
Khánh Hòa: Nhóm Môi trường xanh Đại Lãnh cùng nhau dọn rác, giữ màu xanh cùng biển
08/07/2025TN&MTMỗi sáng Chủ nhật, khi bầu trời làng biển Đại Lãnh (xã Đại lãnh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn mờ sương, tiếng sóng vỗ còn đều đều như lời ru của biển cả, một hình ảnh đẹp lặng lẽ hiện ra trên bãi cát trải dài gần 3 km. Những em nhỏ quàng khăn đỏ, tay đeo găng, lưng đeo ba lô, chậm rãi nhặt từng vỏ chai, túi nylon, mảnh nhựa, rác thải, như thể các em đang gom góp lại chút tự trọng cho vùng biển quê hương.
Họ là những thành viên của Nhóm Môi trường xanh Đại Lãnh, một nhóm tự phát do thầy giáo Nguyễn Thanh Phong, giáo viên Trường Tiểu học Đại Lãnh, thành lập vào ngày 25/9/2022. Từ một hành động nhỏ, nhóm đã lặng thầm viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu biển, trách nhiệm cộng đồng và sức mạnh lan tỏa của những “hành động xanh”.
Nhóm Môi trường xanh Đại Lãnh tổ chức nhặt rác, làm sạch bãi biển do thầy giáo Nguyễn Thanh Phong, giáo viên Trường Tiểu học Đại Lãnh thành lập
Một ý tưởng bắt đầu từ sự chạm lòng
Câu chuyện khởi đầu từ một buổi sáng. Thầy Phong kể, những lần đi bộ hay chạy thể dục dọc bờ biển sau những đợt gió lớn, thầy thường xuyên thấy rác trôi dạt vào bãi: Nhựa, xốp, rác từ sinh hoạt, từ bè cá... Có hôm, rác nhiều đến mức người dân không thể chạy bộ hay tắm biển như thường lệ “như một vết xước trong lòng". Tôi nghĩ mình không thể cứ nhìn rồi lặng im mãi. Thầy Phong trầm ngâm.
Từ suy nghĩ đó, một hoạt động nhặt rác được thầy khởi xướng, ban đầu chỉ với vài em học sinh tiểu học. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, chỉ sau một buổi, ánh mắt tự hào của các em, những câu kể líu lo về “chiến lợi phẩm” nhặt được, đã khiến thầy tin rằng, đây không chỉ là một hoạt động môi trường, mà là một tiết học thật sự, tiết học của ý thức và hành động.
Hoạt động nhặt rác được thầy Phong khởi xướng nhằm nâng cao ý thức chung tay bảo vệ môi trường biển
5 giờ sáng "Tiết học không bảng, không phấn"
Không có bảng đen, cũng chẳng có phấn trắng, "tiết học xanh" của các em bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng Chủ nhật, khi đa số bạn bè vẫn còn say giấc. Các em đến đúng giờ, khi mắt vẫn còn lim dim, mắt còn nhắm, miệng còn ngáp ngắn ngáp dài nhưng đôi tay lia lịa, chân đi nhanh thoăn thoắt, vẫn nở nụ cười tươi tự tay chuẩn bị bao rác, găng tay, gậy gắp. Những vật dụng ấy phần lớn là đồ xin, đồ tái chế, nhưng chưa bao giờ thiếu tinh thần hăng hái.
Lý do chọn giờ sớm không chỉ để tránh nắng, mà còn là một cách “rèn mình” dậy sớm, đúng giờ, tự giác, điều mà đôi khi ngay cả người lớn cũng phải nể phục.
Có em nhỏ hơn 2 tuổi cũng nằng nặc đòi đi nhặt rác cùng các anh chị, khóc òa khi không được đi. Có những buổi mưa lâm thâm, gió bấc từ biển thổi vào lạnh buốt, nhóm vẫn lên đường ướt sũng, nhưng tiếng cười rộn vang cả bãi cát “Vui như được tắm mưa cùng đồng đội”, một em nhỏ nói và cười tít mắt.
Những bàn tay nhỏ, hành động lớn, các em cùng nhau bảo vệ môi trường biển
Khi phụ huynh trở thành “đồng đội”, ban đầu, nhiều người ngờ vực. Họ sợ con cái sẽ xao nhãng học hành, hoặc bị tai nạn, ốm đau. Nhưng rồi, chính ý nghĩa của hoạt động đã khiến phụ huynh không chỉ đồng ý, mà trở thành một phần của nhóm. Có người đưa con đi, có người lẳng lặng theo sau dõi bước. Rồi không ít người cũng xắn tay áo, cùng nhặt, cùng gỡ rác mắc trong lưới, trong mép đá.
Người dân địa phương cũng xúc động. Nhiều cụ già ra biển đi bộ buổi sớm lặng lẽ dừng lại, lắc đầu: “Trẻ con mà còn làm được vậy. Mình lớn rồi, phải làm gương.”
Gần 3 năm, hơn 100 buổi ra quân
Tính đến giữa năm 2025, hơn 100 buổi ra quân đã được tổ chức. Tức là gần như tuần nào cũng có mặt nhóm ở bãi biển. Mỗi buổi dọn rác là một buổi gieo mầm ý thức, mỗi bàn tay nhặt rác là một hạt giống đạo đức lặng lẽ cắm vào lòng đất.
Không có quỹ, không ngân sách, nhóm hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Dụng cụ đều là đồ đi xin, đồ tái sử dụng. Vậy nhưng, thiếu thốn chưa bao giờ là lý do để dừng bước. Họ vẫn đi, vẫn nhặt, vẫn cười với một niềm tin giản dị “Yêu biển, là hành động”.
Găng tay trên tay, rác không còn trên cát, hành động đẹp từ những trái tim xanh
Nhóm đã tham gia dọn vệ sinh dịp lễ Tết, tổng dọn bờ kè du lịch, phối hợp với Đoàn thanh niên địa phương. Đặc biệt, nhóm đã bắt đầu trồng và chăm sóc cây dừa ven biển, loài cây vừa giúp giữ đất, vừa mang nét đẹp đặc trưng cho làng chài. Biển sạch, bãi xanh ước mơ giản dị ấy đang từng ngày hiện hữu nhờ đôi tay của những học sinh bé nhỏ.
Những “hạt xanh” lan tỏa, hình ảnh của nhóm được lan truyền trên các nền tảng như Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, Báo Khánh Hòa,.. thu hút hàng ngàn lượt chia sẻ, bình luận tích cực. Nhiều trường học, địa phương gửi lời hỏi thăm, bày tỏ mong muốn học tập mô hình.
Một câu chuyện nhỏ: có du khách người Pháp từng bất ngờ khi nhìn thấy các em nhặt rác. Ông xúc động, nán lại cả buổi để chụp ảnh, trò chuyện. “Việt Nam thật đẹp, không chỉ vì thiên nhiên, mà vì những con người nhỏ bé như thế này”.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, các em nhặt rác, góp phần giữ gìn bãi biển sạch đẹp
Mơ ước không còn là mơ ước, Thầy Phong chia sẻ: “Tôi ước mô hình này lan rộng. Nếu mỗi xã, mỗi trường có một nhóm ‘xanh’, các em sẽ dùng thời gian rảnh để sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên và cộng đồng.”
Ước mơ ấy đang dần thành hình, nhất là trong bối cảnh Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2025 mang chủ đề toàn cầu: “Phục hồi đất, chống hạn hán và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”.
Khôi phục bắt đầu từ đâu? Có lẽ chính từ những bước chân nhỏ bé trên cát kia từ ánh mắt háo hức khi nhặt được một chiếc vỏ lon, hay từ một nụ cười khi vớt được rác trong mép sóng.
Cảm xúc trong từng bước chân
Tự giác và vui sướng: Không có ai điểm danh, không thưởng phạt. Nhưng các em vẫn đến đúng giờ, với vẻ mặt hớn hở như đi chơi hội.
Can đảm & hồn nhiên: Có em khóc òa khi bị cấm đi vì quá nhỏ. Có em lội bùn, trèo vào cống để lấy rác.
Khó khăn & nghị lực: Những ngày mưa gió, nắng cháy vẫn không ngăn được tinh thần nhóm.
Lan tỏa & kết nối: Phụ huynh, khách du lịch, người dân ai cũng xúc động và bắt đầu hành động.
Giáo dục đạo đức: Từ nhặt rác, các em học được kỷ luật, trách nhiệm, tình yêu quê hương, và cả niềm tin rằng mình có thể thay đổi thế giới từ việc nhỏ nhất.
Nhìn lại và tiến về phía trước
Thành quả đã rõ, bãi biển Đại Lãnh sạch hơn, xanh hơn, nhiều người lớn thay đổi thói quen, nhiều học sinh tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, thử thách vẫn còn, không có kinh phí ổn định, dụng cụ thiếu thốn, cần sự chung tay từ chính quyền, nhà trường, tổ chức xã hội để nhân rộng mô hình.
Nhưng có một điều không thiếu đó là niềm tin và khát vọng. Nhóm vẫn tiếp tục, vẫn bền bỉ như con sóng ngày đêm gột rửa cho bãi biển quê hương. Hơn 100 buổi ra quân, gần 3 năm gieo mầm. Nhóm Môi trường xanh Đại Lãnh không chỉ làm sạch biển, mà còn gột sạch trong tâm hồn mỗi người "sự thờ ơ, vô cảm, thói quen xả rác".
Các em với bàn tay nhỏ đang nhặt từng mảnh rác, nhưng thật ra đang gói ghém tương lai của một vùng quê ven biển. Từng bước chân của các em là lời nhắc nhở bảo vệ môi trường không phải là những chiến dịch lớn lao, mà là hành động nhỏ, lặp lại mỗi ngày, từ những trái tim chân thành.
Môi trường bãi biển sạch hơn nhờ những bàn tay bé nhỏ
Khi bạn bước chân lên bãi cát Đại Lãnh vào sáng chủ nhật, bạn sẽ thấy rõ tương lai của một thế hệ biết yêu thiên nhiên đang lớn lên từ đó.
Sỹ Tùng