Diễn đàn OCOP Việt Nam - chặng đường hội nhập mới và dấu ấn đối ngoại thực chất

07/07/2025

TN&MTGiữa bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực tìm lời giải cho những thách thức về an ninh lương thực, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp bền vững, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò chủ động, sáng tạo khi đón 14 Bộ trưởng nông nghiệp đến từ châu Phi - khu vực được coi là “mảnh đất tiềm năng” của thế kỷ XXI để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ mô hình: Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình OCOP, dự kiến diễn ra vào ngày 15/7 tới tại Hà Nội, không chỉ là sự kiện mang tính hình thức đối ngoại đơn thuần. Đây là minh chứng rõ nét cho nỗ lực định vị Việt Nam như một “điểm đến tri thức” về phát triển nông nghiệp nông thôn gắn với giá trị bản địa, chuỗi giá trị cộng đồng và hội nhập thương mại quốc tế.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: "Nhận được sự quan tâm và ủng hộ mạnh mẽ của Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) Khuất Đông Ngọc trong chuyến công tác tới Việt Nam dịp tháng 2/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường thống nhất phối hợp với FAO tổ chức Diễn đàn cấp cao trao đổi kinh nhiệm phát triển chương trình OCOP của Việt Nam và các nước trên thế giới".  

Diễn đàn sẽ tập trung vào 3 chủ đề chính: Giới thiệu kinh nghiệm của Việt Nam trong triển khai chương trình OCOP; Thảo luận cấp Bộ trưởng về đóng góp của OCOP cho Chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm theo hướng bền vững và có tính chống chịu; Đối thoại về tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và các sáng kiến cho chuyển đổi hệ thống nông nghiệp và lương thực - thực phẩm.

OCOP - Từ sáng kiến nội địa đến tài sản chia sẻ với bạn bè quốc tế

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” được Chính phủ Việt Nam khởi xướng từ năm 2018, bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn của hàng chục triệu nông dân: “Làm sao để nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ bán ra chợ quê mà có thể bước vào những thị trường khó tính, mang lại giá trị gia tăng cao, gìn giữ bản sắc mà vẫn phù hợp quy luật thị trường hiện đại”.

OCOP không chỉ là một dự án hỗ trợ sản xuất đơn lẻ mà là mô hình phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, đặt trọng tâm vào phát huy nội lực cộng đồng, gắn với quản trị theo chuỗi giá trị. Người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ được trao quyền tự chủ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho đến xây dựng thương hiệu.

Sau gần một thập kỷ, OCOP đã cho thấy sức sống bền bỉ. Đến nay, cả nước có trên 9.500 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, bao phủ tất cả khắp các tỉnh, thành phố. Hàng nghìn hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ đã chuyển mình mạnh mẽ từ hộ sản xuất manh mún sang sản xuất quy mô, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Từ những món đặc sản tưởng chỉ để làm quà biếu, OCOP đã “chắp cánh” cho chè Tân Cương, cà phê Buôn Ma Thuột, cá thát lát U Minh, mắm tôm chua Huế, miến dong Na Rì,… chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Quan trọng hơn, OCOP không chỉ dừng ở khía cạnh kinh tế. Đây còn là cách để gìn giữ di sản văn hóa, lan tỏa giá trị cộng đồng và tạo sinh kế bền vững. Mỗi sản phẩm OCOP mang theo câu chuyện của vùng đất, của cộng đồng, của bàn tay lao động cần mẫn - điều mà các sản phẩm công nghiệp đại trà khó có được.

Vì thế, khi Việt Nam mang câu chuyện OCOP ra thế giới, chúng ta không chỉ giới thiệu vài mô hình thành công mà còn chia sẻ một triết lý phát triển nông thôn hiện đại: Tôn trọng bản sắc, phát triển bền vững, hội nhập thông minh. Đây cũng chính là lý do nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin, coi OCOP là bài học quý giá.

Điều đáng ghi nhận là với sự đồng hành của các tổ chức quốc tế như Tổ chức FAO, mô hình OCOP đang được mở rộng thành “tài sản chia sẻ”, một “thư viện kinh nghiệm” mà Việt Nam sẵn sàng truyền đạt. Thực tế, nhiều đoàn công tác quốc tế, trong đó có những đoàn đến từ Châu Phi, đã tới Việt Nam để học tập kinh nghiệm triển khai OCOP, từ cách tổ chức sản xuất, đánh giá sao sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, đến cách gắn sản phẩm với phát triển du lịch cộng đồng.

Diễn đàn vào ngày 15/7 tới đây, với sự tham dự của hơn 14 Bộ trưởng Châu Phi, là minh chứng sống động cho hành trình OCOP vươn tầm: Từ sáng kiến nội địa, trở thành cầu nối hợp tác giữa các nước đang phát triển, giúp các quốc gia đang phát triển chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa giá trị, mở rộng cơ hội thương mại, đầu tư và phát triển bền vững.

OCOP đã, đang và sẽ tiếp tục là “tài sản mềm” đặc biệt của Việt Nam, một nguồn lực tri thức, kinh nghiệm và sáng kiến mà Việt Nam sẵn sàng đóng góp để cùng bạn bè quốc tế giải bài toán phát triển nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa và nâng tầm giá trị nông sản trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chương trình OCOP đã trở thành đòn bẩy quan trọng để hàng nghìn sản phẩm nông nghiệp đặc sản, làng nghề của Việt Nam vươn ra thị trường, từ chợ quê đến sàn thương mại điện tử, từ gian hàng hội chợ trong nước đến những container xuất ngoại.

Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, coi câu chuyện OCOP của Việt Nam như một hình mẫu khả thi để giải bài toán phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm đặc hữu, tạo sinh kế bền vững và gìn giữ di sản văn hóa bản địa. Việc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đồng hành, hỗ trợ Diễn đàn lần này tiếp tục khẳng định giá trị tham chiếu quốc tế của mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP - Mỗi xã một sản phẩm, với đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan… tại một hội chợ xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá sản phẩm địa phương đến người tiêu dùng

Nhịp cầu hợp tác giữa các nước đang phát triển: Đoàn Bộ trưởng Châu Phi và kỳ vọng kết nối

Trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, nhịp cầu hợp tác giữa các nước đang phát triển đã trở thành một trụ cột quan trọng song hành với hợp tác Bắc - Nam truyền thống. Đây không chỉ là xu thế, mà còn là nhu cầu thiết yếu, nhất là đối với các quốc gia đang phát triển, nơi những vấn đề về an ninh lương thực, sinh kế bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu mang tính chất “sống còn”.

Chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của 14 Bộ trưởng nông nghiệp các quốc gia Châu Phi lần này vì thế không đơn thuần là hoạt động trao đổi ngoại giao thường niên, mà là dấu mốc cụ thể hóa cam kết hợp tác, với Việt Nam đóng vai trò “cầu nối tri thức và kinh nghiệm” giữa các quốc gia đang phát triển.

Về bản chất, Việt Nam và nhiều quốc gia Châu Phi chia sẻ những điểm tương đồng quan trọng: tỷ lệ dân số sống bằng nông nghiệp cao, tiềm năng tài nguyên phong phú nhưng thị trường đầu ra vẫn hạn chế, năng lực chế biến còn yếu, thương hiệu sản phẩm địa phương chưa đủ mạnh để cạnh tranh trên quy mô toàn cầu. Bài toán phát triển nông nghiệp không chỉ nằm ở chuyện tăng năng suất, mà còn là câu chuyện nâng giá trị, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng nông thôn, gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.

Ở góc độ này, mô hình OCOP - với triết lý “phát triển sản phẩm đặc hữu gắn với cộng đồng và chuỗi giá trị” chính là lời giải thực tiễn mà Việt Nam đã kiểm nghiệm thành công. Việc các Bộ trưởng châu Phi tới Việt Nam tìm hiểu OCOP không chỉ phản ánh sự quan tâm của từng nước riêng lẻ, mà còn cho thấy khát vọng chung tay chia sẻ sáng kiến và kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy nội lực của các cộng đồng nông thôn thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ hoặc các chương trình từ bên ngoài.

Diễn đàn lần này sẽ là không gian trao đổi hiếm có, nơi các Bộ trưởng trực tiếp đối thoại, bàn thảo những khía cạnh then chốt: (1) Làm thế nào để xây dựng khung chính sách OCOP phù hợp với điều kiện xã hội, văn hóa, kinh tế của mỗi quốc gia?. (2) Làm sao huy động được người dân, doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã cùng tham gia OCOP một cách tự nguyện và hiệu quả?.(3) Làm sao để gắn OCOP với chuyển đổi số, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại quốc tế, từ đó đưa những sản phẩm đặc sản của Châu Phi ra thế giới, giống như Việt Nam đã đưa cà phê, hồ tiêu, chè và gạo?.

Bên cạnh các phiên thảo luận, chuyến thăm thực địa tại tỉnh Ninh Bình, gặp gỡ trực tiếp các hợp tác xã, doanh nghiệp OCOP, quan sát cách Việt Nam gắn sản phẩm với du lịch cộng đồng sẽ là “bài học sống” giá trị mà không tài liệu hội thảo nào có thể thay thế.

Điều đáng nói là hợp tác giữa các nước đang phát triển, với Diễn đàn lần này, không chỉ dừng ở việc chia sẻ một chiều. Đây còn là cơ hội để Việt Nam lắng nghe, học hỏi từ những kinh nghiệm bản địa của Châu Phi - châu lục đang trỗi dậy mạnh mẽ, sở hữu nhiều loại nông sản đặc hữu như ca cao, cà phê, điều, bông… mà thị trường Việt Nam cũng rất cần. Việc kết nối này có thể mở ra hướng xây dựng chuỗi giá trị liên khu vực, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và thậm chí hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa các nước phương Nam.

Kỳ vọng cho một mạng lưới OCOP toàn cầu

Xa hơn những cái bắt tay hữu nghị, Diễn đàn cấp cao về OCOP lần này đặt nền móng cho mạng lưới OCOP liên khu vực, trong đó Việt Nam đóng vai trò chia sẻ mô hình, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, đào tạo nhân lực, đồng thời cũng là cầu nối xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của các quốc gia châu Phi.

Về lâu dài, điều này không chỉ giúp các sản phẩm bản địa vươn ra thị trường thế giới mà còn đóng góp vào mục tiêu chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu theo hướng công bằng, bền vững, đa dạng sinh học và giàu bản sắc văn hóa.

Hợp tác giữa các nước đang phát triển, OCOP và những kết nối mới đang mở ra hành lang hội nhập nhiều lợi ích thiết thực: phát triển nông nghiệp, gìn giữ di sản, nâng cao đời sống nông thôn và làm giàu cho cộng đồng - một tương lai mà không quốc gia nào phải bước một mình.

Điểm cốt lõi làm nên ý nghĩa khác biệt của Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao về OCOP lần này không chỉ nằm ở việc quy tụ các Bộ trưởng, chuyên gia hay các tổ chức quốc tế. Quan trọng hơn, đây là không gian đối thoại thực chất, hành động cụ thể và cam kết lan tỏa giá trị một cách dài hơi, bền vững.

Tại Diễn đàn, các Bộ trưởng không chỉ ngồi bàn giấy chia sẻ chính sách mà còn thảo luận những nút thắt thật, những câu chuyện thành công, thất bại thật, từ việc làm sao gỡ khó cho nông dân, làm sao huy động cộng đồng, đến việc khai thác di sản văn hóa làng nghề mà vẫn giữ gìn được bản sắc, tránh “thương mại hóa” phiến diện.

Ba chủ đề trọng tâm từ kinh nghiệm triển khai OCOP ở Việt Nam, đóng góp cho chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, đến ứng dụng khoa học, công nghệ đều có chung một sợi chỉ đỏ: Chuyển từ tư duy quản lý “xin - cho” sang trao quyền cho cộng đồng, lấy con người nông thôn làm trung tâm. Chính tinh thần OCOP cộng đồng làm chủ, Nhà nước kiến tạo, thị trường dẫn dắt là điều mà nhiều quốc gia Châu Phi đang tìm kiếm trong tiến trình đổi mới nông thôn của mình.

Nhưng “nói” thì chưa đủ. Điều làm nên sức nặng của Diễn đàn lần này là các phiên làm việc bên lề giàu thực chất: những gian hàng OCOP, nơi sản phẩm không chỉ được trưng bày đẹp mắt mà còn được kể câu chuyện gốc gác, văn hóa, công nghệ, sáng tạo. Những nghệ nhân, chủ hợp tác xã chính là “đại sứ thương hiệu sống” cho câu chuyện OCOP trực tiếp tham gia đối thoại, trình diễn, chia sẻ cách biến sản phẩm làng nghề thành hàng hóa toàn cầu.

Đặc biệt, chuyến đi thực địa đến Hợp tác xã Sinh Dược (Ninh Bình) hay Công ty Đại Long là minh chứng rõ ràng: OCOP không phải là khái niệm “trên giấy”. Với mong muốn tại Sinh Dược, các Bộ trưởng các quốc gia Châu Phi sẽ thấy cách một vùng đất nghèo dựa vào cây dược liệu bản địa, gắn với du lịch cộng đồng, từ đó tạo chuỗi giá trị khép kín từ vùng nguyên liệu sạch, nhà xưởng, thương hiệu, du lịch trải nghiệm tất cả đều xoay quanh tinh thần “người dân làm chủ”.

Hay như Đại Long - một cơ sở chế biến cơm cháy tưởng chừng chỉ là món ăn dân dã đã vươn lên thành sản phẩm OCOP 4 sao, có mặt tại các siêu thị, xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn. Đó chính là “hành động” cụ thể, minh chứng sống cho cách biến đặc sản bản địa thành giá trị toàn cầu, để người dân địa phương không chỉ sống bằng nghề truyền thống mà còn làm giàu từ chính di sản của cha ông.

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu, trao đổi về tiềm năng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương tại hội nghị kết nối tiêu thụ và xúc tiến thương mại.

Từ Diễn đàn đến hành động dài hơi

Diễn đàn lần này không kết thúc bằng một bản báo cáo dày trang hay những cái bắt tay ngoại giao. Mà đặt ra cam kết tiếp nối, hướng đến một hệ sinh thái hợp tác giữa các nước đang phát triển mới, nơi các ý tưởng được thử nghiệm, nhân rộng, điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia.

Lan tỏa giá trị không chỉ là xuất khẩu sản phẩm, mà quan trọng hơn là xuất khẩu mô hình, tri thức quản trị, bài học về sự kiên trì “kết nối con người - tài nguyên - công nghệ - thị trường”. Chính cách làm OCOP giai đoạn mới sẽ tiếp tục thúc đẩy số hóa sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn hóa quy trình và liên kết thương mại điện tử những yếu tố mà nhiều nước châu Phi đang rất cần.

Bên cạnh đó, các phiên đối thoại mở sẽ là tiền đề để hình thành mạng lưới kết nối đa chiều, giữa các Bộ, ngành, giữa các địa phương, giữa doanh nghiệp OCOP Việt Nam với các đối tác châu Phi và các tổ chức quốc tế như FAO. Chính những mạng lưới này sẽ duy trì xung lực hành động, biến cam kết hợp tác thành những dự án, hợp đồng, chuỗi giá trị chung.

Hành động hôm nay sẽ là hạt giống để lan tỏa giá trị ngày mai. Việt Nam không chỉ chia sẻ sản phẩm, thương hiệu OCOP mà chia sẻ cả tinh thần làm OCOP cộng đồng là gốc, tri thức và sáng tạo là chìa khóa, thị trường toàn cầu là đích đến. Đó chính là tinh thần đối thoại thực chất, hành động thiết thực và lan tỏa giá trị bền vững, tinh thần làm nên Diễn đàn OCOP Việt Nam sắp tới.

Điểm đặc biệt của Diễn đàn lần này không dừng lại ở trao đổi lý thuyết. Những phiên làm việc bên lề, các gian hàng OCOP, sự tham gia trực tiếp của nghệ nhân, cộng đồng làng nghề, các chuyến thăm thực địa tại Ninh Bình… tất cả đều cho thấy cách làm thực chất, đặt mục tiêu “nói đi đôi với làm”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam đã chỉ đạo cụ thể: mọi hoạt động cần được chuẩn bị công phu, từ khâu trưng bày, trình diễn, đến câu chuyện kể về mỗi sản phẩm, mỗi làng nghề, tất cả phải khơi gợi cảm hứng, thể hiện chân thực bản sắc Việt Nam. Chuyến tham quan Hợp tác xã Sinh Dược, mô hình OCOP gắn du lịch cộng đồng hay Công ty Đại Long - nơi biến món cơm cháy truyền thống thành sản phẩm OCOP tiêu biểu sẽ là bài học trực quan, sinh động mà không sách vở nào có thể thay thế.

Cơm cháy Ninh Bình - đặc sản nổi tiếng được đóng gói đẹp mắt, thuận tiện mang đi xa, góp phần khẳng định thương hiệu ẩm thực địa phương và lan tỏa giá trị OCOP ra thị trường trong và ngoài nước.

Chủ động hội nhập - Chia sẻ để cùng phát triển

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu sắc về cách tiếp cận phát triển nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, Việt Nam đã và đang khẳng định một vai trò chủ động, kiến tạo và sẻ chia, không chỉ vì lợi ích riêng mà vì một tầm nhìn phát triển chung, công bằng và bền vững cho các quốc gia đang phát triển.

Việt Nam đã đi từ một nước thuần túy xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp, sang cách tiếp cận mới: phát triển nông sản theo chuỗi giá trị, gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn quốc tế. Trong quá trình ấy, mô hình OCOP chính là ví dụ tiêu biểu nhất cho tinh thần “tự lực - tự cường - tự tin hội nhập”.

Đáng chú ý, Việt Nam không giữ OCOP như bí quyết riêng” mà coi đây là nguồn tài sản tri thức có trách nhiệm chia sẻ. Việc tổ chức Diễn đàn cấp cao OCOP lần này, mời 14 Bộ trưởng các quốc gia Châu Phi sang chia sẻ kinh nghiệm, chính là minh chứng sống động cho tinh thần “chia sẻ để cùng phát triển”.

Chúng ta hiểu rằng, trong dòng chảy hội nhập mới, các nước đang phát triển, đặc biệt là các quốc gia ở Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi hay Mỹ Latin, đang cùng đối mặt những thách thức lớn: biến đổi khí hậu, mất cân bằng thị trường nông sản, thiếu công nghệ chế biến sâu, thiếu kênh thương mại quốc tế đáng tin cậy… Một mình không quốc gia nào đủ sức ứng phó toàn diện. Chỉ có con đường liên kết – chia sẻ kinh nghiệm - mở rộng chuỗi giá trị mới giúp cộng đồng nông thôn các nước phát triển bền vững, nâng cao vị thế nông dân trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ động hội nhập không chỉ là đi tìm thị trường tiêu thụ. Quan trọng hơn, Việt Nam đang khẳng định vị thế quốc gia “kết nối giải pháp”, cầu nối các quốc gia phát triển, sẵn sàng cùng Tổ chức FAO và các tổ chức phát triển đồng hành hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao mô hình, đào tạo đội ngũ nhân lực bản địa. Từ những gian hàng OCOP đậm chất Việt Nam tại Diễn đàn, những buổi đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, nghệ nhân và đối tác quốc tế, Việt Nam lan tỏa thông điệp: Chúng ta có sản phẩm tốt, có mô hình tốt, có câu chuyện hay và sẵn sàng chia sẻ chân thành.

Hợp tác OCOP chính là cơ hội để Việt Nam và các nước châu Phi cùng bổ trợ thế mạnh cho nhau. Nếu Việt Nam mạnh về kinh nghiệm quản trị chuỗi giá trị, phát triển làng nghề và xúc tiến thương mại, thì châu Phi lại sở hữu nguồn tài nguyên nông sản quý, tiềm năng đất đai, nguồn lao động trẻ. Kết nối hai bên không chỉ mở ra thị trường mới cho nông sản, mà còn khuyến khích đầu tư chéo, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ xuyên biên giới.

Điều quan trọng hơn, tinh thần chia sẻ này còn hướng đến mục tiêu phát triển công bằng và bao trùm, không để nông dân, người làm nghề thủ công truyền thống bị tụt lại phía sau trong tiến trình hội nhập. Mỗi sản phẩm OCOP khi được tiêu thụ ở thị trường quốc tế, chính là một “câu chuyện văn hóa”, một minh chứng sống động về nội lực cộng đồng, bản sắc địa phương và trách nhiệm phát triển bền vững.

Với Diễn đàn lần này, Việt Nam cũng gửi gắm một thông điệp: Hợp tác quốc tế trong nông nghiệp, lương thực không chỉ là câu chuyện xuất nhập khẩu, mà là mối quan hệ cộng sinh, trách nhiệm cùng gìn giữ hệ sinh thái, chia sẻ công nghệ và tri thức quản trị.

Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng Tổ chức FAO, các tổ chức đa phương và các đối tác song phương để đưa mô hình OCOP trở thành tài sản chung, thích nghi sáng tạo với điều kiện từng quốc gia. Từ đó, hình thành mạng lưới OCOP toàn cầu, nơi mỗi quốc gia đóng góp thêm câu chuyện, thêm sản phẩm đặc sản bản địa vào bản đồ OCOP thế giới.

Chủ động hội nhập, chia sẻ sáng kiến, trao tri thức để cùng phát triển, đó không chỉ là cam kết của ngành nông nghiệp Việt Nam, mà còn là sứ mệnh quốc gia đóng góp cho một nền nông nghiệp toàn cầu công bằng, bền vững và giàu tính nhân văn. Hợp tác giữa các quốc gia phát triển, chia sẻ tri thức, và khát vọng “đem tinh hoa làng nghề Việt Nam ra thế giới” chính là giá trị cốt lõi mà Diễn đàn lần này hướng tới. Đó cũng là thông điệp mạnh mẽ khẳng định Việt Nam - đất nước không chỉ xuất khẩu nông sản mà còn xuất khẩu tri thức, sáng kiến, và sự sẻ chia.

Hồng Minh

 

Gửi Bình Luận

code

Tin liên quan

Tin tức

Việt Nam - Thụy Sĩ hợp tác xây dựng kế hoạch hành động xanh

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tri ân USAID, cam kết lan tỏa giá trị hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng - Tiếp xúc cử tri tỉnh Quảng Trị: Khẩn trương, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau sáp nhập

Tạo hành lang thông thoáng cho thương mại nông sản Italia sang Việt Nam

Nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp cùng FAO tổ chức Diễn đàn trao đổi kinh nghiệm cấp cao giữa các khu vực về mô hình OCOP

Tăng sức cạnh tranh cho nông sản mùa vụ

Phát triển OCOP thành thương hiệu Việt Nam, đạt chuẩn quốc tế trên thị trường toàn cầu

Đổi mới sáng tạo trong khuyến nông bắt nhịp mô hình chính quyền hai cấp

Tài nguyên

Quản lý tài nguyên khoáng sản tại Hà Tĩnh: Thực trạng và giải pháp tháo gỡ từ thực tiễn, chính sách

Điện Biên: Kỳ vọng đổi mới từ Luật Địa chất - Khoáng sản năm 2024

Lạng Sơn siết chặt quản lý khoáng sản: Từ thực tiễn địa phương đến kỳ vọng Luật mới

Mức thu bổ sung 5,4% tiền sử dụng đất sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp

Môi trường

Bài 2: Dấu ấn cấp 4 chứng chỉ quản lý rừng bền vững - Một bước tiến đột phá của Kiểm lâm Đình Lập

Kích hoạt các kịch bản ứng phó bão, lũ

Kiểm soát ô nhiễm không khí: Không thể chỉ dừng ở khuyến cáo

Hạt Kiểm lâm Đình Lập: Điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Lạng Sơn

Video

Giải pháp kiểm soát nguồn gây ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn

Nâng cao chất lượng nội dung và điểm số khoa học trên Tạp chí in Tài nguyên và Môi trường

Nâng cao công tác quản lý nhà nước về môi trường và hỗ trợ các doanh nghiệp

Phụ nữ tiên phong trong phát triển kinh tế tuần hoàn

Khoa học

Nghiên cứu cơ bản làm nền tảng khoa học vững chắc cho phòng chống thiên tai

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Danh sách thành viên 28 Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành năm 2025

Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh: Mở cánh cửa tương lai với 20 ngành đào tạo, 6 phương thức xét tuyển linh hoạt

Chính sách

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp

Kiện toàn chức năng thanh tra ngành nông nghiệp và môi trường

Tiêu chí xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh

Quy định về việc lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn

Phát triển

Bắc Ninh thắp sáng hành trình mới từ cội nguồn văn hóa

Từ nền tảng nội lực đến khát vọng “kỳ lân Việt”

Thế hệ trẻ trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn với sứ mệnh chung tay quản trị và phát triển bền vững tiểu vùng Lan Thương - Mê Kông

Mở rộng cánh cửa đại học xanh: Chiến lược tuyển sinh 2025 và tầm nhìn phát triển của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Diễn đàn

Thời tiết ngày 8/7: Vùng núi Bắc Bộ, Cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ cục bộ mưa to

Thời tiết ngày 7/7: Bắc Bộ Bắc Bộ nhiệt độ tăng nhẹ, có nơi nắng nóng, chiều tối mưa dông

Thời tiết ngày 6/7: Bắc Bộ có nơi nắng nóng, chiều tối mưa dông

Thời tiết ngày 5/7: Nhiều khu vực trên cả nước có mưa rào và dông