
TS. Đỗ Ngọc Chung: “Tôi muốn biến nghiên cứu khoa học thành sản phẩm phục vụ đời sống”
01/07/2025TN&MTVới niềm đam mê nghiên cứu bền bỉ và khát vọng đưa khoa học công nghệ vào từng bữa ăn gia đình Việt, từ năm 2014, TS. Đỗ Ngọc Chung đã nghiên cứu và cho ra đời thiết bị làm rau giá sạch GV-102 - một sản phẩm nhỏ gọn nhưng đã chinh phục gần một triệu hộ gia đình. Hành trình hơn một thập kỷ kiên trì sáng chế, cải tiến và lan tỏa thói quen ăn sạch, sống xanh của anh là minh chứng cho sức sống của khoa học ứng dụng “made in Vietnam”.
TS. Đỗ Ngọc Chung - người ‘sạch hóa’ giá đỗ Việt.
Phóng viên (PV): Thưa TS. Đỗ Ngọc Chung, cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghiên cứu và cho ra đời thiết bị làm rau giá sạch GV-102?
TS. Đỗ Ngọc Chung: Tôi vốn xuất thân là giảng viên, nhà nghiên cứu và lớn lên từ một nơi chuyên làm giá đỗ. Năm 2013, khi tôi nhận thấy phương pháp mà mọi người làm giá đỗ, tôi nhận ra nhiều bất tiện: đầu tiên là về khoa học, công cụ thì chưa đảm bảo, mà vẫn làm theo truyền thống, điều thứ 2 là đa phần cơ sở sản xuất công nghiệp đều sử dụng hóa chất và thuốc kích thích tăng trường. Làm rau giá rất dễ, nhưng lại vô cùng dễ bị hỏng. Chỉ cần không khí và nước bị nhiễm khuẩn thì rau giá sẽ bị hỏng ngay. Tôi tự hỏi: tại sao không làm ra một thiết bị đơn giản, rẻ tiền nhưng khoa học, hiệu quả mà ai cũng có thể dùng, cho ra giá đỗ sạch, an toàn? Từ đó, tôi bắt tay nghiên cứu, thử nghiệm, rồi hoàn thiện sản phẩm GV-102.
Ký kết hợp tác - bước đi khẳng định cam kết vì giá đỗ sạch cho người Việt
PV: Trong suốt quá trình từ ý tưởng đến gần một triệu thiết bị tiêu thụ, ông gặp khó khăn gì lớn nhất?
TS. Đỗ Ngọc Chung: Khó khăn lớn nhất không chỉ nằm ở công nghệ hay vốn liếng, mà chính là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Khi tôi mới giới thiệu thiết bị làm rau giá sạch, nhiều người còn nghi ngờ: “Liệu một chiếc hộp nhựa nhỏ có thực sự cho ra giá đỗ sạch, ngon, an toàn hay không?” Sản phẩm thì mới, nhưng thói quen tiêu dùng đã hình thành hàng chục năm rất khó thay đổi trong một sớm một chiều. Đặc biệt thành phẩm làm ra thì thường gầy hơn và có rễ dài hơn so với giá có hóa chất, nhưng vốn lại quen được sử dụng lâu năm rồi.
Ngoài ra, vì đây là thiết bị nhỏ, giá thành rẻ, tôi phải tự xoay xở để sản xuất, tiếp thị, phân phối sao cho tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng. Có giai đoạn tôi mang mẫu thiết bị đi khắp các hội chợ, phiên chợ quê, tự mình đứng hướng dẫn bà con cách làm giá đỗ. Tôi cũng phải trực tiếp giải thích, minh chứng bằng sản phẩm thật để người tiêu dùng yên tâm.
Một trở ngại nữa là làm sao để duy trì động lực. Đã có lúc tôi cũng nản, vì tiêu thụ chậm, lợi nhuận thấp, lại còn bị làm nhái. Nhưng điều giữ tôi lại là niềm tin vào giá trị sản phẩm rằng nó thực sự mang đến điều tốt cho sức khỏe gia đình Việt. May mắn là khi những khách hàng đầu tiên trải nghiệm và thấy hiệu quả, họ tự lan tỏa bằng chính lời giới thiệu chân thành. Đó chính là “sợi dây” quan trọng nhất giúp tôi vượt qua mọi khó khăn ban đầu.
Biểu trưng ‘Sứ mệnh – Sạch hóa giá đỗ Việt’: Khát vọng nâng tầm nông sản sạch, vì sức khỏe cộng đồng.
PV: Là người đam mê sáng chế, ông quan niệm thế nào về con đường thương mại hóa các nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?
TS. Đỗ Ngọc Chung: Theo tôi, nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được ứng dụng vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề cụ thể mà xã hội đang cần. Ở Việt Nam, chúng ta có rất nhiều công trình nghiên cứu hay, nhiều nhà khoa học giỏi, nhưng việc thương mại hóa sản phẩm lại chưa được quan tâm đúng mức hoặc còn nhiều rào cản.
Một rào cản lớn là sự kết nối giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế. Nhiều người làm nghiên cứu rất giỏi chuyên môn nhưng không có điều kiện hoặc không quen với việc làm thương hiệu, tiếp thị, kêu gọi đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu niềm tin vào các sản phẩm “made in Vietnam” hoặc e ngại rủi ro khi đầu tư vào các ý tưởng còn mới. Vì vậy, nếu chúng ta không có cơ chế hỗ trợ tốt, thì những công trình nghiên cứu dễ bị “nằm ngăn kéo”.
Bản thân tôi luôn quan niệm rằng, mỗi sáng chế phải tính đến yếu tố khả thi: chi phí sản xuất ra sao, giá thành đến tay người tiêu dùng có phù hợp không, quy trình sử dụng có đơn giản, tiện lợi không. Người Việt có quyền được hưởng những sản phẩm công nghệ phù hợp với thu nhập, thói quen của mình. Và để làm được điều đó, nhà khoa học phải sẵn sàng bước ra khỏi phòng thí nghiệm, bắt tay với doanh nghiệp, thậm chí tự học cách làm kinh doanh.
Tôi tin rằng, nếu mỗi công trình nghiên cứu đều gắn chặt với nhu cầu thực tế, thì con đường thương mại hóa sẽ rộng mở hơn. Khi người tiêu dùng tin dùng, sản phẩm bán được, thì nghiên cứu sẽ tự có “đất sống” để tiếp tục phát triển. Đó chính là động lực quan trọng để khoa học công nghệ Việt Nam đi ra thị trường, không chỉ phục vụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Trực tiếp giới thiệu quy trình sản xuất - TS. Đỗ Ngọc Chung cùng cộng sự biến ý tưởng khoa học thành sản phẩm hữu ích.
PV: Sau thành công của GV-102, ông đang ấp ủ hướng đi nào tiếp theo?
TS. Đỗ Ngọc Chung: GV-102 mới chỉ là bước khởi đầu trong hành trình tôi muốn đồng hành cùng người tiêu dùng Việt hướng tới lối sống an toàn, tiết kiệm và bền vững. Sau khi sản phẩm này được đón nhận, tôi càng có thêm động lực để nghiên cứu những thiết bị đơn giản, giá thành rẻ, phù hợp với thói quen sinh hoạt của các gia đình, đặc biệt là ở đô thị.
Hiện tôi đã phát triển thêm các phiên bản cải tiến của thiết bị làm rau giá, để người dùng có thể làm được nhiều loại rau mầm khác nhau, vừa đa dạng dinh dưỡng, vừa dễ chăm sóc. Tuy nhiên, sau thời gian phát triển, tiếp cận với khách hàng thì tôi nhận thấy nhu cầu của khách hàng đều cần có những sản phẩm sạch, chất lượng, nhưng thời gian để tự làm còn hạn chế, có nhiều cản trở khiến họ chỉ làm được lúc đầu, sau rồi cũng làm ít hơn, kém hơn. Thêm nữa, sau khoảng 20 năm chúng ta phải tiếp xúc với rất nhiều thực phẩm bẩn, có nhiễm hóa chất,… và hậu quả là rất nhiều người đã mắc bệnh, đặc biệt là bệnh về tiêu hóa,…
Chính vì vậy tôi đã nghiên cứu và mở rộng quy mô phát triển với mục tiêu đưa các sản phẩm có giá trị, sạch tới tay người tiêu dùng. Về giá đỗ, hiện tôi đã làm được các nhà máy sản xuất sạch, đạt chuẩn ISO tại Hà Nội, Bắc Ninh và Bình Dương. Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở các nhà máy ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Hơn thế, tôi nhận thấy giá đỗ nói riêng và rau mầm nói chung là loại thực phẩm rất tốt cho con người, có nhiều giá trị dinh dưỡng hơn rau trưởng thành, nên tôi đã nâng tầm, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm phát sinh từ giá đỗ với giá trị dinh dưỡng, công dụng tốt cho con người. Hiện nay, các nhà máy giá đỗ sạch đều sản xuất thêm 3 sản phẩm khác như: Kim chi giá, Trà vỏ đỗ xanh và Nước uống lên men Doza Kombucha rất tốt cho sức khỏe.
Hiện nay, tôi đã tạo được hệ sinh thái khép kín cho các sản phẩm sạch từ giá đỗ. Mục tiêu của tôi không chỉ là bán một chiếc hộp làm giá, một gói giá đỗ mà là trao cho người dùng một giải pháp sống khỏe, sống sạch, bền vững và tiết kiệm.
Tất nhiên, con đường phía trước còn rất nhiều thử thách từ cải tiến công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ đến mở rộng kênh phân phối. Nhưng tôi tin nếu sản phẩm thực sự hữu ích, giải quyết được đúng vấn đề của người dân, thì dù nhỏ bé đến mấy, nó cũng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng.
PV: Vậy ông có điều gì muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ đam mê nghiên cứu, khởi nghiệp từ khoa học?
TS. Đỗ Ngọc Chung: Tôi luôn tin rằng, các bạn trẻ Việt Nam không hề thiếu đam mê, không thiếu ý tưởng hay, chỉ đôi khi chúng ta còn thiếu niềm tin vào con đường mình đi và thiếu kiên nhẫn để theo đuổi nó đến cùng. Tôi mong các bạn trẻ hãy mạnh dạn giữ cho mình một ước mơ dù ban đầu nó rất nhỏ, rất đời thường - vì mọi sáng chế lớn đều bắt đầu từ nhu cầu giản dị quanh ta.
Điều quan trọng là phải học cách biến ý tưởng thành sản phẩm thật. Nghiên cứu khoa học sẽ không còn nằm trên giấy nếu ta chủ động tìm cách thử nghiệm, đưa ra thị trường, lắng nghe phản hồi rồi cải tiến. Đừng sợ thất bại, vì chính những thất bại đầu tiên sẽ cho ta bài học quý giá mà không trường lớp nào dạy được.
Tôi cũng muốn nhắn gửi rằng, các bạn đừng ngại chia sẻ ý tưởng của mình. Một sáng chế hay không thể thành công nếu chỉ làm một mình. Hãy tìm đồng đội, tìm cố vấn, tìm doanh nghiệp đồng hành, mạnh dạn gõ cửa các quỹ hỗ trợ, các vườn ươm khởi nghiệp. Sự kết nối và hợp tác sẽ giúp các bạn rút ngắn rất nhiều thời gian đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường.
Và cuối cùng, tôi hy vọng các bạn trẻ làm khoa học hãy đặt câu hỏi lớn hơn là “mình có thể bán được gì?”, mà hãy bắt đầu từ “sản phẩm này có giúp ích gì cho xã hội, cộng đồng?”. Khi chúng ta thực sự làm ra thứ có ích, sớm muộn thị trường cũng sẽ đón nhận. Thành công không đến sau một đêm nhưng nếu đủ bền bỉ và tử tế với sản phẩm của mình, tôi tin các bạn sẽ gặt được quả ngọt.
TS. Đỗ Ngọc Chung vinh dự nhận Bằng khen vì những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu khoa học.
Hành trình “chắp cánh” cho rau giá đỗ sạch của TS. Đỗ Ngọc Chung là minh chứng cho tinh thần đổi mới sáng tạo gắn liền với đời sống. Hy vọng những thiết bị nhỏ bé nhưng hữu ích này sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ dám mơ và dám biến nghiên cứu thành hiện thực.
Hồng Minh (thực hiện)