Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Doanh nghiệp là trung tâm, báo chí là động lực
22/07/2025TN&MTSáng ngày 22/7/2025, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”. Tham dự có đại diện các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn – Hướng đi tất yếu trong kỷ nguyên phát triển bền vững
Mở đầu bài phát biểu TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của kinh tế tuần hoàn trong tiến trình phát triển xanh và bền vững của Việt Nam.
TS. Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tuyên truyền sâu rộng thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa được ban hành, về phát triển kinh tế tư nhân, đây là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Một trong những nội dung then chốt của Nghị quyết là phát triển tín dụng xanh, khuyến khích tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tuần hoàn và áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) – điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình, mà còn nâng cao uy tín, tiếp cận thị trường toàn cầu.
TS. Đào Xuân Hưng khẳng định: “Báo chí đóng vai trò tiên phong trong việc nâng cao nhận thức xã hội, truyền cảm hứng kinh doanh xanh và cổ vũ những mô hình doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”. Ông nhấn mạnh báo chí góp phần lan tỏa tư tưởng, mô hình hay, cách làm mới, tạo nên sự thay đổi về tư duy về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Việc tổ chức hội thảo không chỉ nhằm tuyên truyền chính sách mà còn thể hiện vai trò của báo chí trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng để định hình và hiện thực hóa mô hình phát triển bền vững phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường” diễn ra sáng 22/7/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội)
Kinh tế tuần hoàn – Lời đáp cho bài toán tài nguyên, môi trường và tăng trưởng
TS. Đào Xuân Hưng tiếp tục nhấn mạnh rằng, thế giới – và đặc biệt là Việt Nam – đang đối mặt với loạt thách thức nghiêm trọng mang tính hệ thống, trong đó nổi bật là biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái. Những thách thức này đang trực tiếp đe dọa đến an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước và cả năng lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày đã lên tới 70.000 tấn, nhưng hiện có tới hơn 70% số này vẫn được xử lý theo hướng chôn lấp và đốt bỏ – những phương pháp lỗi thời không chỉ gây lãng phí đất đai, nguồn lực mà còn làm trầm trọng thêm ô nhiễm đất, nước, không khí. Trong khi đó, phần lớn rác thải này có thể được tái chế, tái sử dụng nếu có cơ chế phân loại hiệu quả tại nguồn.
Theo TS. Đào Xuân Hưng, nếu được xử lý theo hướng kinh tế tuần hoàn, rác thải không còn là gánh nặng môi trường mà sẽ trở thành tài nguyên. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực lên môi trường mà còn mở ra cơ hội hình thành những ngành công nghiệp mới, tạo việc làm và phát triển chuỗi giá trị tuần hoàn khép kín – là tiền đề cho tăng trưởng xanh.
Ông cũng khẳng định rằng, Việt Nam đã có những bước đi ban đầu vững chắc trong thể chế hóa mô hình này. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đặc biệt là Điều 142, cùng Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã hình thành nền tảng pháp lý đầy đủ để triển khai kinh tế tuần hoàn ở cả cấp quốc gia và địa phương. Đặc biệt, theo Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mô hình kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng chiến lược để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết khí hậu của Việt Nam đến năm 2050. Việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là lựa chọn thông minh về mặt kinh tế và xã hội.
Doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, báo chí là động lực truyền thông
Trong phần tiếp theo của bài phát biểu, TS. Đào Xuân Hưng tập trung phân tích vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông, để đưa kinh tế tuần hoàn đi từ chính sách đến hành động, doanh nghiệp phải là chủ thể tiên phong – từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cho đến tái chế và xử lý chất thải sau tiêu dùng.
TS. Đào Xuân Hưng cho biết: Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cụ thể hóa một loạt chính sách nhằm khuyến khích mô hình này, bao gồm: triển khai trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hỗ trợ các dự án chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh, cải tiến mô hình quản trị, và đồng hành cùng địa phương xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh phù hợp.
TS. Đào Xuân Hưng kỳ vọng hội thảo sẽ là dịp quan trọng để các bên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hiến kế cho quá trình chuyển đổi xanh
Ông khẳng định, nếu áp dụng thành công mô hình tuần hoàn, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất thông qua sử dụng hiệu quả nguyên liệu và năng lượng, mà còn có thể mở rộng chuỗi giá trị, tăng cường khả năng cạnh tranh và nâng cao uy tín thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, TS. Hưng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ mới – như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), hệ thống truy xuất nguồn gốc, và công cụ đo lường ESG – sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hiệu quả, minh bạch hóa sản xuất và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ người tiêu dùng và nhà đầu tư quốc tế.
Là người đứng đầu Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường – cơ quan khoa học, lý luận của Bộ Nông nghiệp và Môi trường – TS. Đào Xuân Hưng cho biết: Trong năm 2025, tạp chí đã được 9 Hội đồng Giáo sư Nhà nước phê duyệt điểm khoa học, trong đó có 4 hội đồng chấm điểm tối đa 1 điểm. Tạp chí hiện phát hành 8 ấn phẩm đa ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), gồm cả bản in và điện tử, tập trung truyền thông mạnh mẽ về chính sách nông nghiệp – môi trường, chuyển đổi xanh, công nghệ sạch và đặc biệt là mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông khẳng định: “Tạp chí không chỉ là diễn đàn khoa học, mà còn là cầu nối giữa nhà khoa học – nhà quản lý – doanh nghiệp – xã hội. Thông qua các chuyên đề, hội thảo và diễn đàn mở, chúng tôi mong muốn đồng hành, hỗ trợ và kiến tạo hệ sinh thái truyền thông bền vững.”
Đồng hành xây dựng hệ sinh thái xanh – Trách nhiệm chung của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội
Kết thúc bài phát biểu, TS. Đào Xuân Hưng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tính tất yếu và cấp thiết của sự hợp tác liên ngành, liên lĩnh vực trong quá trình xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông, ba trụ cột chủ lực: Nhà nước – Doanh nghiệp – Xã hội cần cùng tham gia, phối hợp đồng bộ, để tạo dựng một hệ sinh thái sản xuất – tiêu dùng – tái chế tuần hoàn, đa dạng và bền vững.
Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường cho rằng: Trong nền kinh tế hiện đại, khả năng chống chịu và thích ứng linh hoạt trước các biến động toàn cầu phụ thuộc vào tính đa dạng và kết nối trong nội tại nền kinh tế. Điều này đòi hỏi có sự đa dạng về mô hình doanh nghiệp, loại hình sản xuất, kênh tiêu thụ và hệ thống logistics. Trong đó, truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, định hướng hành vi tiêu dùng, và khơi dậy tinh thần trách nhiệm cộng đồng.
Ông kỳ vọng rằng, hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp và báo chí cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất sáng kiến, đồng thời nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, khả thi và có tính lan tỏa cao.
Theo TS. Đào Xuân Hưng: Nhà nước – Doanh nghiệp – Xã hội cần cùng tham gia, phối hợp đồng bộ, để tạo dựng một hệ sinh thái sản xuất – tiêu dùng – tái chế tuần hoàn, đa dạng và bền vững
TS. Đào Xuân Hưng cũng bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong thực thi chính sách môi trường, không chỉ ở góc độ nghĩa vụ pháp lý, mà còn là động lực nội tại trong việc xây dựng thương hiệu xanh, nâng cao giá trị cộng đồng và phát triển dài hạn.
Trước khi tuyên bố khai mạc hội thảo, TS. Đào Xuân Hưng gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp tham dự, các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các doanh nghiệp tài trợ như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, cùng các cơ quan báo chí đã đồng hành, đưa tin về sự kiện.
Hoàng Anh