
Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển tài nguyên số ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
04/03/2025TN&MTNghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ TN&MT nhiệm vụ “Xây dựng được cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về TN&MT, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước”. Một trong số các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai là “Xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể tài nguyên số về TN&MT” đã được Chính phủ giao trong Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
Bài báo này sẽ giới thiệu về dự thảo Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển tài nguyên số ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết quả chính của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển tài nguyên số ngành TN&MT đến năm 2030” được Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu TN&MT chủ trì thực hiện.
Tài nguyên số về tài nguyên và môi trường
Trong dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiến hành cuộc cách mạng chuyển đổi số (CĐS) dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo, tạo động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đã xác định các quan điểm chỉ đạo:
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, tiến hành chuyển đổi toàn diện mọi lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội bằng KH&CN, đổi mới sáng tạo, trọng tâm là công nghệ số.
Chuyển đổi số dựa trên nền tảng là hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Dữ liệu là tài nguyên, là tư liệu sản xuất mới cần được giải phóng sức sản xuất thông qua giải quyết đúng đắn mối quan hệ sở hữu, kinh doanh, phân phối.
Như vậy, khái niệm “Dữ liệu là tài nguyên, là nguồn tài nguyên mới” được xác định cụ thể trong chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, cụ thể trong các Nghị quyết và trong Luật Dữ liệu.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều khái niệm khác nhau về “tài nguyên số” (TNS) và cũng chưa có khái niệm cụ thể về “TNS về TN&MT”. Tuy nhiên, qua tổng kết trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tổng hợp các nghiên cứu trên thế giới và trong nước, chúng tôi xác định khái niệm “TNS về TN&MT bao gồm dữ liệu số, dịch vụ dữ liệu và tài sản số về TN&MT được hình thành theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, theo khái niệm trên, TNS về TN&MT bao hàm ba thành tố chính: Dữ liệu số, các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu và tài sản số các lĩnh vực TN&MT. Việc xác định rõ nội hàm khái niệm là cơ sở để đề xuất Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển TNS số ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan điểm của Chiến lược
Dự thảo Chiến lược xác định 06 điểm chính sau:
Một là, TNS về TN&MT bao gồm dữ liệu số, các sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu và tài sản số về TN&MT là tư liệu sản xuất mới và là yếu tố then chốt cho CĐS ngành TN&MT và chuyển đổi số quốc gia.
Hai là, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu TNS về TN&MT.
Ba là, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong ngành TN&MT dựa trên phương thức, quy trình, mô hình của công nghệ số và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu số.
Bốn là, phát triển, sử dụng TNS về TN&MT phải đi đối với đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Năm là, dữ liệu về TN&MT phải đảm bảo chủ quyền số quốc gia, các lợi ích quốc gia - dân tộc.
Sáu là, phát triển nguồn nhân lực, làm chủ công nghệ lõi về điều tra cơ bản, xử lý, phân tích dự báo và khai thác, cung cấp TNS về TN&MT.
Tầm nhìn của Chiến lược
Quản lý toàn diện nguồn TNS về TN&MT là yếu tố then chốt cho CĐS, kinh tế số và xã hội số bảo đảm cho CĐS ngành TN&MT và chuyển đổi số quốc gia thành công. Tạo ra giá trị mới thúc đẩy quản lý “không gian phát triển” của đất nước. TNS về TN&MT đóng góp quan trọng trong phát triển KT-XH của Việt Nam.
Mục tiêu của Chiến lược
Dự thảo Chiến lược đặt ra bốn nhóm mục tiêu đến năm 2030, cụ thể:
Một là, phát triển hạ tầng TNS về TN&MT, trong đó trọng tâm là nâng cấp các Trung tâm dữ liệu của Bộ, hiện đại hóa trang thiết bị điều tra, thu thập, quan trắc theo hướng tự động, dựa trên công nghệ IoT, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, thế hệ mới trong truyền, nhận bảo đảm an toàn, phát triển các nền tảng quản trị, kết nối, tích hợp dữ liệu,… nhằm thu thập, quản lý toàn diện nguồn TNS về TN&MT.
Hai là, phát triển TNS về TN&MT phục vụ Chính phủ số, trong đó trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện các CSDL quốc gia, chuyên ngành về TN&MT, mở và cung cấp dữ liệu mở, ứng dụng công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong quản lý, phân tích, xử lý dữ liệu,… nhằm bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ quản lý “không gian phát triển” của đất nước.
Ba là, phát triển TNS về TN&MT phục vụ kinh tế số, xã hội số, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nguồn TNS về TN&MT chia sẻ, cung cấp phục vụ tối đa người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số và tỷ trọng của kinh tế số trong phát triển KT-XH của quốc gia.
Bốn là, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trong đó trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn, bảo vệ an ninh trên không gian mạng đối với nguồn TNS về TN&MT.
Nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược
Dự thảo Chiến lược đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia và các nhiệm vụ trọng tâm cho 9 lĩnh vực của ngành TN&MT.
Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia của Dự thảo Chiến lược bao gồm:
Xây dựng thể chế, chính sách: Hệ thống các chính sách cần được rà soát, xây dựng và hoàn thiện để bảo đảm triển khai thành công Chiến lược bao gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về TN&MT phù hợp với định hướng Chiến lược; quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương phục vụ thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn TNS về TN&MT; chính sách triển khai quản lý, khai thác dữ liệu số, dịch vụ số và tài sản số về TN&MT phù hợp với các quy định pháp luật.
Phát triển hạ tầng số, nền tảng số: Các nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên triển khai trong nhóm nhiệm vụ bao gồm: Tái cấu trúc, tập trung hóa hạ tầng số; vận hành, nâng cấp các Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây; phát triển, hoàn thiện các hạ tầng thu thập và truyền tải dữ liệu, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ điều tra cơ bản, quan trắc TN&MT; thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng, hoàn thiện, ứng dụng các nền tảng số quốc gia, chuyên ngành.
Phát triển TNS về TN&MT: Các nhiệm vụ bao gồm: Hoàn thiện các CSDL quốc gia trong danh mục cần ưu tiên triển khai; phát triển các CSDL dùng chung, CSDL chuyên ngành các lĩnh vực TN&MT; phát triển nguồn dữ liệu lớn, xây dựng kho dữ liệu TN&MT dùng chung sử dụng giải pháp công nghệ dữ liệu lớn (big data) nhằm quản lý toàn diện TNS về TN&MT; triển khai ứng dụng các công nghệ mới về phân tích, xử lý phục vụ các bài toán chuyên ngành và chỉ đạo điều hành, phát triển KT-XH.
Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu: Hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành TN&MT và chia sẻ dữ liệu, dữ liệu lớn về TN&MT thuộc phạm vi quản lý cho các bộ ngành, địa phương khai thác, sử dụng.
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: Đối với 9 lĩnh vực của ngành TN&MT, dự thảo Chiến lược đã xác định các nhiệm vụ cụ thể với mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách, hiện đại hóa công tác điều tra cơ bản trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới, ứng dụng các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các bài toán giám sát, cảnh báo, dự báo chuyên ngành và phát triển, hoàn thiện TNS của lĩnh vực nhằm đạt được các mục tiêu chung về phát triển toàn diện nguồn TNS về TN&MT.
Kết luận
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển TNS ngành TN&MT đến năm 2030” (mã số: TNMT.2022.04.03), trên cơ sở chỉ đạo, định hướng trong các nghị quyết, chiến lược quốc gia, chuyên ngành, Luật,… và các phân tích, dự báo về xu hướng phát triển, nhu cầu nguồn TNS về TN&MT cùng với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi đã đề xuất các nội dung của dự thảo Chiến lược tổng thể quản lý, phát triển TNS ngành TN&MT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là các định hướng quan trọng nhằm thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn TNS về TN&MT, phục vụ mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ;
2. Luật Dữ liệu 2024 số 60/2024/QH15;
3. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
4. Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
NGUYỄN NGỌC VŨ, HOÀNG THU TRANG
Cục Chuyển đổi số và Thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025