
Dấu ấn lịch sử vùng đất Tây Nam Bộ - Tuyến đường 1C
27/04/2025TN&MTTrong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh đường Trường Sơn huyền thoại, tuyến vận tải chiến lược 1C đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng về ý chí thống nhất và sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông. Tuyến đường này đóng vai trò then chốt trong việc chi viện cho chiến trường miền Tây Nam Bộ trong giai đoạn ác liệt của cuộc chiến.
Mới đây, tại chương trình kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Lễ dân hương tại Di tích lịch sử - văn hoá Bia tưởng niệm TNXP tuyến đường 1C (xã Vĩnh Điều); Lễ viếng Đền thờ anh hùng Liệt sĩ, LLVT nhân dân và TNXP hy sinh trên Tuyến đường 1C (huyện Giang Thành), ông Hà Văn Thanh Khương - Bí thư huyện Giang Thành đã bày tỏ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Giang Thành, xin thành kính ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí lãnh đạo tiền bối, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT, các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, cựu TNXP đã không tiếc máu xương, công sức cống hiến cho Tổ quốc.
Chương trình kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Lễ hội đền thờ anh hùng Liệt sĩ, LLVT nhân dân và TNXP hy sinh trên Tuyến đường 1C (huyện Giang Thành).
Ông Khương tự hào chia sẻ, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự vì trên mảnh đất vùng biên có nhiều chiến công hiển hách của cha ông để lại, nơi được lưu dấu những trang sử vẻ vang của Tuyến đường 1C huyền thoại. Khi chiến dịch Tết Mậu Thân nổ ra, Liên đội 1 TNXP đưa toàn bộ lực lượng phối hợp với địa phương quân Hà Tiên, du kích xã Vĩnh Điều, Tân Khánh Hoà bao vây các đồn địch trên kinh Vĩnh Tế. Chắc chắn không ai nhớ và ghi chép xuể, cũng không bút mực nào tả hết sự gian khổ, hy sinh của lực lượng TNXP trên tuyến đường huyền thoại này.
Từ năm 1966 - 1967, khi địch tăng cường kiểm soát đường biển, việc vận chuyển chi viện cho Quân khu 9 gặp nhiều khó khăn. Tuyến đường 1C ra đời, nối tiếp đường Hồ Chí Minh trên bộ, đi qua đất bạn Campuchia, rồi xuyên rừng tràm Hà Tiên, vượt qua các kinh rạch để đến U Minh Thượng, Cà Mau, đảm bảo hậu cần cho tiền tuyến.
Trên tuyến đường "máu lửa" này, nhân dân ta đã lưu dấu những tháng năm kháng chiến khốc liệt, với nhiều thành tích vẻ vang, nhưng cũng đầy hiểm nguy, gian khổ và mất mát hy sinh của những thanh niên trẻ tuổi (từ 15 - 20 tuổi), là con em của các tỉnh miền Tây Nam bộ, thuộc Đoàn 195, Liên đội 1 thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Tây Nam bộ từ những năm 1967 đến ngày thống nhất đất nước.
Trong thời gian hoạt động, lực lượng thanh niên đã tạc nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình (có đến 399 đồng chí hy sinh, 327 đồng chí bị thương tật). Tuy nhiên, Liên đội 1 TNXP đã thành công đưa rước hơn 20.000 lượt cán bộ, bộ đội, thương binh; vận chuyền hơn 13.000 tấn vũ khí, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men; đánh hơn 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 8 xe tăng và 14 tàu chiến… góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đường 1C hoàn thành sứ mệnh lịch sử.
Dù ở độ tuổi ngoài 76, nhưng ông Nguyễn Văn Nên - cựu TNXP bám trụ trên Đường 1C luôn bịn rịn trước những địa danh từng nhuốm màu bom đạn
Bịn rịn tại buổi lễ dâng hương lên các đồng đội, ông Nguyễn Văn Nên (ngụ tại tổ 1, ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành), năm nay đã ngoài 76 tuổi, từng là một TNXP bám trụ trên Đường 1C, những năm tháng kháng chiến vẫn còn in đậm trong tâm trí ông, mỗi lần dân hương là mỗi lần ông khóc thương cho đồng đội. Giọng trầm khàn, mang theo chút xúc động khi nhắc về con đường năm xưa, ông Nên cho biết: “Đường 1C hồi đó đâu có được như bây giờ, toàn là đường đất nhỏ, hai bên là rừng tràm, lau sậy um tùm, sình lầy, lội đến đầu gối. Vậy mà chiến sĩ, bộ đội ta vẫn ngày đêm bám đường, chở đạn, không quản gian khổ, hiểm nguy”.
Vào những năm 1969 - 1973, khi nhập ngủ, ông tham gia Tiểu đoàn 410, được phân công cùng với 2 đồng đội hỗ trợ, ông giữ vai trò xạ thủ chính, dùng súng lớn DK75, chuyên bắn xe tăng, xe cơ giới, lô cốt, cụm hỏa lực địch. Qua nhiều lần tiêu diệt địch, ông được điều động giữ vai trò trinh sát, tải thương, vận chuyển thương bệnh binh… Đến năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, giành được độc lập, ông được chuyển sang Đoàn 195 LLVT nhân dân (thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 40, Quân khu 9). Năm 1993, ông được tặng Huy chương kháng chiến hạng nhất.
Cho đến nay, đã 50 năm trôi qua, đánh dấu cột mốc nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2025), khép lại trang sử hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong ký ức của những người con đất Việt, những địa danh từng nhuốm màu bom đạn, thấm đẫm máu xương của đồng bào, đồng chí vẫn còn vẹn nguyên.
Tuyến đường 1C với chiều dài không quá lớn so với toàn bộ hệ thống giao thông chiến lược, vùng đất sình lầy, kênh rạch chằng chịt… nhưng con đường huyết mạch này đã trở thành một biểu tượng sống động cho tinh thần chiến đấu kiên cường, sự hy sinh thầm lặng và niềm tin sắt son vào ngày thống nhất non sông, luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Vì nó không chỉ là con đường vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, mà còn là nơi chứng kiến những cuộc đụng độ ác liệt, những trận phục kích bất ngờ, và cả những khoảnh khắc giao liên bí mật, thấm đượm tình quân dân cả nước.
Để tỏ lòng thành kính về những công lao to lớn của lực lượng TNXP, ngày 26/3/1997, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng Bia tưởng niệm TNXP Tuyến đường 1C tại ấp Tà Êm (xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành), đến năm 2018, nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cách mạng cấp tỉnh.
Đền thờ anh hùng Liệt sĩ, LLVT nhân dân và TNXP hy sinh trên Tuyến đường 1C (huyện Giang Thành)
Đặc biệt hơn, ngày 27/4/2024, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với huyện Giang Thành đã cho xây dựng hoàn tất và khánh thành Đền thờ anh hùng Liệt sĩ, Lực lượng vũ trang nhân dân và Thanh niên xung phong hy sinh trên tuyến đường 1C tại ấp Khánh Hoà, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành. Đến hôm nay, vừa đúng tròn 01 năm từ khi đưa vào vận hành Đền thờ với diện tích trên 7.000m2, để cho thế hệ con cháu được bày tỏ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh cho độc lập, tự do của dân tộc.
Bí thư huyện Giang Thành cho biết, Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ, LLVT nhân dân và TNXP hy sinh trên tuyến đường 1C là một địa chỉ đỏ, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp trong và ngoài tỉnh, nhất là các cựu TNXP và các LLVT nhân dân. Đây là nơi để giáo dục truyền thống cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần quật cường của các thê hệ cha anh trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ quê hương đắt nước. Để từ đó các thế hệ mai sau tự rèn luyện chính mình, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh. Không chỉ vậy, Đền còn là một công trình văn hoá thể hiện tình cảm, lòng biết ơn to lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 1C, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ khi đến Giang Thành.
Các em học sinh dân hương tại Đền thờ
Người đứng đầu huyện Giang Thành cam kết, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt trách nhiệm quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của Đền thờ, xem đây là biểu trưng để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau; tạo điều kiện cho Nhân dân và du khách đến thắp hương tri ân các anh hùng, liệt sĩ và TNXP đã anh dũng hy sinh trên tuyến Đường 1C.
Hơn thế nữa, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng cống hiến, ra sức thi đua, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Nguyễn Kiên