
Dấu mốc mới trong hành trình kiểm soát, quản lý chất lượng không khí
05/07/2025TN&MTSáng ngày 5/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các đơn vị, cơ quan chức năng nhằm hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới,… Sự kiện được coi là dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ bầu không khí trong lành, nền tảng thiết yếu để phát triển bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp, trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Bài toán ô nhiễm không khí - Thách thức lớn của phát triển
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song với thành tựu đó, những hệ lụy môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí ngày càng hiển hiện rõ nét, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, hệ sinh thái và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo báo cáo của Cục Môi trường, nồng độ bụi mịn PM2.5 ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh,… thường xuyên vượt mức quy chuẩn quốc gia, đặc biệt vào mùa khô. Các nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp, xây dựng và đốt sinh khối nông nghiệp vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Mặt khác, quá trình đô thị hóa nhanh, dân số gia tăng, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ càng làm gia tăng áp lực ô nhiễm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng tại các thành phố lớn đang là thách thức rất lớn. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu phải có giải pháp đồng bộ, căn cơ để giải quyết vấn đề này, nhất là trong các cuộc làm việc với Thành ủy Hà Nội, Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng. Trên thực tế, các bộ, ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chủ trì nhiều hoạt động phối hợp như hội thảo với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và gần đây là hội thảo tại Nhà Quốc hội vào tháng 4 vừa qua để bàn giải pháp kiểm soát ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn.
Trong quá trình xây dựng dự thảo kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ ngành, tổ chức quốc tế, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng về các nội dung trọng tâm vào ngày 27/3/2025. Dự thảo kế hoạch đã được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn trong nước, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến từ các bộ, ngành và chuyên gia. Trong đó, trọng tâm là dự báo các áp lực môi trường trong giai đoạn 5-10 năm tới để xác định các nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt kiềm chế gia tăng ô nhiễm.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã nhấn mạnh, nhiệm vụ kiểm soát ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.
Cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo "Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030" đã được diễn ra dưới 2 hình thức: trực tiếp và trực tuyến
Kế hoạch hành động, cam kết mạnh mẽ và cụ thể: "3 nhóm mục tiêu, 6 tiêu chí rõ ràng"
Báo cáo tại cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030, TS. Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, dự thảo kế hoạch đã lượng hóa rõ mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo tinh thần “6 rõ” của Chính phủ: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền.
Mục tiêu tổng thể của kế hoạch là tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng không khí trên toàn quốc, đặc biệt tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trong đó, 3 nhóm mục tiêu cụ thể gồm cải thiện chất lượng không khí, trong đó từng bước kiểm soát ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Giảm 20% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức “xấu” trở lên so với năm 2024 (năm 2024 ghi nhận 47 ngày); Giảm 20% nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình năm vào năm 2030 so với mức năm 2024; Duy trì các thông số chất lượng không khí khác trong ngưỡng quy chuẩn.
Theo TS. Hoàng Văn Thức, để đạt được mục tiêu này, cần kiểm soát chặt nguồn thải lớn như xi măng, nhiệt điện. Các địa phương phải rà soát, di dời hoặc buộc chuyển đổi công nghệ đối với cơ sở sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư.
Với nhóm kiểm soát nguyên nhân gây ô nhiễm mục tiêu là 100% cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, nhiệt điện, luyện thép sẽ được kiểm soát khí thải, từng bước giảm phát thải; 100% phương tiện giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quản lý khí thải, tiến tới chuyển đổi sang năng lượng sạch; 100% xe buýt tại Hà Nội sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030. Các tỉnh thành khác thực hiện theo Quyết định 876/QĐ-TTg. Ngoài ra, tăng cường vệ sinh đô thị, trồng cây xanh; kiểm soát chặt bụi tại các công trường xây dựng.
Với nhóm xây dựng đô thị văn minh, xanh hóa môi trường mục tiêu sẽ phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 1.000 công trình xây dựng xanh; Thí điểm thiết bị lọc không khí, hệ thống thông gió tại các công trình để đánh giá, nhân rộng; phối hợp liên ngành, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế và đẩy mạnh truyền thông.
TS. Hoàng Văn Thức cho biết, Kế hoạch được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong quản lý không khí, góp phần cải thiện chất lượng sống và phát triển bền vững.
TS. Hoàng Văn Thức - Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025-2030 có mục tiêu tổng thể: Nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng môi trường không khí; kiểm soát nguồn phát sinh khí thải; giám sát và dự báo chất lượng không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh - hai thành phố được tập chung khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí. Dự thảo đề xuất 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, triển khai thông qua 32 dự án cụ thể, trong đó đáng chú ý là nhóm nhiệm vụ kiểm kê và kiểm soát nguồn phát thải tại chỗ, ưu tiên trong các ngành xi măng, hóa chất, nhiệt điện, giao thông vận tải. Việc hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là khí thải từ phương tiện giao thông được coi là bước đi cấp thiết nhằm nâng cao năng lực quản lý ở cả Trung ương và địa phương. Ngoài ra, Kế hoạch cũng thể hiện tư duy chuyển đổi khi đặt ra định hướng phát triển giao thông xanh và giao thông công cộng tích hợp, học hỏi mô hình “vùng phát thải thấp” tại Hà Nội để nhân rộng sang các đô thị khác; nêu ra một số sáng kiến như xây dựng hệ thống cây xanh phân tầng kết hợp phun sương dập bụi, nghiên cứu chọn loài cây có khả năng hấp thụ PM2.5 hay phát triển cảm biến theo dõi bức xạ và bụi mịn. Đồng thời, Dự thảo Kế hoạch đề xuất xây dựng một trung tâm chỉ huy phản ứng nhanh nhằm kích hoạt các biện pháp kịp thời khi chỉ số ô nhiễm vượt ngưỡng; xác định vai trò trọng yếu của báo chí, truyền thông và hợp tác quốc tế trong việc nâng cao nhận thức, phản ứng xã hội, nhấn mạnh “không khí sạch là nền tảng cho phát triển bền vững”.
Trước những con số báo động, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030 được xây dựng với định hướng “ngăn chặn - kiểm soát - cải thiện”, bám sát mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050.
“Chúng ta cần hành động ngay, hành động đúng và hành động có trách nhiệm, vì chất lượng không khí hôm nay là sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước ngày mai” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh!.
Khí sạch - Lợi ích dài lâu, lan tỏa
Khí sạch không chỉ là đích đến của mọi nỗ lực bảo vệ môi trường, mà còn mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội to lớn, bền vững và lan tỏa rộng rãi. Các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra, cứ mỗi đồng chi cho kiểm soát ô nhiễm không khí sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 10 đồng chi phí y tế và các thiệt hại kinh tế gián tiếp do bệnh tật và suy giảm năng suất lao động.
Thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, việc đầu tư cho chất lượng không khí đã mang lại những thay đổi rõ rệt. Tại Hàn Quốc, sau khi triển khai các chính sách kiểm soát bụi mịn PM2.5 từ công nghiệp và giao thông, chất lượng không khí tại Seoul đã cải thiện đáng kể, tuổi thọ trung bình của người dân tăng lên, sức khỏe cộng đồng được bảo vệ tốt hơn. Ở châu Âu, việc áp dụng các tiêu chuẩn khí thải Euro khắt khe đã giúp nhiều thành phố lớn như Paris, Berlin, Copenhagen trở thành những đô thị xanh, đáng sống, thu hút hàng triệu lượt du khách và các nhà đầu tư quốc tế mỗi năm.
Đối với Việt Nam, khí sạch chính là điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững, nâng cao năng suất lao động, giảm gánh nặng bệnh tật, tiết kiệm chi phí y tế, đồng thời tạo dựng hình ảnh quốc gia văn minh, hiện đại, hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế. Khi chất lượng không khí được cải thiện, người dân khỏe mạnh hơn, năng suất lao động cao hơn, trẻ em được phát triển toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần, tuổi thọ được kéo dài, chất lượng dân số được nâng cao.
Bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội trực tiếp, việc kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí còn có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu, nhất là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Khi chất lượng không khí được quản lý tốt, đồng nghĩa các nguồn phát thải nhà kính cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu, chống biến đổi khí hậu.
Khí sạch cũng là yếu tố then chốt để nâng cao chỉ số cạnh tranh môi trường, giúp Việt Nam vươn lên các bảng xếp hạng toàn cầu về đô thị xanh, thành phố đáng sống, điểm đến du lịch bền vững. Môi trường trong lành sẽ trở thành “lợi thế mềm”, một thương hiệu quốc gia mới, góp phần thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài có trách nhiệm, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia cam kết phát triển xanh, phát triển bền vững.
Khí sạch - không chỉ là hơi thở của hôm nay, mà còn là sinh khí, là năng lực cạnh tranh và là lời hứa trách nhiệm với thế hệ mai sau.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ trung bình của người Việt Nam từ 1,5 đến 2 năm, gây ra hàng chục nghìn ca tử vong sớm mỗi năm và tổn thất kinh tế hàng tỷ USD. Vì vậy, đầu tư cho chất lượng không khí là khoản đầu tư cho tương lai, tiết kiệm chi phí y tế, gia tăng năng suất lao động và nâng cao uy tín quốc gia trong thu hút đầu tư xanh.
Quan trọng hơn, một bầu không khí sạch sẽ trực tiếp bảo vệ sức khỏe của hơn 100 triệu người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi và các nhóm dễ tổn thương. Bởi vậy, kế hoạch hành động này không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà là trách nhiệm chung của cộng đồng doanh nghiệp và từng cá nhân.
Khói bụi và sương mù che phủ các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội - cảnh báo hiện trạng ô nhiễm không khí đang ở mức đáng lo ngại
Hành động hôm nay, tương lai bền vững ngày mai
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, cải thiện chất lượng không khí là một hành trình dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên định. Về mục tiêu giảm 20% bụi mịn PM2.5, các nội dung được xây dựng tương đối khoa học, logic và có tính khả thi nhất định. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần làm rõ mối tương quan với quy chuẩn quốc gia hiện hành.
Cụ thể, khi đặt mục tiêu giảm 20% nồng độ PM2.5, chúng ta cần chỉ rõ mức nền hiện tại đang ở đâu so với quy chuẩn quốc gia để có thể lượng hóa cụ thể hơn mức độ cải thiện. Ví dụ: nếu hiện tại nồng độ trung bình năm đang ở mức khoảng 48 µg/m³, trong khi quy chuẩn quốc gia là 25 µg/m³ (tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn Trung Quốc), thì mục tiêu giảm 20% sẽ đưa mức này xuống khoảng 38 µg/m³, tức là vẫn còn cách xa chuẩn.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, cần có lộ trình dài hơi hơn. Nhìn sang Trung Quốc, họ từng có tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng hơn chúng ta rất nhiều và đã mất hơn 10-20 năm để đạt được cải thiện đáng kể nhờ vào sự quyết liệt và đầu tư lớn. Trong khi đó, Việt Nam mới ở giai đoạn bắt đầu, nếu hành động sớm thì chi phí có thể thấp hơn, thời gian rút ngắn hơn. Vì vậy, thay vì chỉ đặt mục tiêu giảm phần trăm, chúng ta nên đặt các mốc cụ thể.
Bộ trưởng Đõ Đức Duy đã đưa ra ví dụ: Mức hiện tại của Việt Nam là 48 µg/m³, vậy đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, còn 38 µg/m³; Giai đoạn 2030-2035 giảm tiếp 20%, còn khoảng 30 µg/m³. Đến 2035 hoặc sau đó đạt mục tiêu lý tưởng là 25 µg/m³, ngang bằng quy chuẩn hiện hành
Cũng theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, trên thực tế có thể chưa đạt được ngay quy chuẩn quốc gia hiện hành, nhưng nếu xác lập được lộ trình tiến tới ngưỡng này, hoặc thậm chí tiếp cận ngưỡng nghiêm ngặt hơn như của Trung Quốc (hiện là 35 µg/m³), thì đó cũng đã là thành công lớn. Để giảm nồng độ bụi mịn từ 10-20%, Bộ trưởng đánh giá điều tiên quyết là xác định rõ và hành động cụ thể với từng nhóm nguồn phát thải. Việt Nam hiện đã có dữ liệu tương đối đầy đủ về tỉ trọng phát thải từ các lĩnh vực: giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp… Điều quan trọng là cần phân loại, khoanh vùng rõ ràng để xây dựng giải pháp phù hợp.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2025 - 2030 không chỉ là một bản cam kết trên giấy, mà chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ: Chỉ khi mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cộng đồng và từng người dân thực sự coi bầu không khí trong lành là quyền lợi thiết thân và trách nhiệm chung, thì mục tiêu xanh - sạch - đẹp mới có thể trở thành hiện thực.
Hành động hôm nay đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương tới cơ sở. Các bộ, ngành cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, đẩy mạnh thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm phát thải vượt quy định. Các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm soát ô nhiễm phù hợp điều kiện đặc thù, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá.
Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các ngành sản xuất công nghiệp, giao thông, xây dựng, cần nhận thức rõ: đầu tư công nghệ sạch, xử lý khí thải, tiết kiệm năng lượng không phải là “chi phí bắt buộc”, mà chính là khoản đầu tư thiết thực để nâng cao uy tín, bảo vệ sức khỏe người lao động, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính đang siết chặt các tiêu chuẩn xanh.
Bên cạnh đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình cũng đóng vai trò quan trọng. Từ những việc làm nhỏ nhất như hạn chế đốt rơm rạ, thay thế bếp than tổ ong, ưu tiên phương tiện giao thông thân thiện môi trường, phân loại rác tại nguồn, trồng thêm cây xanh,… đều góp phần làm sạch bầu không khí quanh mình. Mỗi hành động đơn lẻ khi lan tỏa sẽ cộng hưởng thành thay đổi lớn, định hình lối sống xanh - tiêu dùng xanh - sản xuất xanh.
Hồng Minh