
Thúc đẩy thực thi bình đẳng nam, nữ về quyền sử dụng đất tại Việt Nam
14/09/2021TN&MTPhụ nữ và nam giới bình đẳng về quyền sử dụng (QSD) đất được đề cập trong các văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Nội dung này được thể hiện trong Hiến pháp 2013, Luật đất đai 2013, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành.
Phụ nữ và nam giới bình đẳng về QSD đất được thể hiện ở các khía cạnh như: mọi cá nhân đều có quyền được để lại và hưởng thừa kế QSD đất trong gia đình; cả vợ và chồng đều có tên trong giấy chứng nhận QSD đất khi là tài sản chung của cả vợ và chồng; vợ và chồng đều có quyền quyết định như nhau khi tham gia các giao dịch chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn QSD đất; khi ly hôn vợ và chồng đều được phân chia QSD đất khi là tài sản chung. Mặc dù đã có những quy định pháp luật như trên, nhưng trong thực tế phụ nữ vẫn đang bị hạn chế trong việc hưởng lợi từ các quy định này.
Câu chuyện của chị Oanh
“Sau gần 30 năm lập gia đình, giờ mới được có tên trong sổ đỏ” đó là tâm sự của chị Vi Thị Oanh – một phụ nữ dân tộc Thái 50 tuổi, ở xã Chiềng Châu, Huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Oanh sống cùng bố mẹ chồng trên thửa đất ở của bố mẹ chồng. Thửa đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất vào năm 1998 với diện tích 320 m2 và mang tên của bố chồng. Vợ chồng chị cùng canh tác trên diện tích đất nông nghiệp được cấp sổ đỏ năm 1997 với tổng diện tích 4.252,7 m2 (gồm đất lúa, ao, màu), GCNQSD đất nông nghiệp cũng mang tên của bố chồng.
Bố mẹ chồng chị Oanh có 5 người con đều đã lập gia đình và ở riêng. Mẹ chồng chị đã mất được mấy năm. Bố chồng chị đang ở cùng gia đình chị và tuổi đã hơn 80 nên sức khỏe ngày một sa sút. Tuy vậy, ông chưa muốn chuyển tên trên GCNQSD đất sang cho vợ chồng chị và cũng chưa có ý định viết di chúc để lại QSD các thửa đất đó. Theo phong tục của dân tộc Thái người con nào mà ở và chăm sóc ông bà, cha mẹ sẽ được thừa kế QSD đất của ông bà, cha mẹ để lại mà không cần có di chúc. Trước đây, khi đất chưa có giá trị, anh em trong gia đình rất hòa thuận trong việc phân chia thừa kế đất theo phong tục như vậy. Những năm gần đây khi giá trị của đất tăng do phát triển du lịch đã làm gia tăng các vụ việc tranh chấp về đất giữa các anh chị em trong gia đình khi bố mẹ chết mà không để lại di chúc và không thực hiện theo phong tục. Với hiện thực của gia đình mình như vậy chị Oanh cũng rất lo lắng làm sao để tránh được tình trạng tranh chấp đất giữa các anh chị em nhà chồng với gia đình mình trong tương lai.
Những lo lắng của chị Oanh đã được giải quyết sau khi chị tham gia hoạt động của dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” do Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) triển khai tại địa phương. Với những kiến thức chị được trang bị trong các khóa tập huấn, sự kiện truyền thông, chị đã bàn với các anh em trong gia đình nhà chồng cùng phối hợp thuyết phục bố chồng đồng ý làm hợp đồng tặng cho QSD đất ở và đất nông nghiệp cho vợ chồng chị. Khi có hợp đồng tặng cho đất của bố chồng và biên bản phân chia di sản thừa kế QSD đất từ phần của mẹ chồng được hưởng, vợ chồng chị đã gửi hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai huyện và đã được cấp GCNQSD cho các thửa đất với tên hai vợ chồng chị. Từ khi có tên của cả hai vợ chồng trên GCNQSD của các thửa đất gia đình mình đang sử dụng, chị Oanh đã không còn lo lắng về những mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa các anh em gia đình nhà chồng có thể xảy ra khi bố chồng chị mất đi.
Nhiều phụ nữ vẫn chưa được hưởng lợi
Trường hợp như của chị Oanh hiện nay còn phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi nơi có nhiều đồng bào dân tộc đang sinh sống.
Bắt đầu từ Luật đất đai năm 2003 đã quy định tên của vợ và chồng được ghi trong GCNQSD đất khi là tài sản chung của cả vợ và chồng, nhưng rất nhiều GCNQSD đất được cấp trước thời điểm này được thực hiện với đối tượng là hộ gia đình và ghi tên đại diện trên GCN là chủ hộ, trong khi thực tế chủ hộ thường là người chồng. Tình trạng tại một số địa phương, một số trường hợp chỉ người chồng đứng tên trên GCN thực hiện quyền của người sử dụng đất làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vợ. Người phụ nữ không được tham gia quyết định, định đoạt đối với QSD đất ghi nhận trên GCN. Điều này còn dẫn đến tranh chấp giữa những người thân trong gia đình bên chồng vì GCNQSD đất không có tên của người vợ. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên &Môi trường công bố ngày 20/5/2020 cho đến nay tổng số GCN đã cấp cho hộ gia đình, cá nhân là 24,69 triệu GCN (hộ gia đình là 15,07 triệu, cá nhân là 5,01 triệu, cả vợ và chồng là 4,6 triệu), trong đó có 15,68 triệu GCN có tên người phụ nữ. GCN đã cấp cho hộ gia đình có chung QSD đất hoặc GCN đã cấp cho tài sản chung là của vợ và và chồng nhưng chỉ ghi tên người chồng hiện nay trên cả nước còn khoảng 12 triệu.
Để tạo sự công bằng và khắc phục những tồn tại trên, Luật đất đai năm 2013 quy định cũng đối với trường hợp QSD đất là tài sản chung của vợ và chồng mà GCN đã cấp chỉ ghi tên vợ hoặc chỉ ghi tên chồng thì được cấp đổi sang GCN ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu. Tuy nhiên nhiều phụ nữ, đặc biệt ở vùng nông thôn miền núi chưa nhận thức đầy đủ về quyền và lợi ích khi mình được đứng tên trên GCNQSD đất, tâm lý e ngại về thủ tục giấy tờ và chi phí cũng như yếu tố nhạy cảm về văn hóa – xã hội.
Một số hoạt động hỗ trợ
Nhằm bảo đảm quyền bình đẳng về QSD đất của phụ nữ, tránh các tranh chấp về đất đai, tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế-xã hội, năm 2020 Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế-Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đã thực hiện dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” ở hai tỉnh Hòa Bình và Nghệ An.
Dự án đã tổ chức các hoạt động đào tạo kiến thức pháp luật về đất đai, các kỹ năng truyền thông pháp luật, tư vấn pháp luật cho các cán bộ địa phương có nhiệm vụ tham mưu trong công tác quản lý đất đai và cán bộ tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cấp huyện và xã. Các chuyên gia về lĩnh vực pháp luật đất đai, luật sư, cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã cùng với các cán bộ này triển khai các chiến dịch truyền thông các quy định pháp luật bình đẳng nam nữ về đất đai cho người dân ở các thôn bản theo cách đơn giản hóa các nội dung và có tương tác thông qua trò chơi hỏi đáp, bài tập tình huống, đoạn video clip. Một bộ câu hỏi và các phương án trả lời với chủ đề bình đẳng nam nữ về QSD đất trong các văn bản pháp luật được lồng ghép qua các tình huống cụ thể trong đời sống.
Sau sự kiện truyền thông tại thôn bản, người dân đang có vướng mắc về pháp luật đất đai đã được tư vấn trực tiếp tìm hướng giải quyết và trợ giúp tiếp theo. Những vướng mắc của mỗi người dân và thông tin tư vấn hướng giải quyết được ghi chép lại trong Phiếu tư vấn pháp lý. Phiếu này được được đưa lại cho người dân kèm theo số điện thoại của chuyên gia, luật sư để liên lạc nếu cần được tư vấn hỗ trợ thêm. Không chỉ dừng lại ở những sự kiện truyền thông, tư vấn lưu động theo chiến dịch mà các cán bộ chức năng địa phương được đào tạo kiến thức, kỹ năng đã thực hiện việc tư vấn ban đầu, hướng dẫn tại chỗ, hòa giải và kết nối với Trung tâm trợ pháp lý nhà nước với những trường hợp hòa giải không thành để trợ giúp trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án.
Những hoạt động dự án của Viện CISDOMA đang thực hiện đã góp phần vào những hoạt động thúc đẩy thực thi bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất tại Việt Nam của Đảng và Nhà nước. Gần đây vào ngày 18/6/2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền của người phụ nữ đối với QSD đất là tài sản của chung vợ và chồng và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi GCNQSD đất ghi cả tên vợ và chồng khi QSD đất tài sản chung của vợ và chồng mà GCN đã cấp chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng.
Sỹ Tùng