
Phía sau vết dầu loang: Hành trình trả ơn thiên nhiên của Phạm Văn Sơn
09/07/2025TN&MTKhi thiên nhiên kêu cứu, ông lặng lẽ khoác bộ đồ bảo hộ, đi về phía vết dầu loang. Một “bác sỹ cấp cứu” đặc biệt - suốt 25 năm chưa một lần nghỉ chân trên hành trình trả ơn cho đất, rừng, sông, biển.
Trên chiếc xuồng nhỏ giữa dòng nước mặn, TS. Phạm Văn Sơn - “bác sỹ cấp cứu” của thiên nhiên vẫn lặng lẽ hướng về những vệt dầu loang phía trước. 25 năm qua, ông đã quen thuộc với màu áo vàng, chiếc mũ bảo hộ và sứ mệnh giữ lại chút trong lành cho sông rừng.
7 giờ sáng, tại trạm ứng phó khẩn cấp thuộc Trung tâm Ứng phó sự cố Môi trường Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), tín hiệu cảnh báo tràn dầu từ vụ va chạm hai tàu ở mũi An Thạnh, Cần Giờ vừa vang lên. Chỉ trong vài phút, hàng chục công nhân, xe chuyên dụng và thiết bị xử lý được huy động, xuất phát thẳng tới hiện trường. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít giữa mùi dầu khét nồng, người trực tiếp chỉ huy không ai khác chính là TS. Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm, người được mệnh danh là “bác sỹ cấp cứu” của thiên nhiên.
“Triển khai đồng loạt, quyết liệt, xử lý thật nhanh vùng dầu bám gốc cây trong rừng ngập mặn, không để dầu loang ra nước”, giọng TS. Phạm Văn Sơn dứt khoát qua bộ đàm. Xung quanh ông, các “chiến binh SOS” như anh Lê Quang Phục, anh Bắc, anh Hùng,... thay nhau lao vào tâm sự cố, giành giật từng phút vàng trong 24 giờ đầu, đổi ca liên tục dưới nắng, gió, bùn, sóng biển.
Hơn 200 ca ứng cứu môi trường - Một đời không nghỉ
Vụ tràn dầu ở Cần Giờ chỉ là một lát cắt nhỏ trong hơn 200 sự cố môi trường mà TS. Phạm Văn Sơn đã trực tiếp chỉ huy xử lý suốt 25 năm qua. Con số ấy không chỉ đơn thuần là những nhiệm vụ đã hoàn thành, mà còn là minh chứng cho một hành trình không nghỉ của một người chọn “trực chiến” với hiểm họa môi trường - thứ vô hình nhưng sức tàn phá khôn lường.
Từ những năm cuối thập niên 90, khi khái niệm “tràn dầu” hay “sự cố hóa chất” còn xa lạ với số đông, TS. Phạm Văn Sơn đã có mặt trên những chuyến xuồng máy đầu tiên, tiếp cận các vệt dầu loang trên sông Kinh Thầy, cảng Hải Phòng. Lúc ấy, phương tiện còn thô sơ, dụng cụ xử lý chủ yếu là rào quây phao, cuộn thấm dầu, máy bơm thủ công. Có đêm, TS. Sơn cùng cộng sự ăn tạm gói mì úp, chợp mắt ngay trên bãi bùn ven sông, chỉ cần có tín hiệu gió đổi hướng là lập tức bật dậy.
Những năm 2000-2010, thiên tai và tai nạn đường thủy gia tăng, kéo theo nguy cơ tràn dầu, rò rỉ hóa chất xảy ra nhiều hơn. Từ miền Bắc, miền Trung đến tận Tây Nam Bộ, hễ có thông tin sự cố, TS. Sơn lại có mặt, đôi lúc di chuyển hàng nghìn cây số chỉ để xử lý vài chục m3 dầu loang, cứu một khúc sông hay một bãi biển khỏi ám mùi chết chóc.
Nhiều sự cố để lại dấu mốc khó quên, vụ tràn dầu cảng Nhà Bè năm 2007, sự cố vỡ bể hóa chất ở Quảng Ngãi năm 2011, vụ tai nạn tàu biển ở vùng biển Quy Nhơn năm 2017,… Mỗi sự cố là một “ca cấp cứu” khác nhau, phải áp dụng kỹ thuật khác nhau. Có ca xử lý trong điều kiện bão lớn, có ca diễn ra giữa rừng ngập mặn trơn trượt, có ca phải mang mẫu nước, mẫu đất đi giám định ngay trong đêm để kịp khoanh vùng ô nhiễm.
Đằng sau những con số tưởng như khô khan là những tháng ngày rong ruổi trong mùi bùn, dầu, mùi mặn của biển và mùi ẩm ướt của rừng đước. Trong hành trang của ông không chỉ có bộ đồ bảo hộ, ủng, mặt nạ phòng độc mà còn là niềm tin: “Chậm một giờ xử lý, thiệt hại môi trường có thể nhân lên gấp bội. Mỗi phút có mặt sớm, tự nhiên có thêm cơ hội hồi sinh”.
Hơn 200 sự cố môi trường - cũng là hơn 200 bài học thực tế mà TS. Sơn kiên trì chia sẻ lại cho đồng nghiệp, sinh viên, cộng đồng. Mỗi cuộc ứng cứu kết thúc không đồng nghĩa với việc nghỉ ngơi, mà thường kéo theo hàng tháng trời theo dõi chất lượng nước, giám sát hệ sinh thái, phục hồi rừng ngập mặn hay khắc phục đất nhiễm dầu.
“Có những đêm tôi ngồi một mình trên bờ biển, nhìn vệt dầu loang lổ mà đau lòng. Nhưng rồi tôi biết, nếu không có người ra tay cứu chữa, thiên nhiên sẽ chịu vết thương lâu dài. Ai cũng chọn việc dễ thì thiên nhiên biết dựa vào ai?” - TS. Sơn trầm giọng.
Đến nay, tuổi 50 chưa phải già, nhưng 25 năm mặc áo bảo hộ giữa bùn lầy, dầu mỡ đã khiến tóc ông sớm pha sương. Vậy mà, ông vẫn nói chắc nịch: “Nếu còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ đi. Miễn còn một giọt dầu loang, còn một dòng sông bị đe dọa, thì tôi vẫn còn việc để làm.”
TS. Phạm Văn Sơn (giữa) cùng các cộng sự trong đội ứng phó sự cố tràn dầu tại một buổi diễn tập thực tế. Những “chiến binh áo vàng” này chính là tuyến đầu thầm lặng bảo vệ môi trường trước mỗi vết dầu loang.
Từ ký ức ngọt lành đến hoài bão xanh
Đối với TS. Phạm Văn Sơn, tình yêu thiên nhiên không đến từ những giáo điều trên giấy mà bắt nguồn từ ký ức ngọt lành thuở thiếu thời. “Hồi nhỏ, tôi và lũ bạn vẫn ra sông múc nước uống, tắm giếng trong vắt, bắt cá ngay sát bờ ruộng. Mùa mưa nước đầy ao, lũ trẻ con lội bì bõm, cá rô, cá diếc búng dưới chân. Cảnh ấy giờ đã hiếm, thậm chí nhiều vùng không còn nữa…”, TS. Sơn bồi hồi nhớ lại.
Những dòng sông, bãi ruộng quê nhà đã hun đúc trong ông niềm biết ơn sâu sắc với tự nhiên, thứ tài sản vô giá mà nhiều thế hệ người Việt từng coi là điều hiển nhiên. Nhưng rồi, theo năm tháng, chứng kiến dòng nước ngọt bị bức tử, sông hồ vẩn đục, rừng ngập mặn bị chặt phá, biển bị váng dầu bủa vây… TS. Sơn chợt nhận ra: “Chỉ một thế hệ có thể tiêu tán cả trăm năm tích lũy của thiên nhiên nếu con người thờ ơ và ích kỷ”.
Chính nỗi day dứt ấy trở thành động lực để ông chọn một lối đi “gàn dở” – như lời nhiều người từng nói. Lẽ ra, với chuyên môn và ngoại hình chỉn chu, ông hoàn toàn có thể chọn nghề giảng dạy, văn phòng, làm nghiên cứu thuần túy… Nhưng thay vì đi về phía ánh đèn sân khấu hay những tòa nhà có máy lạnh, ông lại lặng lẽ đi về phía những vệt dầu loang, nơi thiên nhiên đang kêu cứu.
“Có người hỏi tôi, làm việc này được gì? Tiền không nhiều, nguy hiểm thì luôn rình rập. Tôi chỉ cười, tôi được một thứ vô giá, đó là sự thanh thản khi trả ơn cho thiên nhiên. Tôi còn thấy được ánh mắt biết ơn của người dân ven biển, ngư dân, lũ trẻ nô đùa trên bãi tắm sạch. Thế là đủ” - TS. Sơn chia sẻ!.
Ký ức về bầu trời quê, mùi nước sông, rặng tre, hàng cau, vườn rau sau nhà, với ông vẫn nguyên vẹn như một chiếc la bàn. Nó giữ chân ông trên những chuyến tàu ra cửa biển, giữa đêm mưa bão hay những đầm lầy đầy bùn đất. Nó cũng thôi thúc ông gieo lại “mầm xanh” cho lớp trẻ - để khi nghĩ về môi trường, các bạn sinh viên không chỉ thấy lý thuyết khô khan mà biết trân quý từng giọt nước, mảnh đất, bãi rừng.
Và chính những ký ức tưởng như giản dị đó đã nuôi lớn hoài bão xanh của người đàn ông đã dành một phần tư thế kỷ để “cấp cứu” cho tự nhiên. Hoài bão ấy không ồn ào, không màu mè khẩu hiệu. Nó hiển hiện trên từng mét phao quây dầu được triển khai kịp thời, từng cánh rừng ngập mặn được giữ lại, từng bãi biển thoát khỏi mùi dầu khét.
“Hồi nhỏ, tôi được tắm trong dòng nước sạch của thiên nhiên. Giờ, tôi chỉ mong con cháu mình sau này cũng còn cơ hội được chạm tay vào dòng sông trong lành ấy, nghe tiếng sóng biển không lẫn mùi hóa chất, ngửi hương bùn đất mặn mòi chứ không phải mùi dầu loang. Đó là giấc mơ giản dị mà tôi vẫn đang theo đuổi”, TS. Sơn nhẹ nhàng nói - giọng kiên định như một lời hứa.
Những ký ức ấy giờ đã hóa thành lời nhắc nhở và cũng là hạt mầm niềm tin mà TS. Sơn âm thầm gieo vào mỗi bài giảng, mỗi buổi chia sẻ, mỗi chuyến đi cùng lớp trẻ. Bởi với ông, giữ thiên nhiên không chỉ là ‘cấp cứu’ cho hôm nay, mà còn là trao cho thế hệ mai sau cơ hội được lớn lên bên bầu trời trong, đất lành nước sạch như chính tuổi thơ ông từng có.
Hành trình gieo hạt ý thức
Không chỉ dừng lại ở những chuyến ra hiện trường đầy mùi bùn đất và dầu loang, TS. Phạm Văn Sơn hiểu rằng, một mình ông và các “chiến binh SOS” không thể gánh trọn sứ mệnh gìn giữ màu xanh. “Giải cứu thiên nhiên” không thể chỉ là chuyện của một nhóm nhỏ, mà phải trở thành ý thức cộng đồng, nhất là với thế hệ trẻ - những người sẽ sống lâu nhất với hệ quả mà tự nhiên để lại.
Vậy là song song với những ca “cấp cứu” thiên nhiên khẩn cấp, TS. Sơn kiên trì một công việc thầm lặng khác: gieo mầm ý thức. Từ hội trường TEDx, những buổi hội thảo chuyên ngành đến giảng đường Đại học Sư phạm, Đại học Nông Lâm hay thậm chí những buổi ngoại khóa với học sinh phổ thông - ông đem câu chuyện của mình, đem những hình ảnh vết dầu loang, cánh rừng ngập mặn đang hấp hối, những con cá thoi thóp,… đến gần hơn với người trẻ.
TS. Phạm Văn Sơn không đọc lý thuyết. Ông kể chuyện, mỗi câu chuyện ông kể là một bài học thực tế, đôi khi là một bài học xót xa. Như có lần, sinh viên rụt rè hỏi ông: “Thầy ơi, khi nào biển Việt Nam sẽ sạch như ngày xưa?” - ông lặng đi vài giây rồi nói: “Ngày nào cũng có người như các em, dám làm, dám giữ, dám lên tiếng, thì ngày ấy sẽ đến sớm hơn”.
Nhiều sinh viên nghe ông giảng một buổi rồi âm thầm thay đổi đề tài khóa luận, gác đề tài “an toàn” để đi nghiên cứu về phục hồi rừng ngập mặn, xử lý tràn dầu, quan trắc chất lượng nước ven biển. Không ít em xin theo ông xuống hiện trường, lội bùn, mặc áo bảo hộ, đứng giữa bờ biển mùi dầu hắc xộc lên mũi - để hiểu thiên nhiên yếu ớt thế nào khi con người vô ý thức.
TS. Lê Thị Lệ Hà - Đại học TN&MT vẫn nhắc mãi: “Sau những buổi chia sẻ của TS. Sơn, chúng tôi không phải giảng nhiều về trách nhiệm nghề nghiệp nữa. Chính câu chuyện thực tế của anh đã gieo vào đầu sinh viên bài học đạo đức nghề quý giá nhất.”
Hành trình gieo hạt ý thức ấy vẫn đang được TS. Sơn bền bỉ tiếp nối. Có người bảo, dạy giới trẻ là công việc dài hơi và chậm chạp. Ông chỉ cười: “Mầm cây cũng cần thời gian nảy lộc. Ý thức cũng vậy. Hôm nay mình gieo, mai mốt đất sẽ xanh hơn, trời sẽ sạch hơn.”
Và cứ thế, giữa những chuyến đi thầm lặng ra khơi xử lý vết dầu loang, ông lại trở về, đứng trên bục giảng, nói chuyện với lớp trẻ bằng giọng điềm tĩnh nhưng đầy thúc giục: “Đừng coi thiên nhiên là tài sản sẵn có. Hãy biết ơn và trả ơn, ngay từ những việc nhỏ nhất.”
Giữa bùn lầy rừng ngập mặn, các “bác sỹ cấp cứu” của thiên nhiên miệt mài thu gom, xử lý từng bao bùn đất nhiễm dầu - chặn đứng vết loang trước khi lan ra sông lớn.
Đi về phía vết dầu loang
Có những người chọn đi về phía ánh đèn sân khấu, tìm chỗ đứng dưới những tòa nhà cao tầng, nơi máy lạnh mát rượi, sơ mi phẳng phiu. Còn TS. Phạm Văn Sơn - suốt 25 năm - lại lặng lẽ đi về phía những vết dầu loang, bãi bùn lầy, rừng ngập mặn mùa triều dâng, nơi chỉ có tiếng sóng, mùi dầu, gió mặn và nguy hiểm rình rập từng giờ.
Đằng sau những chuyến đi ấy là những ngày Tết chưa trọn vẹn bên gia đình, những đêm trắng ngủ co ro trên xuồng máy, bãi cát hay trạm ứng cứu tạm bợ. Có vụ việc kéo dài cả tháng trời, mỗi ngày TS. Sơn chỉ chợp mắt vài tiếng, phần còn lại dành cho việc tính toán dòng chảy, hướng gió, phương án quây phao, hút dầu, gom chất thải… Sao cho vùng nước ô nhiễm được khoanh gọn nhất, thiệt hại môi trường ít nhất.
Đã có lần, ngay giữa vùng biển mưa bão, xuồng chở ông và đội ứng phó bị sóng đánh suýt lật. Ông vẫn đùa: “Làm nghề này, chuyện đối mặt với rủi ro là thường. Mình ngại thì ai làm?” - nụ cười nhẹ, giọng trầm mà vững chãi, như chính cách ông bước qua bùn lầy để giữ vững màu xanh.
Hơn 100 trạm ứng phó do ông gây dựng, duy trì bằng nội lực, không một đồng ngân sách Nhà nước, vẫn ngày đêm sẵn sàng trực chiến ở khắp các vùng trọng điểm: Cửa biển Cần Giờ, đảo Cù Lao Chàm, rừng ngập mặn Bạc Liêu, bờ sông Thái Bình, cảng Nhà Bè… Ở đâu có nguy cơ, ở đó có dấu giày của “người bác sỹ cấp cứu” cho thiên nhiên.
Vậy mà, khi nói về mình, ông chỉ khẽ lắc đầu: “Tôi chỉ là người đi cùng những người lính SOS, những con người âm thầm quên lương cao, quên công việc nhẹ để làm điều có ích. Chúng tôi làm vì biết ơn thiên nhiên, chứ không phải để nhận lời khen”.
Giữa thời cuộc nhiều biến động, những con người như TS. Phạm Văn Sơn chính là lý do để người ta tin rằng, thiên nhiên vẫn còn cơ hội được hồi sinh, dù ở những nơi từng bị coi là “chết”. Và ông vẫn kiên định chọn đi về phía những vết dầu loang, vì ông tin: ở nơi bùn đất lấm lem nhất, chính là nơi cần một bàn tay lau sạch để đất, nước, rừng, biển… có thể khỏe lại.
25 năm qua, TS. Phạm Văn Sơn và những cộng sự áo vàng của mình đã chọn đi về phía vết dầu loang - nơi thiên nhiên yếu ớt nhất, cần một bàn tay níu giữ nhất. Không ồn ào, không ánh hào quang, chỉ có bùn đất, dầu nhớt và niềm tin: từng mét nước sạch hơn, từng cánh rừng được giữ lại, từng lớp trẻ hiểu và hành động - chính là phần thưởng lớn nhất.
Bởi giữ cho đất trời được thở, sông hồ được chảy trong lành không chỉ là trách nhiệm của một người, mà là hành trình dài của cả cộng đồng – bắt đầu từ những con người lặng lẽ mà bền bỉ như ông Sơn. Và khi ai đó hỏi: Ai sẽ cứu thiên nhiên? – câu trả lời luôn là: Chính chúng ta – ngay từ hôm nay.
Hồng Minh