
Việt Nam chủ động cùng cộng đồng quốc tế thực thi và nâng cao năng lực quản lý, khai thác biển
13/03/2025TN&MTLà một quốc gia ven biển, đồng thời là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đề cao luật pháp quốc tế, Việt Nam luôn khẳng định tầm quan trọng của Công ước và tuân thủ, thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của Công ước Luật biển.
Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển
Nước ta là một trong những nước bỏ phiếu thông qua UNCLOS và ký Công ước trong ngày mở ký, ngay từ trước khi Công ước có hiệu lực ngày 16/11/1994, trong Nghị quyết phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994, Việt Nam đã khẳng định quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự pháp lý công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển. Như hầu hết các quốc gia ven biển khác, Việt Nam ngày càng đề cao hợp tác quốc tế về biển, đặt vấn đề này trong tổng thể chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và khu vực.
Điều 6, Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã khẳng định: Nhà nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, các bên cùng có lợi, đồng thời quy định cụ thể các nội dung hợp tác quốc tế về biển.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển những thành quả từ thực tiễn đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển thời gian qua nước ta đã luôn thực hiện theo phương châm “chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”, Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 36) do Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tháng 10/2018 ban hành đã đề ra các giải pháp triển khai phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế thời đại.
Theo đó, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển gắn bó chặt chẽ, trở thành một trong năm chủ trương lớn và một trong giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 36 nhằm xây dựng và duy trì môi trường hoà bình, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, tạo cơ sở khai thác và sử dụng biển an toàn, hiệu quả; tăng cường, mở rộng quan hệ và chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của nhân loại trong việc bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương. Đồng thời, tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển.
Sự coi trọng vấn đề hợp tác biển cũng được thể hiện trong rất nhiều các văn bản pháp lý và chính sách quan trọng khác của Việt Nam ban hành thời gian qua như: Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo 2015, Luật Thuỷ sản 2017; Luật Dầu khí 2022, Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hay Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050,…
Kết tinh từ các văn bản này là quan điểm nhất quán của Việt Nam về hợp tác quốc tế về biển, theo đó Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Việt Nam đề cao vai trò của UNCLOS với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, và là cơ sở pháp lý cho mọi hành động và hợp tác ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cam kết cùng các nước nỗ lực hợp tác duy trì hoà bình, ổn định, an ninh trật tự trên biển, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; hợp tác giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; đánh giá cao vai trò của các nước cũng như hoan nghênh các sáng kiến hợp tác về biển trên tất cả các lĩnh vực với mục đích cùng có lợi và phát triển bền vững ở Biển Đông.
Một số thành tựu được ghi nhận
Quan điểm đúng đắn về hợp tác quốc tế biển để cùng phát triển của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, do vậy việc triển khai trong thời gian qua đã đem lại những thành tựu nhất định.
Trong việc giải quyết và quản lý tranh chấp, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, Việt Nam đã lần lượt giải quyết được vấn đề phân định biển tại Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia năm 2003 và 2022. Việt Nam đã và đang nỗ lực cùng các bên giải quyết các vấn đề tranh chấp còn tồn đọng, như đàm phán với Trung Quốc về phân định biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy đàm phán với Malaysia về vùng biển chồng lấn giữa hai bên.
Đồng thời, căn cứ chế định các vùng biển như thể hiện trong UNCLOS và thực tiễn quốc tế, Việt Nam có những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong quá trình giải quyết, xử lý tranh chấp như thỏa thuận tiến hành khai thác chung dầu khí với Malaysia tại thềm lục địa chồng lấn giữa hai nước trước khi phân định năm 1992, cùng Malaysia đệ trình Báo cáo chung về Ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý năm 2009.
Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002 nhằm mục đích duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại khu vực, tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông. Hiện nay, Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc nỗ lực đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Trong các lĩnh vực chuyên ngành về biển, Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hợp tác quốc tế về biển rộng mở với các nước có tiềm lực kinh tế, khoa học, công nghệ mạnh về biển như: Nga, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Trung Quốc...
Song song đó, Việt Nam đã nâng cao vị thế và vai trò trên trường quốc tế thông qua việc chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như: Liên hợp quốc, ASEAN. Cụ thể, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 -2021, là một trong các quốc gia thuộc Nhóm nòng cốt xây dựng dự thảo Nghị quyết xin ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tế về trách nhiệm của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu, là thành viên sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS cam kết thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ công ước, tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nằm ngoài vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia 2023, là thành viên tích cực của Uỷ ban Pháp lý và kỹ thuật, Cơ quan quyền lực đáy đại dương...
Có thể thấy, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về biển giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu và phong phú, giúp ta tranh thủ tối đa các nguồn lực, sự hỗ trợ quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và khai thác biển.
Trên cơ sở quán triệt nguyên tắc, phương châm trong Chiến lược biển 2018, phát huy những thành tựu, bài học kinh nghiệm đã đạt được thời gian qua và với tinh thần sáng tạo trong các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực và trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, hoạt động hợp tác quốc tế về biển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa ta với các nước; từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển; bảo đảm Biển Đông là một vùng biển hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.
Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phục vụ quản lý biển và hải đảo
Với tầm nhìn hướng ra biển, dựa vào biển, Nghị quyết số 36 của BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”; Lấy KHCN tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu KHCN tiên tiến để trở thành nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN”.
Trên bình diện quốc tế, giai đoạn 2021-2030 chính là thập kỷ về khoa học biển vì sự phát triển bền vững, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là: Cung cấp một khuôn khổ chung để đảm bảo rằng, khoa học biển có thể hỗ trợ các quốc gia triển khai Chương trình nghị sự của LHQ vì sự phát triển bền vững; cung cấp cơ hội để tạo ra một nền tảng mới, trên giao diện chính sách khoa học, tăng cường quản lý biển vì lợi ích hài hòa giữa môi trường và con người; Tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển nghiên cứu KHCN tiên tiến nhằm kết nối khoa học biển với nhu cầu phát triển của xã hội; bảo vệ đại dương và các nguồn tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Công ước LHQ về luật biển và khung pháp lý về giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển.
Theo báo cáo của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong những năm qua, nhiều hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ biển đã được thực hiện thông qua các nhiệm vụ, đề tài, dự án cấp nhà nước trong khuôn khổ của các chương trình trọng điểm cấp nhà nước (tiêu biểu là KC.09 về biển giai đoạn 2006-2010 và 2011 - 2015) và Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển. Chúng ta đã phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển (hệ thống thông tin, số liệu phong phú về điều kiện tự nhiên; nghiên cứu làm sáng tỏ hình thái, cấu trúc địa chất bờ biển, đáy biển và các hải đảo; đánh giá tiềm năng, dự báo triển vọng và định hướng tìm kiếm khoáng sản biển…); triển khai, ứng dụng một số công nghệ biển ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển (dầu khí, hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy sản…)
Riêng trong năm 2024, ở phương diện quản lý nhà nước về biển, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tiếp tục thực hiện vai trò đầu mối quốc gia có trách nhiệm và hiệu quả tại các cơ quan, tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương; củng cố, khai thác quan hệ với các đối tác song phương dựa trên các thỏa thuận hợp tác đã ký kết và lĩnh vực mà đối tác có thế mạnh; tích cực tìm kiếm, mở rộng xây dựng quan hệ với các đối tác mới có tiềm năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực biển đảo, đồng thời có lợi ích trong việc hỗ trợ phát triển bền vững, quản lý sử dụng và khai thác bền vững tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như: Anh, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy...); tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (được phê duyệt tại Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ), Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương (được phê duyệt tại Quyết định số 1407/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ); tiếp tục chủ trì và phối hợp xây dựng và triển khai các Dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và một số nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức đối tác về quản lý môi trường biển Đông Á (PEMSEA), Cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC),….
Một số nội dung trọng tâm như: Tham mưu và thực hiện hoàn thiện dự thảo Thỏa thuận chi tiết Hợp tác nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Viện Hải dương học số 3 trên cơ sở Thoả thuận khung giữa Bộ TN&MT và Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc về nghiên cứu quản lý tổng hợp môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết ngày 26/6/2023; Tham mưu và thực hiện hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng tại Đại hội Biển Đông Á 2024.
Tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên giữa Cục Biển và Hải đảo Việt Nam biển với Cơ quan Khoa học Địa chất Úc đã được ký kết ngày 28/3/2024. Tổ chức, phối hợp đón tiếp và làm việc với các đối tác: Đại sứ quán Nhật Bản, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Sing-ga-po, Đại sứ quán Niu-di-lân, Phó đại sứ Úc, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP),…
Chuẩn bị tài liệu và tham dự các cuộc họp của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ về Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương (INC3) của Hội
đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) và các cuộc họp song phương, họp nhóm, họp bên lề trong khuôn khổ đàm phán. Tiếp tục triển khai thực hiện các MOU đã ký với Ấn Độ, Đan Mạch, Trung Quốc và phối hợp với CCBO Việt Nam triển khai thực hiện LOC đã ký. triển khai các Dự án ODA với Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, WWF và một số nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác với PEMSEA, COBSEA, Ấn Độ.
NGUYỄN THANH LOAN
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2025