
Thực hiện quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ các loài thú biển
16/07/2025TN&MTĐể tăng cường bảo vệ các loài thú biển, cần tập trung vào việc thực thi pháp luật nghiêm minh, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế. Điều này bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, buôn bán trái phép, bảo vệ môi trường sống của chúng và giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học biển.
Đạo Luật bảo tồn thú biển của Hoa Kỳ (MMPA) được quy định và thực thi nhằm bảo tồn, phát triển các loài thú biển đồng thời thúc đẩy các hoạt động khai thác thủy sản có trách nhiệm và bền vững. Đạo Luật không chỉ được áp dụng tại Hoa Kỳ mà còn ảnh hưởng đến các quốc gia có quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Theo đó, các quốc gia khi xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường Hoa Kỳ phải chứng minh được có các biện pháp quản lý nghề cá và bảo tồn thú biển tương đương với các yêu cầu của Đạo luật bảo vệ thú biển của Hoa Kỳ.
ảnh minh họa
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan gửi hồ sơ theo yêu cầu đánh giá tương đương đến Cơ quan quản lý Đại dương và Khí quyển Hoa Kỳ (NOAA) để được xem xét công nhận tương đương. Việc đánh giá đang được tiến hành và dự kiến công bố sau ngày 30/11/2025, các quốc gia được đánh giá không tương đương sẽ bị cấm xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.
Nhằm tiếp tục thực hiện các quy định pháp luật hiện hành để đạt được kết quả tương đương với yêu cầu từ Đạo Luật bảo tồn thú biển của Hoa Kỳ, tránh được nguy cơ cấm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, tập trung chỉ đạo các Sở, ban ngành, các cấp chính quyền tại địa phương thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:
Một là: Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có quy định về bảo vệ các loài thú biển. Các loài thú biển hay động vật có vú (bao gồm nhóm cá heo, cá voi, du-gông) tại Việt Nam thuộc Nhóm I Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm ban hành tại Phụ lục II Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2025 và Nhóm I Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ban hành tại Phụ lục I Thông tư 27/2025/TT-BNNMT ngày 24/6/2025. Theo đó, nghiêm cấm khai thác, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các loài thú biển.
Hai là: Thực hiện nghiêm các quy định về ghi sổ nhật ký khai thác, khuyến khích ngư dân sử dụng nhật ký khai thác điện tử để ghi chép đầy đủ, chính xác về các hoạt động khai thác, đặc biệt ghi đầy đủ thông tin bắt gặp thú biển trong quá trình khai thác thủy sản (nhật ký khai thác thủy sản theo biểu mẫu số 01; theo dõi bốc dỡ qua cảng theo mẫu số 06 Phụ lục VII kèm theo tại Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/01/2022); tăng cường thực hiện công tác kiểm tra tại cảng để đảm bảo các tàu cá thực hiện theo đúng các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ba là: Thực hiện tốt công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản đảm bảo rõ ràng, minh bạch từ tàu cá, cảng cá, cơ sở chế biến đến khi xuất khẩu, để mọi lô hàng phục vụ xuất khẩu đều có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, phương pháp khai thác và thông tin không gây hại đến thú biển.
Bốn là: Tổ chức xác định và khoanh vùng các khu vực có phân bố hoặc khu vực di cư, kiếm ăn của các loài thú biển để tăng cường bảo vệ, cảnh báo đối với các trường hợp tiếp cận những khu vực này làm ảnh hưởng đến các hoạt động tự nhiên của các loài thú biển.
Năm là: Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng ngư dân các quy định về bảo vệ, bảo tồn các loài thú biển, kỹ năng cứu hộ thú biển, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo tồn các loài thú biển tại Việt Nam; giảm tỉ trọng các nghề có ảnh hưởng lớn đến thú biển như: nghề lưới rê, nghề lưới kéo; áp dụng các biện pháp xua đuổi cá heo, cá voi đối với các tàu hoạt động trong nghề lưới vây, lưới rê, lưới kéo, nghề câu.
Sáu là: Chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển, tại cảng cá để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về khai thác thủy sản, đặc biệt là các hành vi gây hại đến thú biển. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát môi trường rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, quảng cáo, buôn bán trái phép thú biển và các sản phẩm từ thú biển.
Bảo Nhi