
Yên Bái: Quy hoạch để sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước
06/07/2023TN&MTThời gian qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra để sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên nước. Phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thu Hằng, Trưởng phòng Tài nguyên nước - Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu xung quanh vấn đề này.
PV: Xin bà đánh giá khái quát về tiềm năng, thế mạnh của tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay?
Bà Phạm Thu Hằng: Yên Bái có tài nguyên nước (TNN) phong phú bao gồm nước mưa, nước mặt và nước dưới đất. Lượng mưa bình quân trong toàn tỉnh khoảng 1.700-1.900mm, tổng lượng nước mưa khoảng 12,8 tỷ m3/năm. Nước dưới đất có trữ lượng khai thác đạt khoảng 0,96 triệu m3/ngày. Yên Bái có 101 sông, ngòi lớn nhỏ, tạo nên nguồn nước mặt cho tỉnh khoảng 25-30 tỷ m3/năm.
Hồ Thác Bà góp phần đản ảm bảo an ninh nguồn nước cho tỉnh Yên Bái và hạ du
Với đặc điểm địa hình phân cắt mạnh, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên Yên Bái rất thuận tiện cho việc xây dựng các công trình thủy lợi cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần điều hòa khí hậu, tạo mạng lưới giao thông vận chuyển hàng hóa, phát triển chăn nuôi thủy sản. Các sông suối có độ dốc lớn nên có tiềm năng phát triển thủy điện để cung cấp điện, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 78 giấy phép khai thác TNN còn hiệu lực, trong đó có 53 giấy phép do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp; 25 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
PV: Việc quy hoạch tài nguyên nước đã được Yên Bái thực hiện ra sao, thưa bà?
Bà Phạm Thu Hằng: Giai đoạn trước đây, Quy hoạch bảo vệ, khai thác và sử dụng TNN tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 2157/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái. Sở TN&MT với trách nhiệm là cơ quan đầu mối đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Quy hoạch bảo vệ, khai thác và sử dụng TNN tỉnh Yên Bái đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Việc khai thác, sử dụng TNN, tỷ lệ phân bổ tài nguyên nước cho các đối tượng khai thác sử dụng nước, thứ tự ưu tiên khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh căn cứ trên quy hoạch phân bổ nguồn nước đã phê duyệt.
Việc bảo vệ TNN đã được các cấp, các ngành trong tỉnh tăng cường triển khai. Các quy định, yêu cầu về bảo vệ nguồn nước của Quy hoạch TNN được tuân thủ nghiêm như yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đảm bảo xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra nguồn nước; tuân thủ các yêu cầu bảo vệ TNN trong các hoạt động khai thác, sử dụng nước và yêu cầu bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh của quy hoạch; tổ chức trồng rừng để giữ nguồn sinh thủy;...
PV: Vấn đề quản lý giám sát việc khai thác sử dụng nước đã được sở thực hiện như thế nào?
Bà Phạm Thu Hằng: Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó chú trọng đến việc phân bổ TNN cho các ngành sử dụng nước để khai thác sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát tài nguyên.
Đối với việc giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh quy định cụ thể các nội dung giám sát khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN trong giấy phép khai thác sử dụng nước. Đồng thời đôn đốc các hồ chứa thủy điện thực hiện việc giám sát khai thác sử dụng nước theo quy định. Đến nay đã có 20/24 nhà máy thủy điện đã phát điện thuộc diện phải giám sát khai thác sử dụng nước truyền thống số giám sát khai thác sử dụng nước theo quy định về Sở TN&MT.
Một hộ dân được sử dụng nước sạch tại Yên Bái
PV: Đâu là những bất cập trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay, thưa bà?
Bà Phạm Thu Hằng: Yên Bái có đặc điểm là tỉnh miền núi, địa bàn quản lý rộng; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả TNN, bảo vệ chất lượng nguồn nước còn hạn chế. Trong khi biên chế công tác quản lý TNN quá mỏng (tại cấp tỉnh chỉ có 05 biên chế, cấp huyện, cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm), số lượng cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn TNN tại cấp huyện, cấp xã hầu như không có nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý còn nhiều khó khăn.
Do điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp nên kinh phí đầu tư cho thực hiện các nhiệm vụ quản lý TNN và các hoạt động điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá TNN, các hoạt động bảo vệ TNN, phòng chống suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt TNN, phòng chống khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trên địa bàn tỉnh chưa có. Vì vậy, mặc dù một số kế hoạch, dự án đã được xem xét, phê duyệt về mặt chủ trương nhưng không bố trí được nguồn kinh phí nên việc triển khai thực hiện còn chưa đạt hiệu quả hoặc chưa có điều kiện để triển khai.
PV: Với dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), bà nhận thấy có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn ở địa phương?
Bà Phạm Thu Hằng: Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã thể chế hóa Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập chứa nước giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045. Dự thảo Luật TNN đã đưa khái niệm an ninh nguồn nước vào trong Luật và tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến an ninh nguồn nước để đảm bảo số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống đáp ứng nhu cầu sử dụng nước các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường; chủ động ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro do nước gây ra. Các công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho TNN tiếp tục được Luật hóa trong Luật TNN, đặc biệt là quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý TNN.
Tuy nhiên, trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu như các nhiệm vụ bảo vệ TNN (việc lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, xác định, công bố dòng chảy tối thiểu trên sông,...) đối với những tỉnh nghèo, điều kiện kinh phí khó khăn như Yên Bái thì cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các nguồn nước thuộc diện do ngân sách nhà nước đảm bảo vẫn rất khó khăn, kinh phí của tỉnh dành cho TNN hầu như không có mà cần phải dành cho những hoạt động phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội cần thiết hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Đỗ Hùng (thực hiện)