
Hướng đi bền vững từ chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả
25/04/2025TN&MTTrong hành trình xây dựng nông thôn mới, xã Triệu Thành (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã lựa chọn hướng đi khác biệt, đó là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - đặc biệt là tận dụng đất đồi dốc, đất canh tác kém hiệu quả để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây riềng - một loại cây gia vị vốn được trồng rải rác nhỏ lẻ - nay đã vươn lên thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho hàng trăm hộ nông dân địa phương.
Từ đất đồi hoang hóa đến vùng sản xuất quy mô lớn
Xã Triệu Thành nằm ở phía Tây Nam huyện Triệu Sơn của tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích tự nhiên hơn 1.125 ha, trong đó đất đồi núi chiếm phần lớn. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu canh tác lúa, sắn, mía và một số cây trồng khác theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát. Việc thiếu liên kết trong sản xuất, không có đầu ra ổn định và canh tác phụ thuộc vào thời tiết khiến thu nhập của người dân chỉ đạt mức trung bình, chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế.
Tích tụ, tập trung đất đai; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả
Nhận thức rõ những khó khăn, bất cập trong sản xuất nông nghiệp truyền thống, chính quyền xã Triệu Thành đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai; chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Một trong những bước chuyển đáng chú ý là việc đưa cây riềng – loại cây gia vị quen thuộc trong ẩm thực Việt – vào sản xuất đại trà trên quy mô lớn. Theo thống kê, cây riềng bắt đầu xuất hiện tại Triệu Thành từ năm 2015, ban đầu được một số hộ dân trồng thử trên diện tích đất vườn tạp. Nhận thấy loại cây này dễ trồng, ít sâu bệnh, có khả năng thích nghi cao và mang lại giá trị kinh tế vượt trội so với cây trồng truyền thống, UBND xã Triệu Thành đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng kế hoạch mở rộng mô hình, vận động người dân chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả như sắn, mía sang trồng riềng.
Lãnh đạo UBND xã Triệu Thành thăm các "cánh đồng riềng" của người dân
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền, chính quyền xã còn giao cho hợp tác xã nông nghiệp làm đầu mối liên kết với các đơn vị cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân. Từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến thu hoạch, sơ chế – người dân đều được hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Ông Lữ Quốc Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thành cho biết: “Trước đây, nhiều diện tích đất đồi của xã chỉ trồng mía, sắn với hiệu quả kinh tế thấp. Chúng tôi đã vận động người dân chuyển sang trồng riềng – một loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Hiện nay, một số thôn trồng riềng nhiều như thôn Trị Bình, Bình Định, Châu Thành và Bình Phương Nhờ đó, thu nhập của bà con được cải thiện rõ rệt, địa phương đang cùng bà con tìm kiến “đầu ra” ổn định hơn cho sản phẩm riềng.”
Cây trồng mới – giá trị mới
Sau gần một thập kỷ kể từ khi cây riềng được đưa vào trồng đại trà, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, xã Triệu Thành có hơn 73 ha diện tích trồng riềng tập trung, với gần 200 hộ dân tham gia sản xuất. Đây được xem là vùng trồng riềng hàng hóa có quy mô lớn của huyện Triệu Sơn.
Theo đánh giá của người dân địa phương, riềng là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, có thể thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt phù hợp với vùng đất đồi của Triệu Thành. Cây ít sâu bệnh, ít phải đầu tư thuốc bảo vệ thực vật, thời gian sinh trưởng khoảng 10 – 12 tháng, cho năng suất bình quân gần 80 tấn củ/ha/năm. Với giá bán dao động từ 5.000 – 8.000 đồng/kg, mỗi ha trồng riềng có thể đem lại doanh thu từ 400 đến 600 triệu đồng mỗi năm, cao gấp 3 – 4 lần so với các loại cây trồng truyền thống như sắn, mía, củ từ.
Cây riềng năng suất cao cho thấy sự phù hợp, thích ứng nhanh với điều kiện thổ nhưỡng tại Triệu Thành
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, thôn Châu Thành, xã Triệu Thành cho rằng: “Trước đây gia đình tôi trồng sắn, mía nhưng sản lượng kém, kinh tế thấp. Từ khi chuyển đổi sang trồng riềng đã nâng cao đáng kể thu nhập. Sắp tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng riềng với quy mô lớn hơn”.
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế, việc phát triển cây riềng còn mang lại nhiều lợi ích khác như: tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ, mở rộng thị trường nông sản. Đặc biệt, cây riềng có thể tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Á có nhu cầu sử dụng gia vị truyền thống.
Nhận thấy tiềm năng lớn từ cây trồng này, UBND xã Triệu Thành đang tiến hành rà soát, đánh giá các diện tích đất phù hợp để xây dựng kế hoạch mở rộng vùng trồng riềng, đồng thời tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, thôn Châu Thành, xã Triệu Thành phấn khởi khi chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Gắn phát triển sản xuất với xây dựng nông thôn mới
Việc phát triển vùng trồng riềng không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn là bước đột phá trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tại xã Triệu Thành. Khi bắt đầu XDNTM vào năm 2012, Triệu Thành mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí, trong đó các tiêu chí liên quan đến kinh tế – thu nhập, cơ sở hạ tầng, giao thông… đều được đánh giá là tiêu chí khó.
Tuy nhiên, nhờ xác định rõ mục tiêu phát triển sản xuất là “gốc” trong XDNTM, Triệu Thành đã từng bước khơi dậy tiềm năng từ đất đai, lao động, chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và thị trường. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 46,75 triệu đồng/năm, vượt ngưỡng chuẩn của xã miền núi (36 triệu đồng/người/năm). Đây là kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng giúp địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, huy động tổng nguồn lực hơn 384 tỷ đồng cho XDNTM.
Diện mạo nông thôn xã Triệu Thành đã có nhiều thay đổi
Hạ tầng kinh tế – xã hội cũng có sự thay đổi vượt bậc: 100% tuyến đường từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa với mặt đường rộng trên 6,5m; các trục đường thôn, liên thôn, ngõ xóm đều được bê tông hóa; hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa được đầu tư đồng bộ, phục vụ tốt hơn cho đời sống và sản xuất.
Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững
Song song với phát triển cây riềng, xã Triệu Thành còn tận dụng lợi thế đồi rừng để phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Xã hiện duy trì đàn gia súc, gia cầm lớn với 600 con trâu, bò, gần 4.000 con lợn, 12.000 con gia cầm và hơn 250 đàn ong, mang lại giá trị sản xuất trên 30 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, hơn 170 ha rừng sản xuất chuyên trồng keo, cùng hàng trăm ha đồi rừng được khai thác trồng luồng, mía đỏ, cây ăn quả, chè… cũng đang tạo việc làm và nguồn thu ổn định cho người dân.
Sự kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi và phát triển lâm nghiệp đã hình thành một cơ cấu nông nghiệp đa dạng, giúp Triệu Thành từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.
Người dân nâng cao thu nhập nhờ trồng riềng
Từ một xã miền núi còn nhiều khó khăn, Triệu Thành đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ nhờ lựa chọn đúng hướng đi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc đưa cây riềng vào sản xuất hàng hóa không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập, mà còn mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đây là minh chứng sinh động cho hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp – một hành trình bắt đầu từ đất đai, nhưng kết thúc bằng sự thay đổi trong tư duy sản xuất và chất lượng sống của người dân.
Hoàng Anh