
Bài cuối: Từ nền móng vững chắc đến kỳ vọng phát triển lâm nghiệp hiện đại, bền vững
09/07/2025TN&MTKhông dừng lại ở thành công với hơn 15.000 ha rừng có chứng chỉ, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đang từng bước hiện thực hóa chiến lược phát triển lâm nghiệp hiện đại, xanh và hội nhập. Với tầm nhìn dài hạn, sự chủ động trong chỉ đạo, tổ chức và đồng hành cùng người dân, đơn vị này đang khẳng định vai trò hạt nhân của vùng lâm nghiệp trọng điểm Đông Bắc.
Trong hành trình hiện thực hóa Nghị quyết số 30-NQ/TU của Tỉnh ủy Lạng Sơn về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021–2030, Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập đã và đang khẳng định vai trò tiên phong trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, đơn vị này còn ghi dấu ấn đậm nét khi là địa phương đầu tiên của tỉnh cấp được 4 loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho hơn 15.000 ha rừng – một con số ấn tượng phản ánh nỗ lực vượt bậc, cách làm chủ động, sáng tạo, quyết liệt.
Tuyến bài “Hạt Kiểm lâm Đình Lập: Điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Lạng Sơn” gồm 3 kỳ sẽ từng bước phản ánh toàn diện bức tranh về một tập thể đoàn kết, một mô hình tiên phong trong chuyển đổi tư duy nghề rừng, mở ra kỳ vọng lớn về phát triển lâm nghiệp gắn với kinh tế xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở vùng biên địa đầu tổ quốc.
Tiếp nối giá trị – Xây dựng ngành kinh tế rừng xanh
Với diện tích tự nhiên gần 119.000 ha, trong đó có hơn 90.700 ha đất có rừng, khu vực rừng do Hạt quản lý có tỷ lệ che phủ cao nhất tỉnh Lạng Sơn. Nghề rừng đã, đang và sẽ tiếp tục là trụ cột sinh kế cho hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Màu xanh từ những cánh rừng Đình Lập
Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập, chia sẻ: “Giữ rừng không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn để phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững. Từ nay đến 2030, chúng tôi xác định rõ phải phát triển lâm nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, có chứng chỉ, có thương hiệu, có thị trường và có trách nhiệm”.
Với nền tảng đã xây dựng, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đặt mục tiêu duy trì hiệu quả hơn 15.000 ha rừng đã cấp chứng chỉ, đồng thời tiếp tục mở rộng ít nhất 5.000 ha vùng đủ điều kiện đạt chuẩn trong giai đoạn 2026–2030.
Duy trì chứng chỉ – Không chỉ giữ vững mà phải làm sâu
Một trong những thách thức lớn sau khi cấp chứng chỉ là duy trì đánh giá hàng năm, đảm bảo không bị tổ chức quốc tế thu hồi hoặc cảnh báo vi phạm.
Để giải bài toán này, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đã: Cử cán bộ kiểm lâm trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ đánh giá nội bộ định kỳ 6 tháng/lần; Phối hợp với doanh nghiệp tổ chức giám sát thực địa, sửa lỗi kỹ thuật theo từng nhóm hộ; Tổ chức tập huấn làm mới kiến thức cho hơn 1.000 hộ dân trong vùng rừng có chứng chỉ và lập tổ kiểm tra chéo giữa các nhóm hộ với nhau để tăng tính minh bạch.
Ông Phạm Công Phong (người đứng phát biểu), Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đình Lập
“Chúng tôi coi chứng chỉ rừng là một cam kết đạo đức. Khi đã có chứng chỉ, thì phải sống cùng nó – từ cách trồng cây đến cách vận chuyển gỗ, cách đối xử với rừng. Đó là trách nhiệm dài hạn, không phải phong trào”, ông Phong khẳng định.
Mở rộng vùng rừng đạt chuẩn – Phát triển tín chỉ carbon
Song song với duy trì, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đang khởi động giai đoạn mở rộng diện tích có chứng chỉ rừng ra các xã còn lại, đặc biệt tập trung vào Quang Trung, Lâm Ca, Thái Bình, thị trấn Đình Lập (cũ) với tổng diện tích tiềm năng lên đến hơn 10.000 ha.
Đáng chú ý, từ năm 2025, Hạt đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) và tổ chức quốc tế khởi động Chương trình thí điểm tín chỉ carbon lâm nghiệp tại các xã Châu Sơn và Bắc Lãng (cũ), với tổng diện tích ban đầu 2.000 ha. Đây là chương trình cấp tiến, giúp người dân được trả tiền dựa trên lượng carbon hấp thụ mà rừng tự nhiên hoặc rừng trồng hấp thu được – một xu hướng đang được thế giới quan tâm và đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Hưng (người đứng phát biểu), Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn đánh giá: “Đình Lập là đơn vị đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm tín chỉ carbon bài bản và nghiêm túc. Nếu thành công, đây sẽ là mô hình nhân rộng cho toàn tỉnh và vùng Đông Bắc”.
Gắn phát triển rừng với công nghiệp chế biến và chuỗi giá trị
Phát triển lâm nghiệp hiện đại không thể chỉ dừng ở trồng rừng. Với tầm nhìn chiến lược, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đang xúc tiến cùng chính quyền địa phương và các doanh nghiệp trong tỉnh: Xây dựng nhà máy chế biến gỗ có chứng chỉ tại địa phương; Hình thành chuỗi liên kết giữa chủ rừng – doanh nghiệp – thương mại; Xúc tiến thương mại, kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định (cũ), …
Người dân Đình Lập chăm sóc vườn Keo
“Hiện nay, gỗ có chứng chỉ đang được thị trường quốc tế trả giá rất tốt, nhưng nếu mình không có nhà máy chế biến, thì vẫn phải bán gỗ nguyên liệu giá rẻ. Muốn người dân có thu nhập cao, phải tổ chức lại cả chuỗi sản xuất, từ rừng đến sản phẩm cuối cùng”, ông Phong phân tích.
Hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào chế biến gỗ sạch tại khu vực Đình Lập, trong đó có Tập đoàn Hào Hưng, Công ty Dương Linh, Công ty Đình Lập FSC,…
Phát triển nguồn nhân lực – Hiện đại hóa công nghệ giám sát
Chia sẻ với phóng viên, Hạt Kiểm lâm Đình Lập cho biết, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định. Do đó, Hạt đang chú trọng: Đào tạo nâng cao trình độ kiểm lâm địa bàn về QLRBV, chứng chỉ, carbon; Số hóa toàn bộ dữ liệu rừng trên địa bàn, xây dựng cơ sở dữ liệu GIS đồng bộ; Trang bị thêm 3 Flycam, 2 bộ máy đo khí hậu rừng, gắn cảm biến nhiệt tại các khu rừng trọng điểm.
Mỗi cán bộ kiểm lâm hiện nay đều có thể sử dụng thành thạo phần mềm FRMS, QGIS, EarthPro, và trực tiếp hướng dẫn người dân trong các đợt kiểm tra, đánh giá chứng chỉ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Đình Lập sử dụng Flycam để quản lý, giám sát rừng
“Chúng tôi không làm kiểu ‘chỉ tay 5 ngón’. Cán bộ phải xuống rừng, phải hiểu quy trình đánh giá FSC ra sao, hộ dân cần gì, và phải biết ‘nói chuyện kỹ thuật’ bằng ngôn ngữ bình dân”, ông Phong nhấn mạnh.
Mô hình kiểu mẫu cho phát triển lâm nghiệp vùng biên
Trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn lúng túng với triển khai chứng chỉ rừng, thì Hạt Kiểm lâm Đình Lập đã đi trước một bước và đang từng bước khẳng định mình là mô hình kiểu mẫu về phát triển lâm nghiệp bền vững vùng biên.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Hữu Hưng khẳng định: “Không có đơn vị nào ở cấp huyện trước đây làm được như Hạt Kiểm lâm Đình Lập: vừa chủ động từ kế hoạch, tổ chức, giám sát, lại vừa gắn kết hiệu quả giữa Nhà nước – người dân – doanh nghiệp. Đây là mô hình cần được tổng kết, nhân rộng và hỗ trợ đầu tư thêm từ cấp tỉnh, Trung ương”.
Hạt cũng là một trong những đơn vị hiếm hoi thực hiện được đồng bộ 3 mục tiêu: Bảo vệ và phát triển rừng; Nâng cao giá trị kinh tế rừng qua chứng chỉ, tín chỉ carbon; Gắn kết cộng đồng và phát triển sinh kế bền vững.
Không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng về diện tích rừng được cấp chứng chỉ, Hạt Kiểm lâm Đình Lập đang tạo dựng một hướng đi vững chắc và dài hạn cho ngành lâm nghiệp hiện đại: bền vững – trách nhiệm – hội nhập.
Từ bảo vệ rừng đến quản lý rừng, từ trồng cây đến chứng chỉ rừng, từ kinh tế truyền thống sang tín chỉ carbon, chuỗi giá trị… – tất cả đều thể hiện một tư duy quản lý đổi mới, một tầm nhìn phát triển có chiều sâu.
Với đội ngũ tận tụy, hệ thống quản lý bài bản, sự đồng thuận cao từ chính quyền và người dân, Hạt Kiểm lâm Đình Lập xứng đáng là điểm sáng tiêu biểu của Lạng Sơn trong lộ trình xây dựng ngành kinh tế lâm nghiệp xanh – sạch – phát triển bền vững.
Dưới đây là một số hình ảnh về hoạt động của Hạt Kiểm lâm Đình Lập:
Đỗ Hùng
>>>>> Xin vui lòng xem thêm:
- Bài 2: Dấu ấn cấp 4 chứng chỉ quản lý rừng bền vững - Một bước tiến đột phá của Kiểm lâm Đình Lập;
- Hạt Kiểm lâm Đình Lập: Điểm sáng trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Lạng Sơn;
- Lạng Sơn: Chủ động trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng;