
Xây dựng khung pháp lý để phát triển thị trường carbon rừng
15/07/2025TN&MTNgày 15/7, tại Hà Nội, Hội Chủ rừng Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Dự thảo nghị định đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện tham vấn góp ý. Nghị định có mục tiêu huy động nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ rừng thông qua sự vận hành của thị trường carbon rừng trong thời gian tới.
Kỳ vọng "cởi trói" cho các chủ tín chỉ carbon
Theo ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, dự thảo nghị định được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc tham gia thị trường carbon. Khi được ban hành, nghị định sẽ "cởi trói" cho các chủ tín chỉ các bon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ không chỉ trong nước mà cả với đối tác quốc tế.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm Trần Quang Bảo phát biểu tại Diễn đàn
Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc quy định rõ bên cung ứng dịch vụ có thể là chủ rừng nhà nước (như UBND xã, các tổ chức công lập), hoặc tư nhân (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp). Bên sử dụng dịch vụ là các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước có nhu cầu bù đắp phát thải carbon.
Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam Hứa Đức Nhị cho rằng: “Nghị định là chế định rất cần thiết đối với các chủ rừng trong việc tiếp cận thị trường carbon hiện nay. Hấp thụ carbon được thể hiện chủ yếu bởi lượng tăng trưởng sinh khối của các thành phần sinh vật tạo nên rừng (hệ sinh thái). Các chủ rừng luôn mong muốn biết về khả năng hấp thụ carbon khu rừng do mình được giao quản lý để làm sao khu rừng đó hấp thụ carbon và đem lại lợi ích cao nhất cho người làm nghề rừng.”
Kỳ vọng Nghị định mới sẽ "cởi trói" cho các chủ rừng - những người có thể sở hữu tín chỉ carbon trong tương lai - ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam đề xuất tách bạch 2 cơ chế cung ứng dịch vụ và thị trường giao dịch để đảm bảo tính minh bạch, phù hợp với định hướng luật pháp hiện hành về bảo vệ môi trường và lâm nghiệp.
Theo ông Ngãi, cơ chế cung ứng dịch vụ nên được tiếp cận như một quan hệ dân sự - hợp đồng, trong đó tín chỉ carbon rừng được trao đổi giữa bên cung ứng (chủ rừng) và bên sử dụng (doanh nghiệp phát thải) thông qua thỏa thuận có sự điều tiết giá của Nhà nước. Cách làm này tương tự như cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đang triển khai, đảm bảo lợi ích các bên và tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho người dân và cộng đồng địa phương.
Ngược lại, đối với cơ chế thị trường, tín chỉ carbon rừng được đưa lên sàn giao dịch để các doanh nghiệp tự trao đổi, bù trừ phát thải hoặc mua bán theo nhu cầu. Trong trường hợp này, Nhà nước không nên can thiệp vào mức giá, để giá tín chỉ được hình thành theo nguyên tắc thị trường hoặc thông qua đấu giá. Cách tiếp cận này phù hợp với quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 119/2025/NĐ-CP về giảm phát thải khí nhà kính và phát triển thị trường carbon.
Ông Nguyễn Bá Ngãi nhấn mạnh: “Nếu không tách bạch 2 cơ chế này, rất dễ dẫn tới xung đột về phương thức định giá, chia sẻ lợi ích và gây khó khăn khi triển khai trên thực tế. Việc thống nhất cơ sở pháp lý giữa Luật Lâm nghiệp 2017 và Luật Bảo vệ môi trường 2020 là rất quan trọng”.
Là tổ chức đại diện cho các chủ rừng, ông Ngãi hy vọng, Nghị định sắp tới sẽ tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi để người dân, cộng đồng và doanh nghiệp lâm nghiệp có thể chủ động tham gia thị trường carbon. Đây không chỉ là cơ hội thu hút nguồn lực tài chính bổ sung cho bảo vệ và phát triển rừng, mà còn là động lực để ngành lâm nghiệp góp phần thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Cơ hội huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ và phát triển rừng
Việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon rừng được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc sàn giao dịch carbon trong nước. Giá trị tín chỉ được tính theo đơn vị 1 tấn CO2 tương đương và khung giá khởi điểm sẽ do UBND tỉnh ban hành, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Nếu liên quan tới rừng thuộc nhiều tỉnh, mức giá sẽ lấy theo khung cao nhất. Trong trường hợp chưa có hướng dẫn, các bên sẽ đàm phán và trình Thủ tướng quyết định.
Quang cảnh Diễn đàn
Với rừng thuộc sở hữu toàn dân, UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đại diện triển khai dự án carbon rừng. Trong khi đó, rừng thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức, cộng đồng thì chủ rừng có thể trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền cho đơn vị đủ điều kiện pháp nhân thực hiện dự án. Đặc biệt, các hộ, cá nhân sở hữu rừng trồng liền kề với các dự án của tỉnh có thể tự nguyện tham gia, được xác nhận diện tích và nhận chia sẻ lợi ích từ kết quả giảm phát thải. Nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon sẽ được chia theo hình thức chi trả trực tiếp hoặc thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các quỹ cấp tỉnh. Với chủ rừng là tổ chức, phần tiền thu được sau khi trừ chi phí sẽ được tính là nguồn thu hợp pháp, sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.
Với cá nhân, hộ gia đình hoặc cộng đồng, nguồn thu được phân bổ theo diện tích rừng đóng góp và sử dụng theo phương án đã được phê duyệt.
Để đảm bảo công khai và minh bạch, hàng năm các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức liên quan sẽ phải lập báo cáo gửi về Quỹ tỉnh và cơ quan cấp trên. Việc giám sát, kiểm tra tài chính thực hiện theo Điều 72 Nghị định 156/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ là đầu mối hướng dẫn định giá, xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng, thiết lập hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định. Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp xây dựng phương pháp xác định giá dịch vụ. UBND các tỉnh có trách nhiệm triển khai, ký kết và báo cáo kết quả thực hiện theo thẩm quyền.
Ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc Điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends (Mỹ) cũng cho rằng, việc xây dựng nghị định kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tài chính mới, không chỉ từ nguồn quốc tế mà còn từ các nguồn tư nhân trong nước, thông qua việc vận hành thị trường carbon. Việt Nam đã cam kết những đóng góp do quốc gia tự quyết định trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu. Phần còn lại ngoài cam kết sẽ được phép giao dịch trên thị trường carbon.
Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều, đề cập từ việc xác định lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ CO2 rừng được cung ứng, đến tổ chức thực hiện, quản lý nguồn thu và cơ chế thanh toán. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn carbon rừng trong nước, song song với cơ chế ghi nhận tín chỉ theo chuẩn quốc tế.
Bảo Nhi