
Tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý nguồn nước khu vực hạ lưu sông Mê Công
02/03/2025TN&MTViệc trao quyền cho phụ nữ thông qua việc thúc đẩy bình đẳng giới là rất quan trọng đối với an ninh cho phụ nữ và bảo vệ các quyền lợi chính đáng của họ. Phụ nữ có thể đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các cấp từ cộng đồng, địa phương đến khu vực để đưa ra các chính sách quản lý nguồn nước hiệu quả bằng chính trải nghiệm của họ.
Cân bằng giới trong quản lý nguồn nước
Ở mức độ cá nhân, vai trò đầu tiên của người phụ nữ trong việc quản lí nguồn nước tại hạ nguồn sông Mê Công đó là làm đa dạng nguồn sinh kế, thực phẩm cho gia đình và địa phương. Trong khi những người đàn ông nơi đây thường gắn liền với nước bằng nghề đánh bắt cá xa bờ, thì sự suy giảm nguồn nước đã dẫn đến nguy cơ họ không thể đánh bắt cá nữa và bắt buộc phải chuyển đổi nghề mới. Phụ nữ gắn bó với nguồn nước gần bờ hơn và cung cấp nguồn thức ăn chủ yếu trong gia đình từ nguồn nước tại địa phương (như từ ao hồ, vào mùa nước nổi) như nguồn cá sẵn có, rau sạch tự nhiên, các sản vật từ nước để làm nguyên liệu cho các nghề truyền thống trong đó người phụ nữ là nguồn lao động chính. Hiệp hội Đối tác Nước Toàn cầu (GWP) cho rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp (bao gồm cung cấp nước trong sinh hoạt gia đình như nấu ăn, tắm giặt và các hoạt động tạo sinh kế cho gia đình), quản lí (bao gồm quản lí nguồn nước tại địa phương) và bảo vệ nguồn TNN (giữ vệ sinh nguồn nước).
Ở mức độ khu vực, phụ nữ còn có vai trò giải quyết tranh chấp nguồn nước trong lưu vực sông. Tranh chấp được định nghĩa là một tình huống giữa hai bên hoặc nhiều bên liên quan cùng cố gắng để có được một nguồn lực khan hiếm có sẵn. Khi hai hoặc nhiều bên yêu cầu một nguồn nước chung với các mục đích và ưu tiên sử dụng khác nhau được xác định là tranh chấp liên quan đến nguồn nước. Sự khan hiếm nguồn nước ngọt cùng với sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận và phân bổ nguồn nước giữa những người sử dụng đã dẫn đến tranh chấp nguồn nước ngày càng tăng ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương. Tuy nhiên, vấn đề không công bằng xã hội trong quản lý nguồn nước cũng như quan hệ quyền lực trong quan hệ đối tác giữa các quốc gia, dẫn đến sự thiếu hụt việc tham gia của người dân và cộng đồng dựa vào TNN bao gồm cả phụ nữ.
Những năm gần đây, quan điểm về sự tham gia của phụ nữ đã được mở rộng đến lĩnh vực quản lý TNN. Cách tiếp cận về giới này đã được áp dụng trong ngành nước với mục đích đạt được sự phân công lao động cân bằng hơn giữa phụ nữ và nam giới trong một số lĩnh vực, cụ thể là tiếp cận thông tin, công việc liên quan đến thể lực, ra quyết định, tiếp cận và kiểm soát các nguồn tài nguyên. Mối quan tâm đã được chuyển hướng để nâng cao vị thế của người phụ nữ từ “người sử dụng và lựa chọn” thành “người sản xuất và hình thành” thông qua các vai trò đã được tăng cường và có ảnh hưởng nhiều hơn trong việc ra quyết định đặc biệt trong quản trị nước tại địa phương. Bên cạnh đó, việc đạt được hiệu quả và hiệu suất cao hơn đối với việc sử dụng các nguồn nước khan hiếm một cách bền vững trong quản lý là không thể thiếu, điều này cũng được coi là góp phần đáng kể vào sự bình đẳng giới nói chung.
Có ít nhất 3 lí do để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các quá trình quản trị nguồn nước tại địa phương: Thứ nhất, là tính công bằng: Phụ nữ cần được đại diện một nửa trong cơ chế ra quyết định để họ thực sự được ghi nhận và đại diện trong quá trình quản lí nguồn nước. Thứ hai, phải tính đến tính hiệu quả: Một cấu trúc ra quyết định mà không khai thác kinh nghiệm và nguồn lực của phụ nữ bên cạnh nam giới được cho là kém hiệu quả. Thứ ba, là tính đa dạng: Vì phụ nữ và nam giới sống trong những điều kiện xã hội và kinh tế khác nhau và thực hiện các vai trò khác nhau, các mối quan tâm của họ cũng khác nhau, mối quan tâm của phụ nữ là sự phân bổ các nguồn lực tại địa phương.
Tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lí nguồn nước thông qua việc đào tạo kĩ năng cho phụ nữ
Một là, cần tăng cường và hỗ trợ các mạng lưới và tổ chức phụ nữ vì đây là nền tảng giúp phụ nữ tăng cường sự tự tin và kiến thức để đảm nhiệm các vai trò lãnh đạo và tham gia tích cực trong quản lí nguồn nước tại địa phương. Hỗ trợ các tổ chức và mạng lưới của phụ nữ và thúc đẩy họ tại các cấp địa phương và cấp vùng. Để tăng cường sự đoàn kết, nâng cao nhận thức và tăng cường sự quan tâm của phụ nữ ở cấp độ địa phương, cần hỗ trợ một mạng lưới của phụ nữ từ các làng khác nhau để tổ chức các cuộc gặp mặt nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.
Hai là, cần tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia kiểm toán và giám sát. Việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào quá trình kiểm toán và giám sát chất lượng nước và dịch vụ công cộng về nước giúp họ đối thoại các vấn đề ưu tiên và nhu cầu của họ trực tiếp tới công ty cung cấp nước. Cần một bản hướng dẫn giám sát để bảo vệ nguồn nước tại cộng đồng cho các tổ chức ở cộng đồng trong đó người phụ nữ đảm nhiệm nhiều vai trò lãnh đạo.
Ba là, cần tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lí nguồn nước thông qua các chiến lược trao quyền tập thể. Cần các chiến lược trong việc thay đổi vai trò giới và quan hệ quyền lực trong đó (a) tiếp cận bất bình đẳng giới trong quản lí nguồn nước với tư cách là một vấn đề của tập thể và (b) tính đến cả sự cảm nhận của nam giới về sự bất bình đẳng và vai trò giới trong quản lí nguồn nước. Cần thiết phải có những chương trình thực hiện nhiều mục tiêu với cách tiếp cận tích hợp nhằm đấu tranh cho sự bất bình đẳng về giới chẳng hạn như nhấn mạnh vào việc trao quyền kinh tế của phụ nữ, quyền lãnh đạo và tổ chức phối hợp với các chiến dịch rộng rãi về nhạy cảm giới. Các hoạt động nhằm tăng cường các tổ chức của phụ nữ ở cấp địa phương và cấp vùng chỉ ra rằng, chúng có tiềm năng lớn trong việc khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia với các mục tiêu có tầm ảnh hưởng trong vấn đề quản lí và giải quyết tranh chấp nguồn nước. Tuy nhiên, những hạn chế đó là trong ngành nước và vệ sinh môi trường, việc chỉ tập trung vào việc gia tăng số lượng phụ nữ trong việc ra quyết định có thể dễ dàng nhìn ra nguy cơ về sự tham gia của phụ nữ là không hiệu quả do những rào cản về văn hóa, xã hội trong việc thể hiện và ra quyết định.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều nguyên tắc và thỏa thuận đã được tạo ra nhằm tăng cường vai trò giới trong tất cả các khía cạnh của quản lí nguồn nước. Ở cấp độ quốc tế, đầu tiên là Các nguyên tắc Dublin là cơ sở cho việc thực hiện các nguyên tắc quản lí tích hợp nguồn nước công nhận nguyên tắc thứ 3 đó là công nhận vai trò trung tâm của phụ nữ trong việc cung cấp, quản lí và bảo vệ nguồn nước. Nguyên tắc này đòi hỏi các chính sách cần tích cực giải quyết các nhu cầu cụ thể của phụ nữ, đồng thời, trang bị và trao quyền cho phụ nữ tham gia ở tất cả các cấp trong các chương trình TNN, bao gồm cả việc đưa ra quyết định và thực hiện quyết định theo những cách được xác định bởi chính người phụ nữ.
Từ những nguyên tắc và thỏa thuận này, một số tiến bộ bước đầu đã đạt được trong việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tổ chức quản lí chủ yếu tại địa phương. Phụ nữ có một vai trò quan trọng trong quản lý và bảo vệ môi trường. Do đó, sự tham gia đầy đủ của họ là rất cần thiết để đạt được sự phát triển bền vững.
Ở cấp khu vực
trong tầm nhìn chung khu vực ASEAN tới năm 2025 và các mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu 5 và 6 đã nhấn mạnh tới vai trò trọng tâm của bình đẳng giới và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong việc đạt được các thỏa thuận quốc tế này. Các chính phủ, xã hội dân sự và doanh nghiệp tư nhân cần phối hợp và đưa ra các phương án hành động nhằm triển khai các cam kết lồng ghép giới vào các chính sách quản lí nguồn nước và các kế hoạch phát triển trong khu vực sông Mê Công.
ThS. PHAN THANH THANH
Viện Nghiên cứu Con người
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025