
Tác động của biến đổi khí hậu đến lũ quét, sạt lở và một số giải pháp phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại
13/02/2025TN&MTLũ quét và sạt lở đất là hai loại hình thiên tai nguy hiểm, có tính bất ngờ và thường để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cảnh báo sớm thiên tai và khoanh vùng nguy cơ cho các địa phương. Tuy nhiên, dự báo thiên tai, nhất là loại hình thiên tai này vẫn là một bài toán khó chinh phục.
Tác động của biến đổi khí hậu đến lũ quét, sạt lở
Nguyên nhân gây ra sạt lở đất, lũ quét thường là do mưa lớn kết hợp với quá trình phong hóa không ổn định của đất đá, độ dốc lớn của sông, suối, địa hình chia cắt và sự tác động của con người như: Cắt, xẻ, xây dựng các hồ chứa nước, khai thác thảm phủ và làm mất độ kết dính của đất đá. Trong quá trình mưa lớn, đất đá, thân cây có thể bị cuốn vào chỗ hẹp, tắc nghẽn để tạo ra các đập chứa nhân tạo. Khi có mưa lớn, các đập này bị vỡ, cuốn theo lượng lũ lớn kéo dài kèm theo lượng đất, bùn đá lớn và những trận lũ quét nghẽn dòng. Trên thực tế, điều kiện của Việt Nam khác biệt so với các nước trên thế giới; Việt Nam là khu vực khó dự báo do đối lưu phức tạp; trình độ khoa học công nghệ mới đang ở tầm khu vực Đông Nam Á; và tài chính đầu tư cho công tác dự báo không đủ mạnh.
Lũ quét xảy ra là tổ hợp của các yếu tố: Mưa đặc biệt lớn (≥ 220 mm), tập trung trong thời gian ngắn, độ dốc lớn (>25o), kết cấu đất yếu, địa hình lượn sóng, lớp phủ thực vật thưa thớt. Lũ quét xảy ra ở hầu hết các vùng trên cả nước tuy nhiên Tây Bắc và Đông Bắc là hai khu vực có số lần xuất hiện lũ quét nhiều nhất. Tình trạng sạt lở xảy ra ở toàn bộ 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là ở An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang. Theo thống kê, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 562 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở, với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 149 km. Tình hình sạt lở không những diễn ra vào mùa mưa, mà còn xuất hiện cả mùa khô và diễn ra ở các tuyến sông chính, cho đến các hệ thống kênh, rạch với mức độ ngày càng nhiều và nguy hiểm.
Trong năm 2024, do ảnh hưởng của các cơn bão, hoàn lưu bão, đợt mưa lớn kéo dài và mưa lớn cục bộ, đã gây ra một chuỗi thiên tai đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lũ quét và sạt lở đất. Cụ thể, đến nay đã xảy ra 39 đợt lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng trên phạm vi 32 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là ở khu vực vùng núi các tỉnh Bắc Bộ (thiệt hại nặng nề nhất các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Cao Bằng). Tại khu vực Bắc Bộ, lũ quét và sạt lở đất tập trung chính từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 10; khu vực Bắc Trung Bộ tập trung từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10 (riêng tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 02 điểm sạt lở đất ngay từ cuối tháng 01, 02); khu vực các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận và Bình Phước từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 11; khu vực Tây Nguyên từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 11.
Báo cáo mới đây của Bộ TN&MT cho thấy, tác động của BĐKH đến lũ quét, sạt lở được đánh giá thông qua tác động đến yếu tố mưa đặc biệt lớn, tác động tới nhiều vùng. Vùng Tây Bắc: Khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở chủ yếu tập trung ở khu vực phía tây bắc của huyện Mường Tè, thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu, các huyện Mường La, Phù Yên, Vân Hồ của tỉnh Sơn La, các huyện Sa Pa, Than Uyên của tỉnh Lào Cai, thành phố Yên Bái và các huyện Lục Yên, Mù Căng Chải của tỉnh Yên Bái và hầu hết tỉnh Hòa Bình. Đây chính là các khu vực đã từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở ở các khu vực đều tăng lên với phạm vi mở rộng đáng kể, bao gồm toàn bộ huyện Mường Tè, thị xã Mường Lay, tỉnh Lai Châu, các huyện Than Uyên, Sa Pa, tỉnh Lào Cai, gần như toàn bộ tỉnh Yên Bái, các huyện Mường La, Phù Yên, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Mộc Châu, tỉnh Sơn La và toàn bộ tỉnh Hòa Bình. Phạm vi mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5, phạm vi mở rộng nhiều nhất trong thời kỳ 2080-2099 của cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Có thể thấy, trong tương lai dưới tác động của BĐKH, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở trên vùng khí hậu Tây Bắc dự báo sẽ mở rộng thêm.
Vùng Đông Bắc: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở chủ yếu tập trung nhiều nhất ở huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang, thành phố Thái Nguyên, phần lớn tỉnh Quảng Ninh (trừ TX. Đông Triều, TX. Quảng Yên và TP. Uông Bí). Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở ở các khu vực đều tăng lên. Tuy nhiên, khu vực có nhiều ngày mưa có khả năng sinh lũ quét, sạt lở chỉ mở rộng phần lớn trong tỉnh Hà Giang; một phần các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, tỉnh Tuyên Quang giáp với tỉnh Hà Giang, một phần các huyện Đại Từ, Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên giáp với tỉnh Vĩnh Phúc, một phần huyện Đình Lập của tỉnh Lạng Sơn giáp với tỉnh Quảng Ninh và gần như toàn bộ tỉnh Quảng Ninh. Phạm vi khu vực có nhiều có khả năng gây lũ quét, sạt lở mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5 tương tự như đối với vùng Tây Bắc. Có thể thấy, BĐKH có khả năng gia tăng phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở cho khu vực thuộc vùng Đông Bắc.
Vùng Đồng bằng Bắc Bộ: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở chủ yếu tập trung ở huyện Tam Đảo của tỉnh Vĩnh Phúc, một số khu vực khác có khả năng sạt lở như thành phố Nam Định và huyện Văn Lý tỉnh Nam Định, huyện Phú Liễn thành phố Hải Phòng, thành phố Ninh Bình và huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra sạt lở ở các khu vực đều tăng lên với phạm vi mở rộng hơn ở huyện Ba Vì thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Nam, Thái Bình. Phạm vi khu vực có nhiều có khả năng gây sạt lở mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Có thể thấy, BĐKH có khả năng gia tăng phạm vi xuất hiện sạt lở cho khu vực thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng ít hơn so với các vùng khác.
Vùng Bắc Trung Bộ: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở chủ yếu tập trung ở các huyện: Như Xuân, Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hóa, các huyện Đô Lương, Tây Hiếu, Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An, và phần lớn các khu vực của các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở ở các khu vực đều tăng lên với phạm vi mở rộng đáng kể, bao gồm các huyện Yên Định, Bái Thượng tỉnh Thanh Hóa, các huyện Quỳ Châu và Con Cuông tỉnh Nghệ An, các khu vực khác của tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Phạm vi mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5, phạm vi mở rộng nhiều nhất trong thời kỳ 2080-2099 của cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Có thể thấy, trong tương lai dưới tác động của BĐKH, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở trên vùng khí hậu Bắc Trung Bộ sẽ mở rộng thêm, đặc biệt là sạt lở.
Vùng Nam Trung Bộ: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở (chủ yếu là sạt lở) chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số khu vực của tỉnh Bình Định, Phú Yên. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra sạt lở mở rộng phạm vi đối với các khu vực khác của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và một số khu vực của tỉnh Khánh Hòa. Phạm vi mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5, phạm vi mở rộng nhiều nhất trong thời kỳ 2080-2099 của cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Có thể thấy, trong tương lai dưới tác động của BĐKH, phạm vi xuất hiện sạt lở trên vùng khí hậu Nam Trung Bộ sẽ mở rộng thêm. Vùng Tây Nguyên: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở chủ yếu tập trung ở các huyện M’Drắk của tỉnh Đắk Lắk. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở (chủ yếu là sạt lở) mở rộng phạm vi bao gồm các huyện An Khê tỉnh Gia Lai, huyện Đắk Nông tỉnh Đắk Nông và huyện Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Phạm vi mở rộng tăng dần qua các thời kỳ trong tương lai của các kịch bản RCP4.5 và RCP8.5, phạm vi mở rộng nhiều nhất trong thời kỳ 2080-2099 của cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP8.5. Vùng Nam Bộ: Trong thời kỳ cơ sở, khu vực có nhiều ngày mưa đặc biệt lớn có khả năng gây lũ quét, sạt lở (chủ yếu là sạt lở) chủ yếu tập trung ở các huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước và huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Dưới tác động của BĐKH, số ngày có khả năng xảy ra sạt lở mở rộng phạm vi bao gồm các huyện Mộc Hóa tỉnh Long An và TP. Rạch Giá tỉnh Kiên Giang. Tác động của BĐKH đến sạt lở do mưa lớn đối với các tỉnh thuộc vùng Nam Bộ là nhiều, chủ yếu là sạt lở bờ sông và xói lở bờ biển.
Một số giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại thiên tai lũ quét và sạt lở
Hiện nay, chúng ta đang sử dụng bộ bản đồ với tỉ lệ 1:50.000 để cung cấp thông tin về nội dung quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, di dời dân cư. Bên cạnh đó, bản đồ chỉ cho biết chúng ta nằm trong vùng có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất hay không. Việc xảy ra lũ quét, sạt lở đất sẽ phụ thuộc vào lượng mưa. Để cảnh báo, phải có các thông tin quan trắc, mưa tại chỗ, số liệu ra đa kết quả dự báo mưa trong thời gian 3 tiếng, 6 tiếng, 24 tiếng từ các mô hình cảnh báo, kết hợp với việc xác định vị trí xảy ra lũ quét, sạt lở đất mới có thể đưa ra thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét và sạt lở đất. Việt Nam hiện có 3.000 trạm quan trắc đo lượng mưa, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng. Bộ TN&MT cũng đã ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia và nhiều địa phương cũng có các kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng. Dự kiến từ nay đến năm 2030, các trạm đo lượng mưa có thể tăng lên đến 30%, phát huy hiệu quả hơn trong công tác dự báo, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất.
Hiện nay, quan trắc mưa đã cơ bản tự động hóa và chúng ta có thể theo dõi thông qua nhiều ứng dụng khác nhau. Điều quan trọng là hầu hết các dữ liệu quan trắc hiện nay đã được tích hợp vào hệ thống thông tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Quan trọng hơn nữa là thông tin dự báo 3-6 giờ trời mưa như thế nào cũng được tích hợp trong hệ thống nên người dân cần đặc biệt quan tâm đến thông tin cảnh báo từ hệ thống này. Thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Đối với một số vùng mật độ quan trắc, giám sát chưa đủ dày, hạn chế thông tin quan trắc cũng có thể được bù đắp dữ liệu bằng các phương pháp có tính khoa học như sử dụng dữ liệu ra đa, vệ tinh nên chúng ta có thể khắc phục bằng việc gửi tin nhắn của chính quyền địa phương và người dân cần chủ động tiếp nhận thông tin để phòng ngừa.
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các thiết bị cảnh báo phù hợp với đặc điểm của từng khu vực; xây dựng và ứng dụng thí điểm cho một số khu vực trọng điểm, xây dựng các quy trình áp dụng, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong lựa chọn, lắp đặt, vận hành hệ thống cảnh báo sớm bằng thiết bị quan trắc, giám sát tự động. Cảnh báo sớm bằng cách xây dựng các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong công tác quy hoạch; các bản đồ cảnh báo/thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất theo thời gian chỉ ra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h) giúp người dân chủ động phòng tránh. Phương pháp này hiện nay đang được sử dụng phổ biến ở các nước tiên tiến trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, các bản đồ này hầu hết mới được xây dựng ở tỷ lệ nhỏ (1/50.000) cho các địa phương; chỉ có một số ít các khu vực nhỏ đã được xây dựng bản đồ tỷ lệ lớn (1/10.000). Bộ TN&MT đã và đang triển khai đồng bộ một số giải pháp khác nhau nhằm tăng cường mức độ chi tiết các bản tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cụ thể như sau: Ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại xác định ngưỡng mưa chi tiết; tăng cường độ phân giải dự báo mưa định lượng lên 01-03 km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, ra đa, mô hình số nhằm xác định khu vực xuất hiện các tâm mưa lớn phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; cung cấp bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên cơ sở kết hợp các lớp thông tin về ngưỡng mưa, độ ẩm đất và dân sinh, kinh tế,…cung cấp trực tuyến tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ và cung cấp cho các bộ, ngành có liên quan và các địa phương để chủ động phòng, chống.
TRỌNG HIẾU
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 1+2 năm 2025