
Sơn La: Tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản
18/04/2022TN&MTNhững năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại tỉnh Sơn La đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Xin ông đánh giá khái quát về tiềm năng và thế mạnh của tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La?
Ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La
Ông Nguyễn Đắc Lực: Về tiềm năng khoáng sản, theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 78 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 4 nhóm khoáng sản rắn và một số nguồn nước nóng - nước khoáng.
Cụ thể, nhiên liệu khoáng gồm có than đá, than nâu, than bùn; kim loại gồm có Sắt, đồng, nikel, chì kẽm, nhôm (bauxit), vàng; khoáng chất công nghiệp gồm có talc, sét – kaolin; khoáng sản làm vật liệu xây dựng gồm có sét xi măng, sét gạch ngói, đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, cát xây dựng, đá làm cát và nước nóng - nước khoáng.
Sơn La có thế mạnh về khoáng sản như: Than (ở các huyện: Yên Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai), Nikel (huyện Bắc Yên), Đồng (các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên) và Thạch Anh ở xã Phiêng Ban (Bắc Yên). Ngoài ra có cát làm vật liệu xây dựng thông thường dọc tuyến sông Mã, sông Đà.
Một mỏ khai thác đá làm VLXD thông thường ở Sơn La
Phóng viên: Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản rất quan trọng, vấn đề này được Sở quan tâm như thế nào?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản rất quan trọng và được quy định rất rõ trong Luật Khoáng sản năm 2010, Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 155/2016/NĐ-CP.
Công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được các cấp, ngành, Sở quan tâm, chú trọng. Các dự án khai thác khoảng sản trên địa bàn tỉnh đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường.
Hàng năm, Sở đã tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường và các nội dung liên quan đến sử dụng bền vững, hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản). Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm nắm bắt tình hình hoạt động, tình hình thực hiện các công trình bảo vệ môi trường của các cơ sở khai thác khoáng sản và xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm về bảo vệ môi trường. Yêu cầu 100% các cơ sở khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và theo quy định.
Phóng viên: Đâu là những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại Sơn La hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản thời gian qua đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả. Nhờ đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cơ bản đã được xử lý và từng bước quản lý chặt chẽ. Hoạt động khai thác khoáng sản đã đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, phục vụ dân sinh và đã góp phần tăng ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với một số loại khoáng sản như đất, cát, sỏi ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn diễn ra. Một số nơi chính quyền cấp xã chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản.
Một vấn đề nữa đó là cán bộ được đào tạo chuyên ngành về khoáng sản tại cấp huyện và cấp xã còn thiếu về số lượng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành. Địa hình chia cắt, đi lại khó khăn nên khó phát hiện và xử lý. Hệ thống văn bản pháp luật về khoáng sản và các văn bản luật khác có liên quan như: Đất đai, môi trường, đầu tư, xây dựng, thuế,... vẫn còn nhiều bất cập. Một số đối tượng hoạt động khoáng sản ngày càng tinh vi, núp bóng dưới nhiều hình thức như: san nền nhà, san ủi mặt bằng... nên cơ quan chức năng khó phát hiện và đôi khi ngăn chặn không kịp thời.
Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh Sơn La kiểm tra thực địa khu vực khai thác cát tại huyện Sông Mỏ.
Phóng viên: Vậy đâu là những giải pháp quản lý khoáng sản trong thời gian tới của Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La?
Ông Nguyễn Đắc Lực: Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy pháp luật, nhất là quy định về xử phát vi phạm hành chính cho cán bộ quản lý các cấp, doanh nghiệp và nhân dân về hoạt động khai thác khoáng sản và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Thứ hai, công khai quy hoạch khoáng sản, khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực cấp phép và khu vực chưa cấp phép hoạt động khoáng sản. Chú trọng nâng cao hiệu quả việc khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản để tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách và phục vụ xây dựng các công trình, hạ tầng, phát triển kinh tế.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin trên địa bàn tỉnh.
Thứ tư, tập trung nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đặc biệt, cần phát huy hiệu quả chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa cấp phép trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội.
Thứ năm, tham mưu tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý cấp phép khai thác khoáng sản trên Sông Đà thuộc lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy định của pháp luật chưa phù hợp, vướng mắc trong thực tế.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Hùng (thực hiện)