
Lễ phát động “Chương trình Đổi mới Sáng tạo Nhựa”
26/02/2025TN&MTSáng ngày 26/2/2025, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chính thức phát động “Chương trình Đổi mới Sáng tạo Nhựa”, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng của quan hệ hợp tác khu vực do UNDP triển khai nhằm tìm kiếm các giải pháp sáng tạo giúp hạn chế ô nhiễm nhựa và nâng cao hiệu quả quản lý rác thải nhựa trong nước.
Chương trình có sự tham dự của các đại biểu trong và ngoài nước thuộc nhiều bộ, ngành khác nhau, bao gồm: ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & Doanh nghiệp Khoa học & công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ; bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cùng nhiều đại diện đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
“Đây sẽ là sân chơi phá kén của những ý tưởng sơ khai, giúp thúc đẩy trở thành cơ hội đổi mới cho tương lai.”, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay
Phát biểu khai mạc buổi lễ ông Lê Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Ô nhiễm nhựa là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần thay đổi toàn diện từ sản xuất, thiết kế đến tiêu dùng sản phẩm nhựa. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong quá trình này. Chương trình sẽ giúp phát hiện, ươm tạo và thúc đẩy các sáng kiến tiềm năng nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Tôi hy vọng, chương trình sẽ thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cũng như các tổ chức quan tâm đến lĩnh vực này”.
Theo thông tin từ UNDP, hàng năm, hàng triệu tấn rác thải nhựa được đổ vào đại dương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có tới 31,4 tỷ túi ni-lông được sử dụng, nhưng chỉ 15% trong số đó được tái chế và tái sử dụng.
Các đại biểu “khởi động” buổi lễ phát động “Chương trình Đổi mới Sáng tạo mảng Nhựa”
Để góp phần giải quyết vấn đề này, “Chương trình Đổi mới Sáng tạo Nhựa” tập trung vào việc phát triển các mô hình kinh doanh sáng tạo trong thu gom và tái chế rác thải, cung cấp tư vấn kỹ thuật về các thực tiễn môi trường tốt nhất, đồng thời ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường.
Chương trình tập trung vào sáu lĩnh vực đổi mới, bao gồm: Vật liệu, thiết kế, mô hình kinh doanh, công nghệ, hệ thống quản trị và công cụ tài chính. Các nhóm tham gia sẽ có cơ hội nhận được tài trợ lên tới 30.000 USD cho sáu dự án xuất sắc nhất và 10.000 USD cho sáu dự án tiềm năng. Đối tượng ưu tiên bao gồm thanh niên, phụ nữ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, viện nghiên cứu và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo thể lệ của UNDP Việt Nam, hồ sơ đăng ký tham gia sẽ được tiếp nhận từ ngày 26/02/2025 đến ngày 30/03/2025. Những đề xuất vượt qua vòng sơ loại sẽ được tập huấn để hoàn thiện ý tưởng trước vòng thuyết trình. Các dự án đạt giải sẽ được triển khai thực hiện đến cuối năm 2026, với sự đồng hành của các chuyên gia kỹ thuật và nhà đầu tư.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu trong Lễ phát động chương trình
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam thông tin: “Chương trình sẽ tìm kiếm các giải pháp sáng tạo từ nhiều bên liên quan, giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa bằng cách áp dụng cách tiếp cận toàn diện. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các chính sách hỗ trợ các sáng kiến bền vững.”
Với sự khởi động của chương trình, UNDP Việt Nam và các đối tác sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển các giải pháp bền vững. Bên cạnh đó, các chính sách về kinh tế tuần hoàn và hạn chế nhựa sử dụng một lần cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ Khoa học & Công nghệ - đánh giá cao vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa và cam kết tiếp tục xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ông nhấn mạnh rằng “Chương trình Đổi mới Sáng tạo Nhựa” là một phần của sáng kiến khu vực do UNDP triển khai nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa tại chín quốc gia châu Á. Với sự hợp tác giữa các bên liên quan, chương trình hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa và xây dựng một Việt Nam xanh - sạch - đẹp.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp đa bên, ông Carlos Pagoaga, Chủ tịch Quỹ Coca-Cola, khẳng định: “Chìa khóa để cải thiện hệ thống quản lý rác thải và tăng cường cơ sở hạ tầng tái chế chính là sự hợp tác. Thông qua quan hệ đối tác với UNDP, Quỹ mong muốn thúc đẩy các giải pháp giúp giảm thiểu rác thải bao bì, hỗ trợ các phương pháp thu gom hiệu quả hơn và nâng cao khả năng xử lý rác thải. Cách tiếp cận này không chỉ giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa một cách hiệu quả hơn mà còn góp phần cải thiện lâu dài đời sống của các cộng đồng địa phương và môi trường rộng lớn hơn”. Chương trình này không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn tạo cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phát triển các giải pháp sáng tạo, bền vững.
Thông qua hỗ trợ tài chính, tư vấn kỹ thuật và thúc đẩy chính sách, sáng kiến này hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi thiết thực, giúp giảm thiểu rác thải nhựa, cải thiện sinh kế của người lao động trong ngành tái chế và hướng tới một tương lai xanh hơn cho Việt Nam và khu vực. Đây là thời điểm quan trọng để cộng đồng chung tay hành động, bảo vệ môi trường và xây dựng một hệ sinh thái bền vững cho thế hệ mai sau.
Trịnh Nhật Linh