
Giải pháp xây dựng lộ trình cho khu vực phát thải thấp ở Việt Nam
21/07/2025TN&MTKinh nghiệm Bắc Kinh cho thấy xây dựng khu vực phát thải thấp (LEZ) hiệu quả nhờ kết hợp các chính sách kiểm soát phương tiện giao thông, nâng cấp chất lượng nhiên liệu, đầu tư hệ thống giám sát không khí hiện đại, và thúc đẩy phương tiện không phát thải. Chính sách tín chỉ kép (NEV và CAFC) buộc nhà sản xuất xe phải cải tiến công nghệ, phát triển xe điện, nhằm đáp ứng yêu cầu phát thải và tránh phạt tài chính.
ảnh minh hoạ
Tín chỉ kép gồm tiêu chuẩn hiệu suất đội xe và yêu cầu tỷ lệ xe điện là động lực quan trọng tạo ra thị trường tín chỉ xe sạch, thúc đẩy đổi mới công nghệ, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh. Mô hình tín chỉ kép không áp đặt người tiêu dùng thay đổi hành vi đột ngột mà tác động gián tiếp thông qua doanh nghiệp. Tại Việt Nam, điện khí hóa giao thông được xác định là chiến lược giảm phát thải quan trọng trong NDC. Kế hoạch phát thải ngành giao thông đặt mục tiêu giảm 10,61 triệu tấn CO₂ vào năm 2030. Triển khai LEZs tại các đô thị lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần đi kèm lộ trình tín chỉ rõ ràng, phân nhóm phương tiện theo dung tích động cơ và mức CO₂/km. Tích hợp tín chỉ xe điện vào thị trường các-bon quốc gia và quốc tế tạo nguồn tài chính mới và khuyến khích phát triển xe sạch. Chính sách tín chỉ kép có thể gây áp lực ban đầu, nhưng mang lại lợi ích dài hạn về môi trường, sức khỏe, công nghệ và hội nhập thị trường toàn cầu.
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong hình thành khu vực phát thải thấp
Thành phố Bắc Kinh triển khai khu vực phát thải thấp (LEZ) từ tháng 9 năm 2017 nhằm hạn chế xe tải hạng nặng không đạt tiêu chuẩn khí thải Quốc gia IV đi vào phạm vi nội đô, trong Vành đai Sáu. Chính sách khu vực phát thải thấp giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải từ xe tải, đặc biệt là nhóm xe Trung Quốc III và xe ngoại tỉnh. Nhiều chính sách hỗ trợ khác cũng được triển khai đồng thời như bốc thăm biển số, cấm xe cũ nát, khuyến khích tiêu hủy xe không đạt chuẩn khí thải, cải thiện chất lượng nhiên liệu. Mạng lưới cảm biến PM2.5 với hơn 1.000 điểm đo cho phép chính quyền địa phương xác định chính xác khu vực ô nhiễm cao để điều chỉnh chính sách kịp thời. Trung tâm kiểm soát chất lượng không khí tích hợp, sử dụng công nghệ Lidar (Light Detection and Ranging) dùng ra-đa bằng tia laze và viễn thám vệ tinh, giúp nâng cao năng lực giám sát và phản ứng nhanh trong điều hành đô thị (Fulan và cộng sự, 2022).
Cùng với khu vực phát thải thấp, Trung Quốc triển khai chính sách tín chỉ kép (dual credit policy) nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành ô tô theo hướng phát thải thấp. Cơ chế tín chỉ kép bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018, sửa đổi vào năm 2020 và áp dụng chính thức từ tháng 1 năm 2021. Chính sách kết hợp giữa tín chỉ tiêu thụ nhiên liệu trung bình (CAFC) và tín chỉ xe năng lượng mới (NEV) để định hướng các doanh nghiệp sản xuất ô tô cải thiện hiệu suất năng lượng, phát triển xe điện, xe pin nhiên liệu, xe hybrid. Các nhà sản xuất hoặc nhập khẩu trên 30.000 xe du lịch mỗi năm buộc phải đạt được mức tín chỉ tối thiểu theo quy định. Xe có hiệu suất cao hơn, phạm vi di chuyển dài hơn được tính nhiều tín chỉ hơn, tối đa lên đến sáu tín chỉ mỗi xe. Các doanh nghiệp không đạt yêu cầu phải mua tín chỉ từ các đơn vị khác hoặc chịu phạt. Cơ chế thị trường tín chỉ tạo động lực rõ rệt cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ pin, thiết kế sản phẩm, định hướng thị trường. Trung Quốc chấm dứt trợ cấp trực tiếp đối với xe điện từ năm 2022 càng khẳng định xu thế sử dụng công cụ thị trường để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông (MIIT, 2017; MIIT, 2020).
Chuyển đổi giao thông ở Bắc Kinh không giới hạn ở cơ chế hành chính. Thành phố đầu tư mạnh mẽ cho mở rộng giao thông công cộng, ưu tiên phát triển metro, giảm tốc độ mở rộng đường cao tốc và hạn chế xây mới bãi đỗ xe. Mạng lưới giao thông tích hợp với đô thị hóa phát triển theo hướng tuyến giao thông, hình thành các khu đô thị vệ tinh với khu dân cư đa chức năng giới hạn di chuyển không quá 15 phút, đã góp phần giảm lệ thuộc vào phương tiện cá nhân. Bắc Kinh chủ trương khuyến khích sử dụng phương tiện thân thiện môi trường, xe đạp, xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo. Chính sách của Bắc Kinh phản ánh một định hướng phát triển đô thị bền vững, tập trung vào con người và môi trường.
Để đạt hiệu quả cao hơn, Bắc Kinh phối hợp với các địa phương lân cận như Thiên Tân, Hà Bắc, hình thành cơ chế điều phối vùng trong kiểm soát ô nhiễm không khí. Các hoạt động hợp tác gồm lập kế hoạch chung, tiêu chuẩn thống nhất, phản ứng khẩn cấp tập thể và chia sẻ thông tin. Trong giai đoạn 2013-2017, nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm tại vùng liên kết giảm gần 25%, kéo theo kỳ vọng tăng tuổi thọ trung bình của người dân thêm 4,6 năm tại Bắc Kinh và 2 năm trên quy mô quốc gia (UNEP, 2019; EPIC, 2022).
Chính sách môi trường của Bắc Kinh gắn với bối cảnh quốc gia, góp phần định hình hướng đi của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi xanh. Loại bỏ các nhà máy điện than nội đô, cải thiện hệ thống sưởi, kết hợp trồng rừng ở biên giới phía Bắc giúp làm giảm hiện tượng bão cát mùa xuân, trước đây từng là đặc điểm thường niên. Các sáng kiến của Bắc Kinh thể hiện sự dịch chuyển chiến lược từ điều hành tập trung sang thử nghiệm phân quyền, nơi chính quyền địa phương đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng mô hình chuyển đổi xanh và phát thải thấp.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, để xây dựng lộ trình phát triển khu vực phát thải thấp ở Việt Nam, cần kết hợp chính sách tín chỉ xe điện kép NEV và CAFC theo cơ chế thị trường, áp dụng với nhà sản xuất thay vì ép buộc người tiêu dùng thay thế tài sản lớn, phương tiện sinh kế của nhiều người nghèo, mất hàng chục năm mới có thể tạo lập tài sản. Bắc Kinh triển khai khu vực phát thải thấp tại đô thị lớn, đầu tư cho giám sát chất lượng không khí, chuyển đổi hạ tầng giao thông theo hướng bền vững, thiết lập cơ chế điều phối liên vùng và thiết kế chính sách hỗ trợ có chọn lọc. Cách tiếp cận linh hoạt, phối hợp đa cấp, đa mục tiêu và dựa trên công nghệ số sẽ tạo nền tảng để Việt Nam định hình chiến lược phát triển đô thị và ngành giao thông phát thải thấp trong tương lai.
Xây dựng lộ trình hình thành khu phát thải thấp ở Việt Nam
Điện khí hóa giao thông là giải pháp trọng tâm trong nỗ lực giảm phát thải của Việt Nam, đặc biệt trong thực hiện đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC). Theo NDC năm 2020, nếu không có can thiệp, phát thải CO₂ từ giao thông vận tải có thể tăng gần gấp ba vào năm 2030 so với năm 2014. Trong bối cảnh đó, các biện pháp như khuyến khích sử dụng xe ô tô điện, xe máy điện, xe buýt điện được xác định là thiết yếu. Theo cập nhật năm 2022, các biện pháp điện khí hóa có thể giúp giảm 34,12 triệu tấn CO₂ nếu được hỗ trợ quốc tế, với nhu cầu tài chính bổ sung lên tới 6,664 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ ràng cho vai trò của giao thông điện khí hóa trong chiến lược phát thải thấp quốc gia. Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải đã được Bộ Giao thông vận tải (cũ) ban hành theo Quyết định 1191/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 9 năm 2024. Kế hoạch đưa ra các mốc giảm phát thải cụ thể, với mục tiêu đạt mức giảm 10,61 triệu tấn CO₂ tương đương vào năm 2030. Cụ thể hóa các biện pháp đóng vai trò quyết định trong thực hiện các mục tiêu không điều kiện trong NDC và chứng minh nỗ lực thực chất của Việt Nam trên diễn đàn khí hậu quốc tế.
ảnh minh hoạ
Chính sách tín chỉ xe điện kép được các nước trên thế giới sử dụng làm công cụ chủ lực để điều tiết và thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô chuyển đổi sang công nghệ phát thải thấp. Mô hình tín chỉ xe điện kép giúp nhà nước không cần trực tiếp can thiệp vào hoạt động sản xuất nhưng vẫn tạo áp lực buộc các doanh nghiệp phải thích ứng. Thay vì áp đặt giới hạn phát thải, chính sách thiết lập hệ thống phân bổ trách nhiệm dựa trên thị phần và hiệu suất. Hãng xe đạt hiệu suất nhiên liệu thấp hoặc tỉ lệ xe điện không đủ sẽ phải mua tín chỉ từ đối thủ có hiệu suất nhiên liệu cao hơn. Áp lực tài chính và nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh khiến doanh nghiệp phải ưu tiên đầu tư vào nghiên cứu, thiết kế mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, phát triển nền tảng xe điện, và đa dạng hóa nguồn cung linh kiện sạch. Cách thiết kế tín chỉ kép giúp tạo ra hai trục điều chỉnh quan trọng. Trục thứ nhất là tiêu chuẩn hiệu suất đội xe, nhằm kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu trung bình. Trục thứ hai là yêu cầu về số lượng phương tiện không phát thải. Cấu trúc buộc nhà sản xuất không thể chỉ tập trung cải thiện động cơ đốt trong mà phải đầu tư vào công nghệ mới. Các hãng phải liên tục cân đối giữa giữ giá thành hợp lý, duy trì lợi nhuận và tránh rơi vào trạng thái thiếu tín chỉ. Nhờ cơ chế thị trường, giá trị tín chỉ biến động tùy theo cung cầu, qua đó phản ánh mức độ áp lực chính sách trong từng thời điểm. Giai đoạn khan hiếm tín chỉ cũng là lúc đầu tư công nghệ mới được đẩy mạnh nhất.
Việt Nam cần học tập Trung Quốc trong xây dựng lộ trình áp dụng khu vực phát thải thấp cùng với chính sách tín chỉ kép về hiệu suất năng lượng và xe không phát thải nhằm xây dựng thị trường tín chỉ xe điện. Đây là công cụ chính sách mới, thay thế cho phương thức điều tiết hành chính bằng cách khuyến khích hành vi giảm phát thải thông qua lợi ích kinh tế, sử dụng công cụ khuyến khích, tiếp cận thị trường. Hệ thống tín chỉ giúp tạo ra giá trị cho xe điện, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát thải và đồng thời cải thiện chất lượng không khí đô thị. Tín chỉ kép có thể tích hợp vào thị trường các-bon thí điểm, nâng cao năng lực quản lý theo hướng hiện đại hóa và minh bạch hóa quy trình kiểm kê, báo cáo và thẩm định (MRV).
Tại California, nơi thiết kế chương trình ZEV sớm và toàn diện, cấu trúc tín chỉ phản ánh rõ ràng chính sách hướng đến giảm phát thải tuyệt đối trong vận tải. Không phải xe điện nào cũng tạo ra lượng tín chỉ giống nhau. Một mẫu xe có phạm vi hoạt động dài, hiệu suất cao, thời gian sạc ngắn sẽ được phân bổ tín chỉ nhiều hơn so với xe có công nghệ thấp. Mỗi doanh nghiệp phải thiết kế chiến lược sản phẩm hợp lý, kết hợp xe có khả năng tạo tín chỉ cao với dòng xe chủ lực chiếm doanh thu lớn. Nếu không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu, nhà sản xuất có thể đối mặt với mức phạt nặng hoặc buộc phải rút lui khỏi thị trường.
Tại Trung Quốc, chính sách tín chỉ xe điện kép đã nhanh chóng trở thành nền tảng để xây dựng chuỗi cung ứng xe năng lượng mới quy mô lớn. Các nhà sản xuất xe truyền thống như BYD hay SAIC buộc phải mở rộng danh mục xe điện nếu muốn duy trì hoạt động ổn định. Hệ sinh thái công nghiệp được xây dựng xung quanh tín chỉ. Các công ty sản xuất pin, động cơ điện, vật liệu nhẹ đều có cơ hội tăng trưởng do nhu cầu cải tiến công nghệ nhằm tối ưu hóa chỉ số tín chỉ. Tốc độ mở rộng trạm sạc, nền tảng phần mềm theo dõi hiệu suất vận hành, các dịch vụ tái chế pin cũng được thúc đẩy bởi sức ép từ cơ chế tín chỉ kép.
Tại Liên minh châu Âu, chính sách khí hậu nghiêm khắc buộc các nhà sản xuất phải định hình chiến lược dài hạn xoay quanh mục tiêu phát thải ròng bằng không. Hệ thống tín chỉ được kết nối với mức phạt tài chính trực tiếp, khiến các hãng phải tìm cách tối ưu hóa đội xe theo từng năm. Những hãng không có khả năng phát triển xe điện quy mô lớn sẽ cần liên minh hoặc mua tín chỉ từ các nhà sản xuất chuyên về công nghệ sạch. Chiến lược liên kết giữa các công ty xe nhỏ và công ty công nghệ pin trở nên phổ biến. Tín chỉ trở thành chỉ số tài chính chiến lược được theo dõi định kỳ trong báo cáo doanh nghiệp.
Chính sách tín chỉ không giới hạn trong khuôn khổ thị trường nội địa và tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu. Hãng xe quốc tế khi muốn duy trì hoạt động tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, EU hay Mỹ phải đồng bộ hóa tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế sản phẩm ngay từ đầu, khiến công nghệ sạch được chuyển giao nhanh hơn, rút ngắn chu kỳ đổi mới của ngành. Tín chỉ trở thành động lực để thúc đẩy công nghiệp hóa xanh, tạo ra những mô hình kinh doanh mới dựa trên tích hợp công nghệ và tuân thủ môi trường. Nhà đầu tư đánh giá tiềm năng phát triển của một doanh nghiệp không qua doanh thu, mà qua khả năng tích lũy và giao dịch tín chỉ trong các thị trường phát thải.
Lộ trình tín chỉ xe điện theo gCO2/km cho xe máy và ô tô
Năm |
Lộ trình |
% xe máy điện |
Xe máy |
Ô tô con <1400cc |
Ô tô con 1400 - 2000cc |
Ô tô con >2000cc |
% ô tô điện |
2025 |
10% |
5% |
50.69 |
103.59 |
116.81 |
141.06 |
5% |
2026 |
20% |
10% |
48.02 |
98.14 |
110.66 |
133.63 |
10% |
2027 |
30% |
15% |
45.36 |
92.68 |
104.52 |
126.21 |
15% |
2028 |
50% |
18% |
43.76 |
87.23 |
98.37 |
118.78 |
20% |
2029 |
75% |
20% |
42.69 |
81.78 |
92.22 |
111.36 |
25% |
2030 |
100% |
22% |
41.62 |
76.33 |
86.07 |
103.94 |
30% |
Nguồn: Đề xuất của tác giả về lộ trình chuyển đổi xe điện
Triển khai khu phát thải thấp (Low Emission Zones - LEZs) tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn là bước đi quan trọng để thực thi chính sách tín chỉ kép. Khu vực phát thải thấp được quy hoạch theo các vành đai với lộ trình loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Học hỏi mô hình Bắc Kinh, áp dụng tiêu chuẩn khí thải tối thiểu cho các phương tiện tham gia giao thông trong khu vực LEZs là cách kiểm soát chất lượng không khí một cách trực tiếp.
Từ năm 2025, lộ trình tín chỉ điện cho từng nhóm phương tiện được đề xuất rõ ràng, với các mức cắt giảm phát thải CO₂ khác nhau. Bảng lộ trình chia theo dung tích động cơ thể hiện mục tiêu cụ thể, như đối với ô tô con trên 2000cc, lượng CO₂/km cần giảm từ 141,06 xuống 103,94 vào năm 2030. Đây là cơ sở để xây dựng khung pháp lý và giám sát tiến trình chuyển đổi. Thiết lập tỷ lệ tín chỉ tối thiểu hàng năm kiểm soát được phát thải ngay từ khâu thiết kế, sản xuất, và tạo động lực cải tiến công nghệ theo hướng phát triển bền vững. Hình thành thị trường tín chỉ trong lĩnh vực giao thông đặt ra yêu cầu xác lập giới hạn phát thải CO₂ cụ thể cho từng nhóm phương tiện, từ đó xác định mức tín chỉ cần đạt được hoặc giao dịch. Tỷ lệ tín chỉ tối thiểu hàng năm được quy định rõ, tạo khuôn khổ minh bạch và công bằng cho các nhà sản xuất. Hệ thống tạo ra sự phân hóa tích cực, khuyến khích công nghệ sạch phát triển, thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất phương tiện giao thông. Chính sách tín chỉ kép có thể tạo áp lực tài chính trong giai đoạn đầu, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ hoặc người tiêu dùng thu nhập thấp. Tuy vậy, lợi ích dài hạn vượt trội, từ cải thiện chất lượng không khí đến thúc đẩy ngành công nghiệp xanh. Hệ sinh thái công nghệ sạch sẽ phát triển mạnh khi tín chỉ xe điện trở thành tài sản giao dịch được trên thị trường, tạo ra dòng vốn mới, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào trạm sạc, pin tái chế, vật liệu sạch và dịch vụ hậu cần xanh. Việt Nam có thể khai thác tiềm năng của thị trường các-bon bằng cách tích hợp tín chỉ xe điện vào hệ thống giao dịch các-bon quốc gia và quốc tế, tạo nguồn thu mới và tăng sức hấp dẫn của thị trường phương tiện sạch trong nước. Khi được công nhận theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, tín chỉ có thể sử dụng để giao dịch quốc tế, góp phần hội nhập thị trường các-bon toàn cầu.
Tác động xã hội của triển khai LEZs và chính sách tín chỉ kép cần được tính toán kỹ lưỡng. Mặc dù trong ngắn hạn có thể phát sinh chi phí, chính sách lại mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng và cải thiện điều kiện sống. Người dân sẽ có môi trường đô thị lành mạnh hơn, tỷ lệ bệnh tật giảm do ô nhiễm không khí được kiểm soát tốt hơn. Nhận thức cộng đồng được nâng cao, góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Tác động môi trường không thể bỏ qua là vấn đề pin xe điện. Xây dựng cơ chế kiểm soát vòng đời sản phẩm, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), và phát triển công nghệ tái chế pin cần được lồng ghép vào chính sách để giảm thiểu rủi ro mới phát sinh. Làm chủ công nghệ lưu trữ năng lượng và phát triển vật liệu thay thế ít độc hại là yếu tố quyết định trong hành trình đi tới ngành giao thông bền vững.
Triển khai khu phát thải thấp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương. UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần chủ động ban hành quy hoạch LEZs, thiết lập hạ tầng sạc, thúc đẩy xe buýt điện và cấm xe xăng tại các khu vực trung tâm. Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi, từ trợ cấp xe điện, miễn phí trước bạ, đến ưu đãi giá điện. VinFast và các doanh nghiệp trong nước cần được tạo điều kiện tham gia thị trường tín chỉ các-bon, từ đó đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp xe sạch của Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường