
Việt Nam: Cầu nối chia sẻ - Lan tỏa giá trị OCOP ra toàn cầu
16/07/2025TN&MTDiễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP do Việt Nam đăng cai tổ chức không chỉ là không gian chia sẻ kinh nghiệm, mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Việt Nam trong việc lan tỏa giá trị bản sắc, tri thức bản địa ra toàn cầu. Từ những gian hàng nhỏ, sản phẩm làng quê, Việt Nam trở thành cầu nối tin cậy gắn kết các quốc gia cùng nhau hành động vì một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững.
Trong 2 ngày 15/7-16/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn cấp cao liên khu vực về mô hình OCOP (mỗi xã một sản phẩm). Diễn đàn thu hút sự tham dự của 14 Bộ trưởng từ các quốc gia châu Phi, cùng đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương và nhiều tổ chức quốc tế, chuyên gia phát triển nông nghiệp.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam khẳng định: Việt Nam là quốc gia nông nghiệp với hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn. Từ sau công cuộc đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện sinh kế và thúc đẩy phát triển nông thôn toàn diện.
Việt Nam cũng đang tích cực thực hiện cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững như tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2021. Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng nông nghiệp trên 4%/năm, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng liên tục trên 10% của nền kinh tế quốc dân. Trong bối cảnh đó, mô hình OCOP trở thành một công cụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình OCOP được Chính phủ phê duyệt năm 2018 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg và triển khai như một hợp phần quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Diễn đàn có sự tham dự của các bộ trưởng nông nghiệp và quan chức cấp cao từ Bhutan, Cameroon, Côte d’Ivoire, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Ghana, Ethiopia, Lesotho, Malawi, Mozambique, Nepal, Sierra Leone, Nam Sudan, Tunisia, Việt Nam, Zambia và Zimbabwe.
Bà Beth Bechdol, Phó Tổng Giám đốc FAO và các đại biểu tham quan gian hàng lụa tơ tằm Mỹ Đức (Hà Nội).
Đại biểu quốc tế trải nghiệm sản phẩm OCOP Việt Nam - kết nối tri thức, lan tỏa giá trị.
Lần đầu tiên, một sự kiện trao đổi kiến thức giữa các quốc gia châu Phi và Việt Nam về chương trình OCOP đã được tổ chức, mở ra một không gian hợp tác mới giữa các nước đang phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Với những kinh nghiệm thực tiễn, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thúc đẩy kết nối Nam - Nam, chia sẻ cách làm, công nghệ và chính sách để nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn, hướng đến mục tiêu “Bốn Tốt hơn” vì người dân, vì hành tinh, vì sự thịnh vượng và vì hòa bình.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam và lãnh đạo các Bộ Nông nghiệp châu Phi, châu Á thăm gian hàng triển lãm OCOP tại Diễn đàn cấp cao liên khu vực.
Đến tháng 6/2025, cả nước đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,8% sản phẩm 3 sao, 26,7% sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 5 sao. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường, qua đó góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Một số hình ảnh các gian hàng triển lãm tại Diễn đàn:
Trong không gian trưng bày đầy sắc màu của Diễn đàn OCOP, một nghệ nhân miệt mài đan lát những sản phẩm thủ công truyền thống. Bao quanh ông là các giỏ mây tre đan, nón lá, quang gánh - những hình ảnh gợi nhớ hồn quê Việt Nam. Phía sau, các gian hàng OCOP với những thiếu nữ trong tà áo dài càng tôn thêm vẻ đẹp tinh hoa làng nghề, khẳng định giá trị sản phẩm bản địa Việt Nam sẵn sàng vươn ra thế giới.
Các đại biểu quốc tế và khách mời hào hứng thưởng thức, tìm hiểu sản phẩm OCOP của Việt Nam tại gian hàng trưng bày bên lề Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm mô hình OCOP. Những nụ cười, những câu chuyện thân mật và sản vật đặc trưng như trà sen, nông sản hữu cơ… đã góp phần khẳng định sức hút và bản sắc riêng của sản phẩm OCOP Việt Nam trên hành trình vươn ra thế giới.
Gian hàng OCOP Việt Nam nổi bật với không gian trưng bày sản phẩm trà sen, đặc sản vùng miền cùng hình ảnh con thuyền chở đầy hoa sen - biểu tượng tinh túy của đất Việt. Các đại biểu, nhân viên trong trang phục áo dài truyền thống tự tin giới thiệu, chia sẻ câu chuyện OCOP Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần lan tỏa thương hiệu và bản sắc sản phẩm Việt ra toàn cầu.
Gian trưng bày sản phẩm OCOP nổi bật với các mặt hàng nông sản sạch như mì gạo, trà thảo mộc – những đặc sản mang đậm dấu ấn bản địa. Hình ảnh cô gái dân tộc tươi cười thu hoạch trà bên tấm pano phía sau càng làm nổi bật thông điệp gìn giữ bản sắc vùng miền, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế.
Các đại biểu quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm bên lề khu trưng bày OCOP, trong không gian được thiết kế đậm sắc màu văn hóa. Cuộc trò chuyện cởi mở, thân thiện thể hiện tinh thần kết nối, sẵn sàng hợp tác và lan tỏa giá trị mô hình OCOP ra nhiều quốc gia.
Khách tham quan thích thú tìm hiểu sản phẩm OCOP và câu chuyện thương hiệu đằng sau từng mặt hàng, minh chứng cho sức sống và tiềm năng phát triển của sản phẩm địa phương Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Khép lại phóng sự ảnh này, câu chuyện OCOP của Việt Nam không chỉ dừng ở những gian hàng trưng bày sản vật vùng miền, những cái bắt tay hay nụ cười thân thiện giữa các đối tác. Đó còn là hành trình bền bỉ của một quốc gia sẵn sàng chia sẻ tri thức, kinh nghiệm, nguồn lực để lan tỏa giá trị bản sắc, khẳng định vai trò “cầu nối” trong hợp tác nông nghiệp - nông thôn và phát triển kinh tế cộng đồng. Từ những sản phẩm làng nghề, tinh hoa đất Việt đã và đang vươn xa, góp phần định vị OCOP Việt Nam trên bản đồ thương hiệu toàn cầu.
Minh - Huyền