
Phát triển năng lượng gió trên thế giới và Việt Nam
20/06/2022TN&MTTrong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt là sau thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Net-zero tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng gió nói riêng được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm giảm biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ảnh minh họa
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và nhu cầu năng lượng, cũng như ưu tiên các hoạt động ứng phó với BĐKH, điện gió ngoài khơi được phát triển mạnh, các vùng biển có độ sâu lên đến vài trăm mét cũng được khai thác sử dụng. Hiện nay, các trang trại điện gió ngoài khơi chủ yếu phát triển ở các nước Tây Âu, Trung Quốc, Biển Đông và châu Mỹ. Tại khu vực Biển Đông, khu vực phía Bắc xung quanh eo biển Đài Loan là khu vực có nhiều dự án điện gió được triển khai nhiều nhất. Khu vực phía Nam Biển Đông, các dự án điện gió của Việt Nam cũng được phát triển mạnh. Trong những năm gần đây, do tình hình khan hiếm tài nguyên năng lượng hóa thạch, chiến tranh (khu vực Trung Đông, Nga - Ukraina,…) khiến giá cả của năng lượng hóa thạch biến động mạnh,… các nước bắt đầu quan tâm hơn đến phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là năng lượng gió. Do đó, năng lượng gió được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không carbon. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu PTBV (về năng lượng sạch và giá cả phải chăng) đến năm 2030 do Liên hợp quốc đề ra.
Năng lượng gió ngoài khơi là một nguồn năng lượng tái tạo có triển vọng phát triển lớn, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn. Ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Ngoài ra, một điểm cộng khác là thực tế không giới hạn các địa điểm ngoài khơi để triển khai trang trại điện gió mà ít hoặc không ảnh hưởng đến xung đột dân cư. Hơn nữa, những tiến bộ gần đây trong công nghệ gió ngoài khơi giúp giảm chi phí vốn, lắp đặt và vận hành.
Theo số liệu thống kê, hiện nay đã có 130 nước trên thế giới phát triển điện gió. Tổng công suất điện gió của thế giới tăng nhanh trong khoảng 1 thập kỷ gần đây, đến năm 2020 với tổng công suất lên tới 733 GW cao gần gấp hai lần so với năm 2011. Kể từ năm 2010, hơn một nửa tổng lượng điện gió mới đã được bổ sung bên ngoài các thị trường truyền thống là châu Âu và Bắc Mỹ, chủ yếu là do sự bùng nổ liên tục ở Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2020, tỷ lệ sử dụng điện gió đạt 56% ở Đan Mạch, 40% ở Uruguay, 36% ở Lithuania, 35% ở Ireland, 23% ở Bồ Đào Nha, 24% ở Anh, 23% ở Đức, 20% ở Tây Ban Nha, 18 % ở Hy Lạp, 16% ở Thụy Điển, 15% ở EU, 8% ở Mỹ và 6% ở Trung Quốc. Hiện nay, Vương Quốc Anh là nước đứng đầu thế giới về phát triển điện gió ngoài khơi, chiếm 40% toàn cầu; Đức đứng thứ hai, chiếm 27%; Đan Mạch chiếm 10,5%; Trung Quốc chiếm 8,4%, Bỉ chiếm 6,0%.
Theo dự tính đến năm 2030, điện gió ngoài khơi sẽ liên tục phát triển mạnh và có thể đạt 100 GW. Năm 2020, châu Âu đã lắp đặt xong 20 GW công suất điện gió ngoài khơi. Tại châu Mỹ và châu Á, điện gió ngoài khơi cũng đang phát triển rất mạnh và được dự báo đạt đỉnh vào năm 2030 với công suất lên tới 60 GW. Để phục vụ nhu cầu phát triển và tiêu thụ năng lượng tăng không ngừng, phát triển nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió là điều đất yếu. Do vậy, việc nghiên cứu tìm các nguồn nhiên liệu để bổ sung và thay thế dần cho nhiên liệu hóa thạch đang trở thành xu thế của sự phát triển. Ở các nước phát triển, như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc,… các Atlas về năng lượng gió đã được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ XX. Bộ Atlas năng lượng gió đầu tiên trên thế giới là của cộng đồng châu Âu được xây dựng và phát triển từ giữa Thế kỷ XX. Cùng với Atlas toàn Châu lục, nhiều nước thuộc châu Âu cũng đã phát triển Atlas riêng cho quốc gia mình, tiêu biểu như của Vương Quốc Anh. Bên cạnh đó, với ưu thế về năng lượng gió, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy, Đức,…) đều đã xây dựng Atlas về năng lượng gió ngoài khơi sau khi Atlas chung của châu Âu được ban hành. Trung tâm Quốc gia về Năng lượng Tái tạo Hoa Kỳ (NREL) đã xây dựng Atlas năng lượng gió và bức xạ mặt trời độ phân giải cao cho đất liền và ven biển Hoa Kỳ. Đây là bộ Atlas được đánh giá cao về tính toàn diện và phổ cập. Năm 2010 và năm 2020, Hoa Kỳ đã cập nhật báo cáo về “Đánh giá tài nguyên năng lượng Hoa Kỳ”. Ở khu vực châu Á, Atlas năng lượng gió đã được nhiều nước xây dựng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và do các tổ chức quốc tế (WB, UNCEP, UNDP) xây dựng. Tại Ấn Độ, Phòng Thí nghiệm Quốc gia về Năng lượng bền vững của Đan Mạch (RISO) đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Năng lượng gió Ấn Độ triển khai các dự án đánh giá tài nguyên năng lượng gió và xây dựng Atlas,... Đặc biệt, trong dự án đánh giá tài nguyên năng lượng gió do WB tài trợ, công ty TrueWind của Hoa Kỳ (2021) đã xây dựng tập Atlas năng lượng gió cho khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Các nước trên thế giới đều thống nhất chung về đánh giá tài nguyên năng lượng gió là dựa trên số liệu tối thiểu trung bình 10 năm liên tục và được thực hiện định kỳ giống như Báo cáo đánh giá khí hậu quốc gia. Hiện nay, tập Atlas bản đồ năng lượng gió tại các nước phát triển đã được trong quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ phát triển quy hoạch khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nước ta nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định, nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thuỷ điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Theo Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam của Tổng cục KTTV, Đề tài cấp Bộ TN&MT “Đánh giá tài nguyên và khả năng khai thác năng lượng gió trên lãnh thổ Việt Nam” đã đưa ra được tập Atlas năng lượng gió cho các tháng đặc trưng trong năm. Đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng biển chủ yếu và đề xuất các giải pháp khai thác” đã thực hiện đánh giá tương đối hoàn chỉnh các nguồn tài nguyên năng lượng biển Việt Nam. Trong đó, các vùng biển được đánh giá có mật độ tài nguyên năng lượng gió đáng chú ý như Vịnh Bắc Bộ, khu vực Giữa và Nam Biển Đông. Từ độ cao 80 m, vùng kéo dài dọc theo hướng Đông Bắc - Tây Nam từ eo biển Đài Loan tới vùng biển ngoài khơi Nam Bộ nước ta có tiềm năng năng lượng khá cao đạt 300 - 600 W/m2 . Trong đó khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ là một trung tâm có mật độ năng lượng 400 -600W/m2. Ngoài ra trên khu vực Vịnh Bắc Bộ cũng hình thành trung tâm có mật độ năng lượng đạt 300-400 W/m2 . Gần đây, một nghiên cứu đáng chú ý đã được thực hiện với việc ứng dụng mô hình WRF chạy ở độ phân giải 10x10km để mô phỏng tài nguyên năng lượng gió thời kỳ 2006-2010 trên khu vực Biển Đông. Kết quả của các tác giả cho thấy, tiềm năng năng lượng gió được đánh giá cao hơn đáng kể so với các nghiên cứu trước đây, với phân bố mật độ năng lượng gió phổ biến 500-1400 W/m2. Trong đó, các vùng biển có mật độ năng lượng gió lớn đáng chú ý: Vịnh Bắc Bộ, khu vực Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và giữa Biển Đông, ven biển Nam Trung Bộ .
Hiện nay, nhiều khu vực biển tại Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió và sóng cao, chưa được khai thác. Trong khi đó, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo, thay thế nguồn năng lượng hiện có đang cạn kiệt. Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước đang phát triển kể cả tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó, thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Pa-ri, để đạt mức bằng “0” vào năm 2050”. Để hướng tới lộ trình phát thải ròng bằng “0” thì năng lượng tái tạo gồm điện mặt trời, điện gió và các nguồn khác cần được phát triển. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng, đây là một trong các chìa khóa thành công của điện gió, điện mặt trời cho Việt Nam, khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao.
PHƯƠNG LINH
Bộ Tài nguyên và Môi trường