
Thử nghiệm mô hình kiểm soát rác thải nhựa trên biển Huyện Thái Thụy, Thái Bình
08/06/2022TN&MTĐể giảm lượng nhựa mà con người sử dụng, giảm tác động của nhựa đối với môi trường, đối với hệ sinh thái đại dương góp phần chung tay bảo vệ chính mình và bảo vệ môi trường, mô hình kiểm soát rác thải nhựa, tại xã Thái Đô và Thụy Hải, huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình đã có những kết quả nhất định.
Biển Thái Bình
Tiềm năng và hiệu quả xử lý rác thải
Thái Thụy là một huyện ven biển nằm ở phía Đông tỉnh Thái Bình, Huyện Thái Thụy có 36 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Diêm Điền (huyện lỵ) và 35 xã. Huyện có diện tích là 256,83 km². Dân số năm 2009 là 267.012 người, mật độ dân số đạt 1.040 người/km², 15,7% dân số theo đạo Thiên Chúa. Huyện có 27km bờ biển có nhiều địa điểm du lịch nghỉ mát như bãi biển Cồn Đen (thuộc xã Thái Đô), rừng ngập mặn ven biển Thụy Xuân - Thụy Trường, rừng ngập mặn ven biển xã Thái Thượng - Thái Đô (trong phạm vi Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng) …, trong đó Cồn Đen được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Các hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân làm phát sinh rác thải nhựa ra biển trên địa bàn. Với điều kiện hệ sinh thái đa dạng, Thái Thụy là một huyện đầy tiềm năng phát triển ngành nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Trong quá trình phát triển, ngoài những thành tựu đạt được như giảm nghèo, tăng thu nhập…, các hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư huyện Thái Thụy cũng gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm rác thải nhựa. Huyện Thái Thụy có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 150 tấn/ngày. Hiện nay phương pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp và đốt. Trên địa bàn huyện có 35 khu xử lý trong đó 10 chôn lấp và 25 lò đốt rác.
Thái Đô là xã ven biển nằm về phía nam huyện Thái Thụy, tổng diện tích đất tự nhiên là 1.164.95 ha, toàn xã có 1.896 hộ bằng 6.812 nhân khẩu, xã có 6 thôn, mỗi thôn có một tổ thu gom rác thải sinh hoạt, nhân dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, nuôi trồng, khai thác hải sản, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, hoạt động du lịch những năm gần đây đang bắt đầu phát triển với bãi biển Cồn Đen nằm trong khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng được UNESCO công nhận tại Việt Nam vào năm 2004. Hiện nay, các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản; hoạt động du lịch cùng với sinh hoạt của người dân,… trên địa bàn xã đã và đang làm phát sinh lượng lớn rác thải nhựa. Rác thải sinh hoạt mới được 57,5 % hộ gia đình thực hiện phân loại trước khi chuyển ra khu tập kết để vận chuyển ra lò đốt rác tại khu vực Lò Ngói. Do lượng rác thải lớn nên việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại xã chưa được kịp thời, vẫn còn 8% lượng chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý. Ý thức của người dân về việc xả rác, phân loại rác tại nguồn nói riêng, công tác vệ sinh môi trường nói chung vẫn còn hạn chế. Kinh phí chi cho việc thu gom, xử lý lớn mà nguồn kinh phí của địa phương có hạn. Công tác thu gom vận chuyển: Ủy ban nhân dân xã Thái Đô giao khoán việc thu gom vận chuyển cho các tổ thu gom của các Thôn. Tại xã có 6 thôn, mỗi thôn sẽ có 1 hoặc 2 tổ thu gom rác trên địa bàn của thôn. Mỗi tổ thu gom gồm 1-3 người, tùy vào nhu cầu mỗi thôn. Công tác xử lý: Xã Thái Đô có 1 khu xử lý rác thải, xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt với công suất lò đốt rác 500kg/ngày. Khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã thuộc trách nhiệm của UBND xã.
Thụy Hải là xã ven biển duy nhất của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình không có đất sản xuất nông nghiệp với chiều dài 3,5 km bờ biển. Các hộ dân trong gia đình chủ yếu sinh sống bằng các nghề truyền thống từ lâu đời như nghề làm muối, nuôi trồng thuỷ sản, nghề khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản, nghề chế biến thuỷ sản, nghề men rượu và ngành nghề thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ các loại. Tính đến ngày 31/12/2021, Thụy Hải có 1602 hộ gia đình với 5369 nhân khẩu, số tàu khai thác là 41 với 120 hộ, số hộ dân nuôi trồng thuỷ sản là 290 hộ.
Tặng túi, làn đi chợ cho các hộ gia đình
Đặc thù về quản lý hành chính của xã Thụy Hải có 2 làng với 3 thôn: Làng Quang Lang: có 2 thôn là Quang Lang Đông và Quang Lang Đoài với 1070 hộ và 3771 nhân khẩu, đất ở trong khu dân cư chật hẹp, nhân dân trong làng chủ yếu sinh sống bằng một số ngành nghề truyền thống có từ lâu đời như nghề khai thác đánh bắt, chế biến thuỷ sản, có 17 cơ sở chế biến xen kẽ trong khu dân cư và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ thuỷ sản các loại. Do đặc thù của các ngành nghề nên có nhiều rác thải và rác thải đa dạng nhiều loại.
Tổ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được thành lập và giao cho HTX Duyên Hải quản lý, tổ chức thực hiện và thu tiền vệ sinh môi trường theo nhân khẩu hàng tháng, vận chuyển chôn lấp tạm thời tại khu trung chuyển rác, chờ khi khu xử lý tập trung hoàn thành sẽ vận chuyển về đó xử lý. Làng Tam Đồng: có 1 thôn là thôn Tam Đồng với 532 hộ và 1.598 nhân khẩu, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề làm muối, nuôi trồng thuỷ sản và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khác. Do đặc thù của các ngành nghề nên rác thải không nhiều, trước đây xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp tại nhà. Năm 2013, HTX Đại Đồng đã xây dựng 23 điểm trung chuyển và thành lập tổ thu gom, thu tiền vệ sinh môi trường theo nhân khẩu hàng tháng, hợp đồng thuê vận chuyển xử lý để chờ hoàn thành khu xử lý rác thải tập trung. Công tác thu gom vận chuyển: Ủy ban nhân dân xã Thụy Hải giao khoán việc thu gom vận chuyển cho 02 hợp tác xã là hợp tác xã Đại Đồng và hợp tác xã Duyên Hải. Các tổ thu gom của hợp tác xã sẽ thực hiện việc thu gom rác tại bãi tập kết trên địa bàn của xã và vận chuyển tới khu xử lý rác thải liên xã. Công tác xử lý: Khu xử lý rác thải sinh hoạt liên hợp gồm 3 xã Thụy Dũng, xã Thụy Xuân và xã Thụy Hải được đặt tại xã Thụy Dũng. Xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt. UBND xã Thụy Hải sẽ chi trả kinh phí xử lý rác thải trên địa bàn của xã cho đơn vị vận hành khu xử lý rác thải sinh hoạt liên xã.
Mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển
Thực hiện nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Căn cứ thực trạng quản lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã Thụy Hải và xã Thái Đô kết hợp với quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong Luật bảo vệ môi trường 2020. Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo nguyên tắc sau. Chất thải rắn sinh hoạt được phân loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải khác: Rác thải dễ cháy, rác thải không cháy được, rác thải nguy hại, rác thải cồng kềnh. Chất thải rắn có thể tái sử dụng/tái chế. Chất thải thực phẩm bao gồm chất thải nhà bếp (thức ăn thừa; rau quả trái cây hư hỏng; vỏ trứng, bã trà, cà phê, cành hoa). Loại bỏ nước (nếu có) trong chất thải thực phẩm để giảm khối lượng, hạn chế mùi hôi và côn trùng phát sinh trong quá trình lưu giữ. Tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho vật nuôi; làm phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Rác thải dễ cháy: Cành cây, mảnh gỗ, gỗ, cỏ, hoa, lá cây, rơm rạ, trấu, cám. Vỏ sò, vỏ trứng, vỏ tôm. Dầu dùng nấu ăn (được thấm bằng giấy hoặc vải, hoặc kết tủa dạng vón cục). Đồ bằng da: túi ví, thắt lưng da, giày da. Sản phẩm bằng cao su: găng tay, ủng, nệm cao su, ống cao su, bóng. Giày: Giày thể thao, giày da, ủng. Giấy phế thải: không thể được sử dụng như vật liệu tái chế: Giấy thấm dầu, khăn giấy, cố giấy, giấy tráng nhôm, nhãn dán, tã giấy (hãy bỏ chất bẩn vào nhà vệ sinh, để khô, tránh ngấm nước). Vải mà không thể được sử dụng để tái chế: vải bẩn, tất, đồ lót, vớ, đồ chơi nhồi bông, quần áo cũ, váy, khăn tấm vải, rèm cửa, chăn. Nhựa mà không thể được sử dụng như là một chất thải tái chế: tấm vinyl, túi nhựa vinyl, vòi vinyl, màng bọc thực phẩm, phao bơi, túi ni long, bàn chải đánh răng, ống hút, núm vú, xốp, bàn chải làm sạch, băng đĩa video, CD, DVD, bộ nhớ USB, các sản phẩm nhựa không có nhãn nhựa, sàn nhựa, dây cáp điện …..
Rác thải không cháy: Kính, đồ gốm, sứ, dao kéo (hãy đặt vào túi và viết chữ nguy hiểm ở bên ngoài). Kim loại, Bình phun, bật lửa, xi lanh (hãy bỏ hết đồ ở bên trong bình). Thủy tinh vỡ, sành sứ, vỏ sò hến. Nhựa cứng: xô chậu, đồ chơi, vòi nước, bút bi, thước kẻ, hộp đựng đĩa CD.
Rác thải nguy hại: Bóng đèn huỳnh quang, bình xịt côn trùng, vỏ bình gas mini. Chai lọ đựng hóa chất, dầu nhớt, ắc quy, pin, thiết bị điện tử, nhiệt kế thủy ngân. Rác thải cồng kềnh: Tủ, bàn ghế, giường, Nệm cũ hỏng. Ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, máy sấy. Xà bần…
Đối với hộ gia đình: Rác thải sinh hoạt phân loại tại nguồn và đem ra các điểm tập kết rác của xã (tại các đầu đường, thôn, xóm) vào thời gian quy định. Các tổ thu gom rác của mỗi thôn sẽ đến các điểm tập kết thu gom rác đưa đến khu xử lý rác thải của xã. Tổ thu gom sẽ thu gom các loại rác thải theo ngày quy định. Rác thải thực phẩm: được tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi hoặc làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Rác thải tái chế/tái sử dụng: Để vào các bao bì và đặt ở một góc trong nhà, có thể bán cho người thu mua phế liệu hoặc đến ngày thu gom thì mang đến điểm tập kết của xã. Rác thải nguy hại: Để vào các bao bì (thùng các tông, bao bì) và để một góc trong nhà, đến ngày thu gom thì mang ra hoặc mang đến điểm tiếp nhận được xã bố trí. Rác thải cồng kềnh: Để gọn vào một chỗ trong gia đình, đến ngày thu gom thì mang ra điểm tập kết; Hoặc có thể tự liên hệ với đơn vị thu gom tại nguồn để thỏa thuận dịch vụ thu gom, vận chuyển đến điểm tiếp nhận được xã bố trí.
Đối với khu công cộng: Nhà văn hóa, chợ dân sinh, trường học, cảng cá, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Bố trí đặt tại các khu công cộng, mỗi khu vực 03 loại thùng rác với 3 màu sắc khác nhau, dung tích 120lít/thùng để thu gom: Rác cháy được, Rác không cháy được, Rác tái chế/tái sử dụng. Tổ thu gom của thôn sẽ đến thu gom rác thải theo ngày quy định và đưa đến khu xử lý rác thải của xã.
Đối với trên tàu thuyền: Tại mỗi tàu khai thác thủy sản, sẽ đặt 03 thùng đựng rác với 3 màu sắc khác nhau, dung dích 60lít/thùng để thu gom: Rác cháy được, Rác không cháy được, Rác tái chế/tái sử dụng. Sau mỗi ngày hoạt động trên biển, các chủ tàu sẽ đổ các loại rác vào các thùng rác tương ứng đặt trên bến. Tổ thu gom rác của thôn sẽ đến thu gom rác hàng ngày theo quy định và đưa đến khu xử lý rác thải của xã.
Đối với nuôi trồng thủy hải sản. Rác thải sinh hoạt phân loại tại các hộ nuôi trồng thủy hải sản và đem ra các điểm tập kết rác của xã vào thời gian quy định. Các tổ thu gom rác của mỗi thôn sẽ đến các điểm tập kết thu gom rác đưa đến khu xử lý rác thải của xã. Tổ thu gom sẽ thu gom các loại rác thải theo ngày quy định. Nơi thu gom rác thải. Các hộ gia đình, cá hộ nuôi trồng thủy hải sản bỏ rác thải vào thùng/bao bì đựng rác đặt tại vị trí quy định (đầu làng, ngõ, thôn, xóm).
Các hộ nuôi trồng thủy hải sản bỏ rác thải vào thùng/bao bì đựng rác đặt tại vị trí quy định. Rác thải từ các tàu biển, các hoạt động trên bến cảng được bỏ vào thùng/bao bì đựng rác đặt tại bến cảng. Tổ thu gom của xã sẽ đến thu gom rác tại nơi quy định và đưa đến khu xử lý rác thải của xã. Không vứt rác bừa bãi ra môi trường, ra ngoài vỉa hè, đường đi, sông, suối ao, hồ …. Luôn đặt rác đúng nơi quy định. Thời gian thu gom rác thải. Bỏ rác thải ra vị trí quy định trước 16h00 (tức 4h00 buổi chiều) vào ngày thu gom. Tổ thu gom rác sẽ không thu rác thải được đưa ra muộn. Nếu muộn, bỏ rác vào ngày thu gom tiếp theo. Lịch thu gom rác thải: Đối với rác thải dễ cháy: Thu gom 3 lần/tuần; vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 hàng tuần; Đối với rác thải không cháy: Thu gom 3 lần/tuần; vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần. Đối với rác thải có thể tái chế, tái sử dụng: Thu gom 01 lần/tuần; vào ngày chủ nhật hàng tuần. Đối với rác thải nguy hại, phát sinh từ các hộ gia đình: Thu gom 01 lần/tháng; vào ngày chủ nhật tuần cuối cùng của tháng. Đối với rác thải cồng kềnh: Thu gom 02 lần/tháng vào ngày chủ nhật tuần thứ hai và tuần thứ tư của tháng. Đối với rác thải thực phẩm: được tận dụng làm phân vi sinh hoặc thức ăn cho vật nuôi. Trong trường hợp không được tận dùng, thì được đem đến nơi tập kết hàng ngày đúng thời gian quy định.
Hoạt động thí điểm mô hình giảm thiểu rác thải nhựa ra biển trên địa bàn xã Thái Đô, Thụy Hải Huyện Thái Thụy, Thái Bình đã đem lại tác động tích cực bước đầu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, để duy trì các hoạt động này trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục triển khai Quy chế thực hiện thử nghiệm mô hình kiểm soát rác thải nhựa ra biển cùng với các giải pháp cụ thể sau đây: Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải sinh hoạt, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Các đoàn thể tiếp tục vận động, giám sát đoàn viên, hội viên thực hiện tốt việc phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải sinh hoạt, thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Cơ sở thôn nắm bắt tình hình thực tế tại thôn, thực hiện giám sát các hộ gia đình, nếu có hộ nào xả thải bừa bãi, chưa thực hiện phân loại thì thực hiện tuyên truyền, vận động, nếu hộ gia đình không thực hiện thì báo cáo UBND xã giải quyết. Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp để thay đổi hành vi, thói quen, ứng xử với sản phẩm nhựa; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định; điển hình là các hộ nuôi trồng, khai thác; tổ chức kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý chất thải nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Viện Chiến lược chính sách TN&MT