
Bài 2: Dấu ấn cấp 4 chứng chỉ quản lý rừng bền vững - Một bước tiến đột phá của Kiểm lâm Đình Lập
07/07/2025TN&MTLà địa phương đầu tiên trong toàn tỉnh Lạng Sơn triển khai cấp thành công cả 4 loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCS, FSC và chứng chỉ kép), Hạt Kiểm lâm Đình Lập đã tạo ra cú hích lớn trong chuyển đổi tư duy sản xuất lâm nghiệp tại địa phương. Với hơn 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, đơn vị không chỉ giúp người dân làm rừng có kế hoạch, có thị trường, mà còn khẳng định vị thế tiên phong trong hội nhập ngành lâm nghiệp.
Tư duy mới trong phát triển lâm nghiệp: từ sản xuất rừng sang quản lý bền vững
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ gỗ ngày càng yêu cầu cao về nguồn gốc xuất xứ và chứng chỉ hợp pháp, việc chuyển hướng sang phát triển lâm nghiệp bền vững theo chuẩn quốc tế là xu thế tất yếu. Hạt Kiểm lâm Đình Lập là đơn vị đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn đã chủ động tiếp cận sớm xu hướng này.
Từ năm 2022, Hạt đã phối hợp với UBND huyện Đình Lập (trước đây), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn và các tổ chức quốc tế xây dựng phương án, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp tham gia chương trình cấp chứng chỉ rừng. Thành quả rõ ràng: chỉ trong vòng 3 năm, hơn 15.136 ha rừng trên địa bàn huyện đã được cấp chứng chỉ – đạt 302,72% chỉ tiêu đến năm 2025 và 151,36% mục tiêu đến năm 2030 theo Nghị quyết số 30-NQ/TU của Tỉnh ủy.
Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập
“Chúng tôi không chỉ muốn trồng nhiều rừng, mà phải là rừng chất lượng, rừng sạch, có thương hiệu, có thị trường. Chứng chỉ rừng là công cụ để hiện thực hóa điều đó, cũng là tấm hộ chiếu cho ngành lâm nghiệp hội nhập quốc tế”, ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập, nhấn mạnh.
Cụ thể hóa bằng kết quả thực tế: 4 chứng chỉ, 6 xã, 1.300 hộ dân tham gia
Đình Lập đã cấp thành công 4 loại chứng chỉ rừng, gồm:
Một là, Chứng chỉ VFCS/PEFC của các nhóm hộ (5 xã): Diện tích: 4.593,4 ha, với 485 hộ dân tham gia; Cấp ngày: 14/02/2022, duy trì đến nay; Loài cây: Thông và Keo; Nguồn vốn cấp chứng chỉ: UBND tỉnh Lạng Sơn; Kinh phí duy trì: Công ty TNHH Bình Minh HP – Tập đoàn Hào Hưng.
Hai là, Chứng chỉ kép VFCS và FSC – Công ty cổ phần Lâm sản Dương Linh: Diện tích: 4.070,7 ha, với 380 hộ dân tham gia; Địa bàn: Châu Sơn, Bắc Lãng, Đình Lập; Cấp ngày: 20/09/2024; Loài cây: Bạch đàn, Keo, Thông.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đình Lập trao đổi với người dân về thực hiện các quy trình kỹ thuật theo chuẩn các Chứng chỉ quốc tế
Ba là, Chứng chỉ FSC – Công ty cổ phần Lâm sản Đình Lập: Diện tích: 4.569,21 ha, với 390 hộ dân tham gia; Địa bàn: xã Lâm Ca; Cấp ngày: 19/03/2025.
Bốn là, Chứng chỉ FSC – Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đình Lập: Diện tích: 1.902,75 ha; Địa bàn: Đình Lập, Châu Sơn, Cường Lợi, Bính Xá, thị trấn Đình Lập; Loài cây: Thông, Keo, Bạch đàn, Bồ đề, Quế; Cấp ngày: 24/01/2025.
Tổng cộng, 15.136,06 ha rừng được cấp chứng chỉ, với sự tham gia của hơn 1.300 hộ gia đình, trải rộng trên 6 xã trọng điểm về lâm nghiệp.
Hành trình chuẩn hóa từ gốc: đồng bộ từ chủ trương đến hành động
Thành công nói trên không phải tự nhiên mà có. Đó là kết quả của một quá trình chủ động – bài bản – kiên trì của Hạt Kiểm lâm Đình Lập trong suốt hơn 3 năm.
Ngay từ đầu, Hạt đã: Tham mưu UBND huyện ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo như Kế hoạch số 265/KH-UBND, các Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban đại diện cấp huyện, cấp xã; Phối hợp 6 xã để thành lập 6 Ban đại diện nhóm hộ, tổ chức hàng chục cuộc họp dân tại thôn bản. Đồng thời, chỉ đạo kiểm lâm địa bàn lập bản đồ vùng chứng chỉ, xây dựng hồ sơ, rà soát diện tích đạt tiêu chí; Phối hợp tổ chức tư vấn GFA (CHLB Đức) để tổ chức đánh giá, kiểm tra, thẩm định hiện trường trước khi cấp chứng chỉ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đình Lập kiểm tra rừng trồng từ năm đầu phát triển
Đặc biệt, trong công tác tập huấn – phổ biến tiêu chuẩn quốc tế đến người dân, Hạt đã tổ chức tới 110 cuộc tập huấn tại 65 thôn bản, hướng dẫn chi tiết từ quy trình chăm sóc rừng, an toàn lao động, môi trường sinh thái đến cách làm đường vận xuất gỗ.
“Có những thôn chúng tôi đi lại 3–4 lần mới vận động được dân tham gia. Nhưng khi họ hiểu rõ cái lợi – đặc biệt là lợi kinh tế và ổn định đầu ra – thì họ làm rất nghiêm túc”, ông Phạm Công Phong nhớ lại.
Gắn với quyền lợi người dân – mở ra sinh kế mới từ rừng
Thành quả của quá trình cấp chứng chỉ không chỉ là “một tờ giấy” hay “con dấu quốc tế”, mà là lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân. Tất cả các công ty tham gia chương trình đều ký cam kết thu mua gỗ có chứng chỉ với giá cao hơn 5 – 12% so với thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn nhận xét: “Đình Lập là nơi đầu tiên của tỉnh chứng minh rằng làm rừng đúng chuẩn – có chứng chỉ – sẽ giúp dân có thêm thu nhập thật sự. Nhiều hộ dân ở các xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích rừng trồng, chuyển từ Keo sang Bạch đàn, áp dụng kỹ thuật trồng mới”.
Ngoài ra, rừng có chứng chỉ còn giúp người dân tiếp cận chương trình tín chỉ carbon, bảo hiểm rừng, tín dụng xanh – những mô hình kinh tế lâm nghiệp tiên tiến đang được quốc tế ưa chuộng.
Kết quả bền vững, lan tỏa niềm tin
Nhờ thực hiện quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC và VFCS, người dân địa phương nay đã thay đổi thói quen sản xuất, chuyển từ trồng tự phát sang có kế hoạch, có kỹ thuật, có giám sát.
Các tiêu chuẩn bắt buộc như: không sử dụng thuốc trừ sâu bị cấm; để lại hành lang bảo vệ ven suối; giữ cây gỗ lớn tạo sinh cảnh; bảo hộ lao động khi khai thác; mở đường vận xuất hợp lý,… đều được phổ biến sâu rộng và tuân thủ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đình Lập đo kiểm tra cây rừng đạt các Chứng chỉ quốc tế phát triển rừng bền vững
Ông Phạm Công Phong nhấn mạnh: “Trước kia, dân chặt gỗ lúc nào có người mua. Giờ thì phải có kế hoạch 5 năm, khai thác đúng thời điểm, bảo vệ rừng còn lại. Rừng giờ không chỉ là tài nguyên mà là tài sản có giá trị – có thương hiệu”.
Đặc biệt, công tác giám sát chứng chỉ được Hạt triển khai đồng bộ từ cấp xã đến cấp thôn, đảm bảo hàng năm đều có đánh giá duy trì, xử lý các lỗi không tuân thủ và cập nhật hồ sơ đầy đủ.
Từ chủ trương của tỉnh đến hành động thực tế tại cơ sở, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đã chứng minh năng lực “kiến tạo và thực thi chính sách tại địa phương” một cách hiệu quả. Việc cấp thành công 4 chứng chỉ rừng không chỉ giúp địa phương nâng cao giá trị rừng trồng, cải thiện sinh kế người dân mà còn tạo tiền đề quan trọng để phát triển ngành lâm nghiệp hiện đại, có trách nhiệm.
Bài cuối: Từ nền móng vững chắc đến kỳ vọng phát triển lâm nghiệp hiện đại, bền vững
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Hạt Kiểm lâm Đình Lập: Điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Lạng Sơn;
- Lạng Sơn: Chủ động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;