
Ứng dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám còn gặp nhiều khó khăn
16/10/2024TN&MTMặc dù, việc sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám vào quán lý, vận hành đơn vị, tổ chức đã được Chính phủ chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai sát sao. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới, khó tiếp cận, nên hiện nay mới có 06 Bộ, ngành và 37 địa phương có báo cáo về lĩnh vực viễn thám.
Thực tế cho thấy, một số địa phương chưa nhận rõ được tính ưu việt trong ứng dụng, sử dụng sản phẩm viễn thám phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, những năm qua, các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn chưa đề nghị nhu cầu thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, một số địa phương cho rằng, viễn thám là lĩnh vực khá mới, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về viễn thám chưa có chuyên môn về viễn thám. Vì vậy, chưa đầu tư ngân sách để phát triển viễn thám tại địa phương, dẫn tới việc thực thi các quy định pháp luật về viễn thám còn một số hạn chế.
Mới 06 Bộ có báo cáo ứng dụng về viễn thám
Theo thông tin từ Cục Viễn thám quốc gia, việc cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám được thực hiện trên Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở Quyết định số 1238/QĐ-BTNMT ngày 12/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực viễn thám thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo đó, quyết định này quy định trình tự thủ tục, cách thức thực hiện, quy trình các bước thực hiện và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, việc cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia đang thực hiện ở mức dịch vụ công cấp toàn trình.
Cũng theo Cục Viễn thám quốc gia, mặc dù, thông tin, dữ liệu viễn thám được cung cấp thông qua công dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài nguyên và Môi trường với mức đăng ký toàn trình nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Theo Quyết định số 1238/QĐ-BTNMT thì việc cung cấp thông tin, dữ liệu viễn thám được thực hiện trong vòng 05 ngày làm việc.
Tuy nhiên, khách hàng sử dụng dữ liệu cần có sự trao đổi, tư vấn về thuộc tính kỹ thuật của dữ liệu viễn thám sẽ được cung cấp để thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người sử dụng nên thời gian 05 ngày làm việc là không đủ để thực hiện cả cung cấp thông tin và dữ liệu viễn thám. Do vậy, thủ tục hành chính công lĩnh vực viễn thám thường không đảm bảo thời gian như quy định.
Dữ liệu ảnh SPOT 6/7 năm 2022 thu nhận tại trạm thu viễn thám của Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bên cạnh đó, việc công bố thường xuyên, định kỳ siêu dữ liệu viễn thám quốc gia được thực hiện qua hai hình thức. Hằng tháng, thực hiện công bố siêu dữ liệu viễn thám trên trang thông tin điện tử và hệ thống hồ sơ công việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hằng năm, xây dựng báo cáo công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia.
Theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia được tổng hợp từ các Bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc nộp siêu dữ liệu viễn thám của các Bộ, ngành, địa phương về Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được thực hiện nghiêm túc. Do vậy, việc công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia thường là dữ liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường sở hữu.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong đó có dữ liệu viễn thám với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Các biên bản ghi nhớ về phối hợp công tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là hình mẫu trong việc phối hợp công tác cũng như chia sẻ thông tin dữ liệu.
Điều này được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật như: Thông tư 39/2023/TT-BTC ngày 09/6/2023 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia trong đó quy định mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu viễn thám quốc gia phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng hoặc trong tình trạng khẩn cấp bằng 60% mức thu phí quy định.
Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám ở các Bộ, ngành, tính đến tháng 9/2024 mới có 06 Bộ có báo cáo (gồm: Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giao thông vận tải; Khoa học và Công nghệ; Xây dựng), hiện tại chưa có Bộ nào ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược về viễn thám. Điều này thể hiện việc quan tâm, chỉ đạo điều hành của các Bộ, ngành đến công nghệ viễn thám chưa cao.
Theo báo cáo viễn thám của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ viễn thám được được ứng dụng khá phổ biến trong các lĩnh vực thuộc Bộ này, nhất là trong lĩnh vực Nông nghiệp và Lâm nghiệp.
Đối với lĩnh vực Lâm nghiệp, một trong dữ liệu chủ chốt phục vụ việc điều tra đánh giá tài nguyên rừng đó là dữ liệu viễn thám. Dữ liệu viễn thám cũng được ứng dụng nhiều trong đánh giá diện tích, năng suất canh tác nông nghiệp.
Hiện mới có 06 Bộ, ngành báo cáo về lĩnh vực viễn thám
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai ứng dụng viễn thám kể cả về nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, tài chính và việc tiếp cận với dữ liệu viễn thám có chất lượng cao. Viễn thám cũng được sử dụng để giám sát thiên tai phục vụ công tác phòng chống thiên tai của Bộ. Trạm thu ảnh viễn thám chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được sử dụng để dự báo cháy rừng.
Theo báo cáo viễn thám của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ này đang chủ trì Chương trình khoa học công nghệ quốc gia về “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ”. Chương trình này có mục tiêu và nội dung nghiên cứu về viễn thám. Ngoài ra, nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia có liên quan cũng triển khai các đề tài ứng dụng công nghệ viễn thám trong nghiên cứu về khoa học Trái đất.
Đối với Bộ Giao thông vận tải, Ngành này đang ứng dụng cập nhật bản đồ hiện trạng, quy hoạch về các chuyên ngành giao thông vận tải tại các địa phương, các vùng và toàn quốc; biên tập, cập nhật hải đồ các tuyến luồng hàng hải công cộng (bao gồm cả vị trí đón trả hoa tiêu), vùng nước cảng biển, tuyến hàng hải ven biển; phối hợp ứng phó sự cố tràn dầu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển,…
Cần đẩy mạnh ứng dụng viễn thám đến các địa phương
Về vấn để sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám ở các địa phương, các đơn vị sự nghiệp ứng dụng viễn thám tại địa phương chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Sở: Xây dựng, Giao thông, Khoa học và Công nghệ, có ứng dụng viễn thám. Tuy nhiên, quy mô phạm vi nhỏ, chủ yếu mang tính chất nghiên cứu, thử nghiệm, phục vụ cho quản lý nhà nước chưa đáng kể.
Thực trạng ứng dụng viễn thám tại 37 địa phương báo cáo thực hiện chiến lược viễn thám
Theo báo cáo của các địa phương về thực trạng ứng dụng viễn thám trong bảo vệ tài nguyên rừng là lớn nhất, với 9/37 địa phương sử dụng viễn thám trong quản lý và bảo vệ rừng đạt tỷ lệ gần 30%. Ứng dụng viễn thám trong quan trắc, điều tra, quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, biến đổi khí hậu và nông nghiệp cũng có 6 đến 7 địa phương sử dụng đạt tỷ lệ khoảng 20%.
Theo Cục Viễn thám quốc gia, qua báo của các địa phương cho thấy, lĩnh vực đất đai, đo đạc bản đồ, nông nghiệp và lâm nghiệp vẫn là các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng viễn thám cao tại các địa phương, với khoảng 40% các địa phương có nhu cầu. Quản lý đô thị, an ninh quốc phòng là lĩnh vực không có nhu cầu cao ứng dụng viễn thám tại các địa phương với chỉ một đến hai địa phương có nhu cầu này.
Theo báo cáo thực hiện Chiến lược viễn thám đến năm 2030, có 06 địa phương không ứng dụng công nghệ viễn thám cũng như không có nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám, bao gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Bến Tre, Long An, Cao Bằng, Quảng Ngãi và Quảng Bình. Một điểm đáng chú ý là các tỉnh này trừ Long An thì đều xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược viễn thám đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, cũng như báo cáo đã triển khai kế hoạch này.
Tỷ lệ các địa phương ứng dụng viễn thám
Theo báo cáo của tỉnh Long An, địa phương này không triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược cũng như không gặp khó khăn vướng mắc trong triển khai ứng dụng viễn thám tại địa phương.
Cũng theo Cục Viễn thám quốc gia, các vướng mắc của địa phương trong ứng dụng viễn thám chủ yếu ở: nguồn nhân lực, trang thiết bị, công nghệ, kinh phí và dữ liệu viễn thám. Tuy nhiên, kinh phí không phải là vấn đề lớn nhất trong ứng dụng công nghệ viễn thám mà nguồn nhân lực quản lý mới là “bài toán” khó của các địa phương hiện nay. Điều này cũng dễ hiểu khi có đến 23/37 địa phương chiếm 62,1% các địa phương thể hiện gặp khó khăn về nguồn nhân lực, trong đó khó khăn về kinh phí là 16/37 chiếm 43,2%.
Theo nhận định của Cục Viễn thám quốc gia, phản ánh này là đúng thực tế do công nghệ viễn thám hiện vẫn còn khá mới mẻ với nhiều địa phương, hơn nữa việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này trước đây có nhiều hạn chế. Do vậy, các địa phương đề xuất tháo gỡ vướng mắc, tăng cường quản lý, ứng dụng viễn thám là khá tương thích với các khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt.
Nhu cầu ứng dụng viễn thám tại 37 địa phương báo cáo thực hiện chiến lược viễn thám
Theo tổng hợp báo cáo viễn thám các địa phương có khoảng trên dưới 60% các địa phương đề xuất trung ương hỗ trợ về nguồn nhân lực, công nghệ và dữ liệu, trái lại chỉ khoảng 30% các địa phương đề xuất hỗ trợ về trang thiết bị và kinh phí.
Theo đó, Cục Viễn thám quốc gia cho biết, thời gian tới cần bám sát quan điểm chỉ đạo về thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực phục vụ thiết thực và có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao vị thế quốc tế, tiềm lực khoa học công nghệ và sức mạnh của đất nước.
Tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chiết xuất thông tin địa lý từ dữ liệu viễn thám. Chú trọng đầu tư, thiết lập hệ thống phần cứng, phần mềm, dữ liệu đào tạo làm nền tảng cho việc ứng dụng AI chiết xuất thông tin không gian từ dữ liệu viễn thám.
Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu viễn thám, thông tin không gian chiết xuất từ dữ liệu viễn thám nhằm khuyến khích các bộ, ngành, địa phương ứng dụng viễn thám trong phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Các vướng mắc của địa phương trong ứng dụng viễn thám
Tăng cường đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các địa phương trong việc ứng dụng viễn thám. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư ứng dụng viễn thám.
Hướng đến ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về viễn thám.
Đẩy mạnh việc áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong chiết xuất thông tin từ dữ liệu viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh ứng dụng viễn thám ở các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo được nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám.
Nhất Nam