
Bản làng vùng cao Sin Suối Hồ bừng sáng nhờ du lịch nông nghiệp sinh thái
24/04/2025TN&MTNhắc tới huyện Phong Thổ, Lai Châu, nếu ai đã từng đặt chân tới mảnh đất này, chắc hẳn sẽ không quên ghé thăm bản Sin Suối Hồ. Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng, thu hút rất đông du khách tới khám phá, trải nghiệm.
Bình yên và lặng lẽ…
Trong tiếng Mông cái tên Sin Suối Hồ có nghĩa là “suối có vàng”, gợi lên cho du khách hình ảnh về một ngôi làng trù phú, bình yên. Nằm ở độ cao 1500m, bản làng này được mẹ thiên nhiên ưu ái, ban cho khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, cùng với những cánh rừng bạt ngàn xanh tốt.
Ẩn mình trên lưng chừng núi, bản Sin Suối Hồ với nếp nhà truyền thống của người Mông bao năm qua vẫn giữ gìn nét văn hoá đặc sắc từ đời sống văn hoá cho tới những đặc sản nông nghiệp bản địa. Du khách đặt chân tới đây đều bị thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên trùng điệp, hung vĩ, khí hậu mát mẻ. Đặc biệt, trên đỉnh núi mờ sương, đón ánh mặt trời ở bản Sin Suối Hồ là cơ hội hiếm có mà du khách tới đây mong muốn được chiêm ngưỡng.
Sin Suối Hồ được ví như là “Thiên đường mây”, hùng vĩ và hoang sơ là điều mà anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản mong muốn du khách cảm nhận được điều đó trên quê hương anh. Bắt đầu làm du lịch từ năm 2015, anh Vàng A Chỉnh đã vận động mà bà con muốn thoát nghèo thì phải làm du lịch. Quảng bá nét văn hoá đậm đà bản sắc của người Mông tới cộng đồng.
Các bản làng vùng cao Sin Suối Hồ bừng sáng nhờ du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với bảo vệ môi trường
Trải qua gần 9 năm phát triển du lịch cộng đồng, anh Chỉnh đã từng nghĩ, liệu bản Sin Suối Hồ, nơi các thế hệ người Mông sinh ra và lớn lên ở đây có thể quảng bá được văn hoá của quê hương ra thế giới. Với những căn nhà mang lối kiến trúc của người Mông trên đỉnh núi mờ sương có thể trở thành homestay lưu trú cho khách trong nước và quốc tế. Giờ đây, người dân của bản làng đã trở thành những hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp với các tạo hình nhân tạo đáp ứng nhu cầu và sở thích của du khách tới trải nghiệm.
Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chia sẻ, “Nói chung lúc khó khăn, lúc đầu bà con không hiểu cũng rất là khó, nhưng sau này mình làm được, du khách đến rất là đông thì mình sẽ bố trí các công việc, nhà nào làm được homestay thì làm homestay, nhà nào không làm được homestay thì mình bố trí trồng rau. nuôi gà, làm huớng dẫn viên, sau khách đến đông, bà con bán được rau củ quả, bán được bộ trang phục truyền thống bà con thấy hiệu quả, ý nghĩa công viêc mình đang làm”.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch cộng đồng, điều quan trọng là mỗi một chủ homestay phải là một nhân viên dịch vụ lưu trú buồng phòng chuyên nghiệp. Một hướng dẫn viên tận tình chu đáo. Với những nỗ lực không ngừng, anh Chỉnh đã được UBND xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ tạo cơ hội học tập các lớp đào tạo ngắn hạn để nâng cao dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Điều mà Sin Suối Hồ có thể níu kéo du khách quay trở lại bản một lần nữa đó chính là không khí trong lành và môi trường xung quanh luôn xanh – sạch – đẹp.
Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu chia sẻ
Với vai trò của một trưởng bản uy tín, anh Chỉnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con trong bản làng bảo vệ môi trường, thùng rác được đặt ở các vị trí cần thiết dọc các tuyến đường vào bản. Mỗi gia đình, phải tự ý thức giữ gìn vệ sinh sạch từ nhà ra ngõ. Về công tác vệ sinh môi trường đã được anh Chỉnh và người cao tuổi đưa vào hương ước có quy định rõ ràng của bản làng. Đây cũng chính là điểm nhấn mà Sin Suối Hồ dù đã hoạt động du lịch được 9 năm nhưng quang cảnh của bản làng vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.
Từ khi bản Sin Suối Hồ trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Những bạn trẻ trong bản cũng đã học tập theo mô hình làm du lịch của anh Vàng A Chỉnh. Cải tạo căn nhà và gìn giữ nét văn hoá để phục vụ khách du lịch tới ngày càng đông.
Với mô hình homestay, năm 2021, chị Hảng Thị Nú là một bạn thanh niên trẻ trong bản mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay Tổ Chim với 5 căn nhà Bungalow độc đáo trên cây. Với những căn bungalow tổ chim như thế này, du khách có thể nhìn thấy những ngọn núi hùng vĩ và trùng điệp của vùng đất Phong Thổ, Lai Châu – Những bản làng bình yên được bao bọc bởi núi rừng – Nơi mà các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống từ ngàn đời nay.
Homestay Tổ Chim căn nhà Bungalow độc đáo trên cây
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường, chị Hảng Thị Nú, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, “Khi trong bản có người tiên phong làm về du lịch thì gia đình tôi cũng ngồi lại với nhau và nói chuyện để làm về dịch vụ lưu trú cho khách và ăn uống. Từ khi bản làng và gia đình tôi làm du lịch thì cũng có nhiều khách ghé thăm và giúp bà con cải thiện đời sống hơn, như lợn gà rau cỏ sẽ có người thu mua, không chỉ mỗi gia đình tôi mà cả bản làng đều hưởng lợi từ ngành du lịch”
Du khách tới đây sẽ được thưởng thức những nông sản đặc sản bà con tự sản xuất. Rau xanh hái tại vườn. Gia súc, gia cầm cũng do chủ homestay tự nuôi và chế biến các món ăn theo phong tục của người Mông. Du khách sẽ được thưởng thức hương vị độc đáo của ẩm thực người Mông. Không chỉ thế, chị Nú mở quán cà phê mang đậm nét văn hoá của người Mông, với những góc trang trí ấn tượng, để du khách có được những khoảnh khắc “check in” ấn tượng.
Đặc biệt, du khách mặc dù lên du lịch ở Tây Bắc nhưng sẽ được thưởng thức hương vị cà phê của cao nguyên Tây Nguyên. Ngắm hoàng hôn, thưởng thức cà phê và lắng nghe người Mông nơi đây kể về những di sản của tổ tiên họ để lại. Những nét hoa văn cầu kỳ với ý nghĩa văn hoá sâu sắc cùng kĩ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh là điều mà chị Nú tự hào giới thiệu cho du khách tới với Sin Suối Hồ.
Chị Hảng Thị Nú, bản Sin Suối Hồ chia sẻ
Qua chia sẻ của các hộ làm du lịch ở Sin Suối Hồ mới thấy được sự sáng tạo trong cách làm du lịch ở đây. Mọi người ở đây gắn kết cộng đồng để cùng nhau làm du lịch, điều đó thể hiện qua đời sống thường nhật, họ coi bản làng là một gia đình lớn, cùng làm, cùng phân chia lợi ích đồng đều từ du lịch. Nhờ vậy 100% hộ gia đình tại bản Sin Suối Hồ đều tự nguyện tham gia vào hoạt động du lịch với mong muốn “nơi mình sống ngày càng nhiều du khách biết đến và ghé thăm”.
Đến với Sin Suối Hồ, Du khách trong và ngoài tỉnh sẽ được dẫn đi thăm những căn nhà trình tường có tuổi đời 300 năm với hàng rào bằng đá vừa tạo sự chắc chắn cho ngôi nhà, vừa làm mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Một trong nghề truyền thống đó phải kể đến nghề vẽ sáp ong trên vải lanh. Việc vẽ sáp ong đòi hỏi sự hiểu biết những câu chuyện văn hoá gắn với những hoa văn tinh tế trên chiếc váy của người phụ nữ Mông.
Bạn sẽ được cảm nhận sự khéo léo, tỉ mỉ mà mỗi một người phụ nữ Mông từ khi sinh ra và lớn lên cho tới khi kết hôn, khéo tay là yếu tố quan trọng để họ trở thành một người phụ nữ quan trọng trong giữ gìn trang phục truyền thống. Niềm tự hào của người Mông nơi đây.
Bản Sin Suối Hồ hoạt động du lịch với mong muốn “nơi mình sống ngày càng nhiều du khách biết đến và ghé thăm”
Đi cùng với sự phát triển của du lịch, cuộc sống khó khăn trước kia đã lùi xa, các mặt đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội khởi sắc, diện mạo nông thôn mới ở vùng đất xa xôi của tổ quốc đang dần đổi thay. Anh Chỉnh, chị Nú và các em học sinh của bản làng say mê làm du lịch cộng đồng, giữ gìn di sản của người Mông ở vùng Tây Bắc thông qua các hoạt động "du lịch nông nghiệp sinh thái" ngày càng phong phú trong tương lai.
Sỹ Tùng - Phương Thảo (thực hiện)