
Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024
19/02/2025TN&MTNhững đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai năm 2024 sẽ làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thành công nhiệm vụ “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết số 39/2021/QH15, đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2 ngày 13/11/2021 nhằm mục tiêu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập cao vào năm 2030 theo Nghị Quyết Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên, tài sản quốc gia quý báu, không gian phân bố dân cư và các ngành KT-XH, QP-AN, tư liệu sản xuất không thể thay thế trong sản xuất nông nghiệp. Trong qua trình Đổi mới, Đảng và Nhà nước đã từng bước được xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy nội lực đất đai để phát triển đất nước bền vững
Thể chế hóa chính sách đất đai của Đảng, cụ thể hóa các quy định về quản lý đất đai của Hiến Pháp (1980, 1992, 2013), Luật Đất đai (1987, 1993, Luật Bổ sung, sửa đổi một số Điều của Luật Đất đai năm 1998, 2001, Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013) đã xác định QH, KHSDĐ là một nội dung quan trọng của QLNN về đất đai, thuộc trách nhiệm, quyền định đoạt của Nhà nước - đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. QHKHSDĐ được xác định là công cụ quan trọng để thực hiện QLNN về đất đai được cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất là Quốc Hội thẩm định, phê duyệt, giám sát thực hiện; trở thành cơ sở pháp lý cho việc thực hiện giao đất, cho thuê đất; công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, QP-AN.
Thi hành Luật Đất đai năm 2013, QH, KHSDĐ giai đoạn 2011 - 2020, đã tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo việc khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên đất đai. Phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH, QP-AN, góp phần đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH; đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia; đảm bảo yêu cầu BVMT sinh thái.
Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, các dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa tiếp cận nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chưa theo kịp sự phát triển của KT-XH và nhu cầu thị trường.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Về pháp luật: QH, KHSDĐ liên quan đến nhiều lĩnh vực, ngành, chịu sự điều tiết của nhiều luật khác nhau, đặc biệt là Luật Quy hoạch năm 2017; tuy nhiên các văn bản hướng dẫn thi hành luật thiếu đồng bộ, chồng chéo khó khăn cho việc tổ chức thực hiện.
Về tổ chức thực hiện, việc phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; việc triển khai lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch nói chung và QH, KHSDĐ nói riêng thường chậm so với quy định; phương pháp, quy trình, thủ tục, công nghệ, nguồn lực về nhân lực tài chính, còn hạn chế.
Quy định về việc lập QH, KHSDĐ theo Luật Đất đai năm 2024 có nhiều đổi mới so với quy định tại Luật Đất đai năm 2013. Đơn cử, một số điểm nổi bật sau đây:
Bổ sung quy định về kinh phí cho hoạt động quy hoạch
Kinh phí cho hoạt động quy hoạch là nội dung mới được bổ sung tại Điều 63 Luật Đất đai năm 2024 như sau: Kinh phí lập, điều chỉnh, thẩm định, quyết định, phê duyệt, công bố QH, KHSDĐ do NSNN bảo đảm từ nguồn sự nghiệp kinh tế (trước đây, Luật Đất đai năm 2013 không quy định về nội dung này).
Tăng cường công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân trong lập quy hoạch sử dụng đất
Luật Đất đai năm 2024 bổ sung quy định: Nguyên tắc bảo đảm sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng, cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc lập QH, KHSDĐ (khoản 8 Điều 60) và việc lấy ý kiến của các sở, ngành có liên quan, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân có liên quan về QHSDĐ khi lập QHSDĐ cấp tỉnh (điểm a khoản 2 Điều 70).
Như vậy, so với Luật Đất đai 2013 thì Luật Đất đai năm 2024 đã tăng cường công khai, minh bạch hơn (đặc biệt là tăng cường sự tham gia của người dân) trong việc lập QHSDĐ.
Bổ sung nhiều nội dung trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện
Khi so sánh quy định về nội dung KHSDĐ cấp huyện tại khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai 2013 với khoản 3 Điều 67 Luật Đất đai năm 2024 có thể thấy: Nhiều nội dung trong KHSDĐ cấp huyện sẽ thay đổi kể từ ngày 01/01/2025. Cụ thể:
Luật Đất đai năm 2024 bổ sung nhiều nội dung trong KHSDĐ cấp huyện, có thể kể đến như sau: Danh mục các công trình, dự án dự kiến thực hiện trong năm; Dự án bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (nếu có); Diện tích đất để đấu giá QSDĐ, các dự án thu hồi đất trong năm, dự án tái định cư, đất sản xuất dự kiến bồi thường cho người có đất thu hồi; Diện tích các loại đất, danh mục các công trình, dự án đã được xác định trong năm kế hoạch trước được tiếp tục thực hiện theo khoản 7 Điều 76 Luật Đất đai năm 2024.
Đồng thời, một số nội dung trong KHSDĐ cấp huyện quy định tại Luật Đất đai 2013 đã không còn xuất hiện trong Luật Đất đai năm 2024 như sau: Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện KHSDĐ năm trước; lập bản đồ KHSDĐ hàng năm của cấp huyện.
Sửa đổi quy định về thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Thời kỳ QH, KHSDĐ tại Luật Đất đai năm 2024 được quy định cụ thể, rõ ràng hơn Luật Đất đai năm 2013 cho từng cấp QH, KHSDĐ. Cụ thể: Thời kỳ QH, KHSDĐ theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2013: Thời kỳ QHSDĐ là 10 năm. Tầm nhìn của QHSDĐ quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm.
Thời kỳ KHSDĐ quốc gia, KHSDĐ cấp tỉnh, KHSDĐ quốc phòng và KHSDĐ an ninh là 05 năm; KHSDĐ cấp huyện được lập hàng năm.
Thời kỳ QH, KHSDĐ theo quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2024: Thời kỳ, tầm nhìn QHSDĐ quốc gia, QHSDĐ quốc phòng và QHSDĐ an ninh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch.
Thời kỳ, tầm nhìn QHSDĐ cấp tỉnh thống nhất với thời kỳ, tầm nhìn của quy hoạch tỉnh. Thời kỳ QHSDĐ cấp huyện là 10 năm. Tầm nhìn QHSDĐ cấp huyện là 20 năm. Thời kỳ KHSDĐ quốc gia, KHSDĐ cấp tỉnh là 05 năm; KHSDĐ hằng năm cấp huyện được lập hằng năm.
Quy định chuyển tiếp về QH, KHSDĐ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực
QH, KHSDĐ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt trước ngày 01/01/2025 thì được tiếp tục thực hiện và được điều chỉnh khi rà soát QH, KHSDĐ theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai 2024.
Đối với địa phương đã được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của pháp luật về quy hoạch trước ngày 01/01/2025 thì được tiếp tục sử dụng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh để thực hiện công tác quản lý đất đai cho đến hết kỳ quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch tỉnh thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.
ThS. HOÀNG VĂN CHIẾN
Học viện Khoa học xã hội
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 24 (Kỳ 2 tháng 12) năm 2024