
Sức mạnh cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa
17/07/2025TN&MTVới tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và sự vào cuộc đồng bộ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa như Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Từ những công trình hạ tầng, mô hình kinh tế đến phong trào bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động đều để lại dấu ấn rõ nét, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tuổi trẻ Thanh Hóa chung tay xây dựng nông thôn mới
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), tuổi trẻ Thanh Hóa đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện bằng nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo và mang tính bền vững. Từ năm 2021 đến nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã chung tay đóng góp sức lực, trí tuệ để tạo nên những kết quả nổi bật: xây dựng 404 km đường giao thông nông thôn; hoàn thiện 35 tuyến đường thanh niên kiểu mẫu với chủ đề “Con đường bích họa”; thực hiện 15 km đường điện thắp sáng đường quê và 43 tuyến đường “Cột điện nở hoa”, vừa tạo mỹ quan, vừa đảm bảo an toàn giao thông.
Không chỉ dừng lại ở hạ tầng giao thông, Tỉnh đoàn còn đặc biệt chú trọng tới việc phủ xanh nông thôn. Với 683 “Hàng cây thanh niên” và hơn 1,3 triệu cây xanh được trồng mới, phong trào “Vì một Việt Nam xanh” đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ xứ Thanh. Song song, 103 “Vườn ươm thanh niên lập nghiệp” được xây dựng đã giúp nhiều thanh niên có nơi học hỏi, khởi nghiệp từ mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa tham gia thu gom bao bì, rác thải tại khu vực nông thôn
Các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng được Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai sâu rộng. Hơn 135 km kênh mương, rãnh thoát nước được khơi thông; 15 nhà văn hóa thôn, bản được tu sửa; 14 nhà tạm, nhà dột nát được xóa bỏ với tổng trị giá hỗ trợ 1.050 triệu đồng. Đặc biệt, hơn 2.020 nhà tiêu hợp vệ sinh đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Đoàn viên.
Hai đợt cao điểm ra quân hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh”, chiến dịch “Chống rác thải nhựa” và “Hãy làm sạch biển” đã thu hút hơn 20.000 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Toàn tỉnh duy trì và thành lập 600 đội hình “Thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu” với hơn 9.000 đoàn viên tham gia tích cực, hiệu quả.
Anh Vũ Văn Hưng, đại diện Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa chia sẻ: “Tuổi trẻ Thanh Hóa luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Bằng sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần tình nguyện, các bạn đoàn viên, thanh niên đã và đang góp phần tích cực vào sự đổi thay diện mạo nông thôn. Chúng tôi sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần ấy, để mỗi công trình, phần việc của thanh niên đều có giá trị thiết thực và lâu dài.”
Phụ nữ góp sức giữ gìn môi trường, vun đắp gia đình Việt
Xác định vai trò quan trọng trong việc vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. Với việc gắn kết nội dung vận động với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội Phụ nữ đã khẳng định vai trò trung tâm của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng.
Các đề án, dự án được triển khai sâu rộng, thiết thực như: “Hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các xã ven biển tỉnh Thanh Hóa”; “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022–2030”... đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng chục nghìn hộ gia đình hội viên.
Hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Vườn rau xanh – Bếp ngăn nắp – Chuồng xa nhà”
Hội cũng đã đẩy mạnh phong trào xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp thông qua nhiều mô hình như: gắn biển cho 32.459 “Nhà sạch – Vườn mẫu”; triển khai 150 tuyến “Đường tranh bích họa”; xây dựng nhiều tuyến “Đường hoa – Đường tranh – Hàng cây – Hàng rào xanh” khắp các vùng quê. Ngoài ra, 10 mô hình “Vườn rau xanh – Nhà sạch đẹp – Bếp ngăn nắp – Chuồng xa nhà” được triển khai có chọn lọc, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.
Sự phát triển mạnh mẽ của 1.421 Câu lạc bộ “Gia đình 5 không, 3 sạch” và 499 mô hình “Gia đình 5 có – 3 sạch” đã giúp nâng cao nhận thức và hành vi tích cực trong hội viên, phụ nữ. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 610.814 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí của Cuộc vận động, góp phần thiết thực vào việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa: “Phụ nữ không chỉ là người giữ lửa trong gia đình, mà còn là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế hộ và tham gia xây dựng cộng đồng văn minh. Chúng tôi luôn nỗ lực để chị em được hỗ trợ toàn diện – từ kiến thức, kỹ năng đến việc làm, tạo điều kiện để họ tự tin đóng góp cho xã hội”.
Nông dân Thanh Hóa là lực lượng nòng cốt ở nông thôn
Là lực lượng trực tiếp sản xuất, sinh sống tại địa bàn nông thôn, hội viên nông dân luôn giữ vai trò trung tâm trong công cuộc xây dựng NTM. Từ năm 2021 đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò trong vận động hội viên thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Cụ thể, hội viên nông dân đã tự nguyện hiến hơn 359.000 m² đất để mở rộng đường, xây dựng các công trình công cộng; tổ chức tu sửa và làm mới hơn 3.354 km đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng; đào đắp hơn 175.000 m³ đất đá; xây dựng 2.030 công trình các loại phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Tuyên truyền cho ngư dân về thu gom và tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường biển
Hội Nông dân cũng phát triển 806 tổ tự quản bảo vệ môi trường nông thôn, vận động xây dựng 569 mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo nền tảng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Đặc biệt, có 258.281 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn và 459.629 hội viên tham gia bảo hiểm y tế – một con số ấn tượng phản ánh ý thức chăm lo sức khỏe cộng đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã tổ chức 10 lớp tập huấn với 1.500 hội viên tham gia, đồng thời bàn giao 200 thùng rác thải và chế phẩm sinh học tại các địa phương trọng điểm, thể hiện quyết tâm trong bảo vệ môi trường nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Hà, xã Hợp Tiến cho biết: “Trước đây đường xã lầy lội, hệ thống mương tưới tiêu không đồng bộ nên sản xuất gặp nhiều khó khăn. Từ khi Hội Nông dân vận động hiến đất, làm đường, rồi hướng dẫn sản xuất an toàn, chúng tôi thấy rõ hiệu quả: đường sá sạch sẽ, thuận lợi cho vận chuyển, lúa thóc làm ra bán được giá hơn. Gia đình tôi cũng tham gia mô hình sản xuất nông sản sạch, thấy đời sống được nâng lên, có niềm tin hơn vào chính mình và sự hỗ trợ của Hội”.
Cựu chiến binh gương mẫu góp sức dựng xây quê hương
Không chỉ là biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc, lực lượng cựu chiến binh (CCB) tỉnh Thanh Hóa còn là chỗ dựa tinh thần và gương mẫu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021–2025, các cấp Hội CCB đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM; vận động hội viên tham gia các phong trào, mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, lan tỏa tinh thần tương trợ lẫn nhau giữa các hội viên.
Điểm nhấn nổi bật là hai khâu đột phá: chương trình làm nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh” với kinh phí đóng góp từ hội viên, và mô hình “Câu lạc bộ Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”, giúp hàng trăm hộ CCB vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, Hội cũng tổ chức 5 đợt cao điểm hưởng ứng các cuộc vận động như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bảo vệ vệ sinh an toàn thực phẩm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP với 1.250 lượt người tham gia.
Cựu chiến binh với nhiều mô hình phát triển kinh tế tử trông cây ăn quả
Cựu Chiến binh Lê Văn Bình, xã Tống Sơn cho rằng: “Chúng tôi từng là những người lính, khi trở về đời thường lại tiếp tục có trách nhiệm với quê hương. Tham gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là niềm tự hào. Từ việc đóng góp xây nhà nghĩa tình, đến hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, anh em cựu chiến binh chúng tôi luôn tâm niệm: còn sức thì còn cống hiến, để thế hệ sau có cuộc sống tốt đẹp hơn.”
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại Thanh Hóa đã và đang thu hút sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, trong đó các tổ chức đoàn thể như Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh đóng vai trò then chốt. Với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và sáng tạo, các tổ chức đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân, đưa Thanh Hóa tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh.
Hoàng Anh