
Ngành Địa chất và Khoáng sản nỗ lực đạt được nhiều thành tựu trong năm vừa qua
13/03/2025TN&MTNăm 2024, thực hiện chương trình công tác được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao, Ngành Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Ngành) đã tổ chức thực hiện và hoàn thành khối lượng công việc tương đối lớn, bao gồm nhiều nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phát sinh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ và từ yêu cầu thực tiễn. Ngành đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác của Bộ để hoàn thành tiến độ các nhiệm vụ được giao.
Một số kết quả quan trọng
Luật Địa chất và Khoáng sản được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV với kết quả 93,11% đại biểu thống nhất. Luật được quan tâm, góp ý của cử tri và người dân; giải quyết được nhiều vướng mắc về chính sách không còn phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Cục Địa chất Việt Nam và Cục Khoáng sản Việt Nam đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp (VBQPPL) hướng dẫn thi hành Luật để trình Chính phủ và Bộ ban hành trong năm 2025.
Trong lĩnh vực địa chất, trong năm 2024, Cục đã triển khai thực hiện 07 đề án/dự án Chính phủ đúng kế hoạch tiến độ. Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội” đã hoàn thành trình Bộ thẩm định, phê duyệt 26 đề án thành phần thuộc Đề án Tây Bắc và báo cáo tổng kết đề án tổng thể, đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, mục tiêu phát hiện mỏ mới vượt 200%, đã phát hiện và đánh giá tài nguyên (cấp 333) 110 mỏ mới (mục tiêu được giao là 35 mỏ mới). Công tác thi công đảm bảo đúng theo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn tuyệt đối, hệ thống tài liệu được thu thập, thành lập rất lớn và đảm bảo chất lượng, độ tin cậy theo quy định với việc hoàn thành điều tra, lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 trên tổng diện tích 13.081 km2, góp phần cơ bản phủ kín nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc; đánh giá hiện trạng mức độ điều tra, thăm dò, khai thác, trữ lượng tài nguyên còn lại của 1305 mỏ thuộc 26 loại khoáng sản khu vực Tây Bắc phục vụ công tác quản lý của các bộ, ngành và các địa phương vùng Tây Bắc; phát hiện, điều tra, đánh giá tài nguyên cấp 333 cho 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản gồm: Nhóm khoáng sản nhiên liệu, năng lượng; kim loại, khoáng chất công nghiệp và vật liệu xây dựng. Trong số đó có 17 mỏ lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ. Trên cơ sở đó, đã khoanh định 95 mỏ, khu mỏ đề xuất đưa vào thăm dò tiếp theo (gồm 171 diện tích). Trong số đó, có 62 diện tích đã được chuyển giao đưa vào Quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Ngoài ra, kết quả đề án đã phát hiện và điều tra sơ bộ 46 biểu hiện khoáng sản; 30 khu vực có triển vọng để tiếp tục đánh giá tiềm năng tài nguyên. Hoàn thành bộ mẫu vật địa chất, khoáng sản 14 tỉnh vùng Tây Bắc kèm theo bản đồ địa chất - khoáng sản và số mỏ, điểm quặng. Sản phẩm hoàn thành đã được bàn giao cho 14 tỉnh để sử dụng. Trong quá trình thực hiện đề án đã có nhiều phát hiện mới về địa chất, khoáng sản. Trong đó có những phát hiện không những có giá trị lớn về kinh tế mà còn rất có giá trị về khoa học, góp phần làm rõ hơn về cấu trúc địa chất vùng Tây Bắc.
Lĩnh vực khoáng sản cũng đạt được một số kết quả quan trọng. Cục KSVN đã hoàn thành trình Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm toàn quốc năm 2023. Thực hiện kiểm tra việc chấp chấp hành quy định của pháp luật về khoáng sản năm 2024 theo quy định. Các hành vi vi phạm đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Đoàn kiểm tra đã tham mưu trình Lãnh đạo Bộ TN&MT, Cục KSVN ký ban hành các thông báo kết quả kiểm tra để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục tồn tại, vi phạm và văn bản gửi địa phương để phối hợp giải quyết các tồn tại được chỉ ra theo Báo cáo của các đoàn kiểm tra. Tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện chế độ lập, nộp, nội dung của Báo cáo định kỳ, Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân được Bộ cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và lập biên bản vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của pháp luật tại Quyết định số 2909/QĐ-BTNMT ngày 11/9/2024 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc giao thực hiện nhiệm vụ cho công chức. Thành lập tổ rà soát các trường hợp thuộc diện xem xét thu hồi giấy phép theo quy định và xây dựng kế hoạch triển khai. Nhằm thực hiện nghiêm quy định pháp luật về khoáng sản và các chỉ đạo của Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại các địa phương, Cục KSVN đã tham mưu Bộ TN&MT đã ban hành 04 Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, tham mưu Bộ TN&MT ban hành Công văn số 2225/BTNMT-KSVN ngày 09/4/2024 gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc, Các công ty khai thác khoáng sản về việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong khai thác khoáng sản.
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ quan trọng
Trong năm 2025, 2 Cục tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng:
Thứ nhất, triển khai có hiệu quả Đề án sáp nhập tổ chức bộ máy của 02 Cục theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ, biên chế; quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách; kỷ luật; phòng, chống tham nhũng; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức, người lao động; công tác cải cách hành chính theo quy định. Tập trung triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Địa chất và Khoáng sản. Triển khai xây dựng các VBQPLP, các nhiệm vụ, đề án được giao trong năm 2025 đúng tiến độ. Chỉ đạo quyết liệt, triển khai hiệu quả hoàn thành Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam và thăm dò một số diện tích có triển vọng” theo chỉ đạo của Bộ Chính trị; Chính phủ và Bộ giao. Tiếp tục triển khai 07 Đề án khác đang thực hiện.
Thứ hai, Tăng cường công tác thẩm định và trình Bộ TN&MT phê duyệt nội dung, dự toán điều chỉnh nhiệm vụ; kiểm tra, hướng dẫn thi công các đề án tại thực địa đảm bảo có hiệu quả và kết quả tốt. Thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Bộ TNMT thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản.
Thứ ba, Tổ chức tính và trình Bộ TNMT phê duyệt đối với các hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tiếp nhận trong thời gian tới. Rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lập hồ sơ trình Bộ phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác.
Thứ tư, kiểm tra, rà soát trình Bộ thẩm định và phê duyệt kết quả xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư đối với các hồ sơ thuộc đối tượng phải hoàn trả chi phí do nhà nước đã đầu tư. Thu thập hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực khoáng sản, trình Bộ TNMT phê duyệt để triển khai trong năm 2025.
Thứ năm, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động địa chất khoáng sản năm 2025. Tiếp tục tổ chức thực hiện, khắc phục những nội dung theo kết luận, kiến nghị của Đoàn Kiểm tra, Giám sát của Trung ương và các Kết luận thanh tra, kiểm toán. Tăng cường phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan để nắm bắt, trao đổi, cung cấp thông tin về quản lý nhà nước về địa chất khoáng sản để phục vụ cho các đoàn kiểm tra đạt hiệu quả cao. Chủ động tham gia các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trong khu vực và trên thế giới, tìm kiếm các đối tác xây dựng dự án (nguồn vốn ODA, nguồn vốn tài trợ); tiếp tục triển khai thực hiện các MOU đã ký kết, đề xuất nội dung ký kết các MOU.
HƯƠNG TRÀ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 3 năm 2025