
Công ty AIT: Ngang nhiên phá 2,6 ha rừng tự nhiên
23/05/2024TN&MTCông ty CP ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin (Công ty AIT), có địa chỉ ở TP Hà Nội) ) vừa bị UBND tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 325 triệu đồng, đồng thời phải thanh toán chi phí gần 960 triệu đồng trồng rừng thay thế, cho đến khi thành rừng, theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương do phá 2,6 ha rừng tự nhiên chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Công ty CP ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin phá hơn 2,6ha rừng tự nhiên khi chưa được cho phép
Ngày 15/5, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ký ban hành Quyết định số 1947/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin (Công ty AIT), có địa chỉ ở TP. Hà Nội với số tiền 325 triệu đồng, đồng thời phải thanh toán chi phí gần 960 triệu đồng trồng rừng thay thế, cho đến khi thành rừng, theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương do phá 2,6 ha rừng tự nhiên chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Theo hồ sơ, ngày 1/12/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 4552 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời, chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Trạm biến áp (TBA) 220 kV Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn và đường dây đấu nối tại phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn.
Quyết định số 1947/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin
Quy mô dự án có diện tích 14,94 ha, công suất thiết kế 750 MVA (gồm 3 máy biến áp 220/110/22 kV - 250MVA) do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, phần đường dây đấu nối 220 kV xây dựng mới đường dây 4 mạch, gồm 12 vị trí cột, tổng chiều dài khoảng 4,1 km. Mục tiêu của dự án bảo đảm điện cho Khu kinh tế Nghi Sơn, đồng thời, nâng cao chất lượng điện năng khu vực và các vùng lân cận.
Đến ngày 24/3, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng chục ngàn m2 rừng tự nhiên trên địa bàn phường Hải Thượng đã bị chặt phá trái pháp luật. Đơn vị này đã lập biên bản báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa để tiến hành vào cuộc xác minh, xử lý.
Cận cảnh hiện trường khu rừng bị phá
Sau đó Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa tiến hành xác minh xác định, quá trình san ủi để làm trạm biến áp, Công ty AIT đã thuê Công ty TNHH xây dựng và vận tải Ngọc Yến Nghi Sơn đưa máy móc, thiết bị vào để san gạt đất theo hợp đồng thi công số 06032023 ngày 6/3/2023 được ký kết giữa hai công ty. Tuy nhiên, Công ty Ngọc Yến Nghi Sơn không biết việc dự án chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Khoản 4 Điều 9 Luật Lâm nghiệp 2017, hành vi hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng là hành vi bị nghiêm cấm.
Trong đó, tại Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP có đề cập đến hành vi phá rừng trái pháp luật.
Cụ thể, phá rừng trái pháp luật là hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người có hành vi vi hủy hoại rừng có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điều 243 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hành vi hủy hoại tài nguyên rừng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù.
Kiều Vượng