
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều: Hun đúc bản lĩnh chính trị - Thắp lửa nghiên cứu - Kiến tạo thế hệ trí thức mới cùng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW
10/07/2025TN&MTNghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực đột phá cho đất nước. Trong bối cảnh đó, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối khoa học xã hội và nhân văn có vai trò quan trọng trong việc hun đúc bản lĩnh chính trị, bồi đắp khát vọng nghiên cứu và kiến tạo thế hệ trí thức mới. PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chia sẻ cùng phóng viên về những định hướng, giải pháp và kỳ vọng trên hành trình đồng hành cùng tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW.
Phóng viên: Thưa ông, trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa như thế nào đối với lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đặc biệt là với khối ngành khoa học xã hội và khoa học chính trị - nơi đào tạo ra đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận cho đất nước?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị là một định hướng chiến lược mang tính đột phá, đặt mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành động lực then chốt cho quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với lĩnh vực giáo dục đại học, Nghị quyết này tạo ra một cơ sở chính trị, pháp lý và định hướng quan trọng để các trường đại học tái cấu trúc, đổi mới phương thức đào tạo, nghiên cứu và quản trị.
Đối với khối ngành khoa học xã hội và khoa học chính trị, ý nghĩa này càng đặc biệt hơn. Bởi lẽ, đây là nơi đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận, cán bộ quản lý, hoạch định chính sách - những người giữ vai trò then chốt trong việc lan tỏa tư tưởng đổi mới, tiếp tục xây dựng nền tảng lý luận vững chắc cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Chúng tôi luôn quan niệm, bản lĩnh chính trị và phẩm chất lý tưởng không thể tách rời năng lực tư duy phản biện, khả năng đổi mới sáng tạo và thích ứng với chuyển đổi số.
Vì vậy, tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là kim chỉ nam để các cơ sở giáo dục, nhất là các khoa, bộ môn khối khoa học chính trị, khoa học xã hội, phải không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương thức nghiên cứu, để mỗi sinh viên khi ra trường không chỉ vững lý luận, giỏi chuyên môn mà còn có khả năng hội nhập, sáng tạo, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Ngày 15/5/2025, tại Hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho gần 150 nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2024. Có 05 nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã vinh dự được Bằng khen. Trong đó, Khoa Khoa học Chính trị vinh dự có PGS.TS. Nguyễn Anh Cường - Phó trưởng Khoa Khoa học Chính trị (đứng thứ 13 từ trái sang).
PV: Vậy Khoa Khoa học Chính trị đã triển khai những định hướng nào để cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW trong đào tạo và nghiên cứu?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Khoa Khoa học Chính trị đã quán triệt tinh thần, xác định những mục tiêu, giải pháp rất cụ thể, tập trung vào ba định hướng trọng tâm.
Thứ nhất, chúng tôi đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập, quốc tế hoá, gắn chặt lý luận với thực tiễn. Các học phần được cập nhật những vấn đề thời sự về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Chẳng hạn, nhiều chuyên đề mới như quyền lực chính trị và kiểm soát quyền lực chính trị, chính sách và quản trị công, chính phủ số, lý thuyết và mô hình quản trị quốc gia đương đại, tổ chức và quản trị địa phương, an ninh chính trị trong môi trường số, chính trị học so sánh trong bối cảnh toàn cầu hóa… đã được đưa vào giảng dạy. Đồng thời, chúng tôi tăng cường kỹ năng nghiên cứu, phân tích chính sách, tư duy phản biện cho sinh viên ngay từ những năm đầu với nhiều học phần như: phân tích hành vi chính trị, kỹ năng trong hoạt động chính trị, truyền thông chính sách và quan hệ công chúng của chính phủ, kỹ năng viết và thuyết trình chính trị.
Thứ hai, Khoa đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, coi đây là nhiệm vụ cốt lõi song hành với đào tạo. Chúng tôi xây dựng các nhóm nghiên cứu liên ngành, liên khoa, mời các chuyên gia trong và ngoài trường tham gia. Giảng viên hướng dẫn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện đề tài gắn với các vấn đề cấp thiết của xã hội, từ đó hình thành các công bố khoa học, đóng góp trực tiếp cho hoạt động lý luận chính trị và hoạch định chính sách.
Thứ ba, chúng tôi chú trọng mở rộng hợp tác và kết nối. Khoa đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, diễn đàn trao đổi học thuật trong nước và quốc tế, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp xúc với các học giả, chuyên gia uy tín. Ngoài ra, sinh viên được khuyến khích tham gia các chương trình thực tế tại cơ quan Đảng, chính quyền, viện nghiên cứu để trải nghiệm môi trường công tác, củng cố bản lĩnh chính trị, hình thành phong cách làm việc chuyên nghiệp và hội nhập.
Ba định hướng đó luôn được triển khai đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với đặc thù đào tạo cán bộ lý luận, cán bộ chính trị - quản lý, từ đó biến tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW thành những giá trị cụ thể, gắn liền với từng thế hệ sinh viên.
Các giảng viên và sinh viên Khoa Khoa học Chính trị (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị Nghiên cứu Khoa học Sinh viên cấp Khoa năm học 2024-2025, ghi dấu tinh thần sáng tạo, say mê học thuật và khát vọng nghiên cứu khoa học, đóng góp tri thức cho cộng đồng.
PV: Là lĩnh vực đặc thù, yếu tố “hun đúc bản lĩnh chính trị” được Khoa đặc biệt chú trọng như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Với chúng tôi, hun đúc bản lĩnh chính trị cho sinh viên không phải là khẩu hiệu chung chung mà là nhiệm vụ xuyên suốt, gắn với mọi hoạt động đào tạo và bồi dưỡng. Đây cũng chính là “giá trị cốt lõi” làm nên thương hiệu của Khoa Khoa học Chính trị suốt nhiều năm qua.
Ngay từ chương trình đào tạo, chúng tôi luôn chú trọng trang bị nền tảng lý luận vững chắc về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị - xã hội. Sinh viên không chỉ học để ghi nhớ mà phải biết vận dụng, phân tích, phản biện và nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, khách quan, chính trị vững vàng nhưng tư duy luôn đổi mới.
Khoa thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, diễn đàn chính trị - xã hội, tọa đàm thời sự, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, lãnh đạo, cán bộ quản lý cấp cao. Những buổi đối thoại này không chỉ truyền cảm hứng mà còn bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và ý thức phụng sự Tổ quốc. Qua đó, sinh viên có cơ hội rèn luyện bản lĩnh, thái độ bản lĩnh, khả năng bày tỏ chính kiến và tranh luận khoa học.
Chúng tôi tạo môi trường rèn luyện và khuyến khích sinh viên tham gia thực tiễn tại cơ sở - đây chính là “môi trường rèn luyện” quan trọng. Các chuyến thực tế chính trị, các đợt thực tập tại cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể không chỉ giúp sinh viên củng cố kiến thức lý luận mà còn rèn phong cách làm việc, đạo đức công vụ, tinh thần kỷ luật và trách nhiệm cộng đồng.
Bên cạnh đó, yếu tố bản lĩnh chính trị còn được hun đúc qua tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khoa luôn khích lệ sinh viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tổ chức các hoạt động học thuật, nghiên cứu, phong trào thanh niên. Chúng tôi tin rằng, chỉ khi bản lĩnh chính trị gắn liền với bản lĩnh nghề nghiệp, sinh viên mới sẵn sàng bước ra thực tiễn, tự tin đảm nhận vai trò cán bộ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong tương lai.
Tuổi trẻ Khoa Khoa học Chính trị đồng hành cùng ngoại giao Việt – Thái: 50 sinh viên Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự được tham gia hỗ trợ đón tiếp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tối 15/5/2025 tại Văn phòng Chính phủ, góp phần lan tỏa hình ảnh sinh viên Việt Nam chuyên nghiệp, bản lĩnh và hội nhập.
PV: Trong hành trình “thắp lửa nghiên cứu” cho sinh viên, Khoa đã có những cách làm mới gì để khơi dậy đam mê nghiên cứu thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Đối với chúng tôi, “thắp lửa nghiên cứu” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cam kết đồng hành lâu dài với sinh viên, để các em coi nghiên cứu khoa học là con đường khẳng định bản lĩnh, rèn luyện tư duy phản biện và đóng góp trực tiếp cho xã hội.
Trước hết, chúng tôi tạo ra môi trường học thuật mở, khuyến khích sinh viên làm quen với nghiên cứu ngay từ năm đầu đại học. Các giảng viên luôn sẵn sàng hướng dẫn sinh viên tìm kiếm, phát triển đề tài gắn với những vấn đề thiết thực, bám sát yêu cầu của đất nước và cộng đồng. Chúng tôi khuyến khích sinh viên tham gia đề tài nghiên cứu các cấp - từ cấp khoa, cấp trường, cho tới các đề tài phối hợp cùng viện nghiên cứu, cơ quan thực tiễn.
Bên cạnh đó, Khoa thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, toạ đàm, diễn đàn trao đổi chuyên đề, hội nghị chuyên đề có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành. Sinh viên được trình bày kết quả nghiên cứu, được tranh luận, phản biện trực tiếp, qua đó rèn luyện kỹ năng trình bày học thuật, tự tin bảo vệ quan điểm trước tập thể.
Một điểm mới nữa là chúng tôi đẩy mạnh kết nối với các đơn vị báo chí, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế. Sinh viên được tham gia các dự án nghiên cứu liên ngành, liên khoa, hoặc cộng tác viên nghiên cứu với các đề tài ngoài trường. Chính từ những trải nghiệm đó, nhiều em đã có công bố khoa học trên các tạp chí uy tín, có bài báo quốc tế, đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên các cấp. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW đã và đang được hiện thực hóa cụ thể trong mỗi bài nghiên cứu, mỗi đề tài, mỗi sinh viên.
Cuối cùng, Khoa luôn đề cao vai trò của người thầy - người đồng hành, truyền cảm hứng. Chúng tôi coi việc khơi gợi đam mê, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, kết nối chuyên gia, mở ra hướng đi mới cho sinh viên là trách nhiệm thường xuyên. Chỉ khi giảng viên thực sự gương mẫu nghiên cứu, có công trình, có kết quả cụ thể, thì sinh viên mới nhìn thấy hình mẫu, mới tin rằng “nghiên cứu không xa vời” mà rất gần với mọi lĩnh vực và đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
PV: Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng, Khoa đã, đang và sẽ làm gì để giúp sinh viên tự tin hội nhập thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu, đặc biệt trong giáo dục đại học và lĩnh vực khoa học xã hội – khoa học chính trị. Chúng tôi luôn coi việc trang bị cho sinh viên năng lực hội nhập không chỉ là mở rộng cơ hội học tập, nghiên cứu, mà còn là bồi dưỡng tư duy toàn cầu, kỹ năng ngoại ngữ, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa.
Những năm qua, Khoa Khoa học Chính trị đã đẩy mạnh hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế uy tín. Chúng tôi đã ký kết các chương trình trao đổi sinh viên, học bổng ngắn hạn, hội thảo học thuật quốc tế. Sinh viên được tham gia các khóa học, tọa đàm, diễn đàn song ngữ, tiếp xúc trực tiếp với các giáo sư, chuyên gia nước ngoài, từ đó mở rộng góc nhìn và nâng cao khả năng giao tiếp, làm việc bằng ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, Khoa Khoa học Chính trị luôn khuyến khích giảng viên mời diễn giả quốc tế, chuyên gia đến giảng bài, trao đổi chuyên đề, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. Chính những không gian học thuật này đã tạo điều kiện để sinh viên làm quen với các phương pháp nghiên cứu hiện đại, tiếp cận tri thức mới, mạnh dạn trao đổi học thuật bằng ngoại ngữ.
Một điểm quan trọng khác là chúng tôi chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đây đều là những năng lực mà sinh viên cần có để hội nhập thành công, không chỉ ở môi trường trong nước mà còn khi làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế.
Trong thời gian tới, Khoa sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác quốc tế, đẩy mạnh các chương trình liên kết đào tạo, học bổng trao đổi, thực tập tại nước ngoài. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục xây dựng và mở rộng các học phần giảng dạy song ngữ, tạo cơ hội cho sinh viên học và thực hành ngoại ngữ chuyên ngành một cách tự nhiên.
Tôi tin rằng, với sự chuẩn bị bài bản, thế hệ sinh viên ngành Chính trị học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ đủ tự tin, đủ năng lực, đủ bản lĩnh để hội nhập, phát triển, đóng góp hiệu quả cho đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng.
Những khoảnh khắc thật đẹp, ý nghĩa trong chuyến hành trình thực tế của Khoa Khoa học Chính trị tại Ba Vì nhằm hun đúc thêm giá trị tâm linh, hướng mỗi người đến chân - thiện - mỹ trong hành trình học tập và trưởng thành
PV: Nhìn về chặng đường phía trước, ông có gửi gắm điều gì tới thế hệ sinh viên hôm nay?
PGS.TS Nguyễn Văn Chiều:
Tôi luôn nhấn mạnh với các em sinh viên rằng, hành trang lớn nhất của tuổi trẻ không chỉ là kiến thức sách vở mà còn là bản lĩnh, khát vọng và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đất nước. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với rất nhiều cơ hội và không ít thách thức, mỗi sinh viên cần tự trang bị cho mình tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và sẵn sàng thích ứng với những thay đổi không ngừng.
Tôi mong các em đừng bao giờ hài lòng với những gì đã có, mà hãy coi mỗi ngày là một hành trình khám phá tri thức mới, rèn luyện kỹ năng, mở rộng góc nhìn. Kiến thức chỉ thực sự có giá trị khi các em biết vận dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn, đóng góp cho xã hội, đất nước. Tôi cũng mong các thế hệ sinh viên của chúng tôi sẽ không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, tinh thần phản biện, sự kiên trì và ý chí vươn lên, vì chỉ như vậy mới có thể trở thành những trí thức thực thụ - những “hạt nhân” hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW đã đặt ra.
Đặc biệt, tôi tin rằng, dù ở bất cứ cương vị nào, thế hệ sinh viên hôm nay vẫn phải giữ cho mình nền tảng bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, đồng thời biết mở lòng học hỏi, hội nhập quốc tế, nhưng không hòa tan. Đó là chìa khóa để các em vững bước, làm chủ tương lai của chính mình, đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững.
Tôi và các đồng nghiệp ở Khoa Khoa học Chính trị sẽ luôn đồng hành, tiếp lửa, tạo môi trường tốt nhất để các em phát triển toàn diện và tỏa sáng xứng đáng với vai trò là đội ngũ trí thức, cán bộ lý luận, nhà quản lý của tương lai.
Hành trình thực tế tại Nhà khách Đại học Quốc gia Hà Nội (cơ sở Ba Vì) là dịp để Thầy Trưởng khoa Khoa học Chính trị truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học, hun đúc tinh thần đoàn kết, năng động và tỏa sáng cho các thế hệ sinh viên - những công dân trẻ đầy khát vọng đóng góp xây dựng đất nước.
Cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Văn Chiều không chỉ mở ra những góc nhìn sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 57-NQ/TW, mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm và khát vọng của những người làm công tác đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học chính trị. Với quyết tâm đổi mới, hun đúc bản lĩnh chính trị, thắp lửa nghiên cứu và kiến tạo thế hệ trí thức mới, Khoa Khoa học Chính trị - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đang góp phần đưa tinh thần Nghị quyết sô 57-NQ/TW vào cuộc sống, vun đắp nguồn lực con người - vốn quý giá nhất để phát triển đất nước bền vững, tự cường trong kỷ nguyên số.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Văn Chiều đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc và truyền cảm hứng!
Phạm Đoàn Việt Anh (thực hiện)