
Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong quản lý thiên tai: Hướng tới mô hình mẫu phòng, chống sạt lở đất và lũ quét
13/05/2025TN&MTTrong bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và khó lường, đặc biệt sau những thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) gây ra năm 2024, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Hội thảo Đối thoại hợp tác quản lý thiên tai Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 13, diễn ra sáng 13/5 tại Hà Nam, là minh chứng rõ nét cho cam kết và nỗ lực chung của hai quốc gia trong ứng phó với sạt lở đất và lũ quét - những loại hình thiên tai đang gây tổn thất nghiêm trọng ở các vùng đồi núi Việt Nam.
Phát huy hiệu quả hợp tác song phương và công nghệ phòng chống thiên tai
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh rằng, biến đổi khí hậu, thiên tai tại Việt Nam đang ngày càng cực đoan, với tần suất và mức độ tàn phá ngày một gia tăng. Với đặc điểm địa hình có tới 70% là đồi núi, cùng tác động của mưa bão, hiện tượng sạt lở đất và lũ quét đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người, tài sản và sinh kế của người dân.
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phát biểu diễn văn khai mạc Hội thảo
Đặc biệt, cơn bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Hoàn lưu bão gây mưa lớn trên diện rộng tại 26 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ, kéo theo nhiều vụ lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. Điều này cho thấy, sự cấp thiết của việc đầu tư nguồn lực, nâng cao nhận thức cộng đồng và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai.
Trong khuôn khổ hợp tác đã kéo dài 13 năm giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT), hai bên đã triển khai nhiều hoạt động trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với thiên tai liên quan đến nước, bao gồm bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét, xói lở bờ sông và biển. Hội thảo lần này được xem là dịp quan trọng để đánh giá hiệu quả hợp tác và đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh thiên tai ngày càng khó lường.
Ông Nguyễn Trường Sơn và ông Shin Ishikawa tặng quà lưu niệm tại Hội thảo
Ông Nguyễn Trường Sơn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là MLIT và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), vì những hỗ trợ thiết thực dành cho Việt Nam. Tiêu biểu là việc hoàn thành công trình đập SABO tại lưu vực suối Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La - công trình đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng theo mô hình đập chắn lũ bùn đá của Nhật Bản, hoàn thành vào tháng 4/2025. Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn cũng lưu ý, đây mới là công trình thí điểm quy mô nhỏ và bày tỏ kỳ vọng vào sự tiếp tục hỗ trợ từ phía Nhật Bản để hoàn thiện và nhân rộng mô hình này tại các khu vực có nguy cơ tương tự.
Chia sẻ kinh nghiệm, lan toả công nghệ và tăng cường khả năng ứng phó
Về phía Nhật Bản, ông Shin Ishikawa - Thư ký Bộ trưởng MLIT cho biết, hội thảo là một phần trong chuỗi đối thoại thường niên giữa hai Bộ, thể hiện tinh thần hợp tác bền chặt suốt 13 năm qua. Ông nhấn mạnh, tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 4/2025 của Thủ tướng Nhật Bản vừa qua đã đặt trọng tâm vào việc tăng cường phối hợp phòng, chống sạt lở đất, thể hiện cam kết xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai và thu hẹp khoảng cách phát triển vùng miền.
Ông Shin Ishikawa - Thư ký Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản nhấn mạnh sự kiện này là cơ hội cho chuyên gia của hai bên có dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm hiệu quả.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã giới thiệu những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong dự báo và ứng phó với các hiện tượng thiên tai trầm tích như sạt lở đất và lũ quét. Đại diện Hiệp hội các công ty tư nhân Nhật Bản Japan Bosai Platform (JBP) cũng đem đến các giải pháp kỹ thuật đã được ứng dụng hiệu quả tại Nhật và một số quốc gia khác, mang đến góc nhìn thực tiễn cho Việt Nam trong triển khai công trình và mô hình ứng phó phù hợp điều kiện địa phương.
Về phía Việt Nam, đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã trình bày báo cáo tổng quan về tình hình sạt lở đất và lũ quét tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung giai đoạn 2015-2024, đặc biệt nhấn mạnh thiệt hại nặng nề do bão Yagi năm 2024 gây ra, với 265 người chết và mất tích - trong đó riêng trận lũ quét tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) ngày 10/9 đã khiến 67 người thiệt mạng và 37 ngôi nhà bị vùi lấp.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý, đầu tư hệ thống trạm đo mưa tự động, xây dựng bản đồ rủi ro và trang web cảnh báo thiên tai đến cấp xã. Đồng thời, công tác di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm đã đạt kết quả tích cực, với gần 22.500 hộ được tái định cư an toàn trong giai đoạn 2013 - 2022. Các chương trình phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cũng đang được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu bảo vệ sinh kế và tính mạng người dân.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo Đối thoại hợp tác Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 13 không chỉ là diễn đàn chia sẻ kỹ thuật mà còn là nhịp cầu thắt chặt hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia. Những công nghệ hiện đại, kinh nghiệm thực tiễn và tinh thần đồng hành bền chặt từ phía Nhật Bản là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng lực thích ứng và chủ động trước những thách thức thiên nhiên ngày càng gay gắt.
Minh Huyền