
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
05/03/2025TN&MTThời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác khoáng sản. Việc triển khai các văn bản này đã giúp giải quyết những vướng mắc, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương chưa hiệu quả, việc khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra và chưa ngăn chặn, chấm dứt triệt để; dẫn đến khả năng có nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước. Do vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đối với việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan; công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.
Kiểm tra hoạt động khai thác cát trên sông Đăk Bla, TP Kon Tum
Thực trạng quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Theo các tài liệu địa chất khoáng sản hiện có, Kon Tum có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng về chủng loại, từ khoáng sản nguyên liệu (gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ,...) đến khoáng sản quý hiếm (vàng, bạc,...), một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện kim (wolfram, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm...), công nghiệp điện hạt nhân (uran, thori, đất hiếm,...).
Để khai thác hiệu quả cũng như bảo vệ tốt nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng lập và phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực quản lý khoáng sản. Trong đó có Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về việc ban hành Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Quyết định 1023/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 phê duyệt Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục khu vực cấm hoạt động khoáng sản, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 1.111 vị trí, khu vực, tuyến cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 297.421,31 ha) và 732 vị trí tạm thời cấm hoạt động khoáng sản (tổng diện tích 335,96ha). Đặc biệt, từ năm 2014, tỉnh đã triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Luật Khoáng sản. Theo số liệu từ Sở TN&MT, hiện nay trên toàn tỉnh có 75 mỏ khoáng sản (đá, cát, đất san lấp, đất sét làm gạch) được cấp phép còn trong thời hạn khai thác theo thẩm quyền của UBND tỉnh cấp. Sau 10 năm triển khai, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tạo dựng một “sân chơi” sòng phẳng, minh bạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bên cạnh đó, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, cuộc chiến bảo vệ tài nguyên khoáng sản đã và được triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, có sự thống nhất từ tỉnh xuống xã; sự phối hợp giữa ngành chức năng với chính quyền; giữa các ngành có liên quan. Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thẩm định và phê duyệt trữ lượng khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; hồ sơ đã thanh tra, kiểm tra, theo dõi việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, việc xử lý vi phạm và khắc phục tồn tại, vi phạm. Tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực lòng hồ, khu vực biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn các hành vi thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện đúng quy định việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera tại khu chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế, việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa bao giờ là dễ dàng. Về mặt khách quan, khu vực có thể khai thác khoáng sản trái phép thường nằm ở những vùng rừng núi, sông suối, nơi ranh giới của 2 địa phương, giao thông phức tạp. Vì vậy, rất khó bị phát hiện, và khi phát hiện thì không dễ để tiến hành truy quét.
Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra, chủ yếu tại các sông suối nhỏ, tại các vùng giáp ranh địa giới hành chính, tại các bãi bồi ven sông suối có trữ lượng cát, sỏi lớn dễ khai thác và vận chuyển; khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Về chủ quan, từ thực tế cho thấy, công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã có lúc, có nơi còn buông lỏng, không kịp thời phát hiện, hoặc phát hiện nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh. Khâu phối hợp giữa các cấp, các ngành trong kiểm tra, xử lý chưa thực hiện tốt, còn tình trạng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Một số đơn vị chức năng, chủ lòng hồ thủy điện, thủy lợi chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác; còn để xảy ra tình trạng lợi dụng hoạt động nạo vét để khai thác trái phép.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 3450/UBND-NNTN về việc tăng cường công tác QLNN trong lĩnh vực khoáng sản. Theo đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực vùng sâu, xa, biên giới,... nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, tạo sự chuyển biến trong quần chúng nhân dân ý thức tự giác chấp hành pháp luật, tích cực tố giác các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh trái phép khoáng sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đối với việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan. Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, qua đó nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, nhất là đối với hành vi khai thác khoáng sản không đúng thiết kế được duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, khai thác vượt công suất, thực hiện không đúng nội dung giấy phép khai thác khoáng sản, hạn chế tối đa việc hoạt động khai thác khoáng sản làm mất an toàn, tác động lớn đến môi trường xung quanh, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và gây thất thoát cho ngân sách.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực lòng hồ, khu vực biên giới, cửa khẩu, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn các hành vi thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản; Công tác quản lý việc xác định sản lượng khoáng sản thực tế khai thác đối với các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép, yêu cầu thực hiện đúng quy định việc lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các khu chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan; Công tác kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ đối với hoạt động vận chuyển, lưu thông khoáng sản. Đặc biệt, đối với các phương tiện vận chuyển khoáng sản từ địa bàn tỉnh Kon Tum đi các tỉnh giáp ranh.
Rà soát các trường hợp khai thác khoáng sản trong khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình đảm bảo đúng quy định và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, kịp thời xử lý các thiếu sót, sai phạm (nếu có).
Thường xuyên rà soát, xem xét giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thuê đất hoạt động khoáng sản; các trường hợp chậm triển khai xây dựng cơ bản mỏ,... nhằm đưa các dự án khai thác khoáng sản vào thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật về đất đai, khoáng sản, đầu tư và pháp luật khác có liên quan; xử lý các tồn tại, vi phạm theo quy định.
THANH TÚ
Nguồn: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 24 (Kỳ 2 tháng 12) năm 2024