhiều người dân, hộ dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị môi trường. Có nghĩa là nhiều người đang ứng xử theo kiểu chỉ biết nhà mình sạch, không quan tâm bên ngoài ngõ, ngoài đường và các nơi công cộng,…
Một trong những rào cản khác, đó là tính đồng bộ giữa cả một hệ thống. Ví dụ như việc nhiều hộ gia đình đã triển khai phân loại, chia tách rác thải sinh hoạt ngay tại nhà theo từng loại như túi rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và các chất thải khác,.. nhưng khi đem ra điểm tập kết thì tất cả các loại rác lại để chung vào một thùng, môt xe vận chuyển và tất cả đều đưa vào khu tập kết vận chuyển - Điều này cho thấy, các khâu từ phân loại rác tới đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển, đưa đi xử lý rác còn chưa được đồng bộ. Đây cũng là trở ngại mà hầu hết các địa phương đang gặp phải.
Thiết nghĩ, để hoạt động phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai đồng bộ, việc quy định, hướng dẫn các bước trong phân loại rác ở các địa phương cần phải chi tiết hơn. Đi cùng với đó là việc tổ chức đấu thầu theo cơ chế thị trường đối với các đơn vị thu gom, xử lý rác cũng cần phải có quy định cụ thể, cạnh tranh minh bạch, hiệu quả. Tiếp theo, là cơ chế giám sát chéo phải chặt chẽ, nhất là việc làm sao phân biệt được giữa rác đã được phân loại và rác không phân loại khi người dân vứt bỏ. Vì thế quy định cần phải cụ thể, để không lặp lại những thất bại như đã gấp phải trước đây.
P/S: Thái Dương